Bài viết tham dự cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn (Nhân đọc Tầm nhìn và nhân văn Hồ Chí Minh)

Nhà văn, nhà báo, nhà giáo Lê Xuân Đức là một người dành cả cuộc đời để nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Từ văn thơ đến tư tưởng, con người, với bộ sách Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh, Tầm nhìn và nhân văn Hồ Chí Minh (NXB Chính trị quốc gia),... cùng với hơn 20 cuốn sách khác về Hồ Chí Minh và nhiều bài giảng, bài nói về Hồ Chí Minh tại một số trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và nước ngoài,... ông xứng đáng là một trong những nhà Hồ Chí Minh học xuất sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn (Nhân đọc Tầm nhìn và nhân văn Hồ Chí Minh)

Nhà văn Lê Xuân Đức (1939-2022), quê xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, được phân công về giảng dạy tại Trường đại học Sư phạm Vinh, bộ môn Lý luận. Tôi quen biết ông từ những ngày đó và thường gọi ông là "Tiểu Nhị" (Hoàng Xuân Nhị nhỏ) vì ông là người say mê bình thơ Hồ Chí Minh. Nói đến thơ Bác là ông quên hết mọi điều…

Một người hoạt động văn nghệ, được giới thiệu và trúng cử Đại biểu Quốc hội (Khóa VIII), Vụ trưởng Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Văn phòng Quốc hội chứng tỏ một khía cạnh khác ở con người ông: Sự nghiêm túc.

Kính yêu Bác và say mê, dành hầu hết thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về thơ văn và con người của Bác, cộng với lao động cần cù, nghiêm túc, ông có nhiều thành công là một điều dễ hiểu.

Dịch giả Eva Muckova, người dịch tác phẩm Ngục trung nhật ký - Thẩm bình của Lê Xuân Đức sang tiếng Slovakia, từng có nhiều thời gian làm việc với ông, đánh giá: "Nhà văn Lê Xuân Đức là một nhà Hồ Chí Minh học đáng kính". Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiều nhiệm kỳ, viết: "Nhà văn Lê Xuân Đức, chuyên gia hàng đầu về văn thơ Hồ Chí Minh. Một nhà văn giàu tâm huyết, đã có nhiều tác phẩm cống hiến cho đất nước".

★★★

Tầm nhìn và nhân văn Hồ Chí Minh được xuất bản sau khi tác giả Lê Xuân Đức qua đời. Có thể nói, đây là một tác phẩm có giá trị đặc biệt trong việc làm cho chúng ta hiểu Bác hơn về con người, về tầm nhìn chiến lược, về ứng xử thường ngày... giúp chúng ta yêu Bác hơn, hiểu Bác hơn, tin tưởng hơn trong việc đi theo con đường Bác Hồ đã chọn, thúc đẩy cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"- một động lực thật sự để toàn Đảng, toàn dân đoàn kết một lòng, phấn đấu xây dựng nước ta sớm thành một nước phát triển, sánh vai với cường quốc năm châu như lời căn dặn và mong mỏi tha thiết của Bác Hồ.

Tầm nhìn và nhân văn Hồ Chí Minh là một tập sách dày dặn, gần 500 trang khổ 16x24; gồm ba phần: Tầm nhìn Hồ Chí Minh, Nhân văn Hồ Chí Minh và Kết luận, những điều rút ra để đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tác giả có chủ đích và công trình có giá trị lý luận, giá trị thực tiễn cao.

Không ai có thể đi đến tận cùng những giá trị tư tưởng, giá trị nhân văn Hồ Chí Minh trong một nghiên cứu dù độc lập hay dù cả một tập thể. Không phải những kiến giải của Lê Xuân Đức lúc nào cũng đạt đỉnh hàng đầu; nhưng cả cuộc đời yêu Bác, nghiên cứu về Bác của ông là một cuộc đời trong sáng và đẹp đẽ. Riêng tôi, rất cảm phục ông, tiếp nhận được nhiều điều bổ ích từ những công trình nghiên cứu của ông.

