Những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời

Ông Mười Thắng, tên thật Nguyễn Minh Trí, sinh năm 1952, quê gốc Quảng Bình. 15 tuổi tham gia cách mạng, bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Năm 1972, được ông Mười Hương (đồng chí Trần Quốc Hương), Trưởng ban An ninh T4 giao nhiệm vụ làm Cụm trưởng điệp báo A10. Sau Hiệp định Paris, Cụm có nhiệm vụ tác động hình thành “lực lượng thứ ba” tại Sài Gòn, vận động đưa tướng Dương Văn Minh lên nắm quyền ở miền nam và tác động để Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn, giao chính quyền cho cách mạng, chấm dứt chiến tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Mười Thắng (hàng sau, ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội A10.
Ông Mười Thắng (hàng sau, ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội A10.

Trưởng thành từ “đại học nhà tù”

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, cậu ruột là trung đoàn trưởng trong quân đội, chị ruột hoạt động trong phong trào trí vận của Thành ủy Sài Gòn, nên một cách tự nhiên cậu thiếu niên Nguyễn Minh Trí cũng tham gia cách mạng.

Năm 1967, học Đệ tam trường Chu Văn An (Sài Gòn), Trí tham gia các hoạt động chống Mỹ, phản đối chế độ Thiệu đàn áp trí thức, đòi dân sinh, dân chủ.

Đầu năm 1968, anh tham gia phong trào của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo lãnh đạo, làm tổ trưởng tổ vũ trang tuyên truyền Liên quận 3. Sau sự kiện Tết Mậu Thân, Nguyễn Minh Trí bị bắt, tòa án xử 2 năm tù vì tội phản nghịch, tống giam vào nhà tù khét tiếng Chí Hòa.

Ông Mười Thắng kể, ở trong tù được học thơ Tố Hữu, quán triệt 5 nguyên tắc đấu tranh, bầu máu nóng của chàng trai trẻ càng thêm hun đúc. Tù nhân lan truyền câu “chào cờ ăn cháo, đả đảo ăn cơm”. Nguyễn Minh Trí thì cháo cũng không thèm, chống chào cờ, chống nội quy trại nên tháng 5 năm 1969 bị đày đi Côn Đảo cho “chừa thói phá phách”.

Ở Côn Đảo, Trí lại chống chào cờ. Tức tối, đám cai ngục nhốt anh vào chuồng cọp, trại giam Phú Tường. Chuồng cọp bé hoen hoẻn, 5 tù nhân bị nhốt chen chúc, ban ngày mặt trời hun nóng như thiêu, nhưng đêm về khí biển cùng hơi đá tỏa ra từ tường giam lại khiến người nhiễm lạnh.

Mấy trăm con người bị nhốt trong hai dãy chuồng cọp, ăn, ngủ, vệ sinh một chỗ, không được tắm giặt, buồng giam luôn bốc mùi hôi khắm. Thỉnh thoảng để bớt mùi hôi và dằn mặt đám tù bất trị, bọn trật tự ném vôi bột xuống. Vôi làm da ngứa ngáy, bỏng rát. Có người mù mắt vì vôi bột, bị bệnh phổi, viêm da, các vết thương do bị đánh lở loét, chảy máu mủ. Nhiều người chết vì không thể chịu đựng.

Trong chuồng cọp có ông Võ Môn, đảng ủy viên Đảng ủy nhà lao. Trí tiếp tục được giác ngộ, bồi đắp nhận thức về chủ nghĩa cộng sản. Sẵn tinh thần yêu nước, tha thiết mong muốn hòa bình, Trí càng thấy rõ muốn đánh Thiệu, đuổi Mỹ, chấm dứt chiến tranh, anh chỉ có con đường theo “Việt cộng”.

Tố cáo chuồng cọp Côn Đảo

Cuối năm 1969, địch đưa mấy trăm nữ tù nhân ở trại giam Tân Hiệp ra Côn Đảo. Đám cai tù chuyển số tù nhân nam sang “chuồng bò”, lấy “chuồng cọp” giam các nữ tù mà chúng gọi là “cọp cái”. Cũng lúc này, tại Sài Gòn, học sinh, sinh viên đấu tranh quyết liệt đòi trả tự do cho các bạn học đang bị nhà cầm quyền giam giữ tại Côn Đảo. Chính phủ của Trần Thiện Khiêm phủ nhận việc giam giữ, tra tấn học sinh, sinh viên.

