Thổi âm thầm những cơn gió mát

Mùa nắng nóng, có lúc cả bầu trời như cái chảo lửa khổng lồ khiến ngay cả những tán cây cũng teo tóp. Thế nhưng vì mưu sinh, không ít người lao động nghèo vẫn phải oằn mình ngoài đường phố Hà Nội, nhiều bệnh nhân chạy thận trú mình trong những căn phòng trọ vài mét vuông. Trong gian khó vẫn luôn có những bàn tay thiện nguyện trao yêu thương, cách con người đối đãi với nhau như cơn gió mát lành tiếp sức cho mỗi phận người.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Trang (bên phải) và chị Xiêm nỗ lực làm tranh cuốn giấy, vừa để kiếm thêm tiền trang trải chi phí, vừa để quên đi phần nào bệnh tật.
Chị Trang (bên phải) và chị Xiêm nỗ lực làm tranh cuốn giấy, vừa để kiếm thêm tiền trang trải chi phí, vừa để quên đi phần nào bệnh tật.

Phận hàng rong

Bất cứ ai đến xóm trọ tạm thuộc phường Phúc Xá (quận Ba Đình) đều cảm thấy xúc động. Ngay dưới chân cầu Long Biên, giáp quận trung tâm thành phố vẫn có hàng trăm phận người thuê trọ trong những căn phòng nhỏ hẹp, ghép bằng tấm tôn hoặc gỗ phế phẩm. Họ, mùa đông thì chống chọi cái lạnh, mùa hè thì chằng đụp thêm miếng gỗ, giữa trưa bảo nhau té nước lên ngói lợp bằng xi-măng để hạ nhiệt. Thành viên của họ là dân cửu vạn, người bán hàng rong, nhặt ve chai, cũng có khi là người dân nghèo mới ra thành phố kiếm việc làm. Ngày của dân cửu vạn ở chợ đầu mối Long Biên bắt đầu từ một giờ sáng, đó là khi những chuyến xe hàng bắt đầu đổ về. Anh Lê Văn Biết, mình trần, da ngăm đen, toàn thân nhớp nháp mồ hôi, ngừng tay nói: "Từ bốn giờ sáng trở đi, xe về nhiều lắm. Chúng em được thuê bốc dỡ hàng. Từ đây hàng được đến một số quận, huyện khác. Khoảng năm giờ sáng thì những người bán hàng rong mới lấy hàng đi bán. Tất nhiên, vẫn có những xe hàng về từ bất cứ lúc nào và ở đây luôn có cửu vạn túc trực". Lại hỏi quê quán, Biết nói trong sự đứt đoạn bởi tay anh vẫn liên tục dỡ thùng hoa quả xuống khỏi xe tải: "Em ở huyện Ba Vì anh ạ…". Nói rồi, anh chỉ tay về phía chiếc xe tải vừa chở vải từ Bắc Giang xuống: "Vợ em kia. Nhà em dậy sớm lấy hàng rồi sẽ về ngủ tiếp, chừng sáu giờ mới bắt đầu đi bán rong".

Thông thường người bốc vác, dỡ hàng "lấy đêm làm ngày", còn người bán hàng rong như chị Bùi Phượng - vợ anh Biết khởi đầu ngày mưu sinh từ sáng sớm. Song cũng có khi hàng khan hiếm, hoặc để lấy trước được hàng đẹp mã, họ phải đón đầu, xí phần từ nửa đêm, khi xe hàng về chợ. "Ăn" hàng xong, họ chở về nhà trọ cho yên tâm rồi tiếp tục hành trình rong ruổi phố phường khi trời đã sáng.

Hà Nội những ngày quay quắt nắng, nhưng luôn có người "bán mặt cho phố" rong ruổi hết con phố này đến con phố khác. Chị Lê Thị Long, quê ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) thâm niên hơn 10 năm "ăn cơm phố" chia sẻ: "Người đi xe máy dưới bầu trời nắng nóng còn nhễ nhại, khó chịu rồi. Người như chúng tôi phải gánh gồng, phải thồ xe hàng như bị rang trên chảo. Nhọc, nhưng nghĩ đến cuộc sống, tương lai của con cái nên tôi lại cố".

