Nhà thơ & Bài thơ hay

Phùng Khắc Bắc, "Một chấm xanh"

Vào quãng năm đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước, khi đang làm nghiên cứu sinh ở Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi thấy trong văn giới xôn xao bàn tán về một tài thơ rất lạ mới có 47 tuổi vừa mới khuất. Đó là nhà thơ Phùng Khắc Bắc, tác giả tập thơ duy nhất mang tên “Một chấm xanh” do NXB Quân đội nhân dân phát hành cuối năm 1991.
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung nhà thơ Phùng Khắc Bắc của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường
Ký họa chân dung nhà thơ Phùng Khắc Bắc của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường

Người ta ngạc nhiên vì mấy lẽ. Thứ nhất, những người trong văn giới, kể cả bạn bè thân thiết của Phùng Khắc Bắc hầu như rất ít người biết anh có làm thơ. Bởi, khi đang học khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du, anh hầu như rất ít công bố thơ, đọc thơ. Rồi trong 10 năm cuối đời, lúc làm Phó Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam cũng không mấy ai hay Phùng Khắc Bắc làm thơ. Trước đó, một số người cũng láng máng biết anh có viết truyện ngắn, đã từng được một cái giải nhỏ của Tạp chí Văn nghệ quân đội, nhưng cũng không thật nổi bật. Thứ hai, theo hồi ức của một số nhà văn cùng cơ quan hoặc cùng thời như Xuân Thiều, Nguyễn Thanh Kim, Nguyễn Đức Mậu và một số bạn văn khác, Phùng Khắc Bắc là người khiêm nhường, tính tình rụt rè, ngại tiếp xúc với đám đông, hầu như không tham gia các sinh hoạt thơ, không lên tiếng bàn bạc về thơ, có ai đó nhắc đến thơ của thời “nhà thơ trung đoàn” (những năm trong quân ngũ), anh thẹn thùng, mặc cảm, không muốn nhắc đến. Một người làm thơ như thể “tự lãng quên” (Xuân Thiều), như thể tự giấu/xóa đời mình. Và cuối cùng, lúc sinh thời, anh hầu như không có thơ in trên báo chí. Phải sau khi anh mất, một số nhà văn thân thiết gồm Xuân Thiều, Nguyễn Đức Mậu, Trần Nhương phối hợp cùng gia đình tìm lại di cảo và đem in thành tập mỏng gồm 37 bài lấy tên “Một chấm xanh”. Đến lúc này, thơ anh mới thật sự gây chú ý trong văn giới và bạn đọc. Người ta đọc trong sự ngỡ ngàng, trong nỗi nhớ tiếc, thậm chí trong một chút mặc cảm như thể mình có lỗi với người đã khuất... Đây là tập thơ duy nhất của Phùng Khắc Bắc. Anh có in một tập truyện ngắn lúc sinh thời; sau khi mất in thêm một tập tiểu thuyết, song văn xuôi của anh không ấn tượng lắm.

Các bài thơ được chọn in trong tập thơ này phần lớn được viết trong hai năm: 1984-1985. Lúc này, công cuộc Đổi mới đất nước chưa diễn ra, nhưng không khí rục rịch thì đã bắt đầu. Bằng mẫn cảm nghệ sĩ, nền văn học những năm cận kề đổi mới này đã chứng kiến một số gương mặt thể hiện cái nhìn, lối viết có phần khác trước: Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Lựu, nhất là Nguyễn Minh Châu trong văn xuôi; hay Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Thanh Thảo... trong thơ. Tuy không xuất hiện, nhưng Phùng Khắc Bắc được sống trong cái từ trường văn chương đó.

Bài thơ mở đầu trong tập là “Ngày hòa bình đầu tiên” viết năm 1985. Khác hẳn cách hình dung về ngày gặp mặt với những giai điệu khải hoàn hoặc giọt nước mắt hạnh phúc phổ biến lúc bấy giờ, Phùng Khắc Bắc cảm thấy chiến tranh vẫn có mặt trong cuộc sống thường nhật của người mẹ với biết bao nỗi nghèo túng, âu lo về cuộc sống. Kết thúc bài thơ là một khung cảnh đời thường thật bình dị, ấm áp và cảm động: “Mẹ giục: -Ăn cơm, con!/Hòa bình trong canh cua, mồng tơi, cà/Và/Mùi ổ rơm”. Thơ anh đã bắt đầu chất chứa những ưu tư về thời thế và thân thế. Đã có ý thức vượt lên những niềm vui chiến thắng, những niềm lạc quan dễ dãi kéo dài của nền thơ lúc bấy giờ, Phùng Khắc Bắc duy trì một vệt thơ giàu chất nghĩ này. Anh suy tư về cái sống cái chết, hậu quả khôn lường của chiến tranh, ý nghĩa và khát vọng của tự do đích thực...

