Chuyện về "vua diệt chuột"

Những tìm tòi, sáng kiến giúp cải tiến chiếc bẫy diệt chuột thông thường trở thành công cụ bảo vệ cánh đồng lúa đầy hiệu quả đã khiến ông Trần Quang Thiều, người từng bị coi là "chuột ám" trở thành"vua diệt chuột". Mỗi bước chân đến một vùng miền, ông giám đốc "xắn quần lội ruộng" ấy đều dốc sức dốc lòng giúp bà con gia tăng giá trị canh tác.

Ông Thiều (bên trái) bên ''chiến lợi phẩm'', tiêu diệt loài chuột lạ phá hại cây sâm Ngọc Linh.
Ông Thiều (bên trái) bên ''chiến lợi phẩm'', tiêu diệt loài chuột lạ phá hại cây sâm Ngọc Linh.

Tâm đắc với việc làm "vì dân" Quả thực, nếu đối chiếu với những lời căn dặn "Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ..."(Trích "Thư gửi nông dân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 2-1951) thì lão nông Trần Quang Thiều sống tại thôn Bình Vọng, xã Văn Bình (Thường Tín, Hà Nội) là một chiến sĩ đích thực trên mặt trận nông nghiệp với những đóng góp không hề nhỏ.

Hành trình trở thành "vua diệt chuột" độc nhất vô nhị, được cấp Bằng sáng chế của ông Thiều cũng vô cùng thú vị.

Chẳng là, vào năm 2000 ông Thiều được dân tín nhiệm, bầu làm Đội trưởng sản xuất nông nghiệp thôn Bình Vọng. Thời điểm đó, Bình Vọng được huyện Thường Tín giao trồng thí điểm một giống lúa siêu nguyên chủng có năng suất cao. Ấy thế nhưng, cứ bắt đầu gieo cấy trên đất của Bình Vọng là bị đàn chuột đồng tàn phá. Lượng thóc gieo ra ruộng 10 phần thì chuột ăn mất gần nửa.

Thấy vậy, vị đội trưởng sản xuất lập tức đạp xe ra thị trấn mua đủ các loại bẫy rồi bả thuốc, rải ở khắp ruộng nhằm triệt hạ loài vật phá hại.

Nhưng đều không đạt hiệu quả mong muốn. Sau nhiều lần quan sát, ông Thiều thấy chuột chạy vào bẫy rầm rập mà bẫy không sập, hoặc có sập cũng không dính chuột.

Cay cú với "anh Tý", ông Thiều liền vận dụng hết lượng kiến thức chưa tới... lớp bảy của mình để cải tiến loại bẫy bán nguyệt dùng mồi thông thường sang loại bẫy không cần mồi.

Một thời gian dài mày mò tìm cách cải tiến đến nỗi quên ăn quên ngủ, có người cho rằng, ông Thiều bị chuột "ám" đến mức gàn dở.

Bỏ ngoài tai tất cả, ông vẫn quyết tâm tìm ra điểm yếu để tạo điểm mạnh cho chiếc bẫy thép, và cuối cùng cho ra đời một loại bẫy thép hình bầu dục. Loại này khác nhiều so với các dụng cụ săn bắt chuột đang lưu hành trên thị trường, được tạo thêm khấc định vị, quả đối trọng và không sử dụng mồi nhử. Trong lần thử nghiệm đầu tiên chiếc bẫy đã phát huy hiệu quả. Vụ mùa sau, tình trạng phá hại đã giảm đến 95%.

"Bẫy chuột ông Thiều" làm hội thảo quốc tế bất ngờ Sau thành công ấy, nhiều bà con nông dân đến tìm ông Thiều... mua bẫy. Khách đến đều được ông "giao ước": Nếu chuột phá hại từ 5 m 2 trở lên sẽ đền 200 kg thóc. Bù lại, mỗi sào ruộng ông "quét" chuột sạch sẽ chỉ lấy đủ 5 kg thóc. Mạo hiểm nhận phần rủi ro về mình, vậy mà từ ngày đó đến nay ông vẫn chưa phải đền cho ai một hạt thóc nào. Ông Thiều khẳng định: "Với loại bẫy bán nguyệt diệt chuột dùng mồi, người đặt giỏi nhất chỉ đạt 40 chiếc/đêm nhưng dùng loại của tôi mỗi đêm có thể đặt được 100 chiếc".

