Nhà thơ & Bài thơ hay

MỖI BÀI THƠ NHẰM ÐỂ “XÁC LẬP TÔI”

(Đọc tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ* của Nguyễn Quang Thiều)
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung nhà thơ Nguyễn Quang Thiều của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhà thơ Nguyễn Quang Thiều của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Mỗi nghệ sĩ là một thế giới, một tự trị, nói theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, là một lãnh thổ độc lập và tự do, một nền độc lập của riêng mình. Theo đó, nhà thơ triển khai một ý khác, rằng chính vì thế mà tôi (cái tôi thi sĩ) là duy nhất tồn tại bình đẳng với những cái tôi khác...

Cũng nhân đó, tôi, người viết bài này muốn nói thêm một ý, rằng đến lượt người đọc, kể cả những người làm phê bình - kiểu người đọc chuyên nghiệp, mỗi khi đứng trước các tác phẩm thơ, dù là một câu/bài/tập thơ/tác giả thơ cũng đều tồn tại như một người đọc độc lập, khác biệt, duy nhất, bình đẳng với các cách đọc khác.

Nói thế, để thấy cùng kỳ lý, việc làm thơ, đọc hay phê bình thơ đều là công việc của sự sáng tạo, không thay thế, cô độc, vừa nhọc nhằn vừa mê đắm...

Lâu lâu rồi mới thấy nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có tập thơ mới mang tên Nhật ký người xem đồng hồ vừa ra mắt bạn đọc vào dịp đầu thu năm nay. Nếu tính thời gian, tập thơ này cách tập cuối cùng gần nhất Dưới ánh trăng và một bậc cửa (2020) cũng đã ngót 3 năm.

Tôi cho rằng, với ai không biết, riêng ở nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người đọc không khó nhận ra một điều: Ngay từ tập thơ đầu tiên Sự mất ngủ của lửa (1992), rồi lần lượt 9 tập thơ sau đó, cho đến tập thơ này, Nguyễn Quang Thiều không chỉ xác lập tư cách thi sĩ vững chãi của mình mà còn kiên định tồn tại trong một tư thế LÀ MÌNH, để làm nên một cá tính thơ khác biệt, không lẫn.

Nguyễn Quang Thiều thi triển một không gian thi ca tràn ngập khí quyển làng Chùa, nơi ông được sinh ra, lớn lên, gắn bó, chịu ơn. Làng quê ấy, từ thực tại đi vào thơ của Nguyễn Quang Thiều trở thành một không gian nghệ thuật, hiểu theo nghĩa như một nỗi tha thiết thường trực, một hình ảnh tập trung, nhất quán, xuyên suốt và ám ảnh. Một nhà thơ nếu không tạo ra được một tiêu điểm nghệ thuật nào đó, rất dễ đưa lại cho người đọc cái cảm giác về một tổng thể thơ của họ hơi chênh vênh, luễnh loãng, không thấy có cái neo chắc chắn để con thuyền thi ca bám đậu. Nguyễn Quang Thiều vượt lên thử thách này. Thơ ông luôn khép mở đi về giữa làng Chùa và thiên hạ, rộng ra là thế giới, từ xa nhìn về làng và từ làng nhìn ra thế giới với bao nỗi nông sâu... Có được cái chân ngã căn bản này, cho dù nhà thơ đẩy thơ của mình đi xa đến đâu, nhiều khi rất xa vào chân trời cách tân nào đó vẫn thấy thân thuộc hồn cốt dân tộc.

Thơ Nguyễn Quang Thiều tràn ngập một hệ thống thi ảnh có sự hòa trộn đa đạng, biến hóa, bất ngờ giữa cái thực tại và cái huyền ảo, cái hữu lý và phi lý, cái hiện hữu và siêu thực. Kinh nghiệm thơ ca Việt Nam và thế giới đã được nhà thơ phát huy trong việc kiến tạo thế giới nghệ thuật của riêng mình. Hiển nhiên, nhà thơ nào khi làm thơ cũng băn khoăn về việc dụng chữ. Nhưng dụng chữ đến mức coi chữ là yếu tính thứ nhất, nghĩa là cái tùy thuộc, thậm chí không quan trọng như một số nhà thơ đàn anh Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng thực hành thì không phải là lựa chọn của Nguyễn Quang Thiều. Tôi cho rằng, thơ Nguyễn Quang Thiều chủ yếu dụng hình, thi hình, thi ảnh để hướng tới biểu nghĩa.

Thơ ông có một bảng thi hình, thi ảnh đa dạng, độc đáo, liên quan đến không gian như đám mây, bầu trời, dòng sông, bến nước, nghĩa địa, cánh đồng, con đường; liên quan đến loài vật: con cá, con chim, con bò, con chó, con giun, con chuột; liên quan đến thảo mộc: tàng cây, cành nhánh, bộ rễ, chiếc lá, bông hoa, chùm quả; liên quan đến đồ vật: mái nhà, chiếc đồng hồ, bình gốm, ấm pha trà, cây sáo trúc, tấm thảm, chiếc khăn, cái áo... Một thế giới hữu thể thậm phồn, phì đại, chồng chất, phối trộn hư hư thực thực những thi hình, thi ảnh của đất, của trời, của người, của ma, của xưa của nay, của làng quê và đô thị, của Việt Nam và thế giới. Trong rừng rậm chập chờn đứt nối của các tín hiệu hình ảnh, nhiều tín hiệu gây sửng sốt, thậm chí đụng độ với cảm quan thẩm mỹ quen thuộc của độc giả.