Để có chứng cứ đấu tranh, Tổng hội sinh viên đã liên hệ má sinh viên Cao Nguyên Lợi ở Đà Lạt. Trong khi đó ở Sài Gòn, má Nguyễn Minh Trí cũng vận dụng tất cả mối quan hệ ra Côn Đảo thăm con. Hai bà má gặp nhau, cùng lên kế hoạch, má Cao Nguyên Lợi mang theo máy ảnh, bí mật chụp ảnh gặp con tại bến tàu Côn Đảo. Nhờ các bà má mang chứng cứ về, các tổ chức quần chúng càng đấu tranh mạnh đòi thả học sinh, sinh viên.

Tháng 4 năm 1970, nhà cầm quyền buộc phải thả 5 học sinh, sinh viên. Trở về Sài Gòn, Nguyễn Minh Trí và Cao Nguyên Lợi tìm gặp Don Luce, nhà báo Mỹ họ từng gặp trong phong trào chống chiến tranh.

Lúc bấy giờ, dư luận chưa biết chế độ Nguyễn Văn Thiệu vận hành lại hệ thống chuồng cọp Côn Đảo vốn là địa ngục trần gian từ thời Pháp thuộc. Để mô tả chi tiết những gì xảy ra ở Côn Đảo, Minh Trí có nhiều hôm tới ở cùng Don Luce. Tin Trí và Lợi, Don Luce quyết vạch trần bí mật tội ác chuồng cọp. Nhưng muốn thế phải “bắt tận tay, day tận mặt”.

Hai tháng sau, một ủy ban điều tra của Quốc hội Mỹ đến Sài Gòn để tìm hiểu việc sử dụng các khoản viện trợ của Mỹ cho Nam Việt Nam. Trợ lý đoàn là một luật sư trẻ tên Tom Harkin. Qua Don Luce, Tom Harkin gặp nhóm sinh viên vừa trở về từ Côn Đảo. Họ nói: Nếu ông muốn gặp các thủ lĩnh sinh viên thực sự, nên tìm tới các “chuồng cọp” ở Côn Đảo.

Những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời ảnh 1

Đoàn nghị sĩ Mỹ đi điều tra chuồng cọp Côn Đảo, tháng 6 năm 1970.

Bằng trí nhớ của người tù, dù nhiều lúc bị tra tấn chết đi sống lại, khi bị dẫn giải ra vào đều bịt mắt, và đặc biệt nhờ sự giúp sức của hai bà má, nhóm đã vẽ lại sơ đồ chuồng cọp bên trong trại giam Phú Tường, chỉ dẫn tường tận cách phát hiện. Sau khi thuyết phục hai nghị sĩ Augustus Hawkins và William Anderson ra Côn Đảo, Tom lo thuê máy bay, còn Don Luce đi cùng phiên dịch.

Tới nơi, đoàn nghị sĩ đòi đi thăm Trại 4. Quản ngục Nguyễn Văn Vệ dẫn họ đi xem linh tinh nhằm kéo dài thời gian. Do đã có kế hoạch tỉ mỉ nên Tom Harkins hỏi: “Nghe nói trong tù, các anh vẫn cho phạm nhân trồng rau xanh?”.

Vệ tưởng được khen, bèn dẫn phái đoàn Mỹ đến đám rau nơi có cánh cửa dẫn vào chuồng cọp. Tom vờ hỏi rau gì, đi quanh, thấy cánh cửa sắt bị che lấp sau một đống củi.

Khi Tom hỏi: “Cánh cửa này dẫn đi đâu?” và đòi mở, Vệ khẳng định cánh cửa đã bị đóng lâu ngày và lấy ba-toong gõ vào. Không ngờ cai ngục ở phía trong tưởng tín hiệu mở cửa bèn mở toang. Phái đoàn Mỹ cứ thế bước vào. Họ đi hết 2 dãy nhà giam trong khu “chuồng cọp”, đếm được có tất cả 480 người, gồm 300 phụ nữ bị giam cầm, trong đó có những bà già như má Sáu mù bị mù mắt do vôi bột, có nhà sư Thích Hành Tuệ...

Trong khi đó ở Sài Gòn, với sự hẫu thuẫn của một số dân biểu đối lập, nhóm học sinh, sinh viên soạn thảo một bản báo cáo đệ trình lên nghị viện Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 19/6/1970, bản báo cáo do sinh viên Cao Nguyên Lợi trình bày trước liên ủy ban nội vụ - tư pháp định chế - xây dựng nông thôn của hạ viện.

