Nhà thơ & Bài thơ hay

Phạm Thị Ngọc Liên: Người đi tìm chân dung tình yêu

Tròn 20 năm, nữ thi sĩ Phạm Thị Ngọc Liên mới trở lại thi đàn bằng tập thơ dày dặn mang tên “Trong tôi có nhiều tôi” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). 99 bài thơ kết thành một “con đường thơ” với biển chỉ đường là “Tình yêu”. Phải, tất cả đều là thơ Tình, của một người đàn bà hồn nhiên, đa đoan, sẵn sàng “nhắm mắt đi trên cầu thăng bằng/ nồng nàn/ liều lĩnh” để tìm cho được chân dung của Tình yêu, hay là chân dung thân phận con người.
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Tình yêu, thời nào và ở đâu cũng vậy, là một chủ đề lớn trong nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng. Đối với những người phụ nữ cầm bút, dường như tiếng nói về Tình yêu chiếm vị trí quan trọng hơn, ít nhất là với trường hợp Phạm Thị Ngọc Liên. Để vẽ chân dung đời sống này, với mọi cung bậc, sắc thái, chị biến mình thành kẻ dò đường trong biển rộng Tình yêu. Từ đó thấm thía những hạnh phúc, khổ đau để nhận diện những bài học cuộc đời và để điềm nhiên yêu thương cuộc đời như một lựa chọn sống.

Tập thơ “Trong tôi có nhiều tôi” được chia thành 5 phần, giống như 5 mảnh ghép gồm những “cái tôi” khác nhau để tạo nên một “cái tôi phổ quát” Phạm Thị Ngọc Liên. Cảm giác như, tập thơ là một cuốn phim quay chậm về hình ảnh người đàn bà yêu, bắt đầu từ những cảm xúc của thời tuổi trẻ hồn nhiên nhiều khát khao ước vọng, nhiều mơ mộng và chờ đợi. Những câu thơ của Phạm Thị Ngọc Liên dìu chúng ta về lại thời hoa đỏ, về lại những năm tháng rạo rực thanh xuân: “Chỉ có biển và em/ Cùng hát lời ân ái/ Ngực tròn như đồi trăng/ Thả ánh vàng xuống đáy” (Trăng và biển), “Em đi đâu hỡi người đàn bà mùa hạ/ trên môi hé nụ cười một mình” (Tháng Tư, một ngày nắng gắt).

Một “cái tôi” khờ dại, chỉ muốn được ủ ấm trong vòng tay của tình yêu, như con sóc nhỏ chạy thênh thang trong khu vườn ngợp ngời hoa lá. “Hôn em đi/ trong tia nắng bình minh còn ủ kín bên kia bầu trời/ nụ hoa còn say giấc” (Ngày yêu), “Đi cùng ngọn gió ban trưa/ bắt đầu nồng nàn như nụ hôn thơm mùi cây trái (Sông và vườn). Phạm Thị Ngọc Liên tự nhận mình là người đàn bà có “trái tim bướng bỉnh”, “người đàn bà có trái tim ngốc nghếch/ ôm vào lòng những thèm muốn trẻ con” (Cảm giác).

Mảnh ghép cái tôi thời thanh xuân trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên mang cho người đọc thật nhiều cảm xúc, khiến cho mỗi chúng ta bỗng nhiên muốn quay về hoài niệm quá khứ một thời ai cũng có. Những trong veo buổi đầu khi ta bắt đầu dò tìm ý nghĩa đời sống bằng những ngọt ngào của Tình yêu. Bằng những run rẩy của người thiếu nữ: “Ừ thì cứ tháo đôi giày đỏ dưới chân/ để cỏ mềm ve vuốt/ như gỡ xuống vầng mặt trời nóng rát thả vào ly nước chanh/ như tiếng chuông điện thoại của anh/ đột ngột réo rắt” (Tháng Tư, một ngày nắng gắt).

Nhưng rồi những thước phim dẫn ta đến một mảnh ghép khác, khi theo chân người đàn bà thơ bước qua mùa hạ. Những bài thơ bắt đầu nhuốm nỗi buồn, như người bộ hành vai áo bắt đầu nhuốm bụi đường. Bức chân dung tình yêu như những gam mầu sáng tối hiển lộ, như cuộc đời với mọi vui buồn, khổ đau tuyệt vọng hiển lộ. Nào phải chỉ có mưa đầu mùa, mà cả nước mắt đã rơi: “Chạm vào trái tim của anh/ một lần rồi bốc cháy/ em sá gì nỗi đau tan tành/ sá gì ngày mai lãng quên/ sá gì sự chết” (Mai).

Ai đó nói rằng, phía bên kia của Tình yêu là khổ đau. Dấn thân vào tình yêu là dấn thân vào khổ đau. Nhân vật trữ tình trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên sau khi đi qua những ngọt ngào thời áo xanh, trong một góc tối nào đó của mùa thu dần tới “Ngồi đếm nỗi buồn của mình/ qua lá cây”. Đó là khi những sắc màu trên bức chân dung tình yêu bắt đầu nổi sóng, ít nhiều làm tan hoang những mộng mị: “Chỗ nằm ấy đã có người/ hãy mời em ly nước muộn/ ngoài kia trời vẫn sương” (Muộn).

