KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954-7/5/2024)

Tìm lại dấu tích con đường huyền thoại

Tròn 70 năm trước, một con đường tiếp vận chiến lược với những điều kiện "không tưởng" đã được những bộ óc thiên tài quân sự của quân đội ta vạch ra, huy động nguồn lực từ nhân dân để làm nên một chiến dịch hậu cần "không thể thực hiện được" như đánh giá của các chiến lược gia của quân đội viễn chinh Pháp. Con đường tiếp vận chiến lược đó đã tạo nên điều kiện quan trọng nhất, cũng là sự bất ngờ lớn nhất, để bộ đội ta có thể chiến đấu và chiến thắng trên chiến trường lịch sử Điện Biên Phủ. Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, khi thực hiện hành trình tìm lại những dấu tích của con đường huyền thoại năm xưa, chúng tôi được hiểu rõ hơn về một thời những người dân Việt Nam hào hùng ra trận, hiểu rõ hơn vì sao chúng ta chiến đấu và chiến thắng...
0:00 / 0:00
0:00
Lắng nghe những hồi ức của cụ Trần Xuất Chúng.
Lắng nghe những hồi ức của cụ Trần Xuất Chúng.

Kỳ 1: NHỮNG "CỘT MỐC" KHÍ THẾ VÀ KIÊU HÃNH

Được hình thành trước cả con đường huyền thoại 559, và được tạo nên, được vận hành gần như hoàn toàn bởi những người nông dân chân đất, phần nhiều trong đó còn chưa biết chữ, với trang thiết bị hết sức thô sơ, ăn đói, mặc rét, song con đường tiếp vận cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, lại luôn tràn ngập tiếng cười, sự sáng tạo, gan dạ để khắc phục mọi gian nguy, trở ngại. Đó là biểu tượng chói ngời, vĩnh cửu của sức mạnh dân tộc trong cuộc kháng chiến thần thánh bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Những nhân chứng lịch sử mà chúng tôi tìm gặp ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La hay Điện Biên... người "trẻ" nhất cũng đã 88 tuổi. Trong ký ức đang dần bị lớp màn thời gian nghiệt ngã bao phủ của họ, Điện Biên Phủ vẫn là ánh lửa chớp lóe, với khí thế và niềm phấn khích của một thời tuổi trẻ.

1 "Tôi là thanh niên xung phong ở đội 34 đơn vị 306, có nhiệm vụ làm đường giao thông. Đơn vị tôi từ Thanh Hóa lên Cò Nòi (Sơn La) cuối năm 1953, sau đó lại di chuyển tiếp lên đoạn đầu đèo Pha Đin"- cụ Lê Văn Du (sinh năm 1937, thôn Đạt Tiến II, xã Tế Nông, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) hào hứng, sang sảng kể. Trong ký ức của cụ, những ngày tháng đó, máy bay địch đánh phá rất ác liệt, đủ loại bom: bom napalm, bom bi, bom nổ chậm… thường xuyên gây tắc đường, nên thanh niên xung phong phải lao ra sửa đường. Có thanh niên xung phong đã phải ngồi lên bom nổ chậm để phát hiện khi nào bom nóng lên thì báo động, để bộ đội ta hành quân đi qua cho kịp giờ, sau đó mới vào phá bom. Chúng tôi nhận tin chiến dịch qua dân công hỏa tuyến từ tiền tuyến truyền về, như là hôm nay đánh Him Lam, đánh đồi A1, chia cắt được bao nhiêu phần của sân bay Mường Thanh... Tinh thần anh em khí thế lắm. Làm đường này, vác gạo, vác đạn…

Tìm lại dấu tích con đường huyền thoại ảnh 1

Cụ Lê Văn Du

Lúc đó tôi thích vào bộ đội, nhưng người ta về tuyển đi thanh niên xung phong thì đi, chứ không phải cứ thích là được đi. Thanh niên xung phong lúc đó, như đại tướng Võ Nguyên Giáp nói là được trang bị ưu tiên như bộ đội, được bán vũ trang so với bộ đội, hai người 1 khẩu súng, quần áo, mũ được mặc như bộ đội, nhưng mũ không có sao. Làng tôi có 7 người đi, nhưng giờ chỉ còn mình tôi.

