Trò chuyện

Họa sĩ Phùng Quốc Trí: Phải biết cái gì còn giàu hơn mình nữa

Có nhiều cách để con người xa rời nông thôn, song lại ít cách để trở về với nó. Phùng Quốc Trí (ảnh bên) - cái tên ghi dấu mình với đời sống thôn dã, tự nguyện và toàn tâm vẽ nên bức tranh của lòng mình, như một cách đi về khác lạ. Nỗi khó nhọc bâng khuâng, suy tư trầm ấm, niềm man mác ân tình, sâu nặng thủy chung được gọi thành hình - vốn không chỉ là tranh. Nhân Dân hằng tháng đã có cuộc trao đổi với anh.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Phùng Quốc Trí.
Họa sĩ Phùng Quốc Trí.

Sinh ra ở Hà Nội, trong một gia đình có sẵn nền tảng, hẳn anh đã gặp nhiều thuận lợi trên con đường đến với nghệ thuật của mình?

Tôi may mắn vì sinh ra trong gia đình có bố là họa sĩ. Ông Phùng Huy Bính cùng với các ông Lương Đống, Đường Tài, Bùi Huy Hiếu, Nguyễn Đình Hàm được xem là những cánh chim đầu đàn của ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu nước nhà. Mẹ tôi học y làm y sĩ, cùng bố công tác ở Đoàn văn công nhân dân Trung ương những ngày đầu hòa bình lập lại. Mặc dù thời bấy giờ hay sau này (khi đất nước thống nhất) họa sĩ vẽ tranh chưa bán được, bố tôi đã nhận thiết kế nhiều vở diễn do các đoàn mời cộng tác nên thu nhập tự nhiên cao hơn hẳn; gia đình lại ít con nên nhìn chung tôi được sống một đời sống đầy đủ hơn nhiều người.

Nhưng ông bà thường xuyên theo Đoàn văn công biểu diễn lưu động, do đó từ lúc 5 tuổi, tôi và em gái phải xa bố mẹ, đi hết vườn trẻ này đến nhà trẻ khác. Chiến tranh phá hoại miền bắc (1965) tôi tiếp tục phải sơ tán về nông thôncho tới hè lên lớp 4. Lúc đó tôi mới bắt đầu thích vẽ. Dù sao so với bạn bè, tôi được may mắn và thuận lợi hơn nhiều, quãng thời gian học mỹ thuật tương đối liền mạch, chuyên sâu mười mấy năm, bước vào nghề không phải mang gánh nặng kiếm tiền để giúp bố mẹ hay thoát nghèo.

Việc được chọn đi học nước ngoài khi đó cần những điều kiện gì, và có điểm khác biệt nào về đào tạo mỹ thuật so với Việt Nam, trong thời gian anh theo học hội họa ở Học viện Mỹ thuật Surikov?

Điều kiện xét tuyển phần lớn dựa trên điểm học của cá nhân cộng với điểm thi đầu vào trường mỹ thuật trong nước. Người nào thi đạt thủ khoa chẳng hạn, sẽ được cất nhắc. Học ở Việt Nam cũng như những năm đầu ở Học viện Surikov, việc nghiên cứu cơ bản đều được xem trọng. Học viên chú trọng nghiên cứu đối tượng (vẽ mẫu), việc sáng tạo và tính thẩm mỹ tạm thời coi là thứ yếu.

Tuy nhiên ở Việt Nam, học viên được vẽ chất liệu than và thời gian cho mỗi bài nghiên cứu thường không quá 1 tuần, trong khi tại Học viện học viên phải sử dụng bút chì vót nhọn tỉ mỉ gạch các đường caro để tạo khối, ánh sáng; thời gian mỗi bài ít nhất 1 tháng. Những tháng đầu tiên, với cách tiếp cận mẫu bài bản hoàn toàn khác hẳn đã tạo ra một cú sốc, tôi học vô cùng căng thẳng, chật vật do thói quen chạy theo cảm xúc “sáng tạo” thoải mái, dễ dãi.

Anh có cho rằng Học viện bảo vệ “quan điểm nghiên cứu” của họ là đúng?

Quan điểm của họ rất rõ ràng, nhờ “sức ép” đó mà tôi càng phải nỗ lực hơn. Nhưng phải thừa nhận đội ngũ giáo sư, giảng viên của họ là những người có văn hóa ứng xử cao. Khi mình không đồng tình với họ, họ tôn trọng, cố gắng lắng nghe; thậm chí im lặng chờ đợi xem mình làm gì hoặc có lý do gì giải thích cho sự bất đồng đó.

Khi vào năm thứ 3 (năm bắt đầu học chuyên khoa, sau khi kết thúc 2 năm học nghiên cứu cơ bản, học viên được chọn Giáo sư phù hợp và làm việc tại xưởng vẽ của họ), lại một lần nữa với tính khí bướng bỉnh, tôi ra sức bảo vệ ý kiến của mình, gây khó khăn cho người trợ giảng hướng dẫn. Ông nhận ra ngay sự thiếu sẵn lòng chia sẻ nên lặng lẽ quan sát từ xa. Tới hết học kỳ ông đến và nói: “Giờ thì tôi đã hiểu, xin lỗi cậu, từ mai cậu hoàn toàn có thể tự do tiếp tục làm những gì mình muốn”. Tôi đã rất xúc động!

Ông cũng cho tôi lời khuyên: “Cái hiện thực của cậu vẫn có gì đó không xác thực”. Tự kiểm điểm lại, tôi thấy mình quá non nớt bảo vệ ý mình mà chưa thực sự hiểu rốt ráo “cái bộ xương cơ bản” bộc lộ kết cấu quyết định như thế nào trong việc sáng tác. Tôi trượt dài ở đà bản năng, cho là cái đẹp và sáng tạo vẫn chiếm vai trò chính yếu, còn cơ bản lại xem nhẹ.

Thực tế nếu anh sáng tác trên một nền tảng với quan niệm hời hợt, anh sẽ không bao giờ đi xa được. Anh phải hiểu đời sống chung quanh, hiểu được anh thiếu cái gì, cái gì sẽ hỗ trợ anh, cái gì còn giàu hơn anh nữa. Còn không, thứ anh làm ra chỉ là cái gì rất nhạt nhẽo. hoặc là mơ mộng, ảo tưởng, mà chẳng bao giờ có được tác phẩm sâu nặng cả.

Điều gì khiến anh gắn bó với nông thôn để rồi chuyên tâm vẽ?

Bất đắc dĩ trẻ em thành phố chúng tôi mới phải về sơ tán ở nông thôn. Những năm tháng ấy không phải lúc nào tôi cũng yêu cuộc sống ở đó, bởi rất nhiều sự khác biệt. Có những buổi chiều buồn lắm, không có người thân, trời cứ tối dần, bóng tối bao trùm và áp đảo khiến tôi ngợp thở. Thế nhưng không hiểu sao khi tôi sang Nga, lúc ngủ nằm mơ về Việt Nam, thì toàn những hình ảnh nông thôn hiện lên. Trong giấc mơ đẫm cả nước mắt vì những vùng quê mà mình đã đi sơ tán. Hẳn là, đời sống thiên nhiên thôn dã có sức mạnh của nó, như người mẹ ôm ấp, vỗ về. Tôi thuộc loại thần kinh yếu, mất ngủ triền miên suốt cả thời trẻ, về nước cơ thể khá suy nhược. Tôi muốn tìm chỗ nào đấy nhẹ nhàng ôm ấp mình vào lòng, thì nông thôn là đúng nhất.

Thế hệ chúng tôi gần như là gạch nối giữa hai thế hệ, không cũ hẳn như các cụ mà cũng không mới hẳn như ngày hôm nay. Sự đan xen các sắc thái hậu chiến tranh - hòa bình, cũ - mới với bao nhiêu mất mát, bao nhiêu đổ vỡ, kiệt quệ, bao nhiêu thứ mọc da non nó cứ khỏa lấp lẫn nhau... đấy là những điều tôi thấy xúc động và muốn được giãi bày.

Nhưng giãi bày không phải bằng hình ảnh đã quá sáo mòn chỉ mang tính thông tin về Việt Nam, mà cái nỗi niềm, tâm thế nó còn vượt qua cả thời đoạn mà anh đang nói, vươn tới giá trị xa hơn nữa của vẻ đẹp văn hóa và nhân văn. Tất nhiên, anh cần trung thực với chính mình. Anh thế nào thì bộc lộ ra thật tự nhiên, không khoa trương, cường điệu. Nếu anh có trăn trở nội tâm và sống với nó, làm việc với nó, thì nó cứ tỏa dần ra, đấy chính là sức sống nuôi dưỡng anh. Cho nên đến một độ nào đó anh phải bình tĩnh sống với cái mình có chứ không thể là cái mình muốn, kể cả nó rất cao thượng.

Họa sĩ Phùng Quốc Trí: Phải biết cái gì còn giàu hơn mình nữa ảnh 1

Những người nông dân, sơn dầu, 66x135 cm x 3 tấm, 2004.

Trung thực với chính mình, với những tác phẩm anh đã vẽ về nông thôn, anh có hài lòng?

Tôi yêu nông thôn, yêu văn hóa đồng bằng Bắc Bộ như thế, mà đến ngày hôm nay vẫn chưa làm được điều mà lẽ ra phải làm từ lâu, là có một bề dày sáng tác. Tôi vẫn muốn vẽ cho hết nhẽ cái mình muốn, nhưng đã không biết cách tổ chức đời sống cá nhân cho tốt. Điều kiện từ bé đã cho tôi được sống theo ý mình, chiều chuộng, nuông theo cảm xúc quá nhiều, mình cứ bải hoải, lãng đãng, cho nên phải thay đổi lại hết. Cũng vất vả lắm, có lúc tưởng mình không phải là mình nữa, thấy chán lắm. Thế rồi có vợ, con, thêm những niềm vui mới, mình không phải của riêng mình nữa, nó khiến tôi đỡ trầm trọng. Dần dần mới hiểu ra, trước kia tôi đã rất khờ khạo, nghĩ rằng gạt hết mọi thứ để được trọn vẹn làm cái mình thích, nhưng như thế là gạt luôn cả đời sống của chính mình. Trong khi một người có đời sống lành mạnh là phải mở lòng ra đón nhận cuộc sống xong phản ánh vào tác phẩm thì mới trôi chảy, vốn sống mới giàu lên. Gần đây tôi thấy mình mới thật sự dung hòa qua đó cân bằng nhịp nhàng các yếu tố đời sống.

Để làm hết nhẽ cái mình muốn?

Mệnh của tôi không thể muốn mà được hết. Mặc dù quỹ thời gian còn ít, có những việc phải bắt tay vào làm, và làm lại nhưng tôi không hối hả dồn nén nữa. Tham vọng mình nghĩ là rất trong sáng nhưng lại chứa đựng cái ngã rất lớn của sự ngộ nhận, mê lầm. Trong khi niềm vui thực sự từ lao động nghệ thuật, từ sáng tạo đôi khi nó giản dị lắm; nó lớn hơn niềm vui khi anh đã hoàn thiện một tác phẩm nào đó - kể cả tác phẩm đó có đưa anh lên đỉnh cao vinh quang về danh vọng cũng như tiền bạc.

Cho nên còn sống, còn được làm công việc của mình, lan tỏa điều tích cực, điều thiện ở con người mình ra chung quanh đã là hạnh phúc. Với lao động nghệ thuật, vẻ đẹp đồng bằng Bắc Bộ, văn hóa đồng bằng Bắc Bộ được bộc lộ ra bằng ngôn ngữ tạo hình ngày càng gần gũi và rõ hơn. Cuối cùng thì, tìm được một ngôn ngữ giản dị nhất, tinh khiết nhất để nói điều mình muốn một cách thuyết phục là điều ai cũng mong hướng đến. Suy cho cùng nó là sự bóc ra những lần vỏ để đến cái cốt lõi của mình, của tinh thần, văn hóa Việt.

Cảm ơn anh với những chia sẻ chân thành!

Họa sĩ Phùng Quốc Trí, sinh năm 1957 tại Hà Nội.

Học Trung cấp Mỹ thuật khóa 1971-1976 và năm đầu Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (Ðại học Mỹ thuật Việt Nam hiện nay), khóa 1978-1983.

Tốt nghiệp chuyên ngành sơn dầu, Học viện Mỹ thuật Surikov, Mátxcơva (1980-1986).

Hiện sống và làm việc tại Bắc Ninh.