Đảng viên đi trước
Những con đường về xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư đều thảm nhựa, thoáng rộng và sạch đẹp, có đèn điện thắp sáng. Các tuyến đường trong xã kết nối chín thôn với nhau cũng vậy. Đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, Ninh Mỹ hiện rõ diện mạo của một đô thị đang phát triển không chỉ với hệ thống điện, đường, trường, trạm,… mà còn là những đổi thay đáng kể trong đời sống xã hội. Đã gần trưa, thư viện thôn Đông Đình vẫn có nhiều người mải mê đọc sách, báo.
Để trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020 như đã đăng ký, Ninh Mỹ đang dồn sức thực hiện một số mô hình sản xuất mới, chỉnh trang các tuyến đường trong khu dân cư… Khi triển khai các kế hoạch đó, bao giờ cán bộ, đảng viên cũng đăng ký làm trước. Trong việc hiến đất, tháo dỡ tường rào, mở rộng đường giao thông, làm hệ thống thoát nước, các đồng chí Chủ tịch UBND xã Trần Văn Hùng, Bí thư Chi bộ 9 Phạm Văn Tiến và nhiều đảng viên khác tự nguyện “làm gương”. Đến nay, một số hộ đã hiến 400 m2 đất, tự phá dỡ 500 m tường rào, 50 lán; làm mới 3 km đường giao thông trong thôn; trồng 3,7 km đường hoa; duy trì tổ thu gom rác mỗi tuần ba lần. Một số mô hình phát triển sản xuất của xã có nhiều hứa hẹn, như tám ha khu du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp, một ha trồng rau sạch công nghệ cao, 2,5 ha trồng ngải trắng, măng tây, ớt xuất khẩu, nuôi cá rô đồng,…
Yêu cầu của Tỉnh ủy Ninh Bình là gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là xây dựng đạo đức công vụ cho cán bộ. Nhiều cấp ủy có cách làm cụ thể: Huyện ủy Hoa Lư phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt; Thành ủy Tam Điệp chú trọng đôn đốc, giám sát cán bộ, đảng viên nói đi đôi với làm… Hai năm qua, Công an tỉnh thực hiện quy định mười điều phải làm đối với người đứng đầu và tổ chức cam kết giữa trưởng phòng, trưởng công an thành phố, huyện với Giám đốc Công an tỉnh; giữa đội trưởng, trưởng công an phường, thị trấn, đồn, trạm với trưởng phòng, trưởng công an huyện, thành phố,… Hằng tháng, các trưởng phòng, trưởng công an huyện, thành phố có phiếu góp ý đối với đồng chí Giám đốc, gửi qua phòng Tham mưu để tổng hợp và người được góp ý phải báo cáo kết quả tiếp thu ý kiến, khắc phục hạn chế tại hội nghị công tác tháng của Công an tỉnh.
Lan tỏa những điều tốt đẹp
Về huyện Yên Khánh, chúng tôi nghe nhiều người nói đến những “cây cầu ông Sản”. Ông là Đỗ Quang Sản, gần 40 năm tuổi Đảng, ở xóm 21, xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh. Vốn làm nghề xây dựng, khi thấy cây cầu nối liền giữa hai xã Khánh Trung và Khánh Mậu đã cũ nát, rất nguy hiểm, nhất là đối với các cháu học sinh, ông bàn với gia đình và bỏ ra 147 triệu đồng, tự thi công cây cầu mới dài 13 m, rộng 5 m. Từ năm 2015 đến nay, ông đã ủng hộ 300 triệu đồng sửa chữa, xây mới bảy cầu cùng một số công trình phúc lợi khác tại địa phương và dự kiến sẽ xây thêm một hoặc hai cầu nữa. Ông tâm sự: “Tôi sinh ra, lớn lên ở đây, nên có chút đóng góp cho quê hương cũng là lẽ thường. Với lại có cầu mới thì chính gia đình mình cũng thuận lợi trong việc đi lại”.
Gắn liền với công việc hằng ngày, mỗi nơi có cách làm cụ thể trong học tập và làm theo Bác. Thuộc vùng khai hoang, lấn biển trước đây, xã Kim Tân, huyện Kim Sơn có nhiều sông rạch. Vì thế Hội Cựu chiến binh xã đã đăng ký mô hình “dòng sông tự quản”, 21 hội viên thay nhau vớt bèo, rác, dọn cỏ hai bên bờ sông; tuyên truyền nhân dân không vứt rác xuống sông. Để có rau sạch cho các cháu, Chi bộ Trường mầm non xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn có mô hình “vườn rau cho bé”, theo đó mỗi năm còn tiết kiệm được hơn 8,6 triệu đồng.
Với phương châm hướng về cơ sở, nơi khó khăn, sau ba năm thực hiện chương trình kết nghĩa với các xã đặc thù, 55 cơ quan, đơn vị và 56 doanh nghiệp giúp 56 xã, phường, thị trấn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới… Cùng với việc tư vấn triển khai mô hình trồng cây dược liệu; chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu,… nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã góp công sức, ủng hộ tiền để các xã xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề; củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Ninh Bình hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng xây dựng Trường mầm non xã Phú Sơn, huyện Nho Quan. Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ xã Kim Định, huyện Kim Sơn 255 triệu đồng xây dựng thư viện xanh cho trường tiểu học xã; hỗ trợ thiết bị cho trường mầm non trị giá 142 triệu đồng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô công trình thắp sáng đường quê dài 2,2 km, huy động hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ đào đắp, nạo vét 5,65 km kênh mương nội đồng. Công an tỉnh vận động hỗ trợ xã Kim Tân, huyện Kim Sơn 641 triệu đồng làm 1,5 km đường liên xóm, 700 triệu đồng nâng cấp nhà bia liệt sĩ xã…
Còn nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nơi vùng đất địa linh này chưa được nhắc tới, nhưng cứ âm thầm lan tỏa trong cuộc sống hằng ngày, bởi đó là việc làm tự thân của mỗi người trong học tập và làm theo gương Bác.