Nhà thơ & Bài thơ hay

Nhủ lòng vượt lên những phôi pha

Một người làm thơ trẻ thông thường hay lựa chọn một cách thế sống cùng, sống giữa, đồng hành với thế hệ mình và với đời sống hôm nay trong tất cả sự bề bộn, phức tạp và sống động của nó.
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung nhà thơ Trần Ngọc Mỹ của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhà thơ Trần Ngọc Mỹ của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Họ làm nên tiếng nói của thế hệ mình. Trên cấp độ tổng quát nhất, họ có gần, cùng một mối bận tâm, gần, cùng một giọng nào đó.

Tuy nhiên, cũng có người, tuy không nhiều, có ý thức và khả năng tách ra khỏi cái chung đó để tạo lập một giọng nói riêng, một cá tính riêng. Đây là điều cần thiết vừa mang tính thách thức hàm chứa nhiều sức hấp dẫn.

Trong số những cây bút thơ trẻ hôm nay, Trần Ngọc Mỹ sớm có ý thức về điều này. Rất cố gắng và không dễ gì có ngay được, phải cho đến bây giờ, sau chừng 4-5 tập thơ, chị mới có một giọng riêng khác, chụm lại, làm nên một gương mặt thơ độc lập. Có thể nói rằng, về cơ bản, thơ chị chính là tiếng nhủ lòng gắng tự vượt lên những phôi pha, những tàn phai.

Buồn là một trạng thái của tâm hồn. Nó không phải là tội lỗi (như một thời văn học trước 1986 từng quan niệm). Có vui ắt có buồn. Có sướng thì có khổ. Có khóc ắt có cười... Chỉ có điều, giữa chúng hiếm khi, thậm chí không bao giờ đạt được sự cân bằng. Mỗi một tạng người nghiêng về mỗi phía khác nhau, tuy vẫn biết trong cái này có cái kia, nhiều khi khó rạch ròi tách bạch.

Ngay từ những bài thơ, tập thơ đầu tiên, Trần Ngọc Mỹ thường ngả nhiều về nỗi buồn. Có nỗi buồn tức cảnh sinh tình. Có nỗi buồn bởi tha nhân tác động. Lại cũng có nỗi buồn do người thơ tự chuốc lấy mà thành. Thôi thì đủ cung bậc của kiếp phận đàn bà đang sống, đang yêu, đang làm vợ, làm mẹ, làm một công dân ở xứ sở mình. Tuy nhiên, tất cả đều do một cái gốc mà ra cả: lòng mẫn cảm, mẫn cảm với tạo vật, với nhân quần, với chính mình, với những đại lượng tưởng rất vô hình như thời gian trôi, hạnh phúc/bất hạnh, sự tồn tại của kiếp người...

Sự mẫn cảm buồn thương ở thơ Trần Ngọc Mỹ trên nét tổng quát, có hai dạng biểu hiện: bi mẫnhạnh mẫn.

Bi mẫn là khả năng nhận ra và cảm thấu về nỗi buồn ở ngoại giới, ngoài mình. Với con người, trước là với người thân (cha mẹ, chị em, chồng con), với bạn bè, với tha nhân (người lao động, em bé hiến tạng, em bé mồ côi, đứa trẻ chết vì thảm họa thiên tai...). Với thiên nhiên ngoại vật, thi cảm của nhà thơ rất đa diện, đa tình. Một cơn gió, một áng mây, một mùa trôi, một bông hoa, một con sóng, một cánh đồng, một triền đồi, một dốc núi...

Ở đây, thiên nhiên phong cảnh hiện lên trước hết như một vẻ đẹp. Song không dừng ở đó, nhà thơ còn mượn nó, gửi vào nó những nỗi niềm thân thế, chủ yếu là thân thế, nỗi mình trong mối liên hệ với nỗi người. Tất cả, cho dù ngoại giới hay nội giới, người thơ này đặc biệt mẫn cảm với sự tàn phai, sự hao mòn, sự phôi pha với nhiều nỗi ngậm ngùi.

Đóa mây vừa bay vừa tan/ Ngày sẽ trôi về phía chân trời/ Như chiếc bóng thản nhiên rời xa chiếc bình kí ức... (Ngày sẽ trôi). Chẳng phải là một sự chảy trôi miên viễn đó sao? Một tàn phai đủ để gầy lên nỗi chạnh lòng.

Còn đây, Có khi nào, anh chợt nhận ra/ Mái tóc em dần thưa/ Mùa xưa phai rụng/ Em cất nỗi sợ sau gương lược/ Tự lòng biết/ Tự lòng huyễn hoặc/ Đóa hoa xinh đang kiêu hãnh nhìn mình (Sợi tóc rụng).

Thơ Trần Ngọc Mỹ có vô số các câu thơ như một tiếng thở buồn như thế. Một người thơ như tôi biết, đang thì thiếu phụ, tưởng chẳng có nguyên cớ gì để nói tàn phai? Hóa ra, cái cảm thức phai tàn này như một thứ thuộc về thể tính, dẫu không muốn cũng không thể khác.

Trong trái tim đặc biệt mẫn cảm của nhà thơ không chỉ là nơi chứa chấp những bi mẫn mà còn chan chứa những hạnh mẫn, tiếng nói của yêu thương, gắn bó, tha thiết với sự sống này. Không để sa lầy vào những bi mẫn, luôn tự nhủ, tự nhắc, tự vực dậy, một đề kháng tự nhiên, thơ Ngọc Mỹ tựa như những chồi cây vươn về dưỡng chất trần gian, tức là về với đất lành, nước mát, ánh sáng, nụ cười...

