Nhà thơ & Bài thơ hay

Văn Cao: "Ngày đêm làm ngọc"

Trong các ấn phẩm về thơ Văn Cao đã xuất bản, chỉ thấy chừng chưa đến mươi bài thơ được viết từ năm 1939 đến năm 1942.
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung thi sĩ Văn Cao của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung thi sĩ Văn Cao của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Đa số các bài thơ này ghi lại những tâm tình cá nhân buồn nhớ vẩn vơ xa vắng, như những phiên bản không mấy thành công của phong trào Thơ mới lúc bấy giờ. Do sự chuyển đổi thời thế, những biến động dữ dội của thời cuộc: nạn đói 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã lay động tâm hồn thi sĩ. Lúc này, nhà thơ đã cất lên những vần thơ chất chứa nỗi niềm nhân thế. “Chiếc xe xác qua phường Dạ lạc” mang tính xã hội sâu sắc, ghi lại nỗi đau của dân chúng trong cảnh chết đói thê lương. “Ngoại ô mùa đông 46” (in trên Văn nghệ số 2, tháng 4-5 năm 1948) như tiếp nối bài thơ trước nói về một Hà Nội đau thương vùng lên kháng chiến, cùng với đó là những đổi thay và hy vọng.

Phải chờ đến 8 năm sau, Văn Cao mới trở lại với thơ và công bố bài thơ “Anh có nghe không” (được viết ngày 1/10/1956) và ngay sau đó là một trường ca xuất sắc “Những người trên cửa biển”. Từ đây, toàn bộ các sáng tác thơ được viết thưa thớt qua các năm, cho tới tận mấy năm đầu thập niên 90 thế kỷ 20 cho thấy Văn Cao đã rút hẳn vào trong thế giới nội cảm, ưu tư nhân thế và thân thế. Tôi cho rằng, các sáng tạo thơ giai đoạn sau trong hành trình thơ Văn Cao là một thứ thơ “chấn thương”, như là hệ quả trực tiếp của một trạng thái chấn thương tinh thần trong kiếp sống trần ai của nghệ sĩ. Nó như thể những “Tiếng kêu của một khúc thép đỏ/trong chậu nước” (“Cạn”, viết ngày 10/8 - 1/9/1958).

Khác với người thường không có phương tiện giải ẩn ức chấn thương, đối với các nhà văn đã trải qua chấn thương, như một cửa thoát, họ thường trút vào cái viết. Văn Cao, dường như ông không chối bỏ, cũng ít phục hồi chấn thương đã trải, mà phần lớn chấp nhận chấn thương và vượt lên nó. Thi phẩm “Khuôn mặt em” là một áng thơ tình được viết năm 1974: “Giữa những ngày dằng dặc/Chỉ còn khuôn mặt em/Sáng trong và bình lặng”. Câu thơ mở đầu dựng lên một tình thế mà thơ đang nếm trải. Hai câu thơ kết của toàn bài như một xác quyết: “Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng/Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng”. Thì ra, toàn bộ đời sống của nhà thơ lúc này chỉ có một giá trị cao nhất, thiêng liêng nhất là “Khuôn mặt em”, là tình yêu. Hai câu thơ thật giản dị mà đẹp, gợi, do nó chân thực và cốt lõi... Chùm ba bài thơ viết về Quy Nhơn, bài nào cũng hay, mỗi bài hay một cách. Có một điều tuy không lạ, nhưng nhiều khi vẫn khiến ta bỡ ngỡ: ở những nhà thơ tầm vóc, trong mỗi thi phẩm, bằng một cách tự nhiên nhất, thơ của họ luôn có một sự kết hợp hòa quyện giữa tâm tình công dân và tâm tình cá nhân, giữa tính xã hội và tính nhân bản, giữa ngôn từ nghệ thuật và chiều sâu tư tưởng. Một câu thơ “Từ trời xanh/rơi/vài giọt tháp Chàm” được bố trí theo hình thơ vắt dòng bậc thang gợi lên một cách sống động về không gian thị giác và sự chuyển động của vũ trụ. Nhưng tiếp theo đó là những liên tưởng về lịch sử xưa và nay, xa và gần, để dựng lên một xác quyết bi tráng: “Không/đất này mọc lên/từ/nước mắt!...”.

Tôi muốn nói đến trường hợp nữa: thi phẩm Thời gian, được viết vào “Xuân Đinh Mão, 2/1987”. Bài thơ này ra đời sau ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” vào dịp Tết của năm 1976. Bài thơ giữ một mạch cảm xúc trầm tĩnh, đan cài giữa cảm niệm về sự chảy trôi của thời gian đời người, thời gian vũ trụ và cái còn lại là những bài hát, những câu thơ, “Và đôi mắt em/như hai giếng nước”- sự hiện hữu bất tử của Cái Đẹp. Một bài thơ như thế có thể nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Vết thương ở những thi sĩ lớn nhiều khi lại là nơi trổ lên những bông hoa lộng lẫy.

