Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024)

Tìm lại dấu tích con đường huyền thoại (★)

Nhiều tài liệu viết về Điện Biên Phủ của tác giả nước ngoài đều khẳng định rằng: Công tác bảo đảm hậu cần là một mặt trận hết sức nóng bỏng và quyết liệt với cả hai bên, bởi nó là cầu nối giữa hậu phương với tiền tuyến.
0:00 / 0:00
0:00
Bia di tích Trạm hậu cần hỏa tuyến Nà Tấu, sau hai lần chuyển địa điểm.
Bia di tích Trạm hậu cần hỏa tuyến Nà Tấu, sau hai lần chuyển địa điểm.

Kỳ 2: Những “bất ngờ lớn” của lịch sử

Đại tá, TS Vũ Tang Bồng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã phân tích: Cả hai bên đều biết rõ điểm yếu chí mạng của nhau là phải vận chuyển một khối lượng vật chất lớn đến một chiến trường xa hậu phương mà đường tiếp vận thì độc đạo. Phía Việt Nam chỉ có một trục đường bộ chủ yếu từ Sơn La vào Điện Biên, còn phía Pháp cũng chỉ có một phương thức tiếp tế duy nhất là đường không. Chính vì thế, cả hai phía đều tập trung sức mạnh để khắc phục điểm yếu của mình, khoét sâu điểm yếu của đối phương nhằm hạn chế khả năng tác chiến của đối phương tiến tới đánh bại đối phương.

Cũng bởi vậy, bất ngờ lớn nhất đối với Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp chính là ở chỗ quân dân Việt Nam đã khắc phục được khó khăn, huy động đến mức tối đa sức mạnh của hậu phương.

Những điều chưa từng có hay “hoàn toàn không thể”

Sự sáng tạo và ý chí quyết thắng trong chỉ đạo cũng như thực hiện của cả bộ máy từ trung ương đến mỗi người dân của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã tạo nên những mô hình, những cách làm chưa có tiền lệ, khởi nguồn sâu xa từ tinh thần yêu nước và lòng căm thù quân xâm lược được khơi dậy, thổi bùng đúng cách và đúng lúc.

Từ những kinh nghiệm, cả thành công và lúng túng, vướng mắc trong việc huy động nhân tài, vật lực cho các chiến dịch lớn trước đó, ngày 27/7/1953, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết số 284-TTg thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận, với thành phần gồm Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Trân, Tổng Thanh tra Chính phủ là Phó Chủ tịch và một số ủy viên chọn trong các vị bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính khu và cán bộ cao cấp ở Trung ương có hoạt động liên quan. Sau khi thành lập, Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương đã chỉ đạo thành lập một số Hội đồng Cung cấp mặt trận cấp liên khu, như Liên khu 4, Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và cấp tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Sơn La…

Theo PGS, TS Ngô Đăng Tri: Mặc dù thời gian xây dựng và hoạt động không dài, mô hình cơ quan nhà nước hy hữu trong lịch sử Việt Nam này đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình, huy động và vận chuyển khối lượng lương thực, vũ khí to lớn từ hậu phương ra tiền tuyến.

Ở vào thời điểm đó, lực lượng bộ đội tham gia chiến dịch rất lớn, gồm bốn đại đoàn bộ binh (F308, F312, F316, F304), một đại đoàn công pháo (F351), quân số lên tới hơn 50 nghìn người, nên nhu cầu lương thực, thực phẩm, vũ khí… là rất lớn. Trong khi đó, Việt Bắc đang thiếu gạo, Tây Bắc nhiều bản làng đang bị đói. Vùng gần Điện Biên Phủ như Sơn La, Yên Bái thì mấy chiến dịch trước đó đã huy động nhiều, có nơi đã cạn. Do đó, Hội đồng Cung cấp mặt trận phải tổ chức huy động gạo chủ yếu từ Thanh Hóa, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, thực phẩm từ Bắc Giang, Thanh Hóa, trâu bò từ Nghệ An, Lạng Sơn… với quãng đường dài từ 500-700 km, quanh co qua nhiều núi cao, suối sâu… hết sức khó khăn.

