Vòng luẩn quẩn chuyện xử phạt
Những năm qua, ở nhiều địa phương, không ít trường hợp xả thải, đầu độc môi trường đã bị phát hiện, xử lý. Như, công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên bị Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên phạt 3,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Môi trường Thái Nguyên bị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt hơn 900 triệu đồng; Công ty Dệt may Vũ Băng (tại Hà Nam) bị đề nghị xử phạt hơn 2,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sinh Lộc bị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xử phạt 330 triệu đồng. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh mới đây xử phạt 10 doanh nghiệp chế biến khoai mì có vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng…
Tại Hà Nội, theo kết quả thanh tra năm 2022, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường kiểm tra tại 3.298 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 2.009 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 21 tỷ đồng. Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp Công an thành phố Hà Nội thực hiện kiểm tra về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 180 tổ chức, 1.546 cá nhân, xử phạt vi phạm hành chính đối với 130 tổ chức và 1.527 cá nhân với tổng số tiền phạt là hơn 14 tỷ đồng.
Theo PGS, TS Đào Trọng Tứ, mặc dù lực lượng chức năng đã sát sao, nhưng thực tế con số vi phạm còn lớn hơn nhiều, các dòng sông vẫn đang bị đầu độc ngày đêm. “Thực tế chúng ta rất khó kiểm soát các doanh nghiệp, đơn vị lợi dụng đêm tối, trời mưa để xả thải trộm ra sông ngòi, kênh rạch. Tôi đề nghị, nếu phát hiện thì phải xử lý nặng tay hơn nữa. Để dòng sông ngày đêm bị đầu độc bằng nước thải như vậy là điều rất đáng buồn”, ông Tứ nhấn mạnh.
Ưu tiên giải pháp, nguồn lực
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, vấn đề cải tạo các dòng sông nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quản lý lưu vực sông để gắn trách nhiệm chung của các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành. Ông Đặng Quốc Khánh đề nghị: “Giai đoạn 2026-2030 cần quan tâm xử lý các dòng sông ô nhiễm, cấp có thẩm quyền cần ưu tiên, quan tâm đến nhiệm vụ này để bố trí nguồn lực phù hợp”.
Theo PGS, TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, phải có giải pháp liên tỉnh, liên vùng, bởi các dòng sông đều chảy qua nhiều địa phương. Đồng quan điểm, PGS, TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường, cho biết thêm, chúng ta cố gắng nạo vét bùn, kè bờ, đó mới chỉ là giải quyết phần ngọn. Việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải, thu gom trước về nhà máy xử lý, sau đó cho xả thải mới là giải pháp căn cơ.
Từ thực tế hoạt động, ông Ngô Thái Nam, Phó Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hà Nội, kiến nghị: Thành phố cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đấu nối nước thải về trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung trên địa bàn. Tập trung các nguồn chi ngân sách hằng năm cho các dự án ưu tiên cấp bách; cân đối ngân sách thành phố và ngân sách các quận/huyện trên lưu vực sông nội đô, phấn đấu bố trí tăng dần kinh phí từ ngân sách thành phố để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ vận hành các nhà máy xử lý nước thải hiện có, duy trì hệ thống thoát nước, hệ thống thủy lợi.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho rằng, phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đang triển khai: Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn vào năm 2025; Dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa); Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục Sông Tích... Đồng thời, phải đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án mới nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Hiện nay, Hà Nội nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Đặc biệt, Hà Nội sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng nhằm góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để tăng khả năng lấy nước vào các sông Đáy - Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch cũng có dòng chảy thường xuyên, khắc phục tình trạng suy kiệt nguồn nước, trả lại khả năng tự làm sạch chất gây ô nhiễm.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lượng nước thải đô thị phát sinh của thành phố khoảng 1,5 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý chỉ đạt 12,6%, còn lại 87,4% xả thẳng ra sông ngòi, kênh rạch. TS Nguyễn Quốc Bình, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học, cho biết: công tác thu hồi, xử lý ở các nhà máy xử lý nước thải cần rất nhiều tiền, nên thành phố cần nhiều cơ chế để thu hút nguồn xã hội hóa. Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố chỉ có ba nhà máy hoạt động, gồm: Tham Lương-Bến Cát (131.000m3/ngày); Bình Hưng (công suất 141.000m3/ngày); Bình Hưng Hòa (30.000m3/ngày), cùng với các trạm xử lý nước thải phân tán trong khu dân cư. Nguồn nước thải còn lại chưa được xử lý. Theo quy hoạch, đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất hơn ba triệu m3/ngày. Trong đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất về nguồn vốn và phương thức đầu tư cho bảy nhà máy xử lý nước thải đô thị thời gian tới.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì), dự kiến vận hành trong năm 2025, được kỳ vọng sẽ xử lý tốt nguồn nước thải từ sông Tô Lịch. Ảnh: NGỌC THÀNH |
Đã có những hồi sinh...
Nhiêu Lộc-Thị Nghè là một trong những điển hình về một dòng kênh được hồi sinh, với sự quyết tâm cao của các cấp quản lý. Không ai tưởng tượng nổi dòng kênh đen, hôi thối ngày nào giờ trở thành nơi tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí. PGS, TS Đào Trọng Tứ, cho biết: Việc thực hiện dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè được các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khá bài bản và khoa học. Nhờ đó, tuyến kênh này đã có dòng chảy, tôm cá sinh sống được và người dân tận hưởng được những giá trị mà kênh đem lại. Qua đây, các địa phương khác có thể đúc rút kinh nghiệm.
Tại Bắc Ninh, làng nghề sản xuất giấy Phong Khê đang khởi động những nỗ lực xử lý ô nhiễm môi trường. Sau nhiều bàn thảo, đưa ra các giải pháp nhưng chưa hiệu quả, lãnh đạo thành phố Bắc Ninh tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi, di dời các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy trong khu dân cư trước ngày 31/12/2024; dừng hoạt động các cơ sở sản xuất trong Cụm Công nghiệp Phong Khê I và Phong Khê II trước ngày 31/12/2029. Song song với đó, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu thành phố Bắc Ninh phải có phương án hỗ trợ, chuyển đổi việc làm cho các doanh nghiệp theo đúng lộ trình của Đề án.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã bổ sung các quy định về chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa, các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hóa, chính sách xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Hiện Bộ triển khai xây dựng nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá và đề xuất phương án thí điểm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm các sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ - Đáy, Ngũ Huyện Khê”; Xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước bảo đảm việc duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, suối.
(Còn nữa)