Vùng thẫm xanh tuyệt sắc

Đặt chân đến bến tàu lòng hồ sinh thái Na Hang (Tuyên Quang), choán ngợp trong tôi là cảm giác yên bình giữa một vùng trong xanh, thấm đến cả năm giác quan. Nơi đây, mỗi người được thảnh thơi thả mình theo tiếng sóng nước, tiếng gió vi vu quyện hòa những âm thanh kỳ diệu của thiên nhiên. Người Na Hang, Lâm Bình đã dựa vào những vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng để làm du lịch, gìn giữ văn hóa và từng bước nâng cao đời sống tinh thần của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian hồ sinh thái Na Hang mang một mầu xanh huyền bí.
Không gian hồ sinh thái Na Hang mang một mầu xanh huyền bí.

Vẻ đẹp kỳ diệu và huyền bí

Ngày xưa, khách đến Tuyên Quang gọi vui huyện Na Hang là “vương quốc Na Hang” bởi đường sá đi lại khó khăn, dân cư sống trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Giờ đây, cuộc sống đã khác xưa nhiều rồi. Thị trấn huyện lỵ của Na Hang chỉ cách thành phố Tuyên Quang hơn 100 km, nhưng đến đây, du khách như lạc vào một vùng đất khác: thẫm xanh, nguyên sơ, mến khách. Từ thị trấn tỏa đi các hướng, xuống lòng hồ, tìm đến cung đường vắt ngang núi để thỏa đắm trong chờn vờn mây núi, thư thái bên những homestay với những thảm hoa kỳ diệu, sẽ cho mỗi người một cảm giác thân thương trìu mến.

Hồ sinh thái Na Hang thuộc hai huyện Lâm Bình và Na Hang. Nhiều người còn đặt cho nơi đây cái tên mỹ miều “Hạ Long trên cạn” bởi khung cảnh xanh tươi của sông suối, cỏ cây, núi đá. Mỗi thời điểm trong năm khung cảnh thiên nhiên đều có những vẻ đẹp độc đáo riêng. Đặc biệt một ngày có bốn mùa, sáng thời tiết mát mẻ, tươi mới như mùa xuân; buổi trưa ấm áp như mùa hè; chiều về hiu hiu tựa mùa thu, và đến tối là cảm giác se lạnh. Với sự quần cư của hơn 10 dân tộc anh em, người dân biết dựa vào lòng hồ, điều kiện tự nhiên để nuôi cá lồng, làm du lịch phát triển kinh tế… Chị Lê Thu Hoa, du khách từ Hà Nội trải lòng: Ngày càng nhiều du khách tìm đến mảnh đất này để “chữa lành”, hồi phục sức khỏe cũng như tâm lý sau những ngày làm việc mệt nhoài nơi đô thị đông đúc. Đến đây, tôi được rừng núi, cỏ cây, các con thác… mở vòng tay chào đón, có lúc như thủ thỉ tâm tình, có lúc như khích lệ động viên.

Hướng dẫn viên Đinh Trà My, nhân viên Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang - người được coi là “đại sứ du lịch” hồ sinh thái Na Hang, hào hứng giới thiệu: Vẻ đẹp kỳ diệu và huyền bí của Na Hang đã thu hút sự khám phá của rất nhiều bạn trẻ. Len lỏi giữa những cây cổ thụ tỏa bóng mát, lắng tai nghe tiếng chim hót sẽ khiến mọi buồn phiền của cuộc sống tan biến. Na Hang theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là “ruộng cuối” nơi có những cánh đồng lúa xanh mướt xen kẽ với núi đá vôi. Các dân tộc nơi đây đều có nét văn hóa riêng tạo nên một bức tranh sinh động.

Đinh Trà My hiểu vùng đất mình sinh sống cũng như những vẻ đẹp về văn hóa lịch sử của Na Hang và Lâm Bình. Trên hành trình tham quan, qua giọng kể của chị, du khách được khám phá về sự tích gắn với từng địa danh, như cọc Vài Phạ (trong tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu trời) nổi bật giữa làn nước xanh ngắt; về hệ sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, hay những con thác như Khuổi Súng, Khuổi Nhi, Khuổi Me, hang Phia Vài - nơi còn lưu giữ dấu tích người Việt cổ… Từ trên tàu, phóng tầm mắt ra xa du khách còn được chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của núi Pắc Tạ có hình chú voi đứng bên nậm rượu, hay ngọn núi Xa Tạ (còn gọi là núi Côn Lôn)…

Na Hang còn nổi tiếng với câu nói “mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”. Từ lâu xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình) được coi như “miền gái đẹp” của xứ Tuyên. Điều ấy gắn với huyền thoại về những ngọn núi là nơi nương náu của các nàng tiên xinh đẹp từ trời giáng xuống dạo chơi. Chuyện kể rằng, nhà trời muốn mở mang bờ cõi, đã sai 100 con phượng hoàng bay về Thượng Lâm. Nhưng ở đó chỉ có 99 ngọn núi cho 99 con đậu. Một con phượng hoàng phải bay đi, rồi cả đàn lại bay theo, từ đó 99 ngọn núi thành hình phượng hoàng, tạo nên một vùng đất trù phú và hùng vĩ. Cũng từ đó, các cung nữ, nàng tiên thường giáng xuống dạo chơi, có nàng ở lại sinh sống, rồi sinh hạ được những đứa con ngoan. Con trai thì cường tráng, dũng cảm, sức quật ngã trâu; con gái thì thắt đáy lưng ong, xinh đẹp tuyệt vời. Các nàng tiên cũng dạy bà con cách trồng thảo dược để đun nước tắm, cách dệt vải để có trang phục đẹp. Từ đó, con gái Thượng Lâm càng “nhất dáng nhì da”. Da vừa trắng vừa thơm, tóc óng mượt như dòng suối trong mát... Ngày nay, vẻ đẹp của thiếu nữ Thượng Lâm đã thành thương hiệu, được cả nước biết đến.