Nhận thấy nhu cầu diệt chuột của nông dân rất lớn, nếu mở công ty phát triển rộng cách thức bẫy chuột sẽ có lợi cho bà con rất nhiều. Nghĩ là làm, năm 2006, ông Thiều đã thành lập công ty chuyên diệt chuột mang tên "Vua chuột Trần Quang Thiều". Tiếp đó ông mở thêm nhiều chi nhánh trong cả nước, với phương châm "lấy công làm lãi", mục đích là làm lợi cho dân.

Giờ ở tuổi hơn 60, nhưng ông Thiều vẫn hăng hái làm việc giúp ích cho đời. Mỗi lần đi cơ sở địa phương, ông đều phăm phăm ra đồng, quần xắn quá gối để hướng dẫn, giảng cho nông dân cách đặt bẫy sao cho hiệu quả. Ông Thiều khẳng định: "Trước khi làm thầy phải làm thợ đã, tất cả sẽ cùng ra đồng. Sau giờ giảng của tôi, ngày mai khi ra đồng các bác nông dân nhà ta thấy hiệu quả thì chính những người nghe tôi giảng sẽ phải làm thầy hướng dẫn diệt chuột cho những người khác.

Tôi giảng miễn phí không lấy một đồng nào, không ăn hạt gạo nào của người dân".

Còn nhớ, năm 2012, trong một cuộc hội thảo quy tụ nhiều nhà nghiên cứu về đặc tính phá hại của chuột, tổ chức tại Nam Ninh (Trung Quốc), trước hàng trăm giáo sư, nhà nghiên cứu quốc tế, lão nông Trần Quang Thiều đã ghi một dấu ấn đặc biệt. Trong khi các nhà nghiên cứu, quốc tế khẳng định: "Chuột là loài động vật tinh khôn, nếu một con sập bẫy hoặc ăn bả chết thì những con khác sẽ nhận được tín hiệu để tránh". Nghe xong điều ấy, ông Thiều đứng lên, dõng dạc nói: "Khác với những nhà nghiên cứu, người nông dân Việt Nam chúng tôi khẳng định có thể diệt được loài chuột. Vì sao ư? Vì chúng tôi biết con chuột nó đi đến đều để lại dấu vết đến đó từ dấu chân, dấu phân, vệt cắn, đường mòn, lối mòn... Con chuột dính bẫy không mồi bởi vì chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ thói quen, đặc tính của chúng". Tiếp đó, ông đã diễn giải những lý lẽ bằng chính thực tế công việc ở Việt Nam, khiến các nhà khoa học nước ngoài thán phục.

Năm vừa rồi, ông Thiều đi ngược xuôi khắp dải đất miền trung để diệt chuột. Đến mảnh đất Hải Lăng (Quảng Trị), ông thấy việc cấy hái của nông dân hầu như thua lỗ, nguyên nhân một phần do chuột nhưng phần khác bởi họ gieo sạ quá dày. Ông đã hướng dẫn họ công thức gieo sạ, đồng thời hướng dẫn cách diệt chuột. Quả nhiên, khi những hướng dẫn của ông được đưa vào sử dụng, bà con nông dân ở Hải Lăng không chỉ tiết kiệm được nhiều tiền công đầu tư giống, đỡ mất công tỉa, dặm mà còn có kiến thức, kỹ năng đề phòng chuột phá hại mùa màng. Dù đi đâu cũng được gọi vui với cái tên "vua diệt chuột", nhưng lúc nào ông cũng cười xòa đáp: "Tôi vẫn là anh nông dân lấy hết sức mình mà cống hiến, làm lợi cho bà con nông dân mà thôi".

"Vua diệt chuột" Trần Quang Thiều đang nung nấu dự định xuất bản rộng rãi cuốn "Giáo trình diệt chuột", đúc kết toàn bộ kinh nghiệm, hiểu biết của ông về loài chuột cũng như cách diệt chuột để giúp nông dân khắp mọi miền đất.