Bám đất, bám biên cương
Gia đình lão nông Lang Văn Chuẩn (bản Đục, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) đã ba đời gắn bó, cùng bộ đội biên phòng canh giữ biên cương. Năm xưa, ông nội và bố đẻ của ông tự nguyện cùng lực lượng công an nhân dân vũ trang (tiền thân của bộ đội biên phòng) tiễu phỉ dọc biên giới, góp phần gìn giữ bình yên cho dân bản. "Xưa ấy à, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn lắm. Bộ đội biên phòng phải vừa xây dựng cơ sở, vừa xây dựng lực lượng, vừa giúp bà con hai bên biên giới tập trung làm ăn, không hoang mang vì thổ phỉ quấy nhiễu. Là người dân, cũng phải chìa vai gánh trách nhiệm", ông Chuẩn nhớ lại một thời kỳ nhiều gian khó.
Tiếp nối truyền thống gia đình, năm 1998, ông Chuẩn tình nguyện đến Đồn Biên phòng Bát Mọt, xung phong làm người trông coi cột mốc thay cho một số người đã chuyển đi nơi khác. Cán bộ biên phòng bảo: Bác đứng ra nhận việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" là nhọc mệt lắm đó. Ông Chuẩn đặt tay lên ngực: "Ông nội, bố tôi làm được, tôi cũng làm được. Rồi con cháu tôi cũng thế!". Ông nói khẩn thiết, như một lời thề với vùng đất quê hương. Được lãnh đạo Đồn Bát Mọt đồng ý, ông vui ra mặt, về khoe với vợ con. Năm đó, nhìn dáng người nhỏ thó, khắc khổ của ông, không ít người đoán già đoán non, ông chỉ làm được ba bảy hăm mốt ngày, ấy thế mà thoáng chốc đã 26 năm trôi qua, ông miệt mài bám rừng, bám mốc bằng trách nhiệm và niềm tự hào.
Suốt ngần ấy năm, mỗi tháng dăm bảy lần, dù thời tiết khắc nghiệt đến đâu, người dân cũng thấy ông Chuẩn dắt trâu đi từ tờ mờ sáng đến khi không còn rõ mặt người mới lùa trâu về. "Đồ nghề" là con dao quắm, ít đồ ăn, nước uống đeo sau lưng. Hơn thế, những ngày mới nhận nhiệm vụ, tuy là người dân tộc Thái, nhưng lại giỏi tiếng H’Mông, ông Chuẩn và em trai Lang Văn Lét còn hỗ trợ bộ đội biên phòng rất nhiều trong việc chặn đứng những âm mưu của bọn thổ phỉ và buôn lậu từ bên kia biên giới. Còn nhớ, tháng 9/2017, trận mưa lũ lịch sử xảy ra ở Thường Xuân. Sau ba ngày đêm mưa gió ầm ào, cánh đồng Sáo La chìm trong biển nước. Người dân phát hiện một cột mốc bị lũ cuốn trôi. Tin lan rất nhanh, cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng người dân phải vất vả ba ngày đi tìm. Ông Chuẩn hét lên vui sướng khi là người tìm ra cột mốc, cho dù cột mốc cũng đã bị gãy do cây đè. "Ngay sau đó, cơ quan chức năng phải xây dựng lại cột mốc mới, nửa tháng sau thì khánh thành", ông Chuẩn nhớ lại.
Cũng ở Bát Mọt, ông Lang Minh Huyến thôn Khẹo là một già làng uy tín, nhiều năm bảo vệ những cột mốc cắm tại địa bàn thôn Khẹo. Hơn thế, ông còn tích cực tuyên truyền để người dân tuân thủ pháp luật, phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục. Ông Huyến tự hào: "Vừa xắn tay cùng làm việc, tôi còn tuyên truyền để người dân thấy đó là trách nhiệm của mỗi người. Chúng tôi mừng lắm khi quê hương ngày càng đổi mới, an ninh trật tự ổn định và bà con được an tâm sản xuất".
Qua hành trình công tác, tìm hiểu những vùng đất xa xôi, nơi "con chim bay bạc đầu chưa tới", cái duyên đã đưa chúng tôi đến bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) gặp già làng Vi Văn Hợi, người có thâm niên 24 năm cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo bảo vệ đường biên giới, các cột mốc chủ quyền của đất nước (cột 331, 332, 333). Mỗi chuyến tuần rừng, ông Hợi lại chăm sóc "đồng chí cột mốc" như một người bạn, hễ có gì bất thường là báo ngay với cán bộ, chiến sĩ biên phòng.