Chính trong những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo đó, nhiều sáng tạo từ chính những người nông dân bừng bừng khí thế ủng hộ cho mặt trận đã làm nên những bất ngờ lớn, trong đó, “đoàn quân xe đạp thồ” được chính những chuyên gia quân sự hàng đầu thế giới và cả tướng lĩnh của quân đội viễn chinh Pháp khâm phục.

Hơn 21 nghìn “ngựa sắt”, với sự trớ trêu của lịch sử, bởi phần nhiều trong đó là những chiếc xe đạp hiệu Peugoet do nước Pháp sản xuất, đã được cải tiến, điều chỉnh, tăng độ cứng cho khung xe bằng cách hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ vào tay lái để dễ điều chỉnh, dùng vải, quần áo cũ, săm cũ để gia cố, tăng độ bền cho săm, lốp… để biến thành những chiếc xe đạp thồ, vận chuyển lượng lớn vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực… từ hậu phương xa xôi ra đến tiền tuyến. Chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, dân công hỏa tuyến thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa) đã lập nên kỷ lục chở nặng nhất bằng xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi chở được tới 345,5 kg; xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm (xã Định Liên, huyện Yên Định, Thanh Hóa) đạt thành tích 280 kg/chuyến tiếp vận…

Không chỉ vậy, nhiều loại phương tiện khác như thuyền, bè, ngựa, trâu… cũng theo bước chân những người nông dân phơi phới tinh thần quyết chiến và quyết thắng ngày ấy, vượt mọi khó khăn, cản trở, vượt lên cả bom đạn kẻ thù để làm nên một chiến dịch hậu cần mà các chiến lược gia hàng đầu của quân đội Pháp cho là “hoàn toàn không thể”.

Lưu dấu với thời gian

Khi lần theo dấu tích về con đường huyền thoại năm xưa của cha ông, chúng tôi tìm về một địa danh được tất cả các tài liệu về giai đoạn lịch sử đặc biệt này nhắc đến: Cẩm Thủy (Thanh Hóa).

Ngày đó, toàn bộ lương thực, hàng hóa thiết yếu huy động từ các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, với số lượng lớn từ các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa được tập trung về kho Cẩm Thủy và kho Lược (huyện Thọ Xuân) để chuyển ra mặt trận. Địa chí huyện Cẩm Thủy ghi lại, từ quá trình phục vụ chiến dịch Biên giới Thu-Đông năm 1950, Cẩm Thủy đã trở thành nơi tập kết lực lượng và hậu cần cho mặt trận Hòa Bình, Tây Bắc, Hà Nam Ninh. Bến Cửa Hà là nơi bốc dỡ hàng bằng đường thủy từ miền xuôi để chi viện bằng đường bộ lên chiến trường. Đầu năm 1953, các đồng chí Văn Tiến Dũng và Trần Đăng Ninh đã về Cẩm Thủy thành lập “Cơ sở chỉ huy cung cấp tiền phương”, đồng thời Đoàn Vũ trang miền Tây cũng lấy Cẩm Thủy làm hậu cứ. Nhân lực, vật lực từ khắp nơi đổ về đây tập kết, Bến Cửa Hà được mở rộng. Với mục tiêu “Tất cả cho chiến thắng”, “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”, nhiều gia đình người dân Cẩm Thủy có cả cha, con, vợ, chồng cùng tham gia đoàn quân tiếp vận ra mặt trận. Các chị, các mẹ xay lúa, giã gạo ngày đêm, các cụ phụ lão vót nan, đan bồ; dân công hỏa tuyến chuẩn bị áo tơi, nón lá, quang gánh, tay ngai, cọc thồ… Chỉ riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Cẩm Thủy đã huy động 2,3 vạn lượt người tham gia dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong.

Tìm lại dấu tích con đường huyền thoại (★) ảnh 1

Tấm bia di tích đã in dấu thời gian.