Trên nền cảnh những năm hòa bình, đối diện với cái nghèo cái đói, một quê hương vùng trung du làng đồi nơi người lính trở về, nơi có mẹ cha, anh em, có người con gái đang yêu, nhà thơ họ Phùng đã đặt vào đó biết bao những suy tư ráo riết, có phần quyết liệt về hiện tình xã hội và con người. Bài thơ mang tên “Ra đi” (11/1984) gồm 10 khúc đánh số cộng với khúc cuối dài khoảng 25 trang in mang dáng dấp một trường ca với chất giọng khỏe, cảm xúc mạnh và những suy tưởng có sức nặng. Ở đây, bắt đầu là một làng đồi khô cằn, nghèo khổ mà vẫn tự nguyện gánh vác cùng việc nước. Ở đây có người mẹ, người em, người cha trong mối quan hệ với nhân vật trữ tình chính là người con từng ra đi trong chiến tranh nay đã trở về. Nhà thơ coi người lính trở về chỉ mong ước làm một người bình thường, tựa như viên sỏi, như gié lúa uốn câu, như hạt gạo lẫn vào cuộc sống của nhân dân một cách chính đáng và kiêu hãnh: “Tôi yêu quý cái bình thường/Và cái bình thường cũng cho tôi tình yêu mới/Cái bình thường dạy tôi biết quên mình đi để làm một hạt gạo chứ đừng làm hạt gạo gãy đôi”. Những câu thơ thật đẹp, có chút ngang tàng và thật tầm vóc. Tự chúng nở ra các chiều kích. Tôi cho rằng đây là những câu thơ hay trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Nó đã và đang đi vào tâm tình cuộc sống theo những cách thật bất ngờ và dễ thương. Khi đọc bài thơ này, tôi không thể không liên tưởng đến những bài thơ hoặc những trường ca lớn trong nền thơ Việt hiện đại như “Những người trên cửa biển” (Văn Cao), “Bài thơ của một người yêu nước mình” (Trần Vàng Sao)... Đó là những áng thơ tươi xanh cảm xúc, chắc nịch ý tứ, tầm cao tư tưởng.

Cảm hứng trong các bài thơ của Phùng Khắc Bắc thường chan vào nhau, không thuộc hẳn về một chủ đề nào. Có thể là quê hương xứ đồi vùng trung du đất Bắc Giang, rộng ra là đất nước. Có thể là những cảm xúc và suy tưởng hậu chiến. Có thể là tình yêu đôi lứa. Không tách bạch. Tất cả như tích tụ, kết tinh lại trong tâm hồn thi sĩ bằng những vần thơ không hề dễ dãi, mang chở nhiều năng lượng của ý tưởng và của chữ.

Do thơ Phùng Khắc Bắc ngả khá mạnh về suy tưởng, dồn nén cảm xúc, nên đã tìm đến thể thơ tự do cốt thuận cho sự biểu đạt. Các bài thơ có một hình thể khá phóng túng, bề bộn, vạm vỡ, thuộc thơ tự do. Vì thế, nay đọc lại, lạ thay vẫn thấy thơ của thi sĩ họ Phùng mang dáng vẻ hiện đại và như đang đồng hành với hôm nay.

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Phùng Khắc Bắc

NỐT RUỒI

Cái nốt ruồi trên má em
Như hạt ngọc đen lóng lánh
Mỗi lúc em cười
Hạt ngọc rơi vào đáy giếng của lúm đồng tiền
Khiến:
Anh mỏi mắt tìm không thấy!
À phải rồi !
Anh cứ thích tìm như vậy
Để trong đời nghèo được thấy em vui...

Phùng Khắc Bắc, "Một chấm xanh" ảnh 1

Minh họa | NGUYỄN MINH

TỪ HAI PHƯƠNG TRỜI

Ở đâu, ai nhớ đến ta
Mà mũi cay, mắt máy
Em có nhắc anh từ phương ấy,
Phương này em đang nhớ anh

Với anh, cây lúa bông cờ là quen
Quầng bụi trâu lồng sẽ làm em nôn nả
Lời trao duyên của gái trai phương ấy cũng làm em bỡ ngỡ
Lời mẹ kể về người con trai mãi mãi ra đi
Tất cả bụi trần
Như đồi trọc
Như lời tỏ tình của anh
Và cũng như lời em thường nhắc:
- Em yêu anh, vì anh là anh

Phương trời ấy, phương trời quê anh
Con gà mái bớt từng hạt sỏi
Móng mỏ cũng mòn đi trong miếng ăn.

Con người khô như hòn vôi mới.
Trắng đấy mà thủy chung là thế
Ai bảo bạc là chưa từng đau khổ
Máu chảy thơm nồng trong nỗi đau trầu cau
Yêu nhau, thương nhau âm thầm khổ đau
Như cái điều phương ấy em tìm ra
Là của anh, như anh.
Ở phương này sông xanh, biển xanh
Sao anh nhớ
Ở đâu ai mong ai nhủ
Mà mũi cay, má mắt máy

Em có nhắc anh từ phương ấy
Phương này anh đang nhớ em.