Cố gắng vươn lên, vì tương lai của các con… Những cụm từ nói ra một cách có vẻ đơn giản ấy, với người bán hàng rong sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Cũng bởi, trong khi bán hàng rong, họ phải đối mặt nhiều sự cố. Người thì cảm nắng, người về nhà trọ thì đổ bệnh, cũng có người trong lúc thồ hàng bỗng nhiên xe dở chứng… Rất nhiều rủi ro, nguy cơ đe dọa đến sức khỏe cũng như công việc của họ. Ngồi nghỉ cùng chị Long là đồng hương Lê Thị Hương đã hơn tám năm mưu sinh phố phường, do ở quê đất ruộng đã nhường hết cho khu công nghiệp. Chị Hương có nụ cười tươi tắn, bộc bạch, mỗi ngày nhọc nhằn của chị kiếm được ba trăm nghìn, nếu hôm bốc phải thùng hàng không ngon thì tiền lãi thu được kém hơn, còn hôm ế hàng thì hòa vốn hoặc có thể "âm".

Phận hàng rong đôi khi gặp được người thông cảm, mua hàng giúp, hay trên đường đi bỗng nhiên được ai đó cho chai nước mát. Cũng có khi được người ta cho trú nắng nhờ dưới mái hiên, tổ chức thiện nguyện phát cho cái nón, cái mũ. Mỗi nghĩa cử đó giúp cho cuộc mưu sinh được "hạ nhiệt".

Ðể vơi bớt mồ hôi

Mùa hè năm nay, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội kích hoạt các điểm trú nắng trên địa bàn thành phố, như: Khu vực Chợ Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai); Nhà Văn hóa thôn Hoàng (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm); phường Phúc Xá (quận Ba Đình); phường Khương Đình (quận Thanh Xuân); phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng)… Ông Đào Ngọc Triệu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội cho biết, Hội Chữ thập đỏ các phường tích cực khảo sát địa điểm thiết lập điểm tránh trú nắng cố định, tuyến đường di chuyển của điểm tránh trú nắng di động (lều bạt). Củng cố lực lượng tình nguyện viên tham gia dự án, mỗi phường cử 20 tình nguyện viên tham gia và ưu tiên các tình nguyện viên đã tham gia dự án giai đoạn thí điểm và đã được tập huấn trước đây. Đây là việc làm rất có ý nghĩa đối với những người mưu sinh trong ngày nắng nóng.

Trước đó, vào năm 2019 và 2020 Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội cũng đã tiến hành thiết lập điểm tránh trú nắng cố định, thu hút hàng nghìn người lao động nghèo. Qua khảo sát cho thấy: Nhiệt độ bên trong các điểm trú, tránh nắng mát hơn 10 độ C so nhiệt độ bên ngoài, tạo không gian tránh nóng hiệu quả giữa thời tiết nắng nóng gay gắt. Anh Lê Thế Biết, một người thợ sửa chữa đồ điện dân dụng, từng được giúp đỡ về nước uống tại khu vực Chợ Đền Lừ, chia sẻ: "Đi đường giữa trưa nắng, nhiều người muốn lả đi. Nhưng khi được ngồi nghỉ trong lều bạt trú nắng, được mời nước, mỗi người lao động nghèo đều thấy mát lòng. Đó là việc rất nhân văn, góp phần lan tỏa lòng nhân ái trong cộng đồng, khích lệ lối sống tích cực của người nghèo". Còn chị Phương Lệ Hạnh ở phường Nam Đồng (quận Đống Đa), thành viên của nhóm Ong Chăm, một người nhiều năm hoạt động thiện nguyện tâm sự, nhóm của chị thường "lên rừng xuống biển" và có những đợt đi "gõ cửa" những căn phòng trọ nóng chật ở Hà Nội để tặng quà, biếu rau, gạo. Càng làm chị càng thấy cuộc sống vẫn còn quá nhiều người nghèo, thuê trọ ở những nơi tạm bợ, ẩm thấp, chật hẹp. Trong nhiều phận nghèo, họ gắng gỏi vượt qua nghịch cảnh, khó khăn, mà nếu vịn được vào tình người, đó cũng là sự may mắn.

Với người khỏe, việc chống chọi với nắng nóng đã nhọc nhằn, với người xóm chạy thận, thuê trọ trong những "cái hộp" ở con hẻm trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hà Nội) còn vất vả biết nhường nào. Mưa thì nước dột, hắt vào phòng, nóng thì mỗi căn phòng giống chiếc "lò thiêu". Chị Lê Thị Hoài, quê ở Thanh Hóa trở thành thành viên xóm chạy thận từ năm 2007 chia sẻ: "Người chạy thận vốn nóng hơn người bình thường. Những ngày trời Hà Nội nắng 40 độ thì người ta khổ một chúng tôi khổ gấp đôi. Nhà đã kiệt quệ, kinh tế có bao nhiêu dồn hết vào cho tôi trên này chạy chữa". Xóm chạy thận hiện có 120 thành viên, là những người "nhẵn mặt" bệnh viện. Suốt những ngày tháng nắng nóng, họ chỉ biết gắng gỏi chịu đựng, vượt qua. Đỗ Thị Trang, cô gái sinh năm 1994 (quê ở Nam Định) không may vướng phải bệnh suy thận nên phải gác lại giấc mơ tuổi đôi mươi, để bước vào những tháng ngày chống chọi với bệnh tật cho hay: Nóng nhất là vào giữa trưa, khi ánh nắng chiếu trực tiếp lên mái ngói xi-măng. Mọi người thường chống nóng bằng cách té nước lên mái ngói, hoặc lợp thêm bìa các-tông lên đó cho giảm mức nhiệt.

