Nhiệt kế văn hóa

Hy vọng gì ở “Ca sĩ Mặt nạ”?

Ca sĩ Mặt nạ có thể coi là một hiện tượng của năm 2022, khi một lần nữa thu hút khán giả trở lại với gameshow truyền hình cũng như say sưa nghe hát hơn là ngắm nhìn ca sĩ. Sự đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng âm nhạc tỏ ra không uổng phí. Tuy nhiên nếu không có những bộ đồ hóa trang cùng những màn “tấu hài” của ban cố vấn, chương trình chắc cũng kém hấp dẫn đi ít nhiều.
0:00 / 0:00
0:00
Top 4 của Ca sĩ Mặt nạ đều là những giọng ca nữ.
Top 4 của Ca sĩ Mặt nạ đều là những giọng ca nữ.

Trò thám tử

Chắc hẳn khó có gameshow nào mà người ngồi ở vị trí cố vấn (na ná giám khảo) vừa rưng rưng nước mắt vừa thốt lên: “Rất là hãnh diện khi được ngồi ở... (tên chương trình) để được chứng kiến những điều tuyệt diệu của âm nhạc Việt Nam sánh tầm với thế giới. Cảm ơn... (tên công ty sản xuất) đã làm một công việc cực kỳ khó. Tôi không biết làm show với khoản tiền đầu tư này có được lời hay không nhưng họ vẫn làm. Vì họ không làm thì ai làm”.

Tất nhiên lời tâng bốc trong cơn phấn khích này cất lên sau một tiết mục phải nói là đã tai đã mắt, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của kỹ thuật thanh nhạc, bản phối, vũ đạo và các kỹ xảo trình diễn khác. Tôi đang nói đến phần trình diễn La Habanera của O Sen tại tập 12 của chương trình Ca sĩ Mặt Nạ vừa kết thúc đêm chung kết.

Trước đó, chương trình phải làm thêm một đêm bán kết nữa. Tức là nhà tổ chức tìm cách để không loại người chơi nào ở đêm thứ nhất. Sau đó do phản ứng của khán giả, họ lại tổ chức thêm đêm nữa để loại người theo đúng luật chơi. Thêm một đêm thi là thêm khối tiền quảng cáo rồi!

Đây cũng là chương trình thi hát truyền hình hiếm hoi hầu như tập nào cũng rao bán vé cho buổi hòa nhạc tổng kết cuối cùng vào trung tuần tháng 11 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh. Hẳn nhiều khán giả đang hào hứng với màn gỡ mặt nạ không chỉ của Top 3 mà cả loạt khách mời nữa.

Nên nhớ đây là lần đầu tiên một gameshow truyền hình thương mại hóa thành công đêm chung kết xếp hạng, khi biến nó thành một chương trình biểu diễn trực tiếp bán vé. Có nghĩa là chương trình phải có sức sống đáng kể, “gãi” được đúng “chỗ ngứa” của khán giả bấy lâu. Bí quyết có vẻ rất đơn giản, đeo mặt nạ cho các ca sĩ quen thuộc. Khán giả vừa xem các nhân vật hóa trang như hoạt hình, thú bông vừa chơi trò thám tử tìm nhân thân ca sĩ. Một thú vui có cái gì đó thật thơ trẻ (!).

Hy vọng gì ở “Ca sĩ Mặt nạ”? ảnh 1

Màu giọng Phượng hoàng Lửa rõ đến nỗi ca sĩ Tóc Tiên thề sẽ bỏ nghề nếu đoán sai.

Thật ra các nhân thân người chơi trong chương trình vẫn có tỷ lệ đoán trúng cao hơn nhiều so với phiên bản Mỹ. Họ mời không chỉ các ca sĩ từng đoạt Grammy tham gia mà cả diễn viên, người mẫu, dẫn chương trình, vận động viên bóng chày, ảo thuật gia... và thậm chí cả cựu Thị trưởng New York khiến cho mỗi lần mở mặt nạ là một cú sốc thật sự với công chúng.

Tin vào giọng hát

Tin rằng khán giả ngày nay thích nhìn hơn nghe, nhiều ca sĩ lo đi mỹ viện, lo trang phục, lo vũ đạo... nhiều hơn lo trau dồi giọng hát. Đã quá đủ những hiện tượng nổi tiếng không phải bằng thực lực khiến khán giả xem chừng có phần bội thực, chán ngán. Vì thế sự xuất hiện đúng lúc của một gameshow bảo đảm gồm toàn những người biết hát đến hát hay, lại được hậu thuẫn bởi một ban nhạc với tay phối khí đẳng cấp hàng đầu quả nhiên đáp ứng cơn khát của những người còn muốn thưởng thức giọng hát. May mắn là hóa ra số người đó không hề ít!

Đến với chương trình này, khán giả không hề bị phân tán hoặc đánh lạc hướng bởi những yếu tố hình thức phụ trợ, tuy nhiên vẫn được tiếp cận với một số thông tin “đời tư” thú vị của ca sĩ được đưa vào thông qua các manh mối nhằm phỏng đoán danh tính người chơi. Đây cũng là một cách để các nghệ sĩ đến gần hơn với khán giả, tốt cho việc hâm nóng thêm tên tuổi của họ sau cuộc thi.

