Người đàn ông với ánh mắt hiền hậu và đôi bàn tay nhiều vết chai năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng dáng đi còn rất nhanh nhẹn, tác phong hoạt bát. Dưới bóng mát của vườn cây ăn quả, bác kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm khó phai về cuộc đời quân ngũ, về niềm tự hào được cống hiến tuổi xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc và cả những mong ước đổi mới để quê hương ngày càng giàu đẹp.
Những kỷ niệm không phai
Tháng 7/1968, hòa chung vào khí thế sục sôi của những ngày "cả nước lên đường", chàng thanh niên 17 tuổi đang học lớp 9, lớp toán đặc biệt đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Bác được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 20, Trung đoàn pháo binh 154, Quân khu 3. Do học giỏi toán, bác được huấn luyện để làm trinh sát pháo binh, cụ thể là đo đạc và tính toán điểm bắn, xác định tọa độ mục tiêu quân địch. Công việc đòi hỏi sự chính xác cao-một nhiệm vụ thường được ví von là "tai mắt của chỉ huy" để các trận đánh đạt hiệu quả. Trong hơn hai năm đầu nhập ngũ, bác đóng quân ở Nho Quan (Ninh Bình) sau đó là Núi Nhồi (Thanh Hóa), tham gia bảo vệ bờ biển các huyện Sầm Sơn, Quảng Xương và Tĩnh Gia nhằm ngăn chặn tàu chiến Mỹ xâm nhập và tập kích.
Tháng 8/1971, Bộ Chính trị ra nghị quyết mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng Đông Nam Bộ, Trị-Thiên, Tây Nguyên trong đó Trị-Thiên là hướng chiến lược quan trọng nhất nhằm tiêu diệt quân địch và mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện ở chiến trường miền nam. Nhằm tăng cường hỏa lực hiệp đồng tác chiến với bộ binh chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị, đơn vị của bác Thuận được lệnh lên đường vào nam. Thời điểm đó, bác thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn hỏa lực 68, Sư đoàn 304. Đơn vị được lệnh chuyển các pháo tầm xa như Canon 122mm, pháo cối 160mm và pháo phản lực H12 (pháo Kachiusa do Liên Xô viện trợ) vào chiến trường.
Các loại vũ khí hạng nặng đều được vận chuyển bằng xe tải ba cầu trên những cung đường đi xuyên qua rừng rậm. Đối với loại pháo có trọng lượng nhẹ hơn, bộ đội ta có thể tháo rời các bộ phận và khiêng vác trên vai. Chẳng hạn như pháo Kachiusa H12 có 12 ống phóng, bác và các đồng đội đã phải tháo rời nòng pháo, khi vào đến trận địa lại lắp lại. Công tác vận chuyển vô cùng gian nan, vất vả và chịu khá nhiều tổn thất, đặc biệt là những lúc vượt sông Bến Hải hay sông Ba Lòng (phần thượng nguồn sông Thạch Hãn) do địch đánh phá ác liệt hòng chặn bước tiến của ta. Đến cuối tháng 2/1972, mọi công việc "lót ổ" như vận chuyển vũ khí, đạn dược, hàng hóa hậu cần đã cơ bản hoàn thành. Từ tháng 3/1972, chiến dịch giải phóng Quảng Trị bắt đầu. Các trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Địch quyết tâm tử thủ bảo vệ Quảng Trị nhằm giữ thế thượng phong trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris.
"Tôi tham gia đầy đủ các trận đánh và chiến đấu bên đồng đội từ Đài quan sát cho đến khi bị thương. Tôi còn nhớ như in những trận đánh khốc liệt, kéo dài nhiều ngày vào căn cứ Ái Tử, La Vang, nơi địch tập trung đông quân gồm bộ binh, biệt động, lính thủy đánh bộ, không quân và pháo binh. Có những thời điểm, bộ binh của ta và địch đánh giáp lá cà, xe tăng hai bên quần đảo nhau nhiều giờ. Khi đó, lằn ranh giữa sự sống và cái chết vô cùng mỏng manh. Trong một trận đánh lớn, một quả đạn pháo 105 ly của địch nổ cách cửa hầm của chúng tôi chừng hơn một mét khiến tôi bị nhiều mảnh đạn găm vào người, hai đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh", bác Thuận xúc động nói. Phút trầm ngâm qua đi, bác lại hào hứng kể về những lần ta thắng lớn, thu nhiều chiến lợi phẩm trong đó có pháo 105mm của Mỹ với độ chính xác cao, uy lực mạnh. Được cấp trên cho phép sử dụng vũ khí của địch, bộ đội ta đã học xạ kích, kỹ thuật bắn trong thời gian ngắn. Anh em ai cũng vui vì được dùng vũ khí của địch để đánh địch.
