Từ những cuộc trao truyền nhạc cụ dân tộc Mạ

Đồng bào dân tộc Mạ có hệ thống các loại nhạc cụ hết sức độc đáo, bao gồm bộ gõ, bộ dây và bộ hơi; trong đó có một số nhạc cụ chính như: đàn đá, cồng, chiêng, trống, khèn bầu sáu ống, sáo bầu ba lỗ, kèn môi, khèn sừng trâu, đàn ống tre… Ngoài ra, còn có một số nhạc cụ khác được chế tác từ chất liệu thiên nhiên theo sự sáng tạo ngẫu hứng của một số nghệ nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân K’Trời dạy các cháu học sinh chơi cồng chiêng.
Nghệ nhân K’Trời dạy các cháu học sinh chơi cồng chiêng.

Từ những hiểu biết chung đó, chúng tôi đã đến với cộng đồng cư dân Mạ lâu đời giữa núi rừng Lộc Bắc (Bảo Lâm, Lâm Đồng). Được tận mắt nhìn thấy những loại nhạc cụ cổ truyền, được đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng, được thưởng thức tiếng kèn, tiếng đàn, chúng tôi càng nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số địa phương. Cùng với các thầy, cô giáo và học sinh Trường THCS và THPT Lộc Bắc, chúng tôi đã có một cuộc trải nghiệm thú vị và chứng kiến những cuộc trao truyền nghệ thuật truyền thống đầy ý nghĩa.

Để bắt đầu cho hành trình ấy, chúng tôi đã tiếp cận các nghệ nhân dân gian. Tại thôn 4, xã Lộc Bắc, nhóm đã tìm gặp ông K’Pía, một nghệ nhân. Ông K’Pía đã giới thiệu với nhóm chiếc kèn bầu và cây sáo bre tự tay ông làm. Chỉ là một trái bầu khô, mấy ống tre nhỏ, sáp ong đất, những vật liệu hết sức bình dị, quen thuộc có thể tìm thấy trong các gia đình nhưng khi được chế tác thành nhạc cụ thì đã trở thành vật thiêng bởi nó kết tinh trong đó những tinh hoa văn hóa tộc người. Chúng tôi đã nghe nghệ nhân K’Pía nói say sưa về âm nhạc mà bao đời qua tổ tiên ông truyền lại, về các loại nhạc cụ truyền thống người Mạ và mê mải lắng nghe âm thanh của kèn bầu, của sáo. Những giai điệu quen thuộc, gần gũi trong không gian núi rừng như kéo người thưởng thức về với mênh mông đại ngàn, về với bản thể, hòa mình cùng thiên nhiên sâu thẳm, phong nhiêu. Cuộc gặp gỡ nghệ nhân K’Trời ở thôn 2, xã Lộc Bảo cũng hết sức thú vị. Nghệ nhân K’Trời đã vui vẻ bày ra tất cả những nhạc cụ truyền thống mà gia đình ông có. Nào là bộ chiêng droòng, nào là đàn tre, kèn môi, kèn bầu…

Tiếp xúc với các nghệ nhân, chúng tôi nghĩ, ở vùng đồng bào người Mạ bây giờ, còn có bao nhiêu người như ông K’Trời, ông K’Pía - những nghệ nhân còn có ý thức chắt chiu, gìn giữ những giá trị văn hóa mà ông cha từ ngàn xưa đã trao gửi lại. Trong hành trình đi tìm những báu vật đang dần bị lãng quên, gặp được những nghệ nhân hiếm hoi thật là một điều may mắn. Trong nỗi lo lắng, chúng tôi nghĩ, nếu không kịp tiếp lửa và truyền dạy cho thế hệ trẻ, liệu mai này trong vùng đồng bào Mạ, những nhạc cụ và âm nhạc truyền thống có còn cơ hội hiện hữu và lan tỏa những giá trị văn hóa tuyệt vời như thế. Chúng tôi nhận thấy, các nhạc cụ dân tộc Mạ hiện nay còn lại không nhiều. Bên cạnh cồng chiêng thì chỉ còn đàn tre, kèn bầu và đàn môi. Đàn đá và kèn t’diếp nổi tiếng ngày xưa thì nay không còn được tìm thấy. Số người còn biết chế tác và sử dụng nhạc cụ cũng còn rất ít.