Đặc sản độc quyền của Ca sĩ Mặt nạ tất nhiên là những bộ đồ “con giống” (mascot) được làm thủ công khá đẹp mắt. Và dường như khi yên tâm giấu mình sau lớp mặt nạ, các ca sĩ tập trung duy nhất vào việc hát nên cũng sẽ dễ thăng hoa hơn. Vả lại trong hoàn cảnh đó, họ chỉ còn mỗi giọng hát để thuyết phục khán giả cũng như để đấu với đối thủ. Lúc này bao nhiêu sở trường, sở đoản sẽ lập tức hoặc dần dần lộ ra hết, cho dù chương trình có dùng kỹ xảo hậu kỳ mông má cỡ nào.

Phượng hoàng Lửa gần như bị bại lộ nhân thân từ lâu nhưng vẫn xứng đáng vào chung kết, thậm chí là quán quân bởi khả năng làm chủ kỹ thuật lên tới mức thượng thừa. Mỗi tiết mục đều là một màn trình diễn hoàn thiện và đầy sáng tạo. Tất nhiên chất giọng sau những thập kỷ làm mưa làm gió sàn diễn trong ngoài nước cũng khó mà lẫn vào đâu được. Với giọng ca này, chiếc mặt nạ hay các yếu tố hình thức bên ngoài đã bị dẹp bỏ từ lâu.

O Sen hay Tí Nâu là một nhân vật rất tương thích với định dạng của chương trình. O Sen có vẻ là một giọng ca chưa nổi tiếng nhưng lại có kỹ thuật đa dạng, màu giọng cũng không quá đặc thù, nên vô cùng khó đoán. Ca sĩ này rất ý thức nâng niu giá trị truyền thống khi thể hiện đâu ra đấy đủ chất liệu dân ca các vùng miền. Trong khi Tí Nâu giống như một người làm xiếc với giọng hát, khi mỗi tiết mục lại thấy giống một ca sĩ nổi tiếng nào đó. Khi Thùy Chi gỡ bỏ lốt Tí Nâu, nhiều người mới tin là cô có khả năng giả giọng hát và cả giọng nói của nhiều ca sĩ, nhiều vùng miền mà không cần hỗ trợ kỹ xảo.

Lady Mây vẫn là một chất giọng thuộc loại “khủng”, từ khi trở thành quán quân một gameshow âm nhạc cách đây khá lâu. Nhưng hơi tiếc là kỹ thuật thanh nhạc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của giọng hát. Quãng trầm chưa được khai thác tốt, trong khi những nốt cao vẫn còn non hoặc hơi bị chóe.

Dù các ca sĩ tham gia với động cơ “vui là chính” thì kết quả cuối cũng vẫn khá quan trọng, thậm chí quyết định thành công của cả mùa sau. Đã không ít các cuộc thi hát, các gameshow khiến khán giả mất niềm tin khi công bố kết quả cuối cùng dựa theo bình chọn. Ca sĩ Mặt nạ đang thành công trong việc gieo lại niềm tin, rằng hát hay thì chắc chắn được nhiều người yêu thích. Đơn giản vậy thôi!

Ca nhạc kèm tấu hài

Không chỉ hấp dẫn khán giả bằng những phần trình diễn trau chuốt, Ca sĩ Mặt nạ còn rất biết tận dụng các màn hoạt náo, gây cười từ hàng ghế ban cố vấn mà chủ xị lại là một nghệ sĩ hài khá mau nước mắt. Trấn Thành làm khán giả tin rằng anh rất yêu âm nhạc và có kiến thức nhất định về thanh nhạc.

Các cố vấn ngồi đó có nhiệm vụ cung cấp các câu chuyện ngoài lề để thỏa mãn, đồng thời làm khán giả thêm tò mò về danh tính người chơi. Họ cũng có nhiệm vụ cổ vũ, khen ngợi đồng đều tất cả các thí sinh. Chứ khán giả trong trường quay cũng có vai trò “chấm điểm” thông qua bình chọn không khác mấy ban cố vấn.

Đôi lúc Trấn Thành cũng hơi cường điệu quá mức trong biểu cảm. Nó giống như một thứ “bệnh nghề nghiệp” rất khó kiểm soát. Thi thoảng anh cũng có lỡ miệng, quá lời nhưng không thể nói rằng anh không phù hợp với vị trí đặc biệt này. Các cố vấn như Tóc Tiên, Đức Phúc cũng dành được cảm tình của khán giả bằng những nhận xét vừa đủ, cả về chuyên môn cũng như tính giải trí.

Tuy nhiên, một hạn chế khó chấp nhận của ban cố vấn nằm ở việc “tương” tiếng Anh quá nhiều, đến mức vô tội vạ. Ngay trong những phát ngôn không có gì đặc biệt của Trấn Thành như “Tôi không cần biết who you are, but you are amazing”, hoàn toàn có thể diễn đạt thuần Việt thành: “Tôi không cần biết bạn là ai, nhưng bạn thật tuyệt vời”. Công chúng không cần biết họ giỏi tiếng Anh cỡ nào, thời gian sống ở nước ngoài bao lâu, nhưng họ đang ngồi đó làm chương trình cho khán giả Việt xem. Việc pha tiếng Anh bừa bãi vào chương trình chỉ chứng tỏ khả năng tiếng Việt của họ đang dần mai một và ý thức gìn giữ tiếng mẹ đẻ đầy hạn chế mà thôi.