Già làng K’set Tambou nói với tôi rằng, tên gọi của buôn là tên của bà cụ tổ Ka Ming, người có công tìm ra vùng đất. Từ hàng trăm năm trước, tổ tiên đã chọn cho cháu con, cho những người đồng tộc Cơ Ho của mình một mảnh đất lập cư mà theo cách nói của người Kinh là hợp thế “địa linh”. Hưởng lộc Yàng, bà dẫn cháu con đến đây, dạy họ trồng cây lúa nước, thuần phục muông thú và xe sợi cây rừng để dệt thổ cẩm.
Bà cũng truyền cho cháu con những làn điệu dân ca, dân vũ để giúp họ thắp lên ngọn lửa ấm áp trong những đêm trường lạnh lẽo, tăm tối. Người Cơ Ho ở buôn Ka Ming vẫn chưa quên những câu chuyện xưa. Những câu chuyện người già kể lại hết đêm này qua ngày khác không dứt bên những bếp lửa cây rừng là ký ức về những đắng cay, tủi nhục, lạc hậu và nghèo đói.
Sự giàu có của những ông chủ Tây được đổi bằng máu và mồ hôi của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Ký ức của người Cơ Ho ở buôn Ka Ming về dĩ vãng hơn một thế kỷ qua cũng là nỗi buồn đau chung của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Thực dân Pháp xâm lược đất nước ta, sau khi xác lập địa vị cai trị và bắt đầu vơ vét tài nguyên ở vùng đồng bằng, chúng xua quân lên vùng núi cao để khai thác những nguồn lợi vô tận. Cao nguyên Djirinh (Di Linh ngày nay) với những cánh rừng già nguyên sinh giàu có, những mỏ khoáng sản lộ thiên và thổ nhưỡng bazan màu mỡ là một trong những vùng đất mà bọn thực dân ham muốn. Chúng mộ phu khai phá và lập nên những đồn điền trồng cây công nghiệp trù phú, những công xưởng chế biến lâm sản và những hầm mỏ quy mô lớn.
Sự giàu có của những ông chủ Tây được đổi bằng máu và mồ hôi của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đời cha cho chí đời con, họ chỉ biết suốt tháng quanh năm khố đụp lưng trần đi phu, đi xâu dưới làn roi da và súng đạn của quân xâm lược. Giặc Pháp chưa qua, giặc Mỹ đã tới. Máu lại đổ xuống thấm đất bazan cùng với mồ hôi và nước mắt. Trong cảnh tăm tối, đói nghèo, lầm than, người dân tộc thiểu số Tây Nguyên kề vai sát cánh với đồng bào của mình trên mọi miền quê Việt Nam cùng vùng lên đánh đuổi quân xâm lược, giành lại giang sơn, Tổ quốc. Người Kơ Ho ở buôn Ka Ming cũng như đồng bào ở khắp Tây Nguyên chỉ thật sự đổi đời kể từ khi nước nhà thống nhất. Từ mùa xuân 1975 lịch sử, họ đã thật sự làm chủ làng buôn, làm chủ chính cuộc đời mình trên mảnh đất mà bà cụ tổ Ka Ming thuở trước đã lựa chọn cho con cháu lập cư…
*
Trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, Ka Ming là một trong những buôn dân tộc thiểu số đi đầu ở Tây Nguyên trong đổi thay cung cách làm ăn. Cùng với một số hợp tác xã của đồng bào người Kinh, hợp tác xã Ka Ming nổi tiếng một thời khi ban quản lý mà người đứng đầu là chủ nhiệm K’sét Tambou đã mạnh dạn lãnh đạo bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá thế độc canh cây lúa sang trồng cà-phê thương phẩm.
Từ tập quán canh tác lạc hậu của nền kinh tế tự cấp, tự túc mà theo cách nói của đồng bào là “mạnh lúa lúa lên, mạnh cỏ cỏ lên”, người Cơ Ho nơi này đã chuyển một bước cơ bản trong nhận thức khi làm quen sớm với nền sản xuất hàng hóa. Nếu ngày xưa, cây lúa chỉ giải quyết cái ăn thì cà-phê đã giúp họ làm giàu. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, cây cà-phê đã bám rễ trong những khu vườn của buôn Ka Ming, đồng bào đã làm quen rất nhanh với loại cây công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao nhưng lại nổi tiếng khó tính này. Nhưng phải đợi đến hơn 10 năm sau đó, khi giá cà-phê trên thị trường tăng cao đột biến thì cây cà-phê đã chiếm địa vị thật sự quan trọng ở vùng đất này. Chỉ một hoặc hai vụ cà-phê, biệt thự đã mọc lên san sát, những âm thanh điện tử và tiếng xe hơi, xe máy rộn ràng buôn làng. Ka Ming đã nhanh chóng khá lên từ những năm đó và cho đến hôm nay, buôn làng này vẫn giữ được “phong độ” của một vùng cư dân biết tính toán làm ăn và biết cách làm giàu, một sự giàu có mang tính bền vững.
Khu phố Ka Ming có tổng số hơn 300 hộ với hơn 2000 nhân khẩu. Chừng đó cư dân tập trung sinh sống trên một quả đồi có diện tích 636,4 ha và canh tác thuần nông với 273 ha cà-phê, 148 ha lúa nước, chăm sóc bảo vệ 191 ha rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Quả đồi “địa linh” này là nhân chứng của những bước thăng trầm của cư dân nơi đây và hôm nay đang chứng kiến những bước đổi thay kỳ diệu của cuộc sống dưới ánh sáng của chế độ, của Đảng. Ở buôn Ka Ming không có hộ nào đói, hộ thật sự nghèo cũng đã hết rồi, còn hộ giàu thì mỗi ngày một tăng. Ở khu phố Cơ Ho này, niên vụ cà phê 2024-2025, số hộ có thu nhập vài tỷ đồng lên tới con số hàng chục…
*
Chuyện làm ăn, chuyện cuộc sống phát triển theo chiều hướng đi lên thật đáng ghi nhận. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi thật sự ngạc nhiên chính là việc quan tâm đến sự học của đồng bào ở buôn Ka Ming. Thành công lớn nhất ở buôn làng là bà con luôn giữ được tinh thần hiếu học và quan tâm đến tương lai của con cháu qua việc đầu tư phát triển trí tuệ. Anh K’Lào, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Di Linh, con rể của buôn làng này, nở nụ cười rất tươi: “Ka Ming là niềm tự hào của đồng bào Cơ Ho chúng tôi đấy. Hiếm có làng buôn nào mà sự học được đề cao như ở nơi đây.” Ở Trường Dân tộc Nội trú huyện Di Linh, chúng tôi gặp thầy giáo K’Brol, cũng là một người buôn Ka Ming; anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ngành sử, ra trường năm 1997.
K’Brol nói, vào năm ấy cả buôn anh có 30% người theo học các trường chuyên nghiệp. “Học là cách duy nhất để thay đổi cuộc sống. Ở buôn làng tôi từ lâu đã có tâm lý ngầm thi đua chuyện học của các gia đình, con cái học giỏi thì cha mẹ và dòng họ tự hào. Bởi vậy, hồi đó bố mẹ tôi còn nghèo nhưng vẫn vay ngân hàng chính sách xã hội cho con cái học hành đến nơi đến chốn.”
Khi chúng tôi hỏi chuyện, nhiều người trong buôn tỏ ra rất kính phục gia đình ông K’Brèo. Sự kính phục của họ thật có lý, lão nông này đã nuôi dưỡng năm người con của mình khôn lớn trưởng thành, tất cả đều tốt nghiệp đại học, cao học. Những người con của ông K’Brèo đều là công chức nhà nước: một người làm cán bộ kiểm lâm huyện, một ở tòa án huyện, một là bác sĩ ở trung tâm y tế Di Linh, một là cán bộ ở Sở Dân tộc và Tôn giáo Lâm Đồng và cậu út cũng là bác sĩ.
Người ta còn kể về gia đình ông K’Sen có hai con tốt nghiệp đại học: anh K’Son sau khi học xong cử nhân kinh tế đã về công tác tại thành phố Đà Lạt, anh K’Sung là bác sĩ của trung tâm y tế huyện Đạ Tẻh. Nhà ông K’Broh cũng có hai người con cử nhân, một đang theo học ngành y và một là K’Brừl, đồng nghiệp của chúng tôi ở Báo Lâm Đồng. Người dân Ka Ming còn nói rất nhiều về anh cán bộ ngân hàng chính sách xã hội K’Brol và anh K’Brìm cũng là một cán bộ của ngân hàng người nghèo. Mọi người còn tấm tắc khen tấm gương bác sĩ K’Brưt con ông Moin Brìu từng tu nghiệp ở Thái Lan và Trung Quốc…
Như lời lý giải trên của thầy giáo K’Brol, quan tâm đầu tư cho sự học ở Ka Ming đã trở thành một lẽ tự nhiên mà người dân nào ở đây cũng tự ý thức như thế. Nó như một truyền thống mà nhiều năm qua, những người dân Cơ Ho nơi đây đã tự xây đắp. Nhà này nhìn sang nhà khác, người đi trước để gương lại cho người đi sau. Cả buôn làng đều tự hiểu rằng, chỉ có cái chữ, có tri thức khoa học mới dẫn dắt mọi người vượt qua lạc hậu, đói nghèo và vươn tới no ấm, văn minh.
Chính vì vậy, ở không ít vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác, ngành giáo dục và chính quyền còn rất khổ công trong việc vận động đưa trẻ đến trường thì ở Ka Ming đồng bào coi việc cho con em đi học là quyền lợi và trách nhiệm. Già làng K’Sét Tambou thêm một lần khẳng định với chúng tôi: “Đồng bào Cơ Ho ở buôn Ka Ming càng ngày càng thêm no ấm, văn minh. Con cháu được Đảng và nhà nước chăm lo học hành tử tế và trọng dụng thành người có ích cho làng buôn, cho đất nước. Chúng tôi không còn mong gì hơn thế nữa!...”