Vùng thẫm xanh tuyệt sắc ảnh 1

Nghe hát then trên lòng hồ là một trải nghiệm khó quên.

Phát huy hơn nữa điều kiện tự nhiên và các giá trị văn hóa

Trong hành trình khám phá hồ sinh thái Na Hang, chúng tôi hào hứng đến với thác Khuổi Nhi, thuộc xã Thượng Lâm. Thác Khuổi Nhi có chiều dài khoảng 3 km, cao ba tầng, nhìn từ xa có thể thấy nước trắng xóa, tuôn từ trên núi xuống như dải lụa trắng. Dọc đường lên thác, có những đoạn bướm bay thành từng đàn tạo nên cảnh sắc nên thơ. Đường lên thác hoàn toàn là lối mòn, không có bậc chỉ có những vết lõm được đục vào đá, vừa đủ đặt bàn chân cho khách bộ hành. Khách hào hứng với những gò đá có nước chảy qua, nhiều khe nước nhỏ, vũng nước đọng lại nơi khe đá, chỉ cần khách dừng lại nghỉ chân, ngồi bên vũng nước thả chân trong giây lát thôi là đàn cá suối bơi lại, thi nhau “mát-xa”.

Trong các hành trình khám phá đất và người Tuyên Quang, mỗi người có cách trải nghiệm riêng. Có nhóm thuê thuyền xuôi hơn 100 km từ huyện Bắc Mê (Hà Giang) về Na Hang. Có nhóm từ Na Hang đi ngược sông Năng đến hồ Ba Bể (Bắc Kạn) để thỏa thích du dương với non nước mây trời. Hay có bạn tìm hiểu đời sống những người dân làm nghề đánh cá, nuôi cá tầm trên lòng hồ, để chớp lấy những nụ cười thật sảng khoái của cư dân trong vùng. Lại có người say mê hát then đến không dứt ra được, nhất là then được biểu diễn bởi những tốp nữ trẻ trung của miền rừng trên những con tàu, con thuyền lênh đênh trên lòng hồ. Con gái Na Hang, Lâm Bình thật thà thủy chung, nền nã như tiếng đàn ấm lòng khách, như men rượu chưng cất từ khí trời thiêng. Vào những ngày hội, then đã trở thành sợi dây nối con người với núi rừng, sông suối. Cây đàn tính - dường như được sinh ra chỉ dành để cho hát then - phát ra đủ cung bậc âm thanh trầm ấm, tựa tấm lòng của người sơn cước. Tiếng then cất lên hòa quyện cùng điệu múa trầu và tiếng lanh canh của chùm chuông nhỏ trên bàn tay của những nàng then, càng trở nên có sức cuốn hút lạ kỳ.

Chị Nông Thị Huyền, thành viên Câu lạc bộ Hương sắc Na Hang, nhiệt thành phục vụ những buổi hát then trên lòng hồ mang đến trải nghiệm cho du khách, chia sẻ: Tham quan cảnh sắc, nhiều du khách cũng mong được nghe hát then, chơi đàn tính. Đây cũng là món “đặc sản” mà người dân các huyện của Tuyên Quang sẵn có. Mà lạ lắm, bản thân em hát then trên sông, trên hồ, lòng như muốn về chốn thần tiên thuở nào.

Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang nói chung, huyện Na Hang, Lâm Bình nói riêng đã chủ động đưa hoạt động xem biểu diễn hát then-đàn tính vào các tour du lịch để du khách lựa chọn, cùng đó là các hoạt động liên kết với các đơn vị lữ hành để mở rộng các tour trải nghiệm học hát then, thực hành chơi nhạc cụ đàn tính cho du khách. Đầu năm 2024, huyện Na Hang còn tổ chức Lễ công bố sản phẩm du lịch mới với chủ đề “Về nơi hát then”. Đây là một trong những hoạt động nhằm góp phần bảo tồn, phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa phi vật thể, làm đa dạng hóa các sản phẩm, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, trên địa bàn Na Hang, Lâm Bình có hàng chục đội văn nghệ hát then đang hoạt động hiệu quả phục vụ du khách trên các tàu, thuyền du lịch tại vùng lòng hồ thủy điện.

Để tiếp tục phát huy hơn nữa những vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, các cơ quan chức năng sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Na Hang Nguyễn Trọng Đoan, chia sẻ: Thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao dịch vụ phục vụ đón tiếp khách; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao và lễ hội gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tiếp đó, cần xây dựng trang du lịch thông minh huyện Na Hang trên nền tảng kỹ thuật công nghệ 4.0; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch.