Thành phố năng động bên dòng Hậu Giang

Nằm bên hữu ngạn sông Hậu, TP Cần Thơ vừa mang tầm vóc của một thành phố hiện đại mà vẫn giữ được nét đẹp đặc trưng của một đô thị sông nước. Bằng sự đồng lòng, nỗ lực và quyết tâm, Đảng bộ và nhân dân đang từng bước đưa TP Cần Thơ lên một tầm cao mới: thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Công; một trung tâm đa chức năng có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội, đóng vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh đối với vùng và cả nước.

Ảnh: PHẠM HOÀNG GIÁM
Ảnh: PHẠM HOÀNG GIÁM

Kết nối và lan tỏa

Từ bến Ninh Kiều phóng tầm mắt ra ngã ba sông, nổi bật là công trình thế kỷ dài nhất Đông - Nam Á - cầu Cần Thơ, giang cánh tay dài kết nối đôi bờ sông Hậu lại gần nhau, không còn cách trở. Ở chiều ngược lại, từ cửa ngõ phía đông bắc này nhìn vào sẽ thấy một thành phố hiện đại nằm bên dòng sông Hậu thơ mộng. Cần Thơ còn được vinh dự lọt tốp 15 thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới. Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước với nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng... Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, Trần Việt Phường cho biết, năm 2019 du lịch thành phố đón khoảng 8,8 triệu lượt khách du lịch, tổng thu hơn 4.400 tỷ đồng, tăng 4,6% về lượng khách và 17,2% về doanh thu so với năm 2018. Một trong những “nhân tố” mới giúp ngành du lịch Cần Thơ phát triển mạnh là sân bay quốc tế Cần Thơ. Hiện, Cần Thơ có 11 tuyến bay thẳng đến các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, trong đó có hai tuyến bay quốc tế kết nối đến Thái-lan và Ma-lai-xi-a.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hai sân bay quốc tế là Cần Thơ và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Tuy nhiên, với vị trí trung tâm vùng, sân bay quốc tế Cần Thơ thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò kết nối của TP Cần Thơ với các tỉnh, thành phố trọng điểm về kinh tế trên cả nước. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ đã nỗ lực kết nối mở các đường bay thẳng với một số tỉnh, thành phố các nước trong khu vực như: Nhật Bản, Thái-lan… nhằm tạo cơ hội tìm hiểu và thu hút đầu tư từ các quốc gia này.

Thành phố năng động bên dòng Hậu Giang ảnh 1


TP Cần Thơ hiện có 246 dự án còn hiệu lực, thuê 486 ha đất công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.750 triệu USD. Ước năm 2020, tổng doanh thu của các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động đạt hơn 1,9 tỷ USD. Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Đào Anh Dũng cho biết, bên cạnh liên kết, hợp tác với các địa phương trong và ngoài vùng, Cần Thơ còn tham gia Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Cần Thơ thiết lập, phát triển, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các đối tác nước ngoài. Mỗi năm, TP Cần Thơ đón khoảng 70 đoàn ngoại giao, hàng nghìn lượt khách quốc tế, đưa hình ảnh Cần Thơ đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Tăng tốc về đích

Nhìn lại chặng đường 15 năm, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17-2-2005 về việc xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Trần Quốc Trung cho biết, đích đến để Cần Thơ trở thành trung tâm động lực vùng ngày càng rõ nét hơn. Điểm nổi bật là cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao hơn, nhiều công trình mang tính chất cấp vùng - kết nối đã và đang được thực hiện trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục - đào tạo, giao thông, thủy lợi, kinh tế… TP Cần Thơ có năm quận nội thành gồm: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và bốn huyện: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Mặc dù điểm xuất phát của Cần Thơ thấp, nhưng từng bước đạt được mục tiêu cơ bản về phát triển kết cấu hạ tầng, là cơ sở cho sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội. “Trong 15 năm qua, kiến trúc và cảnh quan đô thị Cần Thơ luôn được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, tạo điểm nhấn về cảnh quan, hình thái đô thị, thay đổi diện mạo bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại”, đồng chí Trần Quốc Trung nhận định.

Theo đồng chí Đào Anh Dũng, thời gian qua, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức khá, GRDP giai đoạn 2005-2020 tăng bình quân 8,29% (GRDP giai đoạn 2005-2010 tăng 15,45%; GRDP giai đoạn 2011-2020 tăng 6,69%). Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng ĐBSCL (sau tỉnh Long An), đóng góp hơn 12% cho vùng. Ước tính đến năm 2020, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 120.000 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt 96,9 triệu đồng, gấp 7,8 lần so với năm 2005. “Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng mục tiêu Nghị quyết đã đề ra theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp; tăng dần tỷ trọng các ngành chế tạo, chế biến; tỷ trọng các khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 81,30% lên 92,69%, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm từ 18,70% năm 2005 xuống còn 7,31% trong cơ cấu GRDP vào năm 2020”, đồng chí Đào Anh Dũng nhấn mạnh. Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Dương Tấn Hiển cho biết, kinh tế dịch vụ phát triển nhanh ngày càng khẳng định vai trò chủ lực của kinh tế TP Cần Thơ để trở thành trung tâm động lực vùng ĐBSCL. Đặc biệt, Cần Thơ là địa phương duy nhất của vùng ĐBSCL tự chủ về nguồn thu - chi ngân sách nhà nước và có điều tiết về Trung ương. Nơi đây cũng được xem là “trung tâm tài chính” của vùng, có 46 tổ chức tín dụng, với 256 địa điểm giao dịch. Ước đến cuối năm 2020, vốn huy động đạt 900.000 tỷ đồng, tăng 13,9% năm; tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng đạt 100.000 tỷ đồng, tăng bình quân 10,9% năm.

Theo đồng chí Trần Quốc Trung, để trở thành thành phố công nghiệp, Cần Thơ còn nhiều mục tiêu cần phải hoàn thành như: tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; tập trung huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng phát triển kinh tế theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ trên các lĩnh vực, tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tập trung đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và liên kết vùng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 07 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Nghị định số 103/2018/NĐ-CP ngày 7-8-2018 của Chính phủ về quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ.