Ba năm để hoàn thiện kịch bản, một năm để bộ phim trên giấy thành hình là quãng thời gian khá dài. Vậy mà công chúng chỉ biết tới Sự lựa chọn cuối cùng, trong cuộc họp báo ra mắt mới đây?
Nhiều người cũng chia sẻ thắc mắc tương tự với tôi, khi những can thiệp từ bên ngoài đòi hỏi phải thay đổi một phần nào đó trong nội dung kịch bản đã từng xảy ra, với một số bộ phim chính luận có cái nhìn trực diện vào những vấn đề nóng, đang gây bức xúc trong dư luận. Sự cẩn thận của ê-kíp cũng có, nhưng đó không phải là lý do chính. Nếu chọn cách quảng bá, PR rầm rộ nhưng chất lượng tác phẩm không được như mong muốn thì sẽ khiến khán giả thất vọng. Đó là điều chúng tôi luôn tránh. Khi bắt tay làm một bộ phim, chúng tôi luôn cố gắng làm kỹ lưỡng nhất, đạt chất lượng tốt nhất trong khả năng có thể. Chạm tay vào nỗi nhớ - bộ phim khai thác cuộc sống của sinh viên cảnh sát còn nhận được yêu cầu phải dừng lại, khi vừa chiếu được vài tập. Rất vui là đến tập 10 thì những ý kiến gay gắt đã chấm dứt, thậm chí những tập sau đó còn nhận được nhiều lời khen ngợi. Tôi nghĩ, khi đã có trong tay một kịch bản tốt, nếu người làm phim luôn mang cái tâm sáng, góc nhìn thiện chí và có tính xây dựng trong cách kể chuyện thì chẳng phải e sợ bất cứ điều gì.

Cảnh trong phim Sự lựa chọn cuối cùng. Ảnh do VFC cung cấp
Nhưng ngay đầu cuộc chuyện trò, ông cũng đã chia sẻ về cảm giác e ngại, khi lần đầu tiếp cận kịch bản Sự lựa chọn cuối cùng?
Đó là cảm giác đầu tiên của tôi, khi đọc một kịch bản đề cập tới quá nhiều vấn đề gai góc, đụng chạm, rất khó để triển khai trong thực tế. Các đồng nghiệp của tôi đã từng đưa ra những tổng kết rất vui. Người hài hước, phim chính luận là loại phim “ba cực”: cực khó, cực khô và cực khổ. Rồi “làm phim chính luận phải có đủ bốn mắt - trông lên, trông xuống, nhìn ra, ngó vào để tránh dính chưởng”. Người thì thở dài: “làm phim chống tiêu cực nhưng phải bảo đảm từ bối cảnh, địa danh, biển số xe, nhân vật... đều phải chống suy diễn”.
Ít năm về trước, Chạy án 1&2 - với câu chuyện chạy án xảy ra trong phạm vi một gia đình đã từng thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận. Nhưng giờ nhìn lại thì thấy Chạy án phản ánh hiện thực ở mức độ khá nhẹ, khi đặt bên cạnh một xã hội thu nhỏ được tái hiện trần trụi, gai góc trong Sự lựa chọn cuối cùng. Ở đó có câu chuyện về nhóm lợi ích với liên minh quan chức - doanh nghiệp được đề cập sinh động. Để thực hiện trót lọt những phi vụ làm ăn bất chính, những dự án ma, những công trình vẽ ra để rửa tiền và trục lợi, nhóm lợi ích đã bất chấp các thủ đoạn, lợi dụng tối đa các con bài chính trị, lợi dụng mối quan hệ cha con, vợ chồng, mượn tay người có quyền để kiếm tiền và lại dùng tiền để thâu tóm, củng cố quyền lực.
Gần đây, chúng ta hay nhắc tới cụm từ “nhóm lợi ích”. Và đây là bộ phim đầu tiên giải mã khái niệm, đồng thời đưa ra những tác hại, hậu quả khủng khiếp mà “nhóm lợi ích” gây ra cho dân, cho nước. Phim cũng đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: “Tại sao nhiều quan chức tâm huyết, muốn làm những điều tốt đẹp cho đất nước nhưng đành chịu bó tay?”. Bởi họ bị trói buộc rất nhiều, không chỉ vì cơ chế mà còn bị khống chế, o bế bởi các nhóm lợi ích, các doanh nghiệp vì những mối lợi trước mắt mà dám bất chấp, chà đạp lên tất cả.
Trở lại với câu hỏi của bạn, phần nội dung, dù rất dữ dội, không phải là mối lo của tôi. E ngại lớn nhất nằm ở tính khả thi của dự án, mà vấn đề lớn nhất là tìm bối cảnh.
Tôi hiểu, với nội dung khá nhạy cảm như vậy, việc tìm bối cảnh chắc chẳng dễ dàng gì?
Không có điều kiện tái hiện toàn bộ tại trường quay, chúng tôi phải trông cậy phần lớn vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của các địa phương, các cơ quan, ban, ngành. Cũng rất may là trong phim này, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía lãnh đạo VFC. Giám đốc - đạo diễn Đỗ Thanh Hải phải đích thân xuống nhiều địa phương làm việc trực tiếp. Mối quan hệ của hai phóng viên báo Tuổi trẻ, Chu Hồng Vân và Nguyễn Tuấn Thành (cũng là hai tác giả kịch bản) được tận dụng tối đa. Đây cũng là bộ phim hiếm hoi mà chúng tôi phải đi khảo sát kỹ lưỡng đến thế. Mỗi phân đoạn trong kịch bản phân cảnh phải được ghi chú đầy đủ các yếu tố: quay ở đâu, thời gian nào, ai ủng hộ, có khả thi trong khâu thực hiện hay không... Từng ấy câu hỏi được trả lời kỹ càng rồi, chúng tôi mới đủ tự tin bắt tay vào việc.
Xem ra ông rất có duyên với những kịch bản phim chính luận do các nhà báo chấp bút, từ Chạy án của nhà văn - nhà báo Nguyễn Như Phong đến bộ phim này?
Nhà báo luôn là người sở hữu vốn sống giàu có nhất. Một biên kịch chuyên nghiệp có thể ngồi nhà viết ra một kịch bản rất hay, nhưng dễ xa rời thực tế, thiếu đi hơi thở cuộc sống và những nhịp đập mang tính thời sự nóng bỏng. Khán giả hôm nay đòi hỏi những bộ phim chính luận dám đi vào những điểm nóng, phản ánh và nói hộ những bức xúc của đông đảo người dân. Không chỉ nói đúng, phim còn phải hay, phải hấp dẫn. Bởi nếu không giữ được khán giả đồng hành cùng mạch phim, mọi thông điệp mà chúng tôi cố công chuyển tải đều trở nên vô nghĩa. Áp lực ấy luôn đè lên đôi vai của người viết kịch bản. Bởi chúng tôi vẫn phải “có bột” mới “gột được nên hồ”.
Không đề cập trực diện nhưng xuyên suốt bộ phim Sự lựa chọn cuối cùng là mong mỏi, khao khát chính đáng của người dân về những quan chức công tâm, hết lòng vì đời sống dân sinh?
Mỗi nhân vật trong phim, tại mỗi khúc quanh, ngã rẽ của đường đời luôn phải đứng trước một sự lựa chọn, vốn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chủ thể đưa ra quyết định, theo cả hai hướng xấu và tốt.
Bạn thấy đấy, dân chúng rất mừng khi một quan chức nào đó làm được điều ích nước, lợi dân. Vì họ luôn khát khao, mong mỏi có được những người lãnh đạo biết lắng nghe, luôn thấu hiểu và làm theo nguyện vọng của dân. Đặt tên phim là Sự lựa chọn cuối cùng, chúng tôi muốn chuyển tải bức thông điệp, mỗi vị quan chức hãy suy nghĩ thấu đáo, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra sự lựa chọn, khi đặt bút ký duyệt một văn bản, một dự án. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới một cá nhân mà còn tác động tới rất nhiều con người, thậm chí nhiều thế hệ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Sự lựa chọn cuối cùng Bộ phim truyền hình có thời lượng 38 tập, do Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất. Phim lên sóng VTV1 từ ngày 8-7-2016, vào lúc 20h45 các ngày thứ 5 và thứ 6 hằng tuần. Ngoài những gương mặt gạo cội như NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Minh Thảo, NSƯT Duy Thanh, Tạ Am..., khán giả cũng sẽ gặp lại những gương mặt trẻ đầy sức hút hiện nay như Chí Nhân, Minh Hà, Thanh Sơn... |
Đây là bộ phim đầu tiên giải mã khái niệm, đồng thời đưa ra những tác hại, hậu quả khủng khiếp mà “nhóm lợi ích” gây ra cho dân, cho nước. Phim cũng đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: “Tại sao nhiều quan chức tâm huyết, muốn làm những điều tốt đẹp cho đất nước nhưng đành chịu bó tay?”. |