Chúng tôi đi bộ từ Thanh Hóa lên, chủ yếu gánh thực phẩm. Đi đến đâu thì lấy gạo ở các kho dọc đường để ăn. Mất 1 tháng 10 ngày mới lên đến Cò Nòi (Sơn La). Bản thân tôi bị sốt rét đấy, nhưng mệt quá thì nằm xuống nghỉ, y tá tiêm cho một phát, khỏe lên lại đi thôi chứ không thấy sợ. Trước chiến dịch chỉ đi đêm, ngày nghỉ, vì máy bay bắn phá. Đường ra trận vui lắm, còn hơn trẩy hội bây giờ.

Cũng có nhiều người ốm đau, xanh xao vàng vọt phải đưa về địa phương nhưng chúng tôi vẫn không sợ, là vì khí thế thanh niên lúc đó "tất cả cho tiền tuyến" nên hăng hái lắm. Chúng tôi đều nghĩ, đã là thanh niên xung phong thì kháng chiến thành công mới về.

- Từ bé đến khi đó bác đã từng thấy tên lính Pháp nào chưa ạ?

- Chưa từng thấy. Lên đến Sơn La cũng không thấy. Nhưng năm 1952, đã có 27 đợt máy bay của Pháp đánh phá Thanh Hóa, khiếp lắm, nên căm thù. Với lại lúc đó dù chưa thấy tên Pháp nào, phim ảnh cũng không có, nhưng thấy nó đến xâm chiếm nước mình thì thấy căm thù. Tôi đã xung phong đi bộ đội nhiều lần nhưng không đủ sức khỏe nên không được nhận, sau đó lại xung phong đi tiếp thanh niên xung phong. Lúc đó tôi thấp nhỏ, chỉ nặng 45kg, cao 1m55, vẫn quyết tâm đi. Số phận và sự luyện tập giúp tôi khỏe mạnh đến giờ.

2 Sinh năm 1932, nhưng trong ký ức của cụ Trần Xuất Chúng (xã Hưng Nghĩa, Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn nhớ rõ nhiều chi tiết của những tháng ngày tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ: Tôi xung phong đi bộ đội, năm 1952, lúc đầu được vào đơn vị phòng không. Lúc đó đại đội trưởng là Hoàng Minh Thảo, rất giỏi. Tôi cũng có băn khoăn: Em người thấp nhỏ thì có theo được không? Anh ấy động viên: Em cứ ở đây, ăn cơm bộ đội rồi sẽ cao lên, nghe vậy tôi cũng phấn khởi. Đến khi tập luyện được hai tháng thì một hôm đại đội trưởng tập trung đơn vị lại, công bố: Thuyên chuyển 20 người, đều là những người thấp bé, chuyển sang thanh niên xung phong, nhập với một số người của Thanh Chương (Hà Tĩnh), tổng số khoảng 175 người.

- Lúc bị điều chuyển bác có buồn không ạ? - Không buồn, vì tổ chức phân công thì mình thực hiện thôi. Nhưng sau mới biết mình dại. Vì có người bạn đi cùng tôi cũng trong danh sách điều chuyển nhưng đã quyết tâm xin ở lại. Người bạn ấy bảo: Tao lên nói với lãnh đạo đơn vị: Lúc ở quê, tôi xin đi bộ đội, chứ có xin đi thanh niên xung phong đâu, nên phải cho tôi ở lại bộ đội. Các chỉ huy thấy cậu ấy kiên quyết quá nên lại chấp thuận. Sau khi biết chuyện đó, tôi tiếc mãi, vì thâm tâm mình muốn được đi bộ đội, được cầm súng đánh giặc.

Đầu tiên, chúng tôi làm đường 15 ở Tào Sơn (xã thuộc huyện Anh Sơn, Nghệ An). Sau đó, chúng tôi được điều đi lên hướng Điện Biên Phủ, lúc đó khoảng tháng 2/1954. Đi bộ, đường rừng. Lên đến Suối Rút (Mai Châu, Hòa Bình) thì dừng lại, đóng quân tại đó, canh gác một cây cầu. Tôi nhớ có lần bị ném bom, mảnh văng trúng cái thùng của tôi hay dùng khi đi làm đường, người không bị sao, nhưng thùng bị thủng. Song có anh bạn cùng đơn vị thì không may mắn như vậy, bị trúng bom, hy sinh. Có anh bạn cùng đơn vị thì bị sốt rét, hy sinh ngay lúc đang ăn cơm. Có anh khác cũng bị sốt rét, ngã lăn ngay bên mép đường đang làm… Nhưng tất cả chỉ chú tâm thực hiện nhiệm vụ, chứ cũng không thấy ai than vãn, sợ hãi chi cả. Hay vậy đấy. Thấy máy bay đến cũng không sợ.

Cựu đại tá không quân Pháp Jules Roy đã phải thừa nhận: "Mặc dù nhiều tấn bom đạn đã trút xuống các trục lộ giao thông nhưng tiếp tế của Việt Minh không bao giờ dứt. Không phải chỉ viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Minh đã thắng tướng Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200, 300 kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm nilon. Cái đã đánh bại tướng Navarre không phải bởi các phương tiện mà là sự thông minh và ý chí của đối phương".

Nhiệm vụ của chúng tôi lúc đó là sửa đường cho xe chạy. Giặc ném bom hỏng cầu thì sửa cầu, hỏng đường thì sửa đường. Chúng tôi chia thành các tổ ba đến bốn người, đào hầm dưới mép rú (núi). Tôi hay được phân công làm nhiệm vụ ở trên cao, quan sát máy bay ném bom để đánh dấu điểm rơi trên bản đồ, quả nào nổ rồi thì thôi, quả nào chưa nổ thì đánh dấu vị trí để huy động anh em đến phá.

Đói thường xuyên. Cơm ăn với mắm khô. Tôi bị sốt rét nặng. Khi chiến dịch thắng lợi, cấp trên cho về, tôi không đi xe được, phải đưa xuống thuyền xuôi về. Đến Quảng Xương (Thanh Hóa) phải nằm lại hai tháng bồi dưỡng rồi mới về quê. Về đến quê tôi bị ốm sốt rét suốt một năm trời. Khỏi ốm, tôi được cử đi học sư phạm, dạy cấp một, cấp hai, cấp ba rồi về phòng giáo dục.

- Sau này, có khi nào bác kể lại những câu chuyện về những ngày tháng đó cho người thân hay học trò không ạ? - Thì cũng có kể cho người thân nghe thôi. Vì mình không trực tiếp tham gia ở Điện Biên, nên cũng nỏ có chi đáng để nói cả. Bản thân tôi cũng chưa từng tới Điện Biên. Lần ni tưởng được đi lên Điện Biên thì cũng quyết tâm đi một chuyến, nhưng lại cũng không đi được.

3 Chúng tôi đã có dịp tìm gặp và lắng nghe câu chuyện của nhiều chứng nhân lịch sử, như cụ Ngô Viết Gấn (sinh năm 1930, ở thôn Lê Xá, thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong, hoạt động ở Cò Nòi (Sơn La); cụ Trần Văn Túy (sinh năm 1931, hiện ở xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, Sơn La), từng tham gia đội chuyên trách vận chuyển muối liên khu ba-bốn, từ Ninh Bình lên Hòa Bình; cụ Nguyễn Thị Nên (sinh năm 1930, hiện ở thôn Nhuyễn Phú Lâm, xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) từng tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ... trong ký ức đã đôi phần mờ-tỏ của họ, Điện Biên Phủ luôn là một dấu mốc không thể nào quên, và luôn khiến khuôn mặt họ bừng sáng mỗi khi được nhắc đến.

