Buổi sáng gió mưa này, chúng tôi ngồi cà-phê trước hiên Nhà công quán Côn Đảo, Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt. Người bạn của tôi đọc nhanh thông tin trên tấm bảng bằng đồng đề trước cửa ngôi nhà: "Đây là nơi dừng chân của nhạc sĩ Charles Camille Saint Saens". Từ gợi ý của bạn, tôi lục tìm tài liệu và được tiếp nhận thêm nhiều điều thú vị về câu chuyện này. Nhà công quán được thực dân Pháp xây từ những năm 70 của thế kỷ 19, nơi dành cho quan khách của các Chúa đảo nghỉ chân trong những dịp ghé thăm. Như một cơ duyên, năm 1895, nhạc sĩ nổi tiếng người Pháp Charles Camille Saint Saens đã sang Đông Dương theo lời mời của Toàn quyền Paul Armand Rosseau và ông đã có chuyến du hành đến Côn Đảo. Trong quãng thời gian lưu trú ở hòn đảo giữa biển khơi này, từ ngày 20 tháng 3 đến 19 tháng 4 năm 1895, nhà soạn nhạc thiên tài đã hoàn thành ba chương cuối của vở nhạc kịch lừng danh "Hoàng hậu Fredegonde". Nội dung vở nhạc kịch là một giai đoạn lịch sử với câu chuyện có thật của nước Pháp thời tiền Trung cổ với những cuộc giao tranh quyền lực. Nàng Fredegonde xuất thân người hầu, bằng những mưu kế riêng đã trở thành hoàng hậu giàu có và quyền lực. Từ đó, cuộc chiến tranh giành quyền lực bắt đầu với những xung đột, giao tranh khốc liệt…
Người đương thời đánh giá, ba chương cuối là ba chương đỉnh cao của vở nhạc kịch vì âm nhạc ở đó mang một mầu sắc khác lạ, khác lạ ngay cả với phong cách thanh nhã và cân bằng thông thường của nhà soạn nhạc thuộc trường phái lãng mạn. Ba chương viết ở Côn Đảo là ba chương kết thúc vở opera được cất lên khi Charles đã thấu cảm phần nào nỗi đau nhân loại mà ông đã được chứng kiến nơi hòn đảo ngục tù mà những kẻ thực dân đến từ đất nước ông đã lập nên để giam giữ và áp bức những người yêu nước thuộc địa. Âm nhạc của ông cũng phần nào diễn tả cuộc đấu tranh phản kháng với tinh thần bất khuất của những người dân Việt Nam khi đối diện với sự hung tàn của kẻ thù xâm lược đến từ phương xa. Về phương thức thể hiện, do chịu ảnh hưởng bởi sự huyền bí và văn hóa Á Đông đặc trưng tại Côn Đảo, Charles đã để lại dấu ấn trong tác phẩm này bằng cách sử dụng chiêng lớn, tam-tam (nhạc cụ dây gẩy) hoặc âm điệu từ kèn gỗ…
Tôi đã tìm kiếm những thông tin liên quan đến vở nhạc kịch từng được diễn nhiều suất tại Paris (Pháp) và một số nước châu Âu; ở Việt Nam, đến năm 2017 được đạo diễn-Nghệ sĩ Ưu tú Trần Vương Thạch và Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng, công diễn. Qua nền tảng YouTube, tôi đã cảm nhận phần nào những dòng âm thanh, những giai điệu và tiết tấu mà từ 128 năm trước nhà soạn nhạc đã cách điệu từ những thanh âm hiện thực bi tráng mà ông có cơ hội chứng thính tại Côn Lôn. Trong mô thức của opera, những chương cuối của vở nhạc kịch với bối cảnh châu Âu, công chúng cảm nhận được những giai điệu u uất, buồn đau, những thanh âm của uất hận, rên xiết và ý chí bất khuất từ vùng đất ngục tù Côn Đảo. Trong mỗi khuông nhạc có tiếng sóng biển thét gào, tiếng kêu thảm thiết của tù nhân bị tra tấn, tiếng xiềng xích khua rền trong đêm tối và âm ba đại dương mỗi ngày nuốt chửng những thân xác mục rữa của người tù bị kẻ thù tra tấn đến tàn hơi, kiệt sức…
Với tấm lòng đầy trắc ẩn của một nghệ sĩ, rời Côn Đảo, Charles đã gửi lại một bức thư đầy tâm huyết cho Chúa đảo Louis Jacquet. Trong thư ông viết: "Phong cảnh đảo Côn Đảo thật tuyệt vời. Những nơi đã đi qua, tôi chưa thấy ở đâu đẹp thế dù ở Tây Ban Nha, Canaria, Ai Cập hay Algeria. Tôi hài lòng vì ở đây, tôi đã hoàn tất vở opera Hoàng hậu Fredegonde. Tiếc rằng tôi không biết nhiều về con người, về nền văn hóa và nhất là về âm nhạc nơi này. Nhưng những gì tôi cảm nhận được đã khiến tôi tin tưởng rằng âm nhạc của họ đã phản ánh trung thực tính cách và tâm hồn nhân hậu, trong sáng và phong phú của họ. Họ đang đau khổ biết chừng nào! Con người chúng ta đã thay đổi nhiều quá. Hay đã làm đảo lộn hết rồi chăng. Cái gì khiến chúng ta gây ra nhiều tội ác đến thế trên mảnh đất này, hòn đảo này? Đương nhiên không phải vì cuộc sống của mỗi chúng ta, càng không phải nền văn minh của ta. Còn cách nào cứu vãn được không? Làm chúa ngục là ngược lại với tính cách, tâm hồn ông. Nhưng trong mỗi trường hợp cụ thể ta phải chọn. Tôi tin con người nghệ sĩ trong ông. Là một người yêu âm nhạc tôi tin chắc chắn rằng: Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp!...". Tiếc rằng, những lời cảm khái hồn nhiên xuất phát từ trái tim nhân hậu của người nghệ sĩ cũng chỉ đủ kích thích cho những kẻ thực dân độc ác kia vài cái chau mày, nhếch mép cơ học. Với bản chất đế quốc, loài thú đội lốt những kẻ khai hóa không thể nào tiếp nhận được thông điệp lương tri mà nhà soạn nhạc tài ba rút tâm can gửi gắm…