Điểm trung chuyển tấp nập, bừng bừng khí thế những ngày chống Pháp 70 năm về trước ấy, giờ yên bình, xanh thắm và lặng lẽ. Sau khi làm chiếc cầu bắc qua sông để thuận tiện giao thông, Bến Cửa Hà giờ chỉ còn là một di tích cấp tỉnh, với hàng cây gạo đang ra hoa đỏ rực, lặng lẽ buông cánh xuống dòng sông Mã. Theo anh Vũ Duyên Hồng, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cẩm Thủy cho biết, cả huyện hiện còn 17 cựu chiến binh, 81 thanh niên xung phong từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong ký ức khi mờ, khi tỏ của họ, những tháng ngày người dân Thanh Hóa “dốc bồ, đổ thúng” vét đến hạt gạo cuối cùng, huy động tận lực dân công cho chiến trường Điện Biên Phủ vẫn là những tháng ngày khí thế và hào hùng, những tháng ngày mỗi người dân Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung, cống hiến hết mình cho cuộc đọ sức vĩ đại ở Điện Biên Phủ.

Ở điểm cuối của con đường tiếp vận huyền thoại năm xưa, chúng tôi có dịp gặp được một nhân chứng, tuy không trực tiếp chứng kiến, song vẫn còn lưu giữ được nhiều ký ức đặc biệt, và là người đang ngày ngày chăm sóc, bảo vệ bia di tích Trạm hậu cần hỏa tuyến Nà Tấu-ông Quàng Văn Hoan, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nà Nhạn (thành phố Điện Biên Phủ).

Theo lời ông Hoan, người già trong bản Tẩu Pung (xã Nà Nhạn, tách ra từ xã Nà Tấu năm 2005) của ông còn nhớ rõ, ngày đó, dân công hỏa tuyến từ dưới xuôi lên đông lắm, người Thanh Hóa, Thái Bình là nhiều nhất. Họ phải phá đá để mở đường vận chuyển hàng hóa. Khu vực bản của ông có nhiều kho tàng, kho lương thực, vũ khí, trạm phẫu… sau còn có cả kho chứa chiến lợi phẩm thu được của quân Pháp nữa. Nhiều đơn vị bộ đội cũng đóng quân ở vùng này. Cách nhà ông Hoan bây giờ 5 km là thác Huổi He (theo lời ông Hoan thì người dân ở đây gọi là Huổi Hẹ) là nơi từng đặt Sở chỉ huy chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi chuyển vào Mường Phăng. Ngày đó, Pháp thả dù nhiều, dân bản đi nhặt dù về làm khăn, làm chăn, dây dù dùng để buộc trâu kéo cày… Ông Hoan kể, địa điểm di tích trạm phẫu năm xưa, vốn là khu rừng cổ thụ, cách đây mấy năm có người dân từ Thái Bình lên tìm mộ liệt sĩ, dân bản chỉ chỗ tìm được, khi đào lên còn thấy cả chiếc đế dép cao su…

Sau hai lần di chuyển địa điểm, giờ bia di tích Trạm hậu cần hỏa tuyến Nà Tấu được đặt cách cây cầu Tẩu Pung gần 1 km. Hằng năm, cứ vào dịp 27/7, xã lại huy động thanh niên, phụ nữ và thiếu nhi đến dọn dẹp vệ sinh và cùng ôn lại những ký ức về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

“Mỗi khi tiền tuyến cần gì, chúng ta trả lời: Có; không trả lời: Không. Mỗi khi tiền tuyến đề ra việc gì, chúng ta phải trả lời: Làm được; không thể trả lời: Không làm được”. (Ra sức phục vụ tiền tuyến - Xã luận Báo Nhân Dân số 180, ra ngày 26/4/1954).

(Còn nữa)

(★) Xem Nhân Dân cuối tuần từ số 17, xuất bản ngày 28/4/2024.

Kỳ 1: Những "cột mốc" khí thế và kiêu hãnh