Bài dự thi "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

Người đi xây bờ xôi ruộng mật

Mọi người thường gọi thân mật ông Ðàm Văn Nhợi, sinh năm 1951, người dân tộc Nùng, là "già làng". Làm Trưởng thôn, rồi Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Ðồng Thủy, xã Hương Sơn (Lạng Giang, Bắc Giang) ông đã dành nhiều tâm sức giúp người dân nơi đây chuyển đổi cách làm ăn, nâng cao hiệu quả kinh tế, biến nhiều mảnh đất hoang thành bờ xôi, ruộng mật...

Thành công với giống thanh long mới trồng thử, ông Nhợi dự định sẽ cùng bà con nhân rộng.
Thành công với giống thanh long mới trồng thử, ông Nhợi dự định sẽ cùng bà con nhân rộng.

Người con xóm núi

Còn nhớ, cụ thân sinh ra ông Nhợi một lần về thăm người họ hàng ở xóm núi Ðồng Thủy nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ, người vẫn thưa vắng đã quyết định chuyển cả gia đình từ Hữu Lũng (Lạng Sơn) về sinh cơ lập nghiệp. Tuổi thơ của ông từ đó gắn bó với những cánh rừng lim, rừng dẻ bạt ngàn bên dãy Bảo Ðài.

Với bản tính chịu khó, ông Nhợi thuộc thế hệ những người đi đầu trong công cuộc phát triển kinh tế trên mảnh đất xóm núi này, bao nhiêu gian khó của buổi đầu mở đất ông đều đã trải. Trước khi được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, ông từng là công an viên, là người phụ trách tài chính trong HTX Hương Sơn. Suốt 20 năm làm công tác thôn bản, ông đã dẫn dắt, tuyên truyền bà con dân tộc mình biết các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mảnh đất Ðồng Thủy nảy lộc đâm chồi tươi tốt như hôm nay.

Nhắc lại những chuyện xưa, "già làng" Nhợi với giọng khỏe khoắn mà ấm áp: "Ở trong vùng sâu vùng xa này, việc thâm canh sản xuất khổ nhất là thiếu nước. Tôi rất nhớ tới công lao của Chủ nhiệm HTX, là ông Nguyễn Văn Dư. Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, HTX Hương Sơn đã quyết định cho xây hai đập nước để phục vụ việc tưới tiêu cho đồng ruộng".

Ngày đó, đường chưa thành lối mòn nhiều như bây giờ, lên rừng, lên núi phải bạt cây mở đường, phải vận chuyển vật liệu vào sâu khu xây đập bằng cả sức người và sức kéo của trâu bò. Bà con không ai quản ngại đều ra sức góp công. Khi con đập nước hoàn thành thì từ đó mọi việc canh tác trên đồng ruộng cũng thuận lợi. Với trữ lượng nước ở đây, những thửa ruộng một vụ có thể canh tác được hai vụ.

Trở thành vựa lúa của xã

Làm Trưởng thôn từ năm 1990, ông Nhợi suy nghĩ rất nhiều khi đời sống đồng bào mình nơi khe núi chỉ trông chờ vào những thửa ruộng nhỏ, chẳng biết bao giờ mới khấm khá. Bắt đầu năm 1996, Nhà nước có dự án phát triển kinh tế đồi rừng để xóa đói giảm nghèo trên 150 ha toàn xã Hương Sơn, ông đã mạnh dạn nhận khoán 50 ha rừng trồng cho bà con trong thôn.

Tiềm năng kinh tế về đồi rừng ở Ðồng Thủy là một thế mạnh và Trưởng thôn Ðàm Văn Nhợi lại là người dám nghĩ dám làm nên hai năm tiếp theo (1997-1998), ông lại cùng bà con trong thôn nhận tiếp dự án trồng rừng PAM. Mỗi héc-ta rừng trồng, ngoài cây giống, bà con được hỗ trợ thêm ba tạ gạo để trông coi. Lúc đó, phần lớn các hộ trong thôn đều nhận đất để trồng rừng. Ðồng Thủy đã tạo nên một phong trào trồng cây gây rừng với 174 ha. Thành quả ấy được thu hoạch vào năm 2005-2006, từ rừng keo có những hộ thu nhập 200 triệu đồng như ông Thìn, ông Kèn...

Cũng phải nói rằng, việc xây dựng cánh đồng mẫu trên thôn Ðồng Thủy cũng khiến già làng Nhợi mất nhiều thời gian đi học hỏi nhiều nơi. Từ năm 2009 đến nay, khi ông nhận những dự án trồng dưa bao tử, khoai tây cho bà con, ngoài việc tiếp thu những kiến thức của cán bộ về tập huấn cây trồng, ông Nhợi cũng cất công xuống tận những chân ruộng dưa của những xã lân cận để học hỏi thực tế rồi về truyền đạt lại cho bà con cùng triển khai.

Ðồng Thủy có 354 ha đất tự nhiên, trong đó có 74 ha đất cấy lúa, là một thôn đông dân với 324 hộ, 1.498 khẩu, 98% đồng bào dân tộc Nùng, nhưng chỉ còn 12,3% hộ nghèo. Nay Ðồng Thủy không những đã trở thành một vựa lúa của xã Hương Sơn với những cánh đồng mẫu cho năng suất cao mà còn là nơi đến của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc để tìm hiểu phong tục tập quán đồng bào dân tộc Nùng trong đời sống mới. Cho dù cuộc sống có sự giao thoa giữa các tộc người, nhưng người Nùng ở Ðồng Thủy vẫn giữ gìn được những bản sắc truyền thống đẹp của ông cha để lại, đồng thời bài trừ những cái xấu, cái sai không thiết thực với đời sống.

Ở tuổi ngoài 60, "già làng" Nhợi vẫn cảm thấy nhiệt huyết xây dựng thôn bản luôn cháy trong tim mình. Ông không hề ngại khó ngại khổ, chỉ sợ bà con không đồng lòng. Vào năm 2013, do bị tai biến khiến sức khỏe giảm sút, ông xin rút khỏi vị trí trưởng thôn. Năm 2014 là năm có nhiều đổi mới và thử thách tiếp với bà con Ðồng Thủy, đó là chương trình dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn lấy một thôn ở xã Hương Sơn làm điểm. Anh Hoàng Văn Lằn, trưởng thôn lên thay ông Nhợi, đang rất băn khoăn với chương trình này, bởi với xu thế chung, nhiều người trong thôn đã đi làm ăn xa, đi buôn bán, giới trẻ lại vào các công ty, nhà máy làm công nhân, để lại đồng ruộng rộng mênh mông. "Già làng" Nhợi đã động viên trưởng thôn Lằn, không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Trong vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trận của thôn Ðồng Thủy, "già làng" tiếp tục là người cổ vũ tinh thần cho nông dân bám đất, phát triển kinh tế rừng trồng, xây dựng cánh đồng mẫu nơi khe núi này.

Hơn 20 năm làm trưởng thôn, ông Nhợi đã cùng bà con nhận đất trồng rừng, cải tạo đồng ruộng thành một điểm sáng về phát triển nông nghiệp. Ông trở thành tấm gương sáng trong vai trò người có uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số.