Lòng chưa an khi thấy dân còn nghèo

Hăng hái và tích cực làm việc, ông Nguyễn Trọng Hảo - Trưởng ban quản lý các Khu kinh tế Kon Tum là tấm gương sáng về một lãnh đạo luôn đau đáu, giúp đỡ người dân nghèo. Hơn thế, ông cũng giúp cho các khu kinh tế Kon Tum có nhiều khởi sắc.

Ông Hảo (bên phải) đi thị sát công trường ở cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Ông Hảo (bên phải) đi thị sát công trường ở cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Bài toán cho kinh tế

Làm Trưởng ban quản lý các Khu kinh tế tỉnh Kon Tum nhưng rất ít khi thấy ông Hảo ngồi trong phòng làm việc. Ngay cả những ngày đã cận Tết Ất Mùi, bước chân ông vẫn tất tưởi trên các khu công nghiệp, khu cửa khẩu Bờ Y. Ông bộc bạch: "Thấy mỗi khu công nghiệp hoạt động yếu, thu hút được ít công nhân địa phương là lòng đau lắm. Bởi công nghiệp và kinh tế không phát triển thì cũng đồng nghĩa với việc dân địa phương ít thu nhập, sẽ nghèo".

Ông Hảo khẳng định, muốn phát triển kinh tế phải dựa vào công nghiệp. Trăn trở vì đời sống nhân nhân, là đảng viên gương mẫu, ông Hảo luôn thao thức nghiên cứu ra nhiều cách kêu gọi nhà đầu tư đến với tỉnh nhà. Và không có cách gì khác là phải tạo ra một cơ chế thông thoáng. Vừa phác thảo ra những phương hướng mới ông vừa công khai số điện thoại của mình để các doanh nghiệp liên hệ thuê đất, làm thủ tục, hồ sơ thuận tiện nhất. Ông lý giải: "Mình đang cần doanh nghiệp nên công bố cả số điện thoại di động của người đứng đầu để tránh trường hợp cấp dưới nhiễu nhương". Ông Hảo lại tham mưu các cơ quan chức năng giảm thuế, giảm tiền thuê đất và nhiều chi phí khác cho các doanh nghiệp. Theo đó, ông luôn quán triệt các nhân viên, giải quyết được gì là phải làm ngay, không tỏ thái độ vòi vĩnh. Đồng thời cơ quan ông xác định phương châm: nhanh chóng -tận tình - thông thoáng. Ông Hảo khẳng định nếu phát hiện cán bộ gây khó dễ cho doanh nghiệp, sẽ đề nghị kỷ luật ngay.

Thực tế, Kon Tum là một tỉnh còn nghèo, trọng trách của ông vì thế nặng nề hơn. Có tháng ròng rã ông không về nhà mà thường trực triền miên ở công trường. Ông bảo, mình kêu gọi, có mặt mình thì các nhà đầu tư họ sẽ hăng hái và nể hơn. Với lại mình giám sát trực tiếp, sai đâu thì chỉnh đó chứ không ngồi ở phòng mà nghe báo cáo được.

Phong cách làm việc nghiêm túc ấy luôn mang lại hiệu quả cao. Với sự tích cực của mình, ông Hảo đã giúp nhiều doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn, đặc biệt nhiều khu công nghiệp (KCN) khởi sắc, giúp cho nhiều con em địa phương có công ăn việc làm. Tiêu biểu là Hòa Bình (thuộc địa bàn thành phố Kon Tum) và khu cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi).

Mấy năm trước, KCN Hòa Bình lèo tèo vài doanh nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo quanh vùng chiếm 39%. Ông Hảo chạy đôn đáo xin các công văn, các cơ chế nới rộng ưu đãi sau đó trực tiếp gõ cửa và thuyết phục các doanh nghiệp đầu tư. Nhà máy mọc lên, con em địa phương được thu nhận vào làm việc, có thu nhập ổn định. Chẳng mấy chốc tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 12%. Từ chỗ lèo tèo đến nay khu công nghiệp Hòa Bình đã có hơn hai chục doanh nghiệp hoạt động vững mạnh. Những căn nhà kiên cố liên tục mọc lên khiến ông Hảo vui như được mùa.