Nguyễn Quang Thiều được xem là một trong những nhà thơ có ý thức cách tân thơ mạnh mẽ, liên tục, không để dấp dính người khác và không chịu lặp lại chính mình. Đến tập thơ này vẫn nhất quán một tinh thần như vậy, nhưng có vẻ như ráo riết hơn, sắc sói hơn. Với nhiều chủ đề, nhưng nhà thơ lấy khoảnh khắc thời gian làm hệ quy chiếu, với ý niệm mỗi phút giây sống là mỗi khác, khác với những cái tôi khác trong cùng thời điểm ở những không gian khác, khác với khoảnh khắc trước đó và sau đó của chính mình; mỗi phút giây sống vừa là hiện tại, vừa là lịch sử. Điều này đã hóa thân vào nhiều mạch nguồn cảm hứng khác nhau về làng quê, cha mẹ, người tình, về người khác, về thế giới đồ vật làm nên những cái chớp sáng của ý nghĩa...

Lại thấy, Nguyễn Quang Thiều lâu nay rất mạnh về thơ tự do, mà là tự do không vần. Đến tập thơ này vẫn vậy. Nhưng tôi có cảm giác, cái ý niệm về thể thơ ở tập thơ này đối với nhà thơ dường như không còn quan trọng nữa. Nhà thơ rất thoải mái thơ tự do, thơ có vần, thơ không vần, thơ 5/6/7/8 chữ; thoải mái co duỗi chữ/dòng/khổ; thoải mái “ghi chép” khoảnh khắc tâm trạng theo từng giây phút; thoải mái chen các lời thoại của nhân vật trữ tình. Thêm nữa, Nguyễn Quang Thiều từ lâu, đến tập thơ này càng cho thấy ý thức quyết liệt đoạn tuyệt với điệu thơ thuần giãi bày cảm xúc để thực hành một điệu thơ của suy nghiệm, của chất nghĩ trong một sự hòa phối nhuần nhị với cảm xúc. Một điệu thơ riêng mang tên Nguyễn Quang Thiều là kết quả tổng hòa từ những điều có vẻ li ti như thế...

Một tập thơ không quá dày, tổng số 85 bài (chia làm hai phần) trong đó có nhiều bài thơ hay, quyến rũ. Giả định một cuộc chơi: nếu chỉ được chọn 5 bài tâm đắc nhất trong tập thơ này, tôi xin chọn (với nhiều tiếc nuối): Đau lúc gần sáng, Tang lễ, Những hạt cây, Thư gửi Mẹ, Đồ chơi của cháu nội. Bạn hãy thử chọn/chơi theo cách của mình?...

_______________

* Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ấn hành tháng 5/2023.

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu ba bài thơ trong tập thơ mới của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Những hạt cây

Có hai người trở về
Ngồi dưới tán cây đầu đông
Gió đang xếp lại từng phiến lá
Một người đi xa xếp đồ đạc của mình

Họ là những hạt cây thẫm đỏ
Tách ra từ chùm quả Thiên đường
Người gieo họ xuống cánh đồng nhân tính
Lời mọc lên tốt tươi trong ánh sáng vô bờ

Khi con mười tám tuổi, mẹ nói:
- Bền vững hơn vàng là kim cươngKhi con năm mươi tuổi, mẹ nói:
- Bền vững hơn kim cương là hạt cây

Dưới tán cây chiều nay hai người im lặng
Những hạt cây xếp bên nhau chuẩn bị khai mùa
Và bầy chim mỏ ngà từ trời xanh đậu xuống
Tán cây vàng
Nhặt họ
Bay đi.

MỖI BÀI THƠ NHẰM ÐỂ “XÁC LẬP TÔI” ảnh 1

Minh họa | NGUYỄN MINH

Đau lúc gần sáng

Một người đàn bà đã xóa hết tên, tuổi
trên mọi văn bản của mình
Rồi đến tìm tôi

Nàng rung quả chuông trong ngực tôi
Nàng thắp ngọn nến trong mắt tôi
Nàng mở cánh cửa trong tai tôi
Nàng thay chân tôi bằng chân ngựa hoang
Nàng thay tay tôi bằng cánh đại bàng

Nàng đốt tôi bằng đôi môi nung đỏ
Nàng nói:
- Hỡi vị thần của em

Hãy lên đường theo cách một vị Thần

- Hỡi chàng trai của em

Hãy lên đường theo cách một chàng trai

- Hỡi cậu bé của em

Hãy lên đường theo cách một cậu bé

Và tôi rời xa tôi đau ốm
Rời xa tôi tuyệt vọng
Lên đường trên con ngựa ngôn từ
Trong tiếng kèn đồng rền rĩ của nàng.

Đồ chơi của cháu nội

Siêu nhân, tàu hỏa, khủng long...
Những đồ chơi của cháu không bao giờ có tuổi
Chỉ có một đồ chơi của cháu
Mỗi ngày một già
Và thi thoảng tỉnh giấc
Nằm nhớ chủ nhân của mình
Đang ngủ ở tầng trên.