Đừng khóc nhé em/ Những tàn phai lặng lẽ/ Từ giã muôn lời đã hứa/ Nhẹ nhàng bay hương (Đừng khóc nhé em).

Mỗi bài thơ của Trần Ngọc Mỹ thường bắt đầu bằng những sắc hình mang dáng vẻ phôi pha, gợi lên nhiều thương cảm, chạnh lòng. Ngay sau đó, có một mách bảo, một thôi thúc, một vẫy gọi hàm chứa nhiều năng lượng kéo tâm cảm người thơ mau chóng vượt thoát để làm lành với cuộc đời, với chính mình. Khi người thơ đi “Dạo phố”, một Hải Phòng mơ mộng mà vâm vóc ngời lên: Dạo phố mùa hoa/ những tòa nhà vun vút vươn xa/ ta thấy Hải Phòng đang vỗ cánh/ ta thấy bóng mình bập bềnh dưới dòng sông lấp lánh/ cùng vầng hạ đỏ rực trôi trôi...

Vẫn một tâm thế ấy, nhà thơ đã có những câu thơ thật biếc trong: từ trên cao nhìn xuống/ bình yên khẽ khàng thơm như nắng/lan man phượng đỏ, chờn vờn mây trắng/ sông của thành phố tôi ơi/ bí mật ẩn dưới lòng con sóng/ phớt phơ trôi (Bỏ qua)... Có những bài thơ, tuy hiếm hoi thôi, nhưng từ đầu đến cuối toàn là hạnh mẫn. “Dọn phòng cho con” là một bài thơ như thế. Ở đó, ngập tràn nỗi yêu con, thương con, nhớ con ngay cả khi con ở bên mình. Một vẻ đẹp thiên tính mẫu thuần toàn, bình dị mà sâu lắng: Mẹ ghi ý nghĩ đầy kín ô cửa/ chờ gió mang chúng đến mọi nơi/ ý nghĩ thành chồi non. Ý nghĩ nở hoa/ ý nghĩ theo bước chân con khôn lớn...

Những câu thơ như thế chính là những hạnh mẫn mà người thơ đã chứng nghiệm, mở lòng.

Khởi đầu là bi mẫn, tàn phai. Càng về cuối càng vun lên hạnh mẫn. Như nhan đề một bài thơ của chị, “Bài thơ vỗ cánh”, dẫu thế nào chăng nữa, mỗi bài thơ đều chụm về một ý hướng khá nhất quán như thế. Vỗ cánh chính là tâm thế nhủ lòng để vượt lên những phôi pha...

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Trần Ngọc Mỹ

NGÀY SẼ TRÔI

Những ô cửa rũ mỏi
Trên con đường mùa hạ đang rơi
Ánh hoàng hôn loang trong mắt người
Rập rờn ảo ảnh sóng hồ ngẫm ngợi

Làm sao chúng ta thôi vội vã
Trùng trùng vòng xe chóng mặt
Nhích thêm vài chục xen-ti-mét
Có chạm được bến bờ bên kia?

Bến bờ bên kia
Chiếc ghế trống giữ đôi chân dừng lại
Bóng cây reo giọng gió ngọt ngào
Bất chợt một nụ cười thân ái
Nở sáng rực tâm trí ban mai

Làm sao chúng ta vượt qua tiếng thở dài
Và có thể hôn nhau chầm chậm
Chầm chậm như hạt mầm tách vỏ
Để giữ ngực mình nhịp đập xanh non

Nhưng em biết, vòng quay thời gian chẳng thể dừng
Đóa mây vừa bay vừa tan
Ngày sẽ trôi về phía chân trời
Như chiếc bóng thản nhiên rời xa chiếc bình kí ức...

Nhủ lòng vượt lên những phôi pha ảnh 1

MỘT BUỔI LẠNH

Quán xá lênh khênh
người tấp nập đến, đi khắp ngả
chỉ dòng Tam Bạc trầm mình, lặng lẽ vẽ tô
lô xô muôn ngàn nếp sóng nghĩ
chỉ con thuyền biết nép im dưới vòm phượng vĩ
tự chùng lòng hứng bóng đợi chờ

phố tuột mất bao giấc mơ?
khi tàu kéo vang âm thanh cắt ngang khoảng trống
người lê la vỉa hè bán buôn dăm ba câu chuyện phiếm
quầy sách cũ khơi gợi ký ức tưởng đã chôn vùi
như chiếc cầu nối hy vọng
cho trái tim khao khát bới tìm miền thăm thẳm

Thành phố này nghìn năm
vẫn ồn ào
nồng nhiệt
và sâu lắng...
mỗi góc nhìn xin thắp một vầng mây sáng
sắc phố loang ám ảnh kiệt cùng

Hải Phòng vào buổi đông
con đường in đầy dấu chân gió buốt
ta tuốt nỗi buồn mình như cởi ngàn áo lá, hoa
cái lạnh chầm chậm xuyên cắt thịt da
chợt thấy thân thể mình biến thành cành cây trơ trụi, khô khốc

trôi qua thành phố này
không có chiếc khăn nào đủ dài rộng để quấn trọn vòng ôm
cho một người đi giữa đám đông còn thức dậy ánh nhìn cô đơn.

Nhủ lòng vượt lên những phôi pha ảnh 2

Minh họa | NGUYỄN MINH