Với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, ông Hảo tham mưu xin đưa về cho tỉnh quản lý. Cũng từ đó, ngày nào ông cũng nghiền ngẫm cách tạo đột phá cho vị trí quan trọng này. Ông Hảo tâm sự: "Có lúc nhìn nhân dân quanh biên giới còn ăn không no, tôi cũng ngủ không yên được. Khi xác thực thấy chỉ số kinh tế ở Kon Tum có vấn đề, đặc biệt là liên quan đến hoạt động của bộ phận một cửa, lòng tôi như có lửa đốt. Trước thực trạng bộ phận một cửa của các cơ quan trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang hoạt động không hiệu quả khi mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với hoạt động của bộ phận này đều dưới 50%, tôi cũng đã tham mưu cải cách thủ tục sao cho nhanh gọn, tiết kiệm thời gian".

Chưa hết trăn trở

Đến thăm cửa khẩu quốc tế Bờ Y có TS Nguyễn Đức Long (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ông Long chia sẻ, bốn năm trước, khi đặt chân lên vùng biên giới này làm chuyên đề nghiên cứu, nhiều đoạn đường còn phải cuốc bộ, rừng rậm và đất đỏ nhão nhoẹt. Khi ấy, chúng tôi chỉ mong sớm có đường rải đá kiên cố cho xe u-oát chạy đã là tốt lắm rồi. Vậy mà giờ đây, mọi thứ đã đổi thay.

Để có một diện mạo Bờ Y đổi thay như hôm nay, những năm qua địa phương đã thực hiện linh hoạt việc liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước, với một quyết tâm rất cao nhằm vực dậy vùng biên giới giàu truyền thống trong đấu tranh cách mạng. Có được thành quả ấy là đóng góp không nhỏ của ông Hảo. Ghi nhận tấm lòng và công lao ấy, ông Y Mang - Già làng xã Đắk Mế (huyện Ngọc Hồi) tâm sự: "Có lần thấy dân nghèo, không có việc làm ông Hảo buồn thiu rồi hứa chắc như đinh là năm sau sẽ khác. Vậy là khác thật, hàng chục doanh nghiệp đã được người đảng viên gương mẫu ấy kéo về, dân được nô nức vào nhà máy làm việc mang tiền về cho gia đình.

Nói gì thì nói, người dân nhiều khu vực vẫn còn nghèo. Nhận biết điều đó từ rất sớm, ông Hảo như tự thấy mình có một phần trách nhiệm đối với người dân. Cũng bởi những cuốn sách mà ông Hảo đã đọc, những lời dạy của Bác Hồ luôn thôi thúc ông làm việc, với mục tiêu việc gì có lợi cho dân thì phải làm thật tốt. Nhìn vài khoảnh đất trống còn sót lại ở Bờ Y, ông quả quyết: Dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu, một khi quyết tâm đều có thể chế ngự được. Khu đất trống kia chẳng lâu nữa sẽ mọc lên những nhà máy, xí nghiệp, điều đó cũng đồng nghĩa với việc không ít lao động địa phương sẽ vào đó làm việc.

Đó là một sự khẳng định, cũng là một quyết tâm của vị cán bộ gương mẫu. Trên khuôn mặt ông, tôi vẫn thấy hằn lên những trăn trở vì công việc. Còn nhớ có lần vì bận việc, xe lại hỏng nên bỏ lỡ một cuộc hẹn với một nhà đầu tư, để vị đó bỏ đi, ông Hảo ân hận, đã buộc mình phải cố gắng tìm nhà đầu tư khác. Bởi, chính những nhà đầu tư tâm huyết sẽ tạo ra sự khởi sắc của các KCN. Từ đó người lao động có thêm việc làm, đời sống cư dân ổn định. Mỗi một hộ dân có đời sống ấm no, thì đó cũng là niềm vui của vị cán bộ hết lòng vì công việc này.