***

Rất vui, sau khi tiếp xúc, các nghệ nhân đã hết sức nhiệt tình hướng dẫn các em học sinh cách làm đàn tre, kèn bầu và hướng dẫn các em sử dụng, ghi lại cách làm loại nhạc cụ này với mong muốn lưu lại để làm "vốn liếng". Sản phẩm khi hoàn thiện đã được đưa vào phòng âm nhạc của nhà trường để trưng bày và giới thiệu đến đông đảo học sinh. Bên cạnh đó, nhóm cũng ký âm các bản nhạc dân gian được thể hiện trên các nhạc cụ, nhằm phục vụ biểu diễn và phổ biến thuận lợi. Với mục đích chia sẻ, lan tỏa văn hóa Mạ, âm nhạc dân gian Mạ ra cộng đồng, một cách làm khác là các thầy, cô giáo và học sinh đã tiến hành lập fanpage "Âm sắc người Mạ" để kết nối cộng đồng. Đặc biệt, thầy và trò nhà trường đã thành lập câu lạc bộ "Văn nghệ dân gian người Mạ". Câu lạc bộ đã thu hút khá nhiều học sinh tham gia; những thành viên trong câu lạc bộ không chỉ có học sinh người Mạ mà còn có cả các bạn người Kinh, người Tày và các dân tộc khác. Khi được các nhà nghiên cứu và các giáo viên động viên, truyền cảm hứng, các em tham gia rất tích cực và thể hiện niềm đam mê đối với văn hóa, nghệ thuật dân tộc.

Trong quá trình điền dã, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với nhà trường tổ chức một số buổi học đặc biệt - buổi học trao truyền. Trong lớp học ấy, không phân biệt người trẻ hay người già, là thầy hay là trò, là người Kinh hay người dân tộc Mạ, tất cả đều thể hiện cảm xúc đắm đuối với tình yêu âm nhạc truyền thống bản địa. Thanh âm từ những nhạc cụ thân thuộc với không gian rừng già vang vọng lên như mời mọc, như níu kéo, cùng tạo nên một trường cảm xúc, liên tưởng hấp dẫn và thú vị. Với niềm tự hào sâu sắc về giá trị di sản, nghệ nhân già vừa tâm tình, vừa giới thiệu từng loại nhạc cụ, từng bản nhạc, điệu thức, vừa uốn nắn những động tác cho các em làm quen với cồng chiêng, với kèn bầu, đàn tre, với tiếng sáo bre. Các em cũng đắm chìm trong không gian huyền diệu của âm nhạc, của tiếng lòng đồng vọng với những thanh âm dạt dào cảm xúc tự ngàn xưa hiện về. Em K’Thư, học sinh lớp 10 chia sẻ: "Được xem các nghệ nhân biểu diễn, được học cách sử dụng nhạc cụ, em cảm thấy yêu và tự hào về di sản văn hóa của dân tộc mình. Em nhận thức rằng, mình cần có trách nhiệm bảo tồn các giá trị truyền thống đang dần mất đi." Còn em Đỗ Thị Thúy Kiều, người Kinh, học sinh lớp 11 cũng nói: "Em đã tiếp xúc với các bạn đồng bào dân tộc thiểu số từ khi còn nhỏ; vì thế, em yêu văn hóa Mạ cũng như sự quý mến bạn bè người đồng bào thiểu số của em vậy. Em thấy thích thú và bổ ích khi được tham gia những buổi học sử dụng nhạc cụ truyền thống. Những lúc như vậy đã giúp em trở nên gắn kết với các bạn, có thêm nhiều kỹ năng và hiểu biết thêm về văn hóa tộc người nơi em đang sống…".