Người ta đến với tình yêu để hạnh phúc, hay là để mang vết thương? Nào ai có thể trả lời rành rẽ câu hỏi ấy, ngay cả thi sĩ. Thơ là nhật ký của tâm hồn, của cảm xúc, là tiếng nói thật thà của trái tim, là phút người cầm bút tự “soi gương” chính mình. Những vết sẹo buồn làm sao tránh được và làm sao không thể không viết ra, nhất là với một thái độ “sá gì” của nữ thi sĩ như chị từng xác quyết.

Tình yêu của người đàn bà trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên có áp thấp, có mưa và có giông bão: “Im lặng/ biết rằng giông bão vẫn còn ẩn nấp đâu đó/ đốm lửa chực bùng lên/ nỗi đau sẽ kéo dài vô tận/ nếu như mình thốt nên lời”. Tự biết để rồi tự hát, tự vực mình dậy sau những cơn đau bằng điềm nhiên: “Tình yêu như bông hoa nở ngoài vệ cỏ/ cứ rực rỡ tỏa hương không tị hiềm mình đang ở đâu/ không e sợ bàn chân ai vô tình giẫm phải” (Áp thấp). Để rồi một hôm nào đó: “Ngồi thụp ở vệ cỏ ven đường/ bàn tay đặt trên nền đất đỏ/ rưng rưng như nhặt trái tim mình/ đã nở thành hoa” (Tôi muốn kêu lên mà quá ngạt).

Càng về sau, cuốn phim tình yêu mà Phạm Thị Ngọc Liên bày ra ở “Trong tôi có nhiều tôi” càng chất chứa nỗi niềm. Phủ lên gương mặt người đàn bà thơ là sắc thái của mùa thu, của không gian chiêm nghiệm. Sau những kiếm tìm, người thơ như đang vẽ nốt những đường nét của bức chân dung tình yêu. Phút đốn ngộ khiến nàng nhận ra: “Ở trong quãng tối và quãng sáng/ cám ơn anh đã giúp em nhìn rõ cuộc đời/ và chân dung tình yêu... Người đến bên người bằng lừa lọc đã quen/ cám ơn anh đã không tráo trở phút đầu tiên/ nên em có một khoảng lớn thời gian nhầm lẫn..”(Kết thúc một tác quyền), để rồi chọn một thái độ sống: “Vì tình yêu vĩnh cửu/ vẫn xin cám ơn đời/ cám ơn anh”.

Khổ đau, bi lụy trong tình yêu- đàn bà ai cũng có, tôi nghĩ vậy. Người đàn bà trong thơ tình Phạm Thị Ngọc Liên không ít lần trái tim rớm máu, nhưng họ đến và đi trong tình yêu luôn bằng thái độ tận hiến, thành thật như ngọn nến đốt cạn mình để sáng. Họ đã trồng hoa lên những thương đau và luôn mạnh mẽ, bao dung: “Đường rụng đầy bi kịch/ tôi còn thênh thang đi” (Và mênh mang tiếng ca), “Ra đi không phải bỏ lại những hối tiếc về một chặng đường/ hay giẫm đạp về một chặng đường/ ta đã trồng hoa trên đó” (Ra đi).

Và tôi nghĩ, chỉ riêng một thái độ yêu như vậy thôi, Phạm Thị Ngọc Liên đã có thật nhiều tri âm.

“Trong tôi có nhiều tôi” phần lớn là thơ tự do, thể hiện một tư duy khoáng đạt của người cầm bút. Phạm Thị Ngọc Liên không chịu gò mình trong cách thể hiện, chống lại những khúc thức để tự hát lên bài ca đàn bà trong sâu thẳm bản năng chính mình. Thơ chị giàu cảm xúc nhưng vẫn luôn có được một sự tỉnh táo cần thiết, không sa đà vào dễ dãi hay làm quá. Một thái độ dám sống, dám chấp nhận trả giá thật không dễ tìm thấy trong thơ nữ hiện nay. Như câu thơ chị viết: “Đôi khi những câu thơ của tôi đi lạc vào con tim lạnh giá của ai đó/ và u uẩn đóng thành băng/ tôi chấp nhận cái chết bất ngờ của mình/ như chấp nhận một câu hát/ một ly rượu..”(Khoảnh khắc).

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên

Vĩ thanh

Trong tôi có nhiều tôi
Một tôi hay cười một tôi hay khóc

Tôi cười với đám đông
Tôi khóc một mình

Còn một tôi im lặng
Một tôi là chiếc bóng theo tôi

Tôi gom nhiều tôi thành một tôi
Nhiều lần ngồi đếm và tự hỏi

Tôi nhiều tôi vậy
Mà sao một mình?...

Phạm Thị Ngọc Liên: Người đi tìm chân dung tình yêu ảnh 1

Minh họa | NGUYỄN MINH

Sen em

Sen
chọn một mùa nắng nhất để nở
như em chọn anh để yêu
biết rằng sẽ có ngày khát cháy

chỉ cần một khoảnh khắc nở bừng
gì phút giây tàn tạ
em tỏa hương như sen
ở bến bờ anh

khắc nghiệt và hân hoan
anh trao cho em cơn run mê đắm
mưa trao cho sen một buổi chiều ướt đẫm
rồi yên lặng quay đi

chọn một mùa nắng nhất để nở
sen một mình thơm
chọn anh để yêu
em một mình hạnh phúc

dẫu mai này ra sao...