BÀI DỰ THI "HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH"

Vì cuộc sống bình yên

Đại tá Triệu Văn Điện được nhiều đồng nghiệp gọi là "Quả đấm thép" của Công an Lạng Sơn nhờ đánh án chính xác và tóm bắt nhanh đối tượng. Anh từng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ bảo vệ biên giới phía bắc năm tròn 21 tuổi - khi đang là một chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát cơ động.

Đại tá Triệu Văn Điện (bên phải) ngoài dùng trí còn lấy nhân tâm thu phục lòng người. Ảnh Tư liệu Công an Lạng Sơn.
Đại tá Triệu Văn Điện (bên phải) ngoài dùng trí còn lấy nhân tâm thu phục lòng người. Ảnh Tư liệu Công an Lạng Sơn.

Khắc tinh của tội phạm

Dáng người cao lớn, giọng nói điềm đạm, Đại tá Triệu Văn Điện tạo cho người đối diện cảm giác vừa uy dũng, nhưng vừa gần gũi, chân tình. Sau khi được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, anh tiếp tục theo học ở trường Đại học Cảnh sát nhân dân, tốt nghiệp trở về công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn. Đó là những năm 90 của thế kỷ trước, đúng thời điểm người dân xứ Lạng đang sống trong nỗi ám ảnh về những băng nhóm chuyên cướp bóc của cải. Đại tá Triệu Văn Điện khi đó được tín nhiệm giữ chức Đội trưởng, trực tiếp chỉ huy tác chiến đưa ra những phương án tối ưu nhất để tiêu diệt tận gốc băng cướp đang nổi lên do Trần Quốc Yên cầm đầu. Sau những ngày mật phục tại ngã tư đường rẽ đi Đồng Đăng kiểu "điệu hổ ly sơn", toàn bộ băng cướp mà Trần Quốc Yên cầm đầu đã rơi vào trận địa mai phục. Bọn cướp bắn trả quyết liệt, tên đầu sỏ tháo chạy vào hang đá sâu lẩn trốn. Các trinh sát dùng lựu đạn cay, thậm chí sử dụng B40 bắn vào hang nhưng hắn vẫn không chết, còn bắn trả ráo riết. Đội trưởng Điện đeo mặt nạ phòng chống độc cùng hai đồng nghiệp xông thẳng vào hang. Sau nhiều giờ đấu súng cam go, Trần Quốc Yên cùng băng cướp bốn tên đã bị tiêu diệt.

Nổi tiếng là một cảnh sát hình sự giỏi nghề, với khả năng bắn súng hai tay, Đại tá Điện được mệnh danh là "khắc tinh của tội phạm". Một băng nhóm chuyên cướp của, giết người bằng vũ khí nóng, khuấy đảo vùng biên đoạn đi qua Quốc lộ 1B do Hoàng Văn Chung (tức Choón) cầm đầu được Công an Lạng Sơn chỉ đạo phá án, anh Điện tiếp tục dẫn đầu trận đánh. Choón là tên cướp vừa bắn súng tài lại giỏi võ, hắn chạy trốn nhanh như sóc. Nhận định mức độ nguy hiểm của toán cướp, anh Điện chỉ huy các mũi trinh sát kiên trì mai phục, lần tìm dấu vết tội phạm với mục tiêu cao nhất là bảo toàn lực lượng. Sau sáu tháng thực hiện chuyên án, mật phục truy bắt, tên Choón và gần 30 tên cướp của băng nhóm bị tóm gọn, các cánh hỗ trợ băng cướp cũng bị cắt đứt. Với chiến công sau hai chuyên án này, anh Điện hai lần được phong quân hàm vượt cấp. Nhưng như anh nói, niềm vui lớn nhất chính là mang lại sự bình yên cho quê hương xứ Lạng, ở những nơi suốt một thời gian dài bọn cướp hoành hành, người dân chưa đến tối đã đóng chặt cửa, không dám ra ngoài, sống trong nỗi lo âu, sợ hãi.

Lấy tâm thu phục lòng người

Đại tá Triệu Văn Điện (sinh năm 1959) hiện là Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn. Ngoài những vụ bắt tội phạm bị truy nã được thực hiện quyết liệt, ở cương vị này, bản lĩnh dũng cảm cùng sự chân thành mộc mạc trong tính cách đã giúp anh tạo được sức cảm hóa lớn, vận động các đối tượng ra đầu thú. Trong nhiều lần vận động đối tượng đầu thú thành công, anh không thể quên trường hợp Đào Thị Minh Huệ, đối tượng tham gia vào một đường dây ma túy xuyên quốc gia. Nắm được thông tin Huệ mang trong người căn bệnh thế kỷ, anh Điện dùng sức ép tâm lý với Huệ là rất có thể xã hội đen sẽ thanh trừng để bịt đầu mối. Đồng thời anh dùng tình cảm phân tích để gia đình Huệ thấy rằng việc cần thiết vận động con mình ra đầu thú để được chữa bệnh. Qua nhiều lần vận động, gia đình Huệ đã thuyết phục đưa con gái ra đầu thú.

Ngoài mưu trí, anh Điện và các đồng nghiệp còn "lấy nhân tâm thu phục lòng người", khuất phục được nhiều đối tượng bị truy nã ra quy hàng. Tạ Văn Giai, bị bắt giam về tội trộm cắp, đã bẻ cửa sổ trốn ra ngoài rồi vượt biên đi làm thuê ở xứ người suốt 10 năm. Quãng thời gian ấy, bố mất, nhà chỉ còn mẹ già và chị gái, khiến Giai lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Nắm bắt được tâm lý ấy, anh Điện đến gặp gia đình Giai rồi đích thân anh viết cho đối tượng một bức thư, trong đó phân tích về đạo làm con, thông qua chị gái Giai chuyển đến tay anh ta. Giai đã trở về quê hương sau khi nhận lá thư. Đón đối tượng, anh Điện đã chở Giai về nhà thắp hương cho bố, ăn bữa cơm tối cùng mẹ và chị gái trước khi đưa về trại tạm giam. "Với một số đối tượng truy nã, chúng tôi có thể bắt giữ luôn, khỏi tốn công sức đi lại vận động. Thế nhưng, nếu để đối tượng tự ra đầu thú, bản án sẽ nhẹ hơn rất nhiều, đó là cách chúng tôi mong muốn giúp đối tượng nhận được sự khoan hồng của pháp luật, giúp họ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình", Đại tá Điện tâm sự.

Với tình người ấm áp như thế, Đại tá Triệu Văn Điện được nhiều người dân xứ Lạng quý mến gọi anh một cách thân mật "Công an Điện". "Là người gần gũi với nhân dân, góp phần bảo vệ bình yên cuộc sống của người dân vùng biên, anh Điện trước - nay luôn giữ được cốt cách của người Anh hùng", bà Đỗ Ngọc Mai, nguyên là biên tập viên Phòng Biên tập xuất bản Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, có gần 10 năm viết về ngành Công an nhận xét: "Anh dũng trong thời chiến, dũng cảm trong thời bình, kinh qua nhiều cương vị khác nhau, Đại tá Triệu Văn Điện luôn giữ được phẩm chất của người lính với bản lĩnh kiên cường, luôn đi đầu trong trận tuyến, với cái tâm trong sáng và không hề tư lợi".