Những người lính viết tiếp huyền thoại nơi cực tây Tổ quốc

Chuyến trở lại Tây Bắc tuần trước, tình cờ tôi gặp lại hai sĩ quan ở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, cả hai anh đều từng là Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải- đồn xa nhất ở cực tây Việt Nam, Đại tá Nguyễn Đức Thắng nay là Trưởng phòng Trinh sát và Trung tá Đặng Tuấn, nay là Chánh Văn phòng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Gần hai mươi năm gắn bó với Tây Bắc, đã đi rất nhiều nơi, gặp gỡ và thân thiết với nhiều bạn bè lính biên, nhưng không hiểu sao cực tây Việt Nam luôn thao thức trong tôi như một nơi chốn "thuộc về".
0:00 / 0:00
0:00
Mốc số 0 cực tây là điểm đến thu hút khách du lịch.
Mốc số 0 cực tây là điểm đến thu hút khách du lịch.

Và để hình dung rõ nhất về sự đổi đời của Tây Bắc, có lẽ vùng đất cực tây là một điển hình. Góp phần cho những đổi thay ấy ở đây, không ai khác chính là những người lính biên phòng. Cuộc gặp gỡ cà-phê cuối tuần của mấy anh em chúng tôi trong không gian đất trời Điện Biên đang rạo rực chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử cứ lan man theo những miền ký ức.

Từ người lính biên phòng trở thành "nhân thần"

Người Anh hùng đầu tiên của lực lượng "Công an vũ trang" - tức Bộ đội Biên phòng ngày nay chính là một người lính biên phòng ở cực tây, Anh hùng Trần Văn Thọ. Giờ đây con phố ngang qua trước trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Điện Biên mang tên Trần Văn Thọ. Trong những đồn biên phòng cực tây có bức tượng của Trần Văn Thọ, trong những cụm tượng đài tưởng niệm có hình ảnh Trần Văn Thọ, nhưng sâu bền nhất vẫn là tượng đài người lính biên phòng Trần Văn Thọ được dựng trong lòng dân biên ải cực tây!

Câu chuyện về Anh hùng Trần Văn Thọ là một huyền thoại truyền kỳ có giá trị như một di sản tinh thần của Bộ đội Biên phòng, noi theo anh mà tận hiến cho Tổ quốc, cho những bà con gắn bó máu thịt, hòa quyện đời dân-đời lính! Anh hùng Trần Văn Thọ - người lính biên phòng quê Trấn Yên (Yên Bái) ấy khi lên thành lập đồn ở đây (năm 1958), chính anh là người đã dạy cho bà con biết học cái chữ, làm lúa nước, đưa trẻ con ra huyện học trường dân tộc nội trú… Người lính ấy khi về phép đã dành tiền mua lưỡi cày khoác sau ba-lô mang lên đây rồi vào rừng đẵn cây đẽo cày dạy bà con cày ruộng. Khi vận động một cô gái Hà Nhì ở bản đi học, cô gái ấy bảo không ai chăm mẹ, anh bảo: Cứ đi học đi, anh sẽ cùng đồng đội mỗi ngày đến chăm bà. Cô gái ấy, sau này là bà Chu Chà Me, nguyên là cán bộ phụ nữ tỉnh. Còn người lính biên phòng Trần Văn Thọ đã hy sinh sau một trận sốt rét vào năm 1961, khi ấy anh Thọ chỉ mới 26 tuổi. Bởi thế, trong tâm thức người dân vùng biên giới này anh Thọ được kính thờ như một vị nhân thần.

Không thể nhớ hết chúng tôi đã bao nhiêu chuyến lên với cực tây A Pa Chải, đã từng nghe câu chuyện những năm 60-70 của thế kỷ trước để đưa hàng lên đây, Chính phủ phải cho máy bay lên thẳng chuyên chở, nhưng chỉ những khi thật khẩn cấp. Chúng tôi cũng gặp một cô gái bán hàng tạp hóa kể về những năm đầu lên đây, cô đã thuê cả một đoàn ngựa thồ hàng từ Mường Tè vượt dốc Tà Tổng vào tới Leng Su Sìn để bán hàng cho bà con. Vùng đất biệt lập ấy, qua thế kỷ 21 vẫn còn gian nan.

Đúng 15 năm trước, lần đầu tiên lên với cực tây, đường sá, xe cộ để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng về sự gian khổ, nhưng ấn tượng nhất lại là khi vào đến Đồn Biên phòng A Pa Chải. Đêm đầu tiên đến đồn, trong ánh sáng leo lét của những ngọn nến giữa đêm biên ải thâm u, không sóng điện thoại, không điện thắp sáng, đồn trưởng Nguyễn Đức Thắng áy náy bảo: "Đón các anh lên mà con trâu nó làm mất điện rồi". Chúng tôi ngạc nhiên: Sao trâu lại làm mất điện? Hóa ra anh em có lắp cái máy thủy điện nhỏ dưới suối, nhưng trâu bò thả rông của bà con đôi khi lại đạp đổ mấy hòn đá chắn đập, vậy là… mất điện. Hôm gặp nhau nhắc lại kỷ niệm này 15 năm trước, ai cũng bật cười. Thế nhưng phải 5 năm sau lần gặp đầu tiên ấy, đồn mới có điện lưới quốc gia vào dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Điện Biên. Và giờ đây thêm 10 năm trôi qua nữa, miền cực tây Việt Nam đã thay da đổi thịt quá nhiều.

Những người lính viết tiếp huyền thoại nơi cực tây Tổ quốc ảnh 1
Cán bộ, chiến sĩ đồn A Pa Chải thăm bà con dân bản trong dịp Tết Hà Nhì.

Sức hút từ điểm hẹn "cực tây Việt Nam"

Từ khi mốc số 0 trên đỉnh núi Khoang La San, điểm mốc "3 biên giới" này trở thành một khát khao của những khách du lịch muốn chinh phục bốn cực đông, tây, nam, bắc của nước Việt, thì điểm cực tây này trở nên sôi động. Vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới quốc gia, vừa giúp dân thoát dần hủ tục, tiếp thu đời sống văn minh, đồng thời đồn cũng đứng chân trên một vị trí đặc biệt ý nghĩa là cực tây Tổ quốc, những thế hệ người lính biên phòng ở Đồn A Pa Chải đã luôn nỗ lực hoàn thành tốt tất cả những nhiệm vụ ấy. Từ thời Đồn trưởng Nguyễn Đức Thắng rồi đến sau này là Đồn trưởng Đặng Tuấn cho đến bây giờ, qua bao thế hệ người lính kế tục, nhưng bằng tình cảm nồng nhiệt của mình, họ đã chinh phục những ai đến khám phá điểm cực này và không ít người trong số du khách ấy, trong niềm trân quý chân thành đã trở lại cùng người dân, hỗ trợ cho dân những món quà ý nghĩa, những ngôi trường cho các em được dựng thêm, những dịp như Tết Hà Nhì, cực tây lại sôi động một dải biên cương thân yêu đoàn kết và nồng ấm tình người.

Sẽ rất thiếu sót nếu không kể ra đây những