Trên hành trình tìm lại những dấu tích lịch sử của con đường tiếp vận huyền thoại, chúng tôi có cơ hội bước trên những đoạn đường từng in dấu chân của hàng vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từ miền Thanh-Nghệ xẻ rừng vươn tới Điện Biên. Ngày nghỉ, đêm đi, giữa bóng tối mịt mù của núi cao, rừng thẳm, trong trái tim mỗi con người Việt Nam yêu nước ấy luôn rực sáng ngọn đèn lý tưởng, được thắp lên, khơi bùng bởi lời hiệu triệu của Bác Hồ, vang vọng như lời sông núi. Bởi vậy mà trên con đường gian nan, hiểm nguy ấy, dòng người như trẩy hội, trẩy hội để giành lại non sông.

Tìm lại dấu tích con đường huyền thoại ảnh 2
Cụ Trần Văn Túy vẫn nhớ rõ nhiều kỷ niệm trong những tháng ngày tham gia tải hàng phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tìm lại dấu tích con đường huyền thoại ảnh 3
Cụ Ngô Viết Gấn (bên phải) và cụ Nguyễn Thị Nên tại cuộc Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (ngày 6/4).

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào cuối năm 1953, khi ấy bố (ông Hoàng Văn Hựu-PV) 46 tuổi, đang làm chủ tịch xã Trường Xuân. Thời điểm ấy, cả nước đang dốc sức chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là vùng Thanh- Nghệ được huy động sức người, sức của tối đa cho tiền tuyến. Bố được giao trọng trách trưởng đoàn dân công của xã với gần 200 người đi phục vụ hỏa tuyến Điện Biên Phủ trong ba tháng. Trước ngày đi, mẹ lo chuẩn bị nào là thuốc đau bụng, bông băng thuốc đỏ sát trùng, đơm lại cúc áo cho chắc chắn, vá lại áo quần cho lành lặn…Bố đi dân công hỏa tuyến ba tháng liền, chẳng có thư hay điện thoại như bây giờ, nên sự trông ngóng càng cảm thấy lâu như đi nhiều năm vậy.

Ngày bố từ mặt trận Điện Biên Phủ trở về, cả làng vui như Tết. Trông bố gầy, da đen sạm nhưng hoạt bát, nhanh nhẹn và phấn khởi vì vừa hoàn thành một nhiệm vụ lớn, cả đoàn không ai bị thương, chỉ bị sốt rét rừng hành hạ khiến nhiều người xanh xao, vàng vọt như tàu lá…. Một chuyến đi thấm trải bao gian khổ, đói khát, thiếu ngủ vì suốt đêm phải trèo đèo, lội suối, nhiều hôm ngủ ngoài rừng bị vắt hút máu no tròn lăn cả ra dưới cỏ cũng không biết. Tỉnh Thanh Hóa được nhà nước khen ngợi vì đã huy động được nhiều dân công ra tiền tuyến nhất, để tải đạn, tải lương thực thực phẩm ra tiền tuyến giúp bộ đội đánh thắng quân thù. Cấp trên còn khen tỉnh Thanh Hóa có nhiều sáng kiến, sử dụng xe đạp thồ năng suất rất cao. Anh Thanh, con nuôi của bố mẹ còn hỏi bố có trông thấy người dân tộc ở Điện Biên không? Bố bảo: Đồng bào dân tộc giúp đỡ dân công và bộ đội nhiều lắm. Họ hái rau rừng cho dân công nấu canh. Họ còn chặt cây làm lán tạm, che mưa nắng cho dân công nghỉ.”- trích tác phẩm ký Mùa xuân của mẹ của tác giả Hoàng Thị Phương Lan (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017).

(Còn nữa)

Kỳ 2: Những "bất ngờ lớn" của lịch sử