Trung tá Trương Văn Hải, Đồn trưởng Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo cho biết: Tuyến biên giới chúng tôi có địa hình phức tạp, đường biên giới tiếp giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Nơi đây dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn, thế nhưng ông Vi Văn Hợi, rồi ông Thao Văn Sếnh và một số người khác nữa, vẫn luôn gương mẫu, bộ hành thực hiện nhiệm vụ tuần biên như một người lính biên phòng.
Với câu nói ví von "Bảo vệ cột mốc cũng giống bảo vệ bờ rào nhà mình" và cách tuyên truyền giản dị, những người dân bảo vệ cột mốc còn tích cực vận động con cháu trong gia đình, dòng họ và người dân bản tạo điều kiện hết mức có thể để giúp cán bộ, chiến sĩ biên phòng đi tuần, làm đường để bảo vệ cột mốc.
Tỉnh Thanh Hóa có năm huyện gồm Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh tiếp giáp với ba huyện Xốp Bâu, Viêng Xay, Sầm Tớ của tỉnh Hủa Phăn. Thời gian qua lực lượng bộ đội biên phòng trên các tuyến biên giới đã luôn "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin" và "cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc". Qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác và ý thức của quần chúng nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay đã có 19 hộ gia đình, hơn 150 cá nhân đăng ký bảo vệ 213,6 km đường biên và 92 mốc quốc giới.
Ông Lang Văn Chuẩn (bên phải) cùng một cán bộ biên phòng Bát Mọt (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) trên đường tuần tra. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Lặng thầm những dấu chân
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, về "chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia" và Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về "phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia. Theo đó, có hàng vạn người dân khu vực biên giới các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, những tỉnh miền Tây Bắc, Đông Bắc hay Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… đã chung tay cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Tỉnh Nghệ An có đường biên giới trên đất liền dài 468,281 km tiếp giáp ba tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trên những nẻo đường biên giới, chúng tôi đã gặp rất nhiều người mang trái tim "nóng", ý thức, trách nhiệm cao với chủ quyền mốc giới của quê hương, như ông Quang Văn Thu - người uy tín bản Mường Phú, xã Thông Thụ (huyện Quế Phong). Hay vùng biên cương xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, ông Vừ Tồng Lông, được nhắc đến như một "cây đại thụ" có nhiều đóng góp cho vấn đề an ninh và phát triển kinh tế.
Qua gặp gỡ, trao đổi, chúng tôi cảm nhận được những cái bắt tay thật chặt, thấm thía tinh thần đoàn kết quân-dân như cá với nước. Đằng sau những lời hỏi thăm tình hình sức khỏe, tình hình sản xuất của bà con là những câu chuyện, thông tin quý giá về những gì xảy ra quanh khu vực đường biên, mốc giới. Người dân miền biên viễn chia sẻ cùng nhau, không phải tuần tra biên giới là sẽ đi từ mốc đầu đến mốc cuối trên cùng một cung đường. Thực tế, tuần tra không có cung đường nhất định, mỗi cuộc "hành quân" là một cung đường mới, và để đến các mốc sẽ phải đi theo hình rẻ quạt, có khi "dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm", gian nan, vất vả vô cùng.
Thiếu tá Hà Huy Thiên, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Hợp tâm sự: Với những đóng góp của mình, các cá nhân vì bình yên biên giới đã được cơ quan chức năng khen thưởng. Điều đó đã khích lệ tinh thần của những "cột mốc sống", những người sống vì bản làng, vì quê hương đất nước.
Cuộc sống của người dân vùng biên vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn lớn... Do đó, việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp, nâng cao đời sống người dân cũng chính là một cách kết tình quân dân ngày một thắm thiết hơn, cùng vì mục tiêu cao cả bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ sự bình yên nơi phên dậu của Tổ quốc.
Trước cột mốc 364, xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), tôi chợt nhớ tới câu thơ "Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương" của nhà thơ Y Phương. "Người đồng bào" là thế, bằng việc làm cụ thể, giản dị, đã thắp sáng tinh thần yêu quê, yêu nước.