Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Tâm niệm “phụng sự”

Trong suốt những năm tháng nghiên cứu khoa học và giảng dạy, nhà giáo Phan Xuân Minh, nữ Giáo sư đầu tiên của ngành điều khiển - tự động Việt Nam, luôn tâm niệm phải làm sao để khơi gợi sức sáng tạo và lòng tự tôn dân tộc trong các thế hệ sinh viên.

GS Phan Xuân Minh đang hướng dẫn những sinh viên Kỹ sư tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội.
GS Phan Xuân Minh đang hướng dẫn những sinh viên Kỹ sư tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khi ấy đất nước còn đang phải gánh chịu chiến tranh ác liệt, nhiều thanh niên lựa chọn ra chiến trường để thực hiện lý tưởng đấu tranh vì hòa bình, độc lập cho dân tộc. Mỗi người một nhiệm vụ, cô nữ sinh Xuân Minh được Bộ Đại học phân công sang CHDC Đức học tập. “Thời bấy giờ tôi yêu hóa học, tôi thích Marie Curie, nhưng Nhà nước phân cho đi học ngành điều khiển - tự động. Dù không phải là ước mơ thời trẻ nhưng vì đất nước và những người bạn của mình đã gửi thân xác ở chiến trường nên tôi tự hứa phải nỗ lực học để không phụ lòng Đảng và nhân dân đã gửi gắm”. Cô xúc động chia sẻ thêm: “Thời đó, mỗi chúng tôi đi học ai cũng mang trong mình những thổn thức riêng của thời đại, tôi thì luôn tâm niệm lời Bác Hồ: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Tổ quốc, đoàn thể, giai cấp và nhân dân…”.

Năm 1977, cô về nước và được nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Đến năm 1985, cô trở lại Đức làm nghiên cứu sinh lĩnh vực tự động hóa với những con rô-bốt, ô-tô, xe máy… Thời bấy giờ khó khăn đủ đường, nhưng cô và bạn bè vẫn thường động viên nhau phải cố gắng học tập để ngành điều khiển tự động - một khoa học của tương lai đất nước phát triển.

Có nhiều thời điểm trong khó khăn chung, áp lực “cơm áo gạo tiền” khiến nhiều người phải bỏ cuộc với chữ nghĩa, với khoa học, nhưng GS Phan Xuân Minh thì không từ bỏ. Cô từng phải tự tay làm từng chiếc bánh ga-tô để bán và tranh thủ làm hướng dẫn du lịch cho khách nước ngoài. “Dù nhiều đêm trắng ôm con ốm, sốt, nhưng tôi vẫn không thể bỏ bài giảng hôm sau cho sinh viên được. Tôi vẫn tâm niệm, phải luôn lạc quan để sống, duy trì cuộc sống và đam mê của mình”.

Chúng tôi theo chân những sinh viên, nghiên cứu sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội cùng GS Phan Xuân Minh đến phòng thực hành của ngành Điều khiển - Tự động. Cô Minh chia sẻ về “cỗ máy điều khiển” ấn tượng nhất với cô là hệ thống thiết bị SIEMATIC PLC S7-200 và S7-300 mà hãng Siemens đã trang bị cho Trung tâm Đào tạo Siemens-ĐHBK Hà Nội vào cuối năm 1996. Hệ thống thiết bị này đã góp phần làm nên tên tuổi của bộ môn Điều khiển - Tự động. Hay “cỗ máy” thứ hai là chíp PS.o.C của hãng Cypress, một chíp vi điều khiển công nghệ mới đã nhập vào Việt Nam từ năm 2000… Đó là những cỗ máy đã được cô và biết bao thế hệ sinh viên khai thác triệt để trong nghiên cứu khoa học, từ đó mở ra bao phát minh, sáng chế mới. Cô vẫn nhắc nhở học trò rằng, dù cỗ máy “nhập khẩu” có hiện đại đến thế nào cũng không thể bằng cỗ máy do chính chúng ta sáng tạo ra từ trí tuệ và lòng tự tôn dân tộc.

Một trong những học trò được cô nhắc nhớ đến là Nguyễn Văn Đức. Đức quê Nam Định, sinh viên lớp kỹ sư tài năng, vì hoàn cảnh khó khăn, người mẹ phải theo con lên tận Hà Nội đi làm thuê để giúp con theo đuổi đam mê. “Năm cuối đại học, Đức làm đồ án tốt nghiệp và nguyện vọng được tôi hướng dẫn. Tin tưởng vào khả năng của bạn ấy, tôi đã giao một đề tài khó: “Điều khiển dự báo dựa trên mô hình cơ sở mạng nơ-ron nhân tạo”. Và rồi, sau những nỗ lực, Đức đã bảo vệ xuất sắc đồ án của mình và kết quả của đồ án cũng được báo cáo tại một Hội nghị khoa học quốc tế ở Hàn Quốc. Hiện Đức đã trở thành cán bộ giảng dạy ở cùng một mái trường với tôi và đang làm Nghiên cứu sinh tại Đại học Tokyo- Nhật Bản”.

Ngay từ những ngày đầu đứng trên giảng đường, cô luôn mang trong mình lời dạy của Bác: “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Bao năm tháng qua đi, cô và những đồng nghiệp của mình luôn ý thức trau dồi không chỉ trình độ chuyên môn mà còn cả về đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong và cái tâm trong sáng để xứng đáng “Thầy ra thầy”, có thầy giỏi sẽ có trò giỏi.

Lúc chia tay, chúng tôi hỏi, sang năm mới cô có mong muốn gì? Cô mỉm cười: “Tôi chỉ muốn nhắn với học trò của mình, muốn đi được xa thì phải bám chắc mặt đất cái đã. Muốn làm khoa học thành công thì kiến thức nền tảng phải vững vàng. Đối với khoa học không thể vội vàng được, nhất là những người làm kỹ thuật”…

Với nỗ lực bền bỉ, ngoài làm tốt công tác giảng dạy, GS Phan Xuân Minh đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế. Cùng đó cô cũng viết hoặc tham gia biên soạn nhiều đầu sách, giáo trình có chất lượng như: Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động, Tự động hóa với Simatic S7-200, Lý thuyết điều khiển mờ,…