Người Nubian cổ đại nổi tiếng với kỹ năng cưỡi ngựa và tài bắn cung ấn tượng. Để bắt đầu canh tác dọc sông Nile, những người Nubian đã di cư từ miền bắc Sudan đến phía nam Ai Cập cách đây hơn 6.000 năm. Họ có ngôn ngữ riêng độc đáo và không bao giờ dạy cho người ngoài.
Người Nubian cổ đại sở hữu một trong những nền văn hóa lâu đời nhất trên hành tinh. Trên thực tế, lịch sử của họ đã đi trước lịch sử của triều đại Ai Cập hàng thiên niên kỷ. Người Nubian được coi là hậu duệ của nền văn hóa đồ đá giữa ở Khartoum (Sudan). Vào thời cổ đại, đây là một nền văn minh tiên tiến cao, bằng chứng là các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số đồ gốm tinh xảo lâu đời nhất trên thế giới xuất hiện tại đây. Các bằng chứng cũng cho thấy người Nubian cổ đại là chủ nhân của một trong những thiết bị thiên văn đầu tiên trên thế giới. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra điều này tại các khối đá lớn ở Nabta Playa (từng là một lưu vực nội lưu lớn ở sa mạc Nubian) và nó có niên đại trước công trình tượng đài cự thạch Stonehenge (Vương quốc Anh) gần 2.000 năm.
Ban đầu di cư từ bắc Sudan vào khoảng năm 6.000 trước công nguyên, người Nubian định cư ở nam Ai Cập với tư cách là những người chăn nuôi gia súc. Họ định cư tại các ngôi làng và bắt đầu canh tác thô sơ. Do đó, các nhà sử học gọi người Nubian là cái nôi của nền văn minh và là một trong những người đi đầu của nghề nông.
Trong suốt chiều dài lịch sử, người Nubian đã sinh sống hòa hợp với người Ai Cập ngay từ thời của các vị Pharaon. Ngày nay, Chính phủ Ai Cập kiểm soát các vùng đất lịch sử của người Nubian. Do đó, người Nubian hiện đại được coi là người Ai Cập, chủ yếu theo đạo Hồi và nói tiếng Ả Rập. Tuy nhiên, họ vẫn giữ được ngôn ngữ và văn hóa độc đáo của riêng mình. Nhiều ngôi làng nhỏ của người Nubian đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn với đông đảo khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Làng của người Nubian ở Aswan nằm biệt lập trên đảo Elephantine, giữa dòng sông Nile, bao gồm hai làng nhỏ là làng Siou và Koti. Hai ngôi làng được nối liền với nhau bởi một con đường mòn, xuyên qua một khu chợ. Một điểm đặc trưng của những ngôi nhà ở đây chính là mái nhà thường cong hoặc hình vòm, đây là thiết kế hữu dụng để chống chọi lại cái nóng như thiêu đốt của vùng sa mạc Sahara nóng bỏng. Nhà của người Nubian thường được xây bằng những viên gạch bùn làm từ hỗn hợp: đất sét, nước, cỏ khô và cát. Tất cả những vật liệu này đều lấy từ trong tự nhiên, rẻ tiền và kết cấu từ gạch đất sét cũng ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ tác động từ môi trường bên ngoài. Người Nubian thường trang trí bên trong và bên ngoài ngôi nhà của mình những họa tiết mô phỏng văn hóa Ai Cập như chữ tượng hình, các vị thần của người Ai Cập, mặt trời hay hình vẽ những cây cỏ, con vật gắn bó thân thiết trong đời sống của họ, với rất nhiều mầu sắc sặc sỡ. Người Nubian tin rằng những mầu sắc sặc sỡ sẽ mang đến sự bình yên, hạnh phúc và mùa màng bội thu.
