Bóng chuyền Việt Nam “mở cửa” cho ngoại binh thi đấu?

Việc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam xem xét việc cho phép vận động viên nước ngoài trở lại thi đấu giải thuộc hệ thống quốc gia đang rất được các câu lạc bộ quan tâm. Tuy nhiên, tất cả vẫn trong quá trình thảo luận, cho dù dư luận dự đoán quy định này sẽ được áp dụng ngay từ mùa giải 2022.

Trước đây, cầu thủ chủ công Katya Martynova (Nga) từng thi đấu thành công cho các câu lạc bộ bóng chuyền Việt Nam.
Trước đây, cầu thủ chủ công Katya Martynova (Nga) từng thi đấu thành công cho các câu lạc bộ bóng chuyền Việt Nam.

Giải vô địch bóng chuyền quốc gia năm 2012 là lần cuối cùng các vận động viên nước ngoài được phép thi đấu. 10 năm qua, người hâm mộ cùng các câu lạc bộ quen dần việc không có ngoại binh. Quyết định có cho các ngoại binh thi đấu từ mùa giải 2022 hay không còn bỏ ngỏ. Thế nhưng, nhiều ý kiến thảo luận trong một số phiên họp gần đây của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam với nội dung về vận động viên ngoại cho thấy nhu cầu cho họ góp mặt trở lại đang dần trở thành hiện thực. Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường cho biết: “Thường vụ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khóa 7 đã làm việc ngày 2/1 vừa qua. Nhiều việc được thảo luận và vấn đề có cho phép ngoại binh trở lại thi đấu giải bóng chuyền thuộc hệ thống thi đấu quốc gia ở Việt Nam hay không được xem xét rất kỹ. Nhìn chung, ý kiến của các thành viên ban thường vụ là đồng tình. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ họp Ban Chấp hành vào tuần này để có ý kiến cụ thể”. Theo đó, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ có một cuộc họp với 24 thành viên Ban Chấp hành Liên đoàn để lấy ý kiến cuối cùng về việc cho phép hay không cho phép vận động viên ngoại thi đấu ở giải thuộc hệ thống quốc gia. Nếu có hơn 50% số thành viên Ban Chấp hành đồng ý, chắc chắn quyết định cho ngoại binh trở lại thi đấu được thông qua. Ông Trường cũng bày tỏ thêm, nếu mọi ý kiến đồng tình thì các đội được phép thuê vận động viên ngoại thi đấu ngay từ giải vô địch quốc gia năm nay mà không cần chờ thời gian.

Tuy nhiên, quyết định sẽ phải rất kỹ càng để tránh sự xung đột và phản ứng trái chiều. Huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt của đội nữ Than Quảng Ninh cho rằng: “Tôi và ban huấn luyện cũng đang chờ có thông báo cụ thể của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Nếu cầu thủ ngoại được trở lại, tôi thấy điều này tốt về chuyên môn và tôi ủng hộ”. Huấn luyện viên Trần Ðăng Thành của đội nữ Ðắk Lắk đã bày tỏ: “Việc vận động viên ngoại được trở lại thi đấu sẽ tốt cho các vận động viên trong nước vì họ học hỏi thêm được chuyên môn và khán giả đến nhà thi đấu cổ vũ nhiều hơn. Như thế, các cuộc thi đấu bóng chuyền sẽ sôi động và chất lượng các trận đấu được nâng cao”. Về vấn đề này, ông Dương Thanh Toan, đại diện đội bóng chuyền nữ Bộ Tư lệnh Thông tin-FLC thì cho rằng: “Quyết định cho phép ngoại binh thi đấu hay không cũng phải nhìn vào sự ổn định tài chính của các đội bóng nói chung. Nếu không, bóng chuyền dễ xảy ra tình trạng so bì vận động viên nội, vận động viên ngoại vì không phải đội nào cũng có nhà tài trợ và có đủ tài chính để thuê ngoại binh, còn vận động viên trong nước có mức lương vẫn chỉ vài triệu đồng”.

Một vấn đề nhiều người quan tâm là liệu có phải do không quản lý được tình trạng chuyển nhượng liên tục vận động viên trong nước giữa các đội bóng khiến giá trị chuyển nhượng và tiền lót tay tăng chóng mặt từ một, hai trăm triệu đồng lên đến vài trăm triệu đồng, tiền tỷ ở từng vận động viên khiến cho Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam phải tìm phương án kiểm soát. Liệu việc cho phép ngoại binh trở lại là một bước đi để Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tìm cách giảm nhiệt chuyển nhượng ở thị trường vận động viên trong nước chăng? Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường cho biết: “Việc cho phép ngoại binh trở lại thi đấu lần này sẽ khác trước và Liên đoàn Bóng chuyền sẽ tham gia với vai trò rõ rệt hơn để vừa kiểm soát thị trường chuyển nhượng, ngăn chặn việc tranh chấp, phá giá, vừa giúp cải thiện chất lượng nhiều trận đấu đang đi xuống về chuyên môn. Mỗi đội sẽ được thuê hai vận động viên ngoại và chỉ một người được ra sân thi đấu. Ðiều này sẽ giúp các vận động viên trẻ của Việt Nam học hỏi thêm nhiều về chuyên môn”.

Là người nhiều năm theo dõi và làm chuyên môn bóng chuyền, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Nguyễn Bá Nghị từng phân tích rằng vấn đề chuyển nhượng của vận động viên trong nước hay vận động viên ngoại đều sẽ xảy ra bất cập, điểm quan trọng là đơn vị quản lý Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam phải có đủ chế tài kiểm soát, tránh dẫn đến tình trạng giá trị ảo.

Bóng chuyền Việt Nam đã bước vào sân chơi chuyên nghiệp, có quy chế chuyển nhượng vận động viên cụ thể. Ðồng thời, khi xã hội phát triển hơn về kinh tế thì cơ chế thị trường được áp dụng triệt để cho nên rất khó ép buộc vận động viên phải ở lại đội bóng của mình nhiều năm mà không có sự đãi ngộ tương xứng. Sau Giải vô địch bóng chuyền quốc gia năm 2021, một số vận động viên đã hoàn tất chuyển nhượng sang đội bóng mới và may mắn trong những bản hợp đồng ấy chưa có cuộc khiếu kiện nào. Ngược lại, một số đội tiếp tục chờ quyết định của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhằm tìm thuê vận động viên ngoại, thay vì tăng cường tuyển mộ nội binh.