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn (Nhân đọc Tầm nhìn và nhân văn Hồ Chí Minh) ảnh 1
Nhà văn Lê Xuân Đức (1939-2022)

Nói về tầm nhìn, tính nhân văn Hồ Chí Minh, sự nghiệp Hồ Chí Minh, những nhà khoa học, những bạn bè quốc tế đã có nhiều ý kiến xác đáng. Nhà thơ Viên Ưng (Trung Quốc) gọi Bác là bậc "đại trí, đại dũng, đại nhân". Nhà thơ, nhà văn hóa số một Trung quốc thời hiện đại Quách Mạt Nhược gọi Bác là "Kỳ nhân": "Một trăm bài thơ (Nhật ký trong tù) hầu hết bài nào cũng đều toát ra hết sức sinh động hình ảnh một nhà cách mạng lão thành, thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường - ấy là đồng chí Hồ Chí Minh. Thật là thi như kỳ nhân - thơ như người vậy… Có một số bài rất hay, nếu đặt lẫn vào một tập của các thi nhân Đường-Tống thì cũng khó phân biệt".

Năm 1955, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và hòa bình lập lại, Bác dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta sang thăm hữu nghị Trung Quốc. Nhà thơ Trung Quốc Trương Vĩnh Mai đón tiếp Bác ở Hữu Nghị Quan, đã làm bài thơ Câu chuyện Mục Nam Quan trong đó có hai câu:

Người vẫy núi, núi cúi đầu chào lại

Hoan nghênh Người, người đồng chí mến thân...

Sau khi Bác Hồ mất, Đảng, Nhà nước nước CHND Trung Hoa có câu đối viếng Bác:

Chí khí tráng sơn hà, kim cổ anh hùng duy hữu nhất;

Minh tinh quang nhật nguyệt, Á Âu hào kiệt thị vô song.

(Chí khí của Bác mạnh mẽ như tráng khí của núi sông, làm mạnh thêm tráng khí của đất nước-thật là bậc anh hùng số một của xưa nay; Ánh sáng của Bác tỏa rạng cùng nhật nguyệt, làm sáng thêm nhật nguyệt-cả Á, Âu không có trang hào kiệt thứ hai nào như thế).

Ông Hans d’Orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO, trong diễn văn đọc tại Lễ mít-tinh ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tối 14/5/2010 Kỷ niệm lần thứ 120 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 20 năm Ngày UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Người là "Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam", đánh giá: "Các cuộc hành trình trong cuộc đời đã khiến Bác Hồ trở thành công dân của thế giới, đồng thời là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn cầu... Người thầy thật sự phải là người giải phóng và nhà giải phóng thực thụ cũng chính là người thầy. Tư tưởng của Hồ Chí Minh cũng hoàn toàn phù hợp với vai trò của UNESCO, luôn hoạt động theo phương châm thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục toàn dân và truyền bá văn hóa".

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 12/11/2013, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã bắt đầu chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba. Lần thứ ba, ông hiểu thêm một cách sâu sắc rằng, Việt Nam không chỉ là một dân tộc anh hùng mà còn là một dân tộc có truyền thống uống nước nhớ nguồn, nghĩa tình sau trước. Ông nhận thức sâu sắc rằng, văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa của tương lai. Thăm nơi ở và làm việc của Bác, ông viết vào Sổ lưu niệm: "Nhân loại đã bước sang thế kỷ 21, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai... Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân".

Không ai có thể nói đúng về tư tưởng, con người Hồ Chí Minh bằng chính Hồ Chí Minh. Tầm nhìn của Người luôn đi trước thời đại. Ngay từ thời thanh niên, mặc dù tôn trọng các nhà cách mạng tiền bối Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu như cha, chú, Người đã có những nhận định thẳng thắn và sắc sảo: "Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương,... đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì "đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau"; Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì Cụ còn nặng cốt cách phong kiến" (Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch). Khát vọng, tình cảm tha thiết nhất của Hồ Chí Minh là: "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên". Quyết tâm Hồ Chí Minh là: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"; "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"!... Đó là truyền thống của dân tộc, đến Hồ Chí Minh trở thành một quyết tâm sắt đá, một nguồn cảm hứng lớn nhân lên gấp bội sức mạnh truyền thống ấy.

Một đảng, một nhà nước vì dân, công bộc của dân là một yếu tố mới, vượt trội mà Hồ Chí Minh đã thêm lên cho truyền thống, cho văn hóa Việt Nam; một đảng lãnh đạo như vậy mới là đại biểu cho lợi ích toàn dân tộc, nhân tố cho mọi thắng lợi của cách mạng.

Tất cả những điều ấy được đề cập, phân tích khá sâu sắc trong cuốn sách của Lê Xuân Đức, vì vậy, nó rất bổ ích cho công tác giáo dục nhân cách, xây dựng con người mới và văn hóa mới Việt Nam; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ. Nó làm sáng lên chân lý: Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!