Phan Huy là dòng họ truyền thống khoa bảng, có nhiều nhà văn, nhà sử học xây nên văn hiến nước nhà như Phan Huy Cẩn (1722-1789), Tổng tài Quốc sứ quán triều Lê; nhà ngoại giao, nhà văn hóa Phan Huy Ích (1751-1822), làm quan trong hai triều Lê - Nguyễn, dịch giả của Chinh phụ ngâm. Con ông là Phan Huy Chú, tác giả của bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí. Cháu ông là Thượng thư Bộ Lễ Phan Huy Vịnh, nhà ngoại giao, nhà thơ, dịch giả Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị được lưu truyền như một mẫu mực, nơi tiếng Việt hiện lên vừa cổ kính, vừa hiện đại sâu lắng, trang nhã; nơi bản dịch trác tuyệt cùng nguyên tác: Bến Tầm Dương, canh khuya đưa khách/Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu/Người xuống ngựa, khách dừng chèo/Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty…
***
Phan Huy tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp năm 1965, thoạt đầu là phóng viên TTXVN tại tuyến lửa Khu IV, sau chuyển về Báo Nhân Dân, từng là Trưởng cơ quan Thường trực Báo Nhân Dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Dân trí tại Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Cần Thơ; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Là người đa tài, ông đã xuất bản nhiều tác phẩm: Ngã ba thương (Thơ, Nxb Văn học, 2000); Giữa hai dòng trong đục (Thơ, Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2023); Xẻ đôi ngọn gió (Thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2015); Ngược bến sông mơ (Thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2020); Cát và pha lê (Thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2023); Ấn tượng đồng bằng (Ký, Nxb Trẻ, 2004)…
***
Người cầm bút chuyên nghiệp thường bao giờ cũng xác định cho mình một quan điểm thẩm mỹ, một trách nhiệm của mình trước ngòi bút với xã hội. Với Phan Huy, đó là tính trung thực, là sự chiến đấu cho lẽ phải:
Dấn thân nghề báo nghiệp đời
Khen chê yêu ghét nói lời thẳng ngay...
(Tự bạch)
Trong cuộc đời này, có hai chuyện dường như mang tính số kiếp, tiền định đó là hôn nhân và thi ca.
Làm thơ là kiếp giời đày. Như Nguyễn Bính từng viết trong bài Hoa với rượu: Ấy thế mà rồi cách biệt nhau/ Nhà Nhi không biết dọn đi đâu/ Mình tôi trời bắt làm thi sĩ/ Mẹ mất khi chưa kịp bạc đầu.Muốn xa nó, bỏ nó cũng không được. Tản Đà, trong Hầu trời cũng tự coi mình là trích tiên, coi việc viết văn, làm thơ là việc Trời sai để làm việc gìn giữ thiên lương cho nhân loại: Trời rằng: Không phải là Trời đày/Trời định sai con một việc này/Là việc “thiên lương” của nhân loại/Cho con xuống thuật cùng đời hay.
Phan Huy không có khẩu khí đó. Ông coi việc làm thơ là một sự phấn đấu không ngừng để đi đến những bến bờ của cái đẹp, đến những khát vọng cao cả của con người:
Một đời dan díu với thơ
Âm thầm vượt bến sông mơ gập ghềnh.
Phan Huy làm thơ từ sớm, đến năm 20 tuổi, thơ đã có độ chín. Trong bài Hỏi viết năm 1962, ông khao khát vượt lên khuôn thước của một cuộc sống tầm thường, gói đời trong vật chất, thỏa mãn với việc ăn no mặc ấm:
Chỉ ăn no mặc ấm
Mộng đời tựa vuông khăn
Dù thêu hoa dệt gấm
Mỗi bề rộng mấy gang?
Cái mà thơ Phan Huy hướng tới là truyền ngọn lửa yêu đời, yêu người, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời trong tình yêu:
Mùa xuân đẹp quá em ơi
Đất tràn hoa rượu bầu trời đầy chim
Thơ ông ngập tràn hình sắc, cảnh vật của đất nước. Và bởi tâm hồn ông rất đẹp nên mỗi búp lá, nhành mây, mỗi tên núi, tên sông chợt gặp trên bước lãng du cũng trở thành chất liệu của thơ ca, cũng gợi lên một tình yêu thao thiết:
Mây bay vừa đủ vấn vương
Đèo cao Ngoạn Mục con đường lãng du
Mộng mơ Đà Lạt sương mù
Mùa xuân buổi sáng mùa thu buổi chiều
Ta có thể đọc thấy trong thơ Phan Huy một thứ bổn kinh, đó là tụng ca Tình yêu nam - nữ
Phong sương bạc nửa mái đầu
Gặp em đang độ têm trầu đợi ai
Thế rồi hồn cất cánh bay
Tim yêu cháy bỏng thơ say đắm lòng
Tình yêu không chỉ làm say đắm những vần thơ, là hương vị ngọt ngào mà còn là sự hiến dâng hết mình như con tằm rút hết tơ lòng để được chết vì tình yêu, vì vuông lụa óng vàng, vì niềm tin được tái sinh trong bờ dâu xanh mát:
Ta cứ yêu như tiếng lòng đã gọi
Để chuyện tình thành chuyện trăm năm
Khi tơ vương trút hết kiếp tằm
Ta về lại bờ dâu xanh mát...
Nên cả quyết
Ta giờ yêu đắm yêu say
Người ơi ta quyết đêm nay với người...
Là nhà báo, thơ ông có dấu ấn của tân văn. Có bài thơ như một bức ảnh chụp cuộc đời thực như Cha con người ăn mày ở bến phà Sông Hậu. Cảnh chụp vốn mang một trường nghĩa lớn cộng thêm con mắt nhà nghệ sĩ khi chớp được khoảnh khắc đắt giá nhất và những suy ngẫm như một “chú thích” làm định hướng, làm giá đỡ, làm nhân lên mỹ cảm, khiến bức ảnh đó được nâng lên tầm nghệ thuật.
Cổ thi có câu “Thế gian vạn sự giai bào ảnh/ Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình”, nghĩa là, trên đời vạn sự đều hư ảnh, nghìn kiếp may chi một điểm tình. Mời bạn đọc cùng đến với cái “duy dư”, cái may còn là điểm tình sáng ấy và những bức ảnh đời đáng suy ngẫm trong thơ Phan Huy.
Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu 3 bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Phan Huy
CHA CON NGƯỜI ĂN MÀY
Ở bến phà Sông Tiền
Có một người hành khất
Gậy chấm dày mặt đất
Chiếc gậy lấm hai đầu
Ngày ngày mặt trời mọc
Cha và con dắt nhau
Cây đàn buông trước ngực
Dây chùng nỗi lo âu
Cha mù hai con mắt
Nhìn bằng đôi bàn chân
Co đi trong ngư ngác
Tay ngửa nón, tay đàn
Con hỏi cha nơi đến
Cha hỏi con nơi dừng
Bao nhiêu người ghé bên
Ai thương, ai dửng dưng?
Tôi vừa tan cuộc rượu
Hồn còn tràn trề say
Gặp nhau rồi chợt hiểu
Người hay ta ăn mày.
Phà Mỹ Thuận, 3-1990
Minh họa: NGUYỄN MINH |
ÔNG LÃO BÁN MAI
Bỗng dưng cuốn giữa dòng đời
Lạc vào phiên chợ chào mời bán hoa
Ông già bên gốc mai già
Cây xanh đầu bạc như là bức tranh
Thế cây “Phụ tử thâm tình”
Say mê người tạc hồn mình thành thơ
Hoa vàng ngậm nắng vàng mơ
Cành buông lay động gọi chờ mùa xuân
Trăm năm trải mấy phong trần
Quanh gốc mai cổ xoay vần buồn vui
Trăm năm tươi héo kiếp người
Đem trưng góc chợ mặc đời dửng dưng
Bao nhiêu mặn muối cay gừng
Bao nhiêu gió núi mưa rừng lão ơi
Tan phiên chợ Tết ba mươi
Người thành gốc cổ, mai cười đón xuân!
2003
LÊN THUNG KHE
Dừng chân trên đỉnh Thung Khe
Vô tình chạm phải mây che ngang đầu
Ngỡ mình tóc bạc từ lâu
Hóa ra không phải, ngang đầu mây bay…
Mai Châu, 1980