Ngày 2/7/1970, báo Tin Sáng Sài Gòn và tạp chí Time đồng loạt đăng thiên phóng sự điều tra của nhà báo Don Luce và John Helmil “Tố cáo chuồng cọp Côn Đảo”.

Ít ngày sau, tạp chí Life đăng loạt hình “địa ngục trần gian Côn Đảo” do Tom Harkins chụp. Bí mật “chuồng cọp Côn Đảo” bị phanh phui làm chấn động Quốc hội Mỹ và cả thế giới. Dưới áp lực của dư luận, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải đóng cửa, phá bỏ chuồng cọp, các tù nhân được chuyển đến khu vực khác với điều kiện giam giữ được cải thiện hơn.

Cụm trưởng điệp báo A10

Từ Côn Đảo trở về, Nguyễn Minh Trí tiếp tục là đội trưởng đội Vũ trang tuyên truyền thuộc An ninh T4, có nhiệm vụ xây dựng cơ sở và thu lượm tin tức trong nội thành Sài Gòn.

Sau vụ tố cáo chuồng cọp, an ninh mật theo anh thường xuyên. Tháng 11 năm 1971, khi Giáo sư Nguyễn Văn Bông bị ám sát, cảnh sát càng nghi ngờ anh có dính líu với cộng sản, chúng vây bắt và khám xét nhà anh ở. Do cảnh giác và nhờ tổ chức thu xếp, anh thoát khỏi vụ bắt bớ và được bố trí ra căn cứ Ban An ninh Trung ương cục ở Tây Ninh.

Năm 1972, Trung ương đánh giá Nguyễn Văn Thiệu sẽ buộc phải ký Hiệp định Paris theo ý Mỹ, chiến tranh sắp kết thúc. Trưởng ban An ninh T4 Mười Hương nhận định “Mỹ rút lui thì Việt Nam Cộng hòa chỉ có chết”.

Ông cùng Phó ban Sáu Ngọc (Nguyễn Thanh Vân) xây dựng lưới tình báo chính trị (mật danh A10) thâm nhập sâu vào giới chóp bu chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tác động để kết thúc chiến tranh một cách ít đổ máu nhất và giữ được Sài Gòn nguyên vẹn.

Ông Sáu Ngọc chọn Nguyễn Minh Trí làm cụm trưởng, đặt bí danh là Mười Thắng. Trở thành đảng viên, người đầu tiên Mười Thắng móc nối kết nạp vào cụm A10 là sinh viên y khoa Nguyễn Hữu Khánh Duy, bí danh Năm Quang. Biết Năm Quang thân với nhà báo Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt, giám đốc kỹ thuật tờ báo đối lập Điện Tín nổi tiếng Sài Gòn, Mười Thắng giao Năm Quang kết nạp vào lưới.

Lúc đó cả hai đều không ngờ, anh Thành là đảng viên, bị đứt liên lạc sau Mậu Thân. Từ năm 1973 đến đầu năm 1975, A10 đã xây dựng 39 cơ sở bí mật đi sâu nắm tình hình trong các cơ quan quan trọng của chính quyền Sài Gòn.

Đóng vai trò đặc biệt quan trọng phải kể đến nhà báo Huỳnh Bá Thành, anh đã phát huy mối quan hệ thân tình với tướng Dương Văn Minh và các trí thức, dân biểu có uy tín trên chính trường Sài Gòn, tác động tổ chức ngày “Ký giả đi ăn mày”, tổ chức 18 đoàn thể ra thông cáo chống Thiệu, tác động để Quốc hội Việt Nam Cộng hòa bầu Dương Văn Minh là tổng thống thay Trần Văn Hương, tác động để Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn, giao chính quyền và Sài Gòn nguyên vẹn cho cách mạng vào trưa 30/4/1975.

Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất đã 48 năm. Ông Mười Thắng rời ngành công an làm nghề luật sư, sống ở TP Hồ Chí Minh gần như cả cuộc đời. Những người trong cụm tình báo của ông hễ có dịp gặp nhau lại say sưa những câu chuyện cũ. Trong mắt mỗi người, những năm tháng tuổi trẻ mong manh sự sống cái chết ấy, là những năm tháng tuyệt vời nhất trong cuộc đời.