Nhà thơ Bạch Diệp

Nỗi đồng vọng xôn xao

Quan sát những người “dính” vào chốn thơ, thấy họ làm thơ với rất nhiều động cơ khác nhau. Những động cơ ấy có khi rõ rệt, có khi mơ hồ; có khi thiết thực, có khi lại vu vơ; có thể người thơ ý thức rõ công việc mình làm, có khi cứ viết như một thôi thúc bên trong không cưỡng được...
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung nhà thơ Bạch Diệp của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường
Ký họa chân dung nhà thơ Bạch Diệp của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường

Nói theo cách nói của nhà thơ Chế Lan Viên, rằng có hai loại thi sĩ: thi sĩ “làm thơ” và thi sĩ “bị thơ làm”. Dĩ nhiên, đây là một cách nói. Theo tôi hiểu, nhìn chung đã là nhà thơ đúng nghĩa, đều có cả hai cùng lúc, cả làm thơ và cả bị thơ làm; có điều trong từng trường hợp cụ thể và trong tổng thể, chỉ là khả năng nghiêng về phía nào mà thôi. Ở đây, cũng có thể liên quan đến một điều quan trọng khác nữa: làm thơ theo sự dẫn dắt của ý thức và vô thức. Nếu chỉ có ý thức không thôi sẽ không có thơ. Nhưng nếu chỉ vô thức không thôi, thơ sẽ dễ phân tán, hỗn loạn. Nó cần có sự tham gia của ý thức, ít nhất là ở khâu cuối cùng trước khi định dạng.

Tôi nhận ra rằng Bạch Diệp (tên đầy đủ: Trần Thị Bạch Diệp, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) là một nhà thơ nghiêng về phía thứ hai: thơ của người bị thơ làm và làm bằng vô thức.

Đọc thơ của Bạch Diệp, ấn tượng chung thấy rằng nhà thơ không định nói một điều gì đó rõ ràng, không cố tình xác lập một thông điệp cụ thể nào. Thơ chị chủ yếu nhằm biểu tỏ một trạng thái mơ hồ nào đó. Có thể là một cái gì đó gần như là một nỗi nhớ, một nỗi đau, một ký ức tuổi thơ, một người thân, một ngôi nhà, một cánh đồng, một dòng sông, một góc phố, một giọt sương, một ly vang, một mùi hương, một hình nét, một sắc màu...

Tất cả chan hòa vào nhau, tạo nên một ấn tượng tổng thể. Trong hội họa có trường phái ấn tượng (Impressionism), vẽ theo bút pháp bao chụp tức thì, không đi vào đặc tả đường nét cụ thể mà bao quát toàn cảnh, đa sắc màu, nhòe mờ, coi trọng ánh sáng, không khí chung. Trong một tinh thần như thế, Bạch Diệp viết: trên chiếc ghế nhìn ra ô cửa/ bóng anh còn đó /như mây/ như mây như sương như thực như mơ.

Viết như thế tức là do bút pháp ấn tượng điều hành. Thêm một thí dụ nữa: đêm qua/ vừa đêm qua/ biển cong như cái khoát tay/ mặc kệ thời gian/ để lại dấu vết/ trên chiếc ghế/ và mùi hương ấm trà/ chưa kịp chêm nước... Có đường nét. Có hình hài. Có mẫu vật. Có một làn hương mơ hồ... Bước vào khu vườn thơ Bạch Diệp, nữ thi sĩ dắt người đọc đi qua rất nhiều những phong cảnh, những chân dung thoáng qua, thực hư, mơ màng, ẩn hiện, bảng lảng. Thơ Bạch Diệp rất khói sương.

Ngày hôm nay, trong điều kiện sống với tốc độ nhanh, thông tin trở nên quá tải, hỗn loạn, con người bị cuốn theo cái ngoài mình, tha nhân, rất khó cưỡng nổi. Nhưng Bạch Diệp đã biết khước từ cái bên ngoài, biết dừng lại để lắng nghe nội tâm, chăm chút nội tâm. Người biết chăm sóc nội tâm siêng năng là điều kiện để người ấy sống hướng thiện, tử tế. Trong khung cảnh văn minh, văn hóa hiện nay, biết chăm sóc nội tâm là một khuynh hướng nhân bản. Chỉ có chăm sóc nội tâm mới biết trân trọng và chăm sóc cái ngoài mình, cộng sinh với chính mình: Chị và em gánh nước ao sen/ Mặt trời vàng ròng vỡ ra từng mảnh/ Múc cả tiếng chim tưng bừng đám lá/ Đường làng hớn hở những ban mai.

Người biết chăm sóc nội tâm như thế là người không bao giờ để cho tâm hồn mình xơ cứng, chai sạn. Nó biết ngạc nhiên trước một tia nắng, một tiếng chim, một tiếng reo của trẻ thơ, một mùi hương cánh đồng ban mai tinh khiết, một thân phận, một cuộc đời... Bạch Diệp mang một nội tâm đầy mẫn cảm với thế giới này. Nhìn đâu cũng “chuốc lấy” biết bao vui buồn nhân thế. Chính vì vậy, thơ chị tuy nói không ít về nỗi buồn, kể cả niềm đau mà vẫn ấm áp nhân tình. Người đọc nhận ra một trái tim giàu có, xao xuyến, dễ chạnh lòng, dễ bị khuấy động. Như một chuông gió, lúc nào cũng chực ngân lên bao nỗi đồng vọng xôn xao.

Người biết chăm sóc nội tâm như thế, nên mới có những vần thơ giàu thương cảm đối với người dì khi người đàn ông của mình bước vào cuộc chiến không trở về: Chúng tôi lớn lên dưới những chiếc tổ chim/ Thanh trà mấy mùa đơm trái chín/ Dì tôi mái đầu bạc trắng/ Như chéo dù hoa phơi trên nhánh thanh trà/ Chiều lại chiều/ Không ai đạp xe qua...

Chăm sóc nội tâm như là một động hướng tự nhiên, không cần phải có một cố gắng nào. Chính vì thế, nhân vật trữ tình trong thơ Bạch Diệp luôn luôn được là mình, được sống với chính mình một cách tự tin, với những phẩm hạnh cao quý. Có phải không, thơ Bạch Diệp lúc nào cũng toát lên sự cao quý của tâm hồn. Đề cao sự cao quý của tâm hồn, nghĩa là như một tất yếu, quay lưng lại với sự tầm thường, dễ dãi.

Tôi yêu biết bao những câu thơ Mưa trên cánh đồng tháng Chạp: Người đàn bà quỳ hái nụ hoa bên bìa ruộng thấp/ Nhặt tiếng cười đứa trẻ lên ba/ Đứa trẻ nhón chân chờ tiếng còi tàu/ Ôi mây/ Mây trắng mùa xưa theo ai ra đây / Ngang qua chiếc bóng đèn dầu/ Đi như mơ trong khu vườn ngải cứu/ Mau mau kịp tới bìa rừng tối/ Tay nải giấu đầy mắt sao...; Mưa trên cánh đồng thiếu ngủ/ Đường về làng cao vút trăng trong/ Tiếng tù và ai thả trên sườn dốc/ Mưa mang thơ ngây đi rồi phải không?...

Điều sau cùng tôi muốn nói, Bạch Diệp không né tránh nỗi buồn đau, kể cả những giằng xé lắm khi tuyệt vọng. Nhưng lạ thay, cũng bằng một cách tự nhiên, do năng lượng nhân bản giàu có mà đời sống nội tâm có được, sau rốt, hồn thơ này vẫn biết kiêu hãnh, vẫn biết hy vọng, đợi chờ: Những chiếc tổ chim mở ra/ Một vòm trời/ Bình yên/ Xanh thắm thiết.

Thơ ca sinh ra để làm gì nếu không mang đến cho con người những năng lượng sống tích cực, những niềm an ủi dịu dàng?

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu vài bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Bạch Diệp

Nỗi đồng vọng xôn xao ảnh 1

Mưa trên cánh đồng tháng Chạp

Nới khuy áo mà thở
Đâu hoa chổi hoa ngấy chạc chìu
Đâu bờ ao tóc se se mưa
Con bé trán thơm hương ổi chín
Không tiếng gọi
Chiều đông không tiếng gọi
Gió dắt người mê qua đồng làng

Người đàn bà quỳ hái nụ hoa bên bìa ruộng thấp
Nhặt tiếng cười đứa trẻ lên ba
Đứa trẻ nhón chân chờ tiếng còi tàu
Ôi mây
Mây trắng mùa xưa theo ai ra đây
Ngang qua chiếc bóng đèn dầu
Đi như mơ trong khu vườn ngải cứu
Mau mau kịp tới bìa rừng tối
Tay nải giấu đầy mắt sao

Tháng Chạp mơ bay bay
Cổ tích ngủ vùi chăn rơm thơm bồ hóng
Những người đàn ông đi xa đã về
Mắt lá thầm ướt trăng khuya
Đồng làng ngày mai mưa không
Đứa bé ngày xưa chạy dọc bờ sông
Ngày về tóc nâu thiếu phụ

Mưa trên cánh đồng thiếu ngủ
Đường về làng cao vút trăng trong
Tiếng tù và ai thả trên sườn dốc
Mưa mang thơ ngây đi rồi phải không?

----------------------------------------------

Nỗi đồng vọng xôn xao ảnh 2

Chị và em và làng

Chúng mình như những bông diếp dại
Bên sườn đồi tràn gió sớm mai
Ngực nhú trăng mười bốn
Tiếng cười xanh giếng trời

Chị và em gánh nước ao sen
Mặt trời vàng ròng vỡ ra từng mảnh
Múc cả tiếng chim tưng bừng đám lá
Đường làng hớn hở những ban mai

Trên chiếc võng bà đan chị hát ru em
Ru qua hết một chái nhà
Ru về bãi ngô căng mật
Cả ngôi làng tràn khúc ngợi ca

Một bầu trời ướt đẫm nước mưa
Những khu vườn úa tàn buồn bã
Chỉ đàn kiến từ gốc cau biết rõ
Ngọn gió nào rưng rưng

Mùi phân bò khô mùi khói rạ ấm nồng
Cho ta bớt bơ vơ khi thấy mình đã lớn
Giữ tấm chăn mùa màng cho những đêm gió trở
Nghe tiếng làng qua kẽ lá thưa.

Minh họa: NGUYỄN MINH