Đi theo con đường này, chị đã có những tiền nhiệm uy tín ở thơ nội địa cũng như ngoại quốc. Không nói đâu xa, trước đây có những cái bóng khá lớn như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường; và các “láng giềng” thân thuộc, gần gũi của các ông như Hoàng Cầm, Phùng Cung, Đoàn Văn Chúc, Hoàng Hưng... Mỗi người một vẻ. Về đường sống, đường thơ ít nhiều lận đận, nhưng ở trong những tình thế ngặt nghèo, họ “vịn câu thơ mà đứng dậy” theo nghĩa bận rộn với thơ, làm mới, làm khác cho thơ, vì chính thơ, lấy lao động thơ làm động lực sống. Có thể hình dung họ ít nhiều giống như những người thợ kim hoàn, mỗi người tự làm ra, tự theo đuổi những cách chế tác riêng, không lẫn. Chọn đi theo con đường này thường tự chuốc lấy những nhọc nhằn và cô độc. Nhưng mỗi thành tựu, cho dù nhỏ thôi, chính là hạnh phúc được đáp đền.
Công cuộc làm thơ của bất cứ nhà thơ nào cũng đều phải bận tâm về chữ. Nhưng làm việc trên chữ/ngôn ngữ cũng có các cấp độ khác nhau. Có người chỉ coi ngôn ngữ là phương tiện, công cụ. Có người vượt lên, không chỉ coi ngôn ngữ là phương tiện mà còn là mục đích. Tiến thêm một bước nữa, một số còn coi ngôn ngữ như mục đích tự thân, đồng nhất với toàn bộ sinh thể thơ; coi làm thơ là làm chữ, sao cho chữ thoát khỏi nhiệm vụ mang vác những lớp nghĩa vụ lợi, từ điển... Tuy nhiên, coi chữ như mục đích thiết yếu, như một trọng tâm để tư duy và sáng tạo, sau một số tác giả tiền nhiệm kể trên phải chờ đến thập niên đầu của thế kỷ XXI trở đi mới thấy số ít người viết trẻ băn khoăn và tha thiết trở lại. Mọi cuộc cách tân văn chương cuối cùng phải đạt đến một hình thức nghệ thuật mới. Đối với thơ, nói cụ thể hơn, phải có chữ mới - ngôn ngữ mới. Ngôn ngữ chính là sự sống thơ. Ngôn ngữ thơ chính là ngôn ngữ tư tưởng.
Khi Hạnh viết: “ta đi giặt áo thơ/mặc mới một mùa chữ” (Bờ cổ), “sách phủ lên mình anh/tấm chăn chữ” (Thiên thanh), hay “tôi dan díu chữ đêm nay/hoài thai nỗi buồn lữ thứ” (Chữ), thì chữ/ngôn từ không còn là phương tiện, mà trở thành sinh thể sống, là chủ thể có thân phận, như một tồn tại. Thơ Hạnh nói rất nhiều về chữ trong thơ, đối xử với chữ như một vật thể sống để chiêm ngắm, cảm xúc và suy tư... Nhiều câu/bài thơ nói trực tiếp hoặc xa gần về chữ, như những thao thức chữ, băn khoăn chữ: “tôi tái sinh lời/chữ tái sinh tôi” (Thanh minh); “nghĩa âm/chữ dương/đường lời sinh tử” (Tạm biệt thành phố); “tôi một đời ăn chữ/nay tôi nhả ra tim” (Lựa chọn)... Trong mạch suy cảm về chữ, Thúy Hạnh có những câu/bài thơ đẹp một cách mê hoặc: “Người mãn hạn làm vua/Quay về cung phi chữ/Ôm cái đẹp nô đùa/Làm ngàn năm mắc cỡ” (Cung phi từ); “Bút ngậm cười chữ tự thở với nhau” (phố chữ)... Chữ từ chỗ hiện lên như những vật thể gắn bó với sự sống con người (áo thơ, mùa chữ, chăn chữ), đến chỗ chữ được nhân hóa như một sinh mệnh, sinh mệnh chữ, sinh mệnh nữ (cung phi chữ). Và với Hạnh, chữ thơ và người thơ tuy hai mà một, một mà hai, nhị nguyên mà nhất thể.
Có lẽ, so với các bậc tiền nhiệm mở đường chữ trong thơ Việt Nam hiện đại trên kia, thơ Hạnh đã chớm trổ một lối nhỏ của riêng mình: tạo dựng hình tượng CHỮ mang đầy tính nữ, kiều diễm và gợi cảm.
Nguyễn Thị Thúy Hạnh đã ra hai tập thơ: “Di chữ” (Nxb Hội Nhà văn, 2017) và “Văn học vết thâm” (Nxb Hội Nhà văn-Nhã Nam, 2021). Ở ngay từ tập đầu đã có, sang tập hai đậm đặc hơn những cách thức bẻ chữ, tách chữ, ghép chữ, nhấn chữ (in đậm, phóng to, viết hoa), lặp chữ, sắp đặt chữ, thay phụ âm, tung hứng nguyên âm, thơ đồ hình/thị giác, thơ trộn đa ngữ... Những cách này, các bậc tiền bối trên kia cũng đã chơi cả, tuy lựa chọn và tỷ lệ nhiều ít khác nhau. Có điều, đến tập thứ hai, Hạnh tung ra một thể nghiệm toàn triệt. Nếu đặt tương quan với tập thơ thứ nhất, tôi cho rằng, con đường ứng xử với chữ/ngôn ngữ thơ của Hạnh về cơ bản là đi từ trạng thái băn khoăn chữ sang trạng thái khoái cảm chữ. Một khi chữ/ngôn ngữ đã trở thành thú chơi, thú chữ có thể dẫn tới những bến bờ xa, rất xa, nhưng cũng dễ nhiều sa sẩy...
Trong một lần cách đây ít năm, khi giới thiệu thơ Nguyễn Thị Thúy Hạnh cho một trang văn học mạng, tôi có nói rằng: “Cảm nhận chung, tràn lên thơ Hạnh là một âm điệu buồn, lắm khi u buồn, nhưng quyết không bi lụy và tuyệt vọng. Trên cái gam buồn ấy, bất ngờ chồi lên những câu thơ non tươi, thanh sáng. Nguồn thi cảm của thơ Hạnh được chưng cất từ hai mạch chảy: những tri thức văn hóa chiều sâu và đời sống thế tục hiện thời. Thơ Hạnh là một trong những dấu chỉ cho thấy đang có một nỗ lực làm mới thơ từ những người trẻ, rất trẻ”.
Tôi xin được bảo lưu ý kiến nhỏ này...
Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu ba bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Hạnh.
BỜ CỔ
giấc ngủ
mơ thấy tiếng violon đầu gió
huệ thơm trong căn phòng nhỏ
ta đi giặt áo thơ
mặc mới một mùa chữ
ngủ chìm mưa sâu
bóng hạc bay qua trăng
Điêu Thuyền cưới Lã Bố
Tây Thi đi giặt lụa
cá nuốt sợi tóc
đêm về tương tư...
THIÊN THANH
anh nằm co trong đống sách dày
sách phủ lên mình anh
tấm chăn chữ
bụi phủ lên thân anh
phù phiếm thở
em phủ lên thân anh
một đoạn đường trăng
trăng phủ thân anh
mười lăm năm.
Minh họa | NGUYỄN MINH |
HÀ NỘI
em lộ một nốt ruồi
đường cong em vừa thở
em lộ tê tái mùi
Hà Nội đêm nồng nhớ
Hà Nội của tôi
Hà Nội từ bi
Hà Nội thiu thiu nửa tỉnh nửa mê
lem nhem khói bụi và đăm đắm đêm khuya
Hà Nội em
môi hồng như vết thương he hé
giai nhân nhìn tôi màu mắt cà-phê
tôi nhúng nỗi cô đơn vào sữa
- truyền hình chiều nay lại một tin buồn nữa
và chúng ta sớm mai vẫn thức dậy 6 giờ
bàn tay tôi mười ngón lắng nghe
tiếng gió đưa trên nóc nhà thờ lớn
biển hiệu quảng cáo và chữ Hán trên cửa chùa lên tiếng
tiếng bi bô của cây cỏ làm người
nhưng đêm nay ai lắng nghe tôi
khi tôi viết bằng một ngôn ngữ khác?
Hà Nội tôi và Hà Nội em
Hà Nội thơm những da thịt hở
đừng khóc nhé những đôi môi màu đỏ
chúng ta còn sống đây Hà Nội còn thở
mỗi sớm mai vẫn lộng lẫy ra đường
sau lưng tôi
một chiếc bóng bị thương.