Nhà thơ & Bài thơ hay

Nhà thơ Phạm Công Trứ: Tựa vào những câu thơ hay

Trong truyền thống, nhất là với thơ trung đại, người đọc thơ thường hay chú ý đến những câu chữ được coi là tuyệt bút trong bài: những “nhãn tự”, “thần cú”... Cách nhìn này, khi bước sang văn học hiện đại vẫn được chú ý, nhưng không còn là duy nhất, cuối cùng.
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung nhà thơ Phạm Công Trứ của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhà thơ Phạm Công Trứ của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận được là, có bài được gọi là hay nhờ vào câu thơ hay và có những bài được coi là hay nhờ vào chỉnh thể toàn bài. Ở trường hợp thứ nhất, cái hay của bài tựa vào những câu thơ hay; còn trường hợp thứ hai, cái hay của bài tựa vào toàn khối, phân bố trên tất cả các khổ/câu/dòng/chữ thơ một cách không đồng đều.

Trường hợp sau gồm những bài thơ có tứ thơ độc đáo, được triển khai tinh, sắc, gọn, tạo nên hiệu quả tổng lực. Tôi cho rằng, thơ của Phạm Công Trứ nghiêng về trường hợp thứ nhất, tức phần lớn những bài thơ hay nhờ tựa hẳn vào những câu thơ hay.

Câu thơ hay luôn có khả năng bay ra khỏi từ trường của toàn bài để trở nên độc lập. Những câu thơ hay của Phạm Công Trứ về cơ bản thuộc dạng này. Tình tôi là một mũi tên / Đã ra khỏi nỏ là quên đường về giờ đây không còn cần tựa vào cả bài Tình tôi I, nơi mà nó sinh ra nữa. Nó có đời sống của riêng mình, mang dáng dấp của một châm ngôn, cứ thế đi thẳng vào đời sống tinh thần của cộng đồng.

Trứ là người gốc gác thôn quê. Anh cũng luôn nhận mình là “người quê”, “gã quê”, “nhà quê”... và người như thế thì có “thơ quê”. Cái hay của nhà thơ họ Phạm này không chỉ là vốn sống, tri thức địa-sinh thái-xã hội-văn hóa quê, mà trong thẳm sâu tâm hồn, anh đã nuôi nấng, gìn giữ được một đứa trẻ con nhà quê, để mỗi khi được phát động, nó cất tiếng về quê hương một cách bất ngờ, hồn nhiên, thú vị.

Đây là chất thơ của đứa trẻ quê tinh tế: Cánh chuồn lặn xuống đáy ao/ Quả chuông tím phía bờ rào còn run (Nhặt ở bờ rào); Đom đóm chong đèn đêm đêm/ Hạt vừng đội đất mọc lên... cây vừng (Tháng Ba). Câu lục bát thứ hai đọc lên tưởng không có gì, một cách nói có vẻ trẻ con, hiển nhiên (hạt vừng đội đất chả mọc lên cây vừng thì là cây gì).

Người lớn thấy hiển nhiên, nhưng trong cái nhìn của trẻ thơ, chúng thấy ngạc nhiên, bỡ ngỡ, như một phát hiện. Những câu thơ như thế khiến người đọc là người lớn nhận ra cái già cỗi của mình. Câu thơ giản dị tận đáy mà không hẳn dễ làm, không dễ gì có được.

Trong chiều sâu của tâm tình cá nhân, nhà thơ Phạm Công Trứ sống với nhiều quan hệ. Khi nói lời ân tình với mẹ. Khi tâm tình với người đẹp. Khi lại quay ngược vào trong như tự thủ thỉ với chính mình.

Một câu thơ thật giản dị mà nói được những tâm sự thầm kín, cảm động của người con đối với mẹ già: Mỗi năm mẹ một thêm già/ Lưng mẹ còng xuống hiên nhà cao thêm (Quê). Thơ Phạm Công Trứ ít nói về mẹ, nhưng chỉ một câu thơ trên cũng đã có sức nặng đủ gợi lên nhiều cảm xúc ân tình, hiếu đễ của những đứa con trên mặt đất này... Có thể nói, đây là một câu thơ hay trong bảng xếp hạng những câu thơ hay viết về mẹ trong thơ Việt.

Thơ Trứ cũng như thường lệ, nói nhiều về tình yêu với nhiều cung bậc, trạng huống. Có tỏ tình. Có nhớ nhung. Có hạnh phúc. Có đổ vỡ... Nhiều câu thơ thật thông minh, thú vị. Những người trẻ hôm nay có khi vẫn mượn thơ Trứ để bày tỏ nỗi niềm. Không ít những câu thơ cất cánh bay ra khỏi chỉnh thể gốc để đi vào đời sống theo cách của những châm ngôn. Đây chính là niềm mơ ước của tất thảy những người làm thơ.

Phạm Công Trứ là một thi sĩ thực sự có được niềm hạnh phúc theo nghĩa ấy: Mắt em trong suốt thời con gái/ Trời ơi con mắt của tháng Giêng (Mùa xuân nói gì); Em đi để lại tiếng cười/ Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê/ Trăng vàng đêm ấy bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may (Lời thề cỏ may). Một câu thơ hay nhất thiết phải tạo ra được nỗi ngạc nhiên cho người tiếp nhận. Tài năng và cống hiến của mỗi nhà thơ chính là ở chỗ đó.

Trong mạch thơ tâm tình cá nhân, Phạm Công Trứ có không ít các câu thơ đột xuất, thường mang màu sắc chiêm nghiệm, buồn, nặng chất suy tư: Có người với ấm nhân-trần/ Ngồi Quan-Hoa-Các ngâm vần-thơ-quê (Hôm nay); Người đi kiếm cái giầu sang/ Ta về gảy khúc TRĂNG VÀNG NGÕ QUÊ (Độc huyền tự khúc).

Sinh thời, nhà nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn Sơn hay có nhiều dịp trò chuyện cùng tôi, phần nhiều là chuyện văn chương. Tôi nhớ, có lần họ Chu nói với tôi cái ý: Mỗi nhà văn suy đến cùng phải có được cái giọng của riêng mình; có nhà văn có vẻ nổi tiếng, nhưng bảo cái giọng riêng thế nào, không thấy!... Tôi cho là họ Chu có lý.

Giọng điệu chính là cái “vân chữ” (như cách nói của nhà thơ Lê Đạt), là cái hơi cái khí, cái tông cái tạng của mỗi tác giả. Bàn luận về giọng không dễ. Có lần chính nhà thơ Phạm Công Trứ tự nhận thơ mình mang cái “giọng đùa” (Thơ đùa từ thuở sinh viên/Mười năm có lẻ còn nguyên giọng đùa - Tự sự).

Đọc thơ Phạm Công Trứ, phần lớn các bài thơ hoặc công khai hoặc bàng bạc cái sắc điệu buồn, cô độc (không phải cô đơn, thơ Trứ ít cô đơn), nhiều tự tình, ít hướng ngoại. Một số bài thơ mang giọng đùa vui, thậm chí có lúc hơi tếu táo cũng không lấn được cái sắc điệu này. Tôi gọi đó là cái giọng tự cảm ngùi ngùi, làm thành một âm điệu bao trùm trong thơ Trứ.

“Tự cảm” nên lặng lẽ, âm thầm, không ồn ào, ít nói to; “ngùi ngùi” như thầm thương bản thân mình, cái thương không đến mức than buồn, tự thán. Nó cũng không ngả về bi lụy. Người thơ này rất biết thương mình nhưng cũng rất biết tự trọng (lắm lúc tự trào), kiêu ngầm, thương mình nhưng giấu không muốn cho ai thấy... Thì ra trong thơ Trứ, cái đùa đùa chỉ là vỏ ngoài, cái tự cảm ngùi ngùi mới là cái ruột bên trong.

Về thơ Phạm Công Trứ, có nhiều cái để nói về. Thí dụ, có thể bàn về thơ lục bát Phạm Công Trứ chẳng hạn. Về chuyện này cũng đã có không ít nhận xét rồi, có cả những khen chê khác nhau. Tôi chỉ nói một ý thôi, rằng trong khi Nguyễn Duy có một lục bát của “chúng sinh” lấm láp pha chút chơi giỡn, Đồng Đức Bốn là một thứ lục bát thậm xưng, thì Phạm Công Trứ tạo ra một thứ lục bát của cái hóm- hỉnh - ngùi-ngùi. Trên hành trình lục bát đương đại Việt Nam, có ghi tên Phạm Công Trứ.

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu 3 bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Phạm Công Trứ.

LỜI THỀ CỎ MAY

Làm sao quên được tuổi thơ
Tuổi vàng, tuổi ngọc - tôi ngờ lời ai

Thuở ấy tôi mới lên mười
Còn em lên bảy, theo tôi cả ngày
Quần em dệt kín cỏ may
Áo tôi đứt cúc, mực dây tím bầm
Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Thế rồi xinh đẹp là em
Em ra tỉnh học em quên một người
Cái hôm nghỉ Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi, em hỏi hững hờ
“Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?”
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê

Trăng vàng đêm ấy, bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may...

Nhà thơ Phạm Công Trứ: Tựa vào những câu thơ hay ảnh 1

Minh họa: NGUYỄN MINH

NHẶT Ở BỜ RÀO

Có một chú chuồn ớt
Tớp xuống phía bờ rào
Có một thằng cu Tý
Rón rén phía đằng sau
Có một đôi bím tóc
Thấp thoáng bên kia rào
Lấp ló đôi mắt thỏ
Trưa cánh bìm thiu thiu...

*

“Chuồn chuồn có cánh thì bay...”
Tiếng cười khúc khích lung lay bờ rào
Cánh chuồn lặn xuống đáy ao
Quả chuông tím phía bờ rào còn run...

THÁNG GIÊNG

Mắt em trong suốt thời con gái
Trời ơi, con mắt của tháng giêng!

Đầu làng đang giục trống chèo
Cuối làng đang vút lên nhiều dây đu
Trai làng cờ đám, cờ vua
Già làng sửa lễ lên chùa dâng hương
Mưa xuân chẳng để ướt đường
Gió xuân vừa đủ đưa hương tóc dài
Tơ trời dăng mắc mắt nai
Đường thôn xanh đẫm một loài cỏ non...

*

Tháng giêng như gái một con
Nửa như viên mãn, nửa còn khát khao.