Thành viên xóm chạy thận vì phải gắn chặt mình với bệnh viện, nên họ biết thân biết phận khắc phục khó khăn, tìm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống và điều trị bệnh. Bác nào có xe máy thì tranh thủ ngày không đến bệnh viện thì chạy xe ôm, chở hàng nhẹ, có bác đi đánh giày, nhặt ve chai, giúp việc theo giờ. Hằng ngày, Trang vẫn tỉ mẩn dành nhiều giờ đồng hồ gia công tranh cuốn giấy, dù cánh tay lúc nào cũng đau, sưng lên, sần sùi vì phải cắm kim tiêm mỗi lần điều trị. Mỗi bức tranh làm trong một tiếng, Trang kiếm được 12-17 nghìn đồng, đủ trang trải chi phí ăn uống, thuốc thang. "Em và bạn Đặng Thị Xiêm có chút khéo tay nên đã nhận việc làm tranh dán giấy. Mỗi tháng chúng em kiếm được hơn hai triệu đồng, đỡ được tiền ăn, tiền thuê trọ và cũng giải quyết khâu tâm lý, giúp bản thân mình đỡ buồn hơn", Trang bày tỏ.

"Mà cũng lạ lắm", đột nhiên Trang thốt lên, "lúc khó khăn chúng em thường nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ. Như em với Xiêm đã lên mạng tìm hiểu thì may mắn gặp được chị Nguyễn Thị Thu Thương, người mắc bệnh xương thủy tinh nhưng có tấm lòng nhân ái, rất nổi tiếng. Chúng em đã kết nối, được chị ấy hướng dẫn làm tranh và tìm chỗ tiêu thụ. Chị Thương như cơn gió mát lành thổi đến chúng em vậy".

Song, cuộc sống nhiều nhằn nhọc và bệnh tật đã bào mòn dần sức khỏe của nhiều thành viên xóm chạy thận. Chị Lê Thị Hoài đau chân, bà Nguyễn Thị Bình kiệt sức nên không thể đi bán nước. Đến như bà Nguyễn Thị Tư (74 tuổi) bốn năm qua ra chăm chồng cũng phải ngừng việc nhặt ve chai vào những ngày nắng vắt cho cơ thể bà như khô kiệt. Bà bảo, mỗi ngày kiếm thêm được 30 nghìn đồng cũng đỡ phần nào chi phí sinh hoạt. Nhưng nếu để ngã nắng sẽ vất vả hơn nhiều, vì ốm ra đấy, lại phải nhập viện thì chi phí sẽ tăng cao.

Ở xóm trọ có lúc nào vui không? Những cặp mắt của các thành viên xóm chạy thận là câu trả lời. Có những giây phút họ rất vui vì có tiếng cười, hay lúc những bàn tay nhân ái đưa ra, sẻ chia, giúp đỡ. Và chính những người bệnh cũng thường giúp đỡ, động viên nhau như người ruột thịt trong gia đình, đắp bồi cho nhau lòng lạc quan để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Rồi tôi hơi lặng đi, khi chị Lê Thị Hoài bùi ngùi: "Cũng có ngày buồn thê lương". Đó là khi một thành viên nào đó của xóm lìa xa cõi đời.

Cuộc sống hối hả trôi đi, đọng lại là tình người khi người này trao cho người khác niềm vui và sự chia sẻ. Trang, Xiêm vẫn làm tranh cuốn giấy và điều trị bệnh. Những bức tranh tươi tắn, đầy sắc mầu hy vọng ra đời. Ở xóm trọ tạm Phúc Xá, dự án "Lớp học Cầu Vồng" vẫn dạy chữ vào ngày cuối tuần cho những em nhỏ không được đến trường. Lớp có 15 học sinh, mỗi em một trình độ song đều có hoàn cảnh khó khăn. Các "thầy cô giáo" cũng mỗi người một nơi, nghề nghiệp khác nhau. Song tất cả đều kết nối với nhau bằng một tình yêu thương, để những ông bố, bà mẹ an tâm hơn trong bước đường mưu sinh.