Với người Nubian, nghệ thuật trang trí nhà cửa và các vật dụng của bộ tộc Nubian phản ánh những nét đặc sắc của nền văn hóa, cũng như đức tin và lối sống của bộ tộc. Điều này thể hiện rất rõ qua các hình vẽ và họa tiết trang trí trong những ngôi nhà truyền thống, qua các trang trí bằng hạt cườm, trên vòng cổ, đồ gốm và bát đĩa.
Khi đi dạo trong khu chợ của làng, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều sản vật địa phương từ các gia vị truyền thống trong ẩm thực của người Ai Cập, những cửa hàng bán đồ lưu niệm như những chiếc túi thổ cẩm, đồ trang sức, những con búp bê nhỏ xinh,... Tất cả tạo nên nét độc đáo mang đậm văn hóa Ai Cập cổ kính.
Thầy giáo Ali giới thiệu bức tượng thờ linh thiêng của người dân trong làng. |
Người Nubian rất thân thiện và mến khách. Khi chúng tôi đến thăm làng vào một buổi chiều hoàng hôn, đang loay hoay dò tìm đường trên Google Map thì bất chợt từ đâu hiện ra một ông lão dáng người mảnh khảnh trong chiếc áo choàng trắng, đầu đội mũ kepi. Ông tiến lại chỗ chúng tôi, tự giới thiệu tên mình là Ali, một thầy giáo dạy tiếng Nubian cổ cho các trẻ em trong làng. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về ngôi làng và cuộc sống của người Nubian ở đây, ông liền vui vẻ dẫn chúng tôi đi tham quan mọi ngõ ngách của ngôi làng, nơi gia đình ông sinh sống từ nhiều đời.
Thầy giáo Ali kể cho chúng tôi nghe về những thói quen sinh hoạt của người dân trong làng. Họ có lối sống cộng đồng rất gắn kết. Buổi sáng, dân làng thường hay tụ tập trước hiên nhà mình ăn sáng, uống trà, trò chuyện cùng nhau. Hiện nay, dân số trên đảo còn khoảng 5 nghìn người, tiếng Nubian cổ giờ còn rất ít người biết. Là người cao niên trong làng, ông Ali rất trăn trở làm sao để các lớp con cháu người Nubian sau này vẫn gìn giữ được các nét văn hóa của ông cha để lại. Vì thế ông đã đứng ra mở lớp dạy tiếng Nubian cổ cho các trẻ em trong làng.
Khi dẫn chúng tôi luồn lách qua các con ngõ nhỏ, thỉnh thoảng ông Ali dừng lại, vặt một đám cây mọc ven đường đưa lên mũi ngửi rồi giảng giải cho chúng tôi biết đây là loài cây gì, có công dụng thế nào, được người Nubian sử dụng làm gia vị hay thuốc chữa các bệnh thông thường ra sao… Ông Ali cho biết, người dân trong làng chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi gia súc và đánh bắt cá. Hơn một nửa dân số trong làng theo đạo Hồi. Tuy chỉ là một ngôi làng nhỏ, nằm tách biệt với cuộc sống sôi động bên ngoài, nhưng trong làng vẫn có hẳn một bảo tàng lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, phản ánh những nét đặc sắc của nền văn hóa, cũng như đức tin và lối sống của người Nubian. Trong lúc trò chuyện, chúng tôi cảm nhận niềm tự hào, tình yêu quê hương xứ sở luôn ánh lên trong mắt người đàn ông có gương mặt khắc khổ, làn da đen sẫm này.
Không chỉ là một ngôi làng bình dị, Nubian còn là một kho báu văn hóa sống động, nơi du khách có thể hòa mình vào đời sống và nét đặc trưng của người dân Nubian cổ xưa ngay trong thế giới hiện đại. Làng cổ Nubian quyến rũ khách du lịch không chỉ bởi các ngôi nhà, bức tường rực rỡ, mà còn bởi đời sống văn hóa của người Ai Cập tại vùng đất chứa đầy sự huyền bí và cổ kính này.
Người dân Nubian có tính gắn kết cộng đồng cao. Họ thường ngồi trò chuyện cùng nhau trước hiên nhà. |