Văn Cao hóa giải dính mắc, đón nhận đời sống với một tinh thần từ ái khoan dung. Nhờ vậy, thơ ông là một thứ thơ chấn thương “sáng trong và bình lặng”. Hầu hết các bài thơ của ông, cho dù bắt đầu khởi lên bằng một nỗi buồn khổ, cuối bài bao giờ cũng chồi lên hy vọng, một thứ hy vọng trầm tĩnh, như mong cầu, như tin tưởng. Nếu như bên trên tự ví “Tiếng kêu ở trong tôi/Có xót xa có cả vui mừng/Tiếng kêu của một khúc thép đỏ/Trong chậu nước” thì ngay ở phần cuối bài là “Những tiếng hát đuổi nhau trên các ngọn núi/Còn lại một hồ nước/Trên họng một ngọn núi cạn lửa” (Cạn). Thật lớn lao và kiêu hãnh cái hồ nước bi tráng và trữ tình ấy. Hình ảnh hồ nước sau cùng đã trở về với cảm quan “sáng trong và bình lặng”.

Thơ Văn Cao từ “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” trở đi được viết hoàn toàn bằng thể điệu tự do. Thơ ông là thơ của sức nghĩ, của sự liên tưởng rộng và sâu, của kỷ luật kiệm và nén chữ, nên những thể thơ cách luật sẽ trở nên vướng víu, không thể đáp ứng. Chỉ có thơ tự do với tinh thần tự do mới có thể đủ sức chứa nổi một kích cỡ tâm hồn Văn Cao biển cả.

Một trong những đặc tính của thơ: càng nén chặt, càng bùng nổ. Muốn nén, cô đúc, kiệm chữ chỉ có hai cách: đi vào thơ có tứ và thơ mang tính triết luận. Thơ có tứ luôn hút toàn bộ câu chữ và thi ảnh vào chung quanh nó, nên nó kiểm soát được tính cần thiết và tính vừa đủ, không bị miên man nhiều lời. Thơ triết luận nghiêng về xây dựng các tương quan hình và tương quan ý, nên cũng không cần/không thể nhiều lời. Văn Cao chú trọng cả hai và dường như đều là sở trường.

Một nốt son nữa ở thơ Văn Cao là tính họa như một thế mạnh trong con người nghệ sĩ đã được trưng dụng. Cái tài năng đáng nể của Văn Cao ở chỗ ông đã làm hội họa bằng ngôn từ. “Trên đường đi/Anh đặt em trên đồng cỏ/Thấy đẹp mãi màu xanh của cỏ// Trên đường đi/Anh đặt em trên dốc núi/Để tìm lại những đường mềm của núi//Trên đường đi/Khuôn mặt em làm giếng/Để anh tìm làm đáy ngọc châu” (Khuôn mặt em). Các câu thơ dựng lên những khuôn hình khác nhau, ở tâm cảnh là người nữ, người nữ này như thể tác động vào không gian, làm đẹp cho không gian. Người đẹp có quyền năng làm cho thế giới này đẹp lên theo.

Trong một hình dung tuyệt đẹp của thi nhân, mảnh đất Quy Nhơn hiện lên như một nửa hình con trai “Vẫn ngày đêm lấp lánh/mang vết thương xưa/ngày đêm làm ngọc”. Tôi cũng muốn hình dung về thân phận người nghệ sĩ tài năng Văn Cao giống như thân phận con trai bền bỉ, đau đớn và kiêu hãnh suốt đời kết nên những viên ngọc trai tuyệt thế trong nền thơ, âm nhạc và hội họa Việt Nam.

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của thi sĩ Văn Cao

THỜI GIAN

Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn.

Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước.

Xuân Đinh Mão, 2-1987

Văn Cao: "Ngày đêm làm ngọc" ảnh 1

Minh họa | NGUYỄN MINH

KHUÔN MẶT EM

Giữa những ngày dằng dặc
Chỉ còn khuôn mặt em
Sáng trong và bình lặng

Dù hai đứa chúng ta
Chưa lúc nào sung sướng
Những ngày đau khổ ấy
Khuôn mặt em
Như mảnh trăng những đêm rừng cháy

Trên đường đi
Anh đặt em trên đồng cỏ
Thấy đẹp mãi màu xanh cỏ dại

Trên đường đi
Anh đặt em trên dốc núi
Ðể tìm lại những đường mềm của núi

Trên đường đi
Khuôn mặt em làm giếng
Ðể anh tìm làm đáy ngọc châu

Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng
Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng.

1974