Bia tưởng niệm tại Di tích lịch sử Cầu Tàu 914. |
Câu trả lời cho những dòng tâm huyết của nhà soạn nhạc là một thực tế đối lập phũ phàng. Ngay trước mặt Nhà công quán, cách nơi Charles viết ba chương cuối của vở nhạc kịch nổi tiếng kia và cũng là nơi ông gửi lại bức thư tâm huyết cho Chúa đảo chừng vài chục mét lại chính là Cầu Tàu 914. Cầu Tàu mang tên một dãy số khô khốc nhưng là lời tố cáo đanh thép sự độc ác tận cùng của thực dân, đế quốc. Trong mưa gió chiều tà, trước những đợt sóng biển khơi dào dạt, chúng tôi run run thắp nén tâm nhang cúi đầu kính vọng lớp lớp cha ông đã ngã xuống bởi đòn roi tra tấn, bởi sức tàn lực kiệt khi vác đá xây dựng Cầu Tàu. Bia tưởng niệm ghi rõ: Cầu Tàu được khởi công năm 1873 và kéo dài trong hàng chục năm. Đây là chứng tích về nỗi cực nhục của những người bị đưa ra đảo tù đày. Nhiều người đã vĩnh viễn yên nghỉ tại nơi này. Chỉ với chiều dài 130m, chiều rộng 4,8m, con số 914 được đặt tên cho cầu là số tù nhân đã ngã xuống vì lao dịch, vì bị tra tấn, vì tai nạn trong quá trình lao động khổ sai xây cầu. Đẫm máu và nước mắt, xương cốt chất chồng, nhưng Cầu Tàu 914 cũng là nơi chứng kiến giây phút hạnh phúc dâng trào khi đảo được giải phóng vào mùa xuân năm 1975. Hẳn rằng, trong những giai điệu vở opera "Hoàng hậu Fredegonde" của Charles Camille Saint Saens có những vọng âm đau đớn của 914 linh hồn người tù nơi Cầu Tàu trước mặt Nhà công quán mà nhà soạn nhạc chắt lọc từ tiếng gió, tiếng mưa, từ những thanh âm ghê rợn mà con người đã gây ra cho nhau để soạn những chương cuối cùng của vở nhạc kịch…
★★★
Viết tiếp về Côn Đảo, tôi đã chọn một câu chuyện âm nhạc cho tâm hồn đỡ nặng nề khi phải mô tả quá nhiều những đau đớn dù nó đã diễn ra trong quá khứ xa xôi. Như một nguyên lý mỹ học, cái đẹp được khởi lên từ cái thật. Vở nhạc kịch từ 128 năm trước, đã vang lên từ dư ba hận thù giữa đại dương nước Việt. Thế nhưng, những kẻ đao phủ không ghi nhận giá trị của cái đẹp, chúng vùi dập thân xác của người tù bất chấp sự hủy hoại lương tri và giá trị của những nền văn minh. Tôi muốn nói nhiều hơn về điều đó từ những suy tư từ sâu thẳm trái tim ở nơi được ghi danh là "địa ngục trần gian" này như thêm một lời nhắc nhở về khát vọng hòa bình thiêng liêng và cao quý.
Trở lại với câu chuyện nhà soạn nhạc Charles Camille Saint Saens và vở opera "Hoàng hậu Fredegonde" nổi tiếng của ông. Có thể quên câu chuyện của nhạc kịch, quên đi cả tiếng vọng của những thanh âm bi thương, ai oán của những ngày đầu hè 128 năm về trước. Nhưng xin hãy lưu nhớ, khắc sâu vào tâm hồn chúng ta nghịch lý giữa cái đẹp, cái cao cả và tội ác. Viết những dòng này, tôi mong cầu những nghệ sĩ chân chính và trách nhiệm hãy đến với Côn Đảo nhiều hơn và mô tả trung thực những câu chuyện, những biểu tượng bi tráng nơi đây. Nơi một thời con người đối diện với nỗi đau thân xác, với cái chết từng phút từng giây để bảo vệ lý tưởng và lẽ sống cao đẹp. Cát trắng và biển xanh không thể nào xóa đi hận thù, bởi điều đó ở địa ngục trần gian này là một hiện thực trần trụi không dễ mờ phai. Nhưng nghệ thuật đích thực vừa tố cáo tội ác, vừa tri ân quá khứ và từ đó thắp sáng lên nơi này những giai điệu và âm sắc mới. Những giai điệu cất lên từ sâu thẳm tâm hồn giữa một vùng linh khí, chuyển đi muôn phương thông điệp mang khát vọng hòa bình và hạnh phúc. Tôi cũng luôn mong cầu, mỗi ngày mới Côn Đảo hôm nay sẽ bắt đầu bằng bình minh tươi đẹp sáng dần lên từ phía đại dương mênh mang…
(Còn nữa)
(★) Xem Báo Nhân Dân cuốituần từ số 43, xuất bản ngày 22/10/2023.