Ðảng viên đi trước…
Nước da đen, vóc người chắc khỏe cùng với giọng nói sang sảng đại ngàn là những ấn tượng ban đầu khi chúng tôi gặp ông Kpă Phái, người con của đồng bào Gia Rai. Ông sinh ra và lớn lên ở làng Del, xung phong đi bộ đội chiến đấu để bảo vệ làng bản quê hương, rồi nhiệt tình tham gia công tác xã hội, lăn lộn làm kinh tế ở thời bình cũng bởi "mong cho làng Del thoát nghèo".
Làng Del thuộc xã vùng xa Ia Glai của huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, đất rộng và người thưa, thuở trước nghèo lắm. Nghèo bởi thiên tai đã vậy, nhưng bản làng còn xác xơ bởi địch họa, bởi quân Mỹ - Ngụy tàn phá. Chàng trai Kpă Phái khi ấy cũng như lớp lớp trai tráng của núi rừng Tây Nguyên được giác ngộ cách mạng, hăm hở lên đường gia nhập đoàn quân Bộ đội Cụ Hồ. Vượt bao nhiêu gian khổ, rèn luyện và chiến đấu, người con yêu dấu làng Del ấy đã góp phần vào chiến thắng chung: Giải phóng miền nam – thống nhất đất nước (30-4-1975).
Năm 1981, sau 19 năm phục vụ quân đội, chiến sĩ Kpă Phái phục viên trở về địa phương mang theo trên mình thương tật 4/4 (mức cao nhất). Tuy là thương binh, sức khỏe nhiều phần giảm sút, song được cán bộ và nhân dân tín nhiệm, ông nhanh chóng đảm nhận, kiêm giữ các chức vụ, từ Trưởng công an xã đến Chủ tịch UBND xã rồi Bí thư Ðảng ủy xã. Dù đến tuổi hưu trí, từ năm 2000, về làng Del ông lại được bà con tín nhiệm bầu làm già làng, được tổ chức đảng cử làm Bí thư chi bộ.
Dù đảm trách vị trí công tác nào, để vượt qua những khó khăn, trở ngại phía trước, người cán bộ Kpă Phái luôn nghĩ đến Bác Hồ. Ông tâm sự: "Cả dân tộc ta có một tấm gương vĩ đại là Hồ Chủ tịch, vậy phải soi vào những việc làm, phong cách của Người mà theo. Tôi luôn nhớ lời dặn của Bác, đảng viên đi trước làng nước theo sau". Việc học tập và làm theo gương Bác đã được ông chứng minh trong thực tế.
Nhớ lại giai đoạn đầu cả nước bước vào công cuộc Ðổi mới, làng Del nghèo lắm, cây chủ lực là lúa, nhưng đồng đất cao, giống lúa ngày đó mỗi năm chỉ cấy được một vụ trên nương, gọi là "lúa khô". Bí thư Ðảng ủy xã Kpă Phái ngày đêm trăn trở: Làm sao để cải tạo được giống lúa này? Sau câu hỏi là hành động, vị cán bộ xã mẫn cán ấy đã đi tìm hiểu nhiều nơi, thử nghiệm nhiều giống lúa. Trên chính nương rẫy của gia đình, ông be bờ dẫn nước, chuyển từ trồng lúa khô sang cấy lúa nước. Có lẽ chẳng mấy ai hiểu hết được tâm trạng ông đã vui sướng dường nào khi những vụ lúa nước đầu tiên cho thu hoạch, năng suất cao hơn hẳn giống cũ, lại cho một năm hai vụ. Dân làng Del nhất nhất nghe theo lời ông mà làm, chẳng mấy diện tích lúa đã phủ xanh một vùng cao nguyên, đến kỳ thu hoạch trải vàng nương rẫy.
"Trồng lúa thì đỡ đói, nhưng khó làm giàu", nghĩ thế, ông Kpă Phái lại nghiên cứu chuyển đổi thử nghiệm trồng cây công nghiệp. Năm 1997, hơn ba trăm gốc cà-phê đầu tiên được trồng, vài năm sau số lượng đã tăng lên vài nghìn cây. Ông cùng vợ và các con còn mở rộng kết hợp mô hình kinh tế trang trại vườn-ao-chuồng. Những năm gần đây trồng thêm vài héc-ta hồ tiêu, nâng thu nhập của gia đình mỗi năm lãi được vài trăm triệu đồng. Cứ mỗi lần tiên phong làm thử nghiệm việc gì, thấy có hiệu quả ông mới truyền đạt chia sẻ cho mọi người cùng làm. Cứ thế, với lòng chịu thương vượt khó cùng những giọt mồ hôi mặn mòi của những người dân, làng Del và một vùng Tây Nguyên dần khởi sắc.
Cái gốc là tinh thần đoàn kết
Dịp chúng tôi về làng Del mới đây đúng độ hoa cà-phê rộ nở phủ trắng núi đồi, hứa hẹn một mùa bội thu. Thế nhưng, cũng mới thôi, làng Del còn chịu nỗi buồn chung vì cây hồ tiêu bị chết (do hạn, rồi mưa, và cả đủ thứ bệnh). Còn may, ở đây, bà con biết trồng xen canh, đa canh nên không có hộ nào thiệt hại quá lớn. Mất hồ tiêu thì còn cà-phê, còn lúa… Ðược bà con chia sẻ, chúng tôi hiểu rằng, để vượt qua được khó khăn này là nhờ sự đoàn kết, nhờ niềm tin vào hướng dẫn, vào các biện pháp khắc phục khó khăn của cán bộ địa phương, trong đó có già làng Kpă Phái.
Cùng với việc đi trước làm gương, ở cương vị Bí thư chi bộ nhiều năm, có nhiều việc già Kpă Phái phải làm nghiêm để giữ vững an ninh – trật tự địa phương. Ðơn cử một việc mà bà con hay nhắc nhớ: Cấm thả rông trâu, bò. Kể cũng lạ, giữa cao nguyên mênh mông này lại cấm trâu, bò thả rông được ư? Chẳng là, trước đây vườn tược mọi nhà đều không rào dậu, người dân thiếu ý thức cứ bỏ mặc trâu, bò phá phách. Già Kpă Phái ra quy định gia đình nào để chăn thả trâu, bò mà làm ảnh hưởng, thiệt hại đến sản xuất, sinh hoạt thì sẽ bị phạt. Ban đầu nhiều người cự lại không chấp hành, sau khi nghe phân tích, rồi chính già ra lệnh xử phạt nghiêm một vài trường hợp, vậy là người dân tin theo.
Người dân làng Del quý mến, ví già như "thủ lĩnh tinh thần" luôn tiên phong trong chuyện vượt khó làm giàu, nuôi dạy con cái nên người, động viên các cháu thanh niên nhập ngũ, góp sức bảo vệ và dựng xây Tổ quốc. Người thủ lĩnh ấy hiện là đảng viên cao tuổi nhất của làng và cũng là cầu nối giữa Ðảng, chính quyền và nhân dân.
Chúng tôi hỏi: Già sẽ còn công tác tiếp chứ? Già Kpă Phái cười hiền: "Trông thế thôi, chứ mắt kém tai điếc rồi. Ðã nhiều lần tôi xin thôi chức để anh em trẻ hơn họ làm". Ðợt đại hội vừa qua, các cán bộ cấp trên vẫn động viên, già Kpă Phái tham gia công tác để giữ tinh thần, bởi bà con tin, già cầm cương, còn công việc thì giao anh em triển khai. Nhắc đến già Kpă Phái, chúng tôi cũng được Ban Tuyên giáo Huyện ủy Chư Sê và các đồng chí lãnh đạo xã Ia Glai ghi nhận, rằng đồng chí là một điển hình tích cực của địa phương, xứng đáng là một tấm gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.