Trận đánh vào căn cứ Tân Lâm ngày 2/4 để lại trong bác kỷ niệm sâu sắc và đáng nhớ nhất. Từ cao điểm 241, hỏa lực của ta liên tục nã vào sở chỉ huy Trung đoàn 56 của ngụy khiến chúng khiếp đảm, không còn tinh thần chiến đấu. Cố vấn Mỹ phải tháo chạy còn binh lính ngụy dưới quyền của Trung tá Trung đoàn trưởng Phạm Văn Đính và Thiếu tá Trung đoàn phó Vĩnh Phong phải ra hàng. Do bị đánh bất ngờ, tuyến phòng thủ vòng ngoài bị phá vỡ, vì thế trong 5 ngày liền, địch ồ ạt tăng quân để chi viện. Chiến sự diễn ra giằng co quyết liệt. Bộ đội ta đã dũng cảm chiến đấu, đẩy lui các đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa.
Do bị thương, bác Thuận được đưa về tuyến sau và sau đó chuyển ra miền bắc. Tổng cộng, bác đã trải qua bốn lần phẫu thuật để gắp các mảnh đạn. Mặc dù vậy, trên cơ thể bác vẫn còn những mảnh đạn li ti gây đau nhức mỗi khi trái gió trở giời. Xuất ngũ năm 1974 với sức khỏe giảm sút 61%, thương binh hạng 2/4, bác được theo học Trường văn hóa Quân khu 3 sau đó học Trường đại học Bách khoa, chuyên ngành hóa.
Nỗ lực, cống hiến nhiều hơn nữa
Tốt nghiệp đại học năm 1980, bác về công tác tại Nhà máy sứ Ninh Bình, từng bước phấn đấu và được bổ nhiệm làm Giám đốc. Năm 2005, sau 37 năm công tác, bác nghỉ hưu và về sinh hoạt tại phường Nam Thành, TP Ninh Bình. Tại đây, do tích cực tham gia công tác xã hội và đoàn thể, đặc biệt là Hội Cựu chiến binh địa phương, bác được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Năm 2010, bác chuyển hẳn về quê ở xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư để sinh sống với mong muốn đóng góp sức mình xây dựng quê hương. Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", bác luôn năng nổ, nhiệt tình trong mọi công tác, nêu cao tinh thần đoàn kết, dân chủ, tương thân tương ái. Vì vậy, bác lại được tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ thôn và đảm nhận nhiệm vụ đó từ năm 2017 đến nay.
Trên cương vị Bí thư chi bộ, bác luôn gương mẫu từ lời nói đến việc làm, theo đúng tinh thần "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Bác tự nguyện đóng góp 20 triệu đồng để mua bàn ghế cho Nhà văn hóa thôn. Ngoài ra, bác dành dụm toàn bộ số tiền phụ cấp cho công tác bí thư của mình trong hai năm, đồng thời kêu gọi con cháu trong nhà đóng góp thêm, tổng cộng được gần 100 triệu đồng. Số tiền đó, bác đã chuyển cho chính quyền để mua gạch men lát nền và làm mái che cho sân khấu của Nhà văn hóa thôn. Bác tâm sự: Cuộc sống của bà con trong thôn còn nhiều khó khăn. Chi bộ cùng với chính quyền phải quan tâm giúp đỡ, tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ đúng đối tượng, như các gia đình chính sách và các hộ nghèo; phải lắng nghe ý kiến của dân, "lấy dân làm gốc", thể hiện sự công bằng, công minh và công khai trong giải quyết mọi việc. Có như thế thì mọi công việc mới đạt được hiệu quả. Có như thế thì người dân mới tin vào Đảng, vào chính quyền.
Vì những thành tích đó, trong nhiều năm liền, bác đã được tặng thưởng giấy khen của Đảng bộ xã Ninh Hòa và huyện Hoa Lư. Chi bộ thôn Ngô Thượng, nơi bác làm Bí thư, được công nhận là đơn vị đứng đầu Đảng bộ xã.
Người cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử luôn tâm niệm một điều: "Tôi là người may mắn được trở về. Tôi còn nợ ân tình của những đồng đội đã ngã xuống. Vì thế tôi luôn tự nhủ mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa. Tôi cũng luôn dạy con cháu phải không ngừng tu dưỡng để sống xứng đáng với các thế hệ đi trước. Về công việc của người Bí thư chi bộ ngày hôm nay, tôi tin rằng mình sống hết lòng với dân thì dân cũng sẽ tin yêu mình".