***

Từ những cuộc trao truyền nhạc cụ dân tộc Mạ ảnh 1
Tiết học đặc biệt-nghệ nhân K’Trời đến lớp trao truyền văn hóa

cho các cháu học sinh.

Về Lộc Bắc, chúng tôi đã có một đêm trong ngôi nhà dài cuối cùng trên vùng đất người Mạ. Không phải trong mùa lễ Nhô rhe-mừng lúa mới, nhưng không gian thật ấm áp trong một mối giao tình đặc biệt. Đêm trao truyền âm nhạc truyền thống, đêm mà các nghệ nhân người Mạ đã dốc trọn tâm huyết và sự hiểu biết cho con cháu của mình, giúp con cháu tiếp nhận những giá trị âm nhạc mà tổ tiên gửi lại. Đêm của người già hòa điệu cùng người trẻ. Đêm của những cư dân các dân tộc khác nhau cùng chung một nhịp điệu cảm xúc. Đêm có cây nêu, có rượu cần, và đặc biệt có dòng thanh âm huyền diệu của cồng chiêng, kèn bầu, sáo tre, kèn môi… cất lên lời của núi non, suối thác, của tiếng lòng những người con của đại ngàn Tây Nguyên. Sau những nghi lễ của các chủ nhân buôn Mạ, sau lời khấn mời thần linh chứng giám của già làng K’Diệp như cảm thức vọng về từ ngàn xưa, là những cần rượu trao tay, là những hồn người đồng cảm. Trong men say, nhịp chiêng droòng đã thập thùng huyễn hoặc bên bếp lửa giữa nhà. Tiếng kèn bầu gợi cảm, tiếng sáo bre réo rắt. Những nghệ nhân già bước vào vòng tấu chiêng; những người trẻ tiếp bàn tay người già; tạo nên một cuộc trao truyền đầy tâm huyết và giao cảm. Chứng kiến hình ảnh ấm áp và đầy ý nghĩa ấy, chúng tôi như được củng cố thêm niềm tin, rằng ngọn lửa đam mê với âm nhạc truyền thống sẽ không bao giờ tắt ở vùng đại ngàn xa xôi Lộc Bắc…

Một thực tế là cũng như nhiều dân tộc khác, hiện nay người Mạ không còn cư trú độc lập như ngày xưa mà sống xen kẽ với đồng bào các dân tộc khác. Sự giao thoa và tiếp biến văn hóa đã khiến cho những nghi lễ liên quan đến vòng đời con người ngày càng phai dần. Mặt khác, trên đất rẫy người Mạ bây giờ hầu hết là những vùng chuyên canh cây công nghiệp thay cho những nương lúa rẫy truyền thống. Vì thế, chuỗi nghi lễ nông nghiệp liên quan đến vòng đời cây lúa cũng dần tiêu vong. Ít dần các nghi lễ, lễ hội, không gian thực hành văn hóa mất dần thì cũng đồng nghĩa với các nhạc cụ dân tộc bản địa ngày càng ít được sử dụng và dần phai nhòa trong ký ức tộc người. Trong một tương lai không xa, nếu những giá trị văn hóa ấy không được trao truyền thì chắc chắn sự mai một âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Mạ là điều không thể tránh khỏi.

Trong cuộc trải nghiệm văn hóa thú vị này, chúng tôi đã cùng các nghệ nhân, các thầy, cô giáo và học sinh Trường THCS và THPT Lộc Bắc giúp nhau củng cố thêm tình yêu và niềm đam mê đối với văn hóa Mạ. Chúng tôi cũng tin rằng, hành động nhỏ này sẽ góp phần gieo niềm cảm hứng trên hành trình dẫn dắt thế hệ trẻ đến với những giá trị tuyệt vời trong kho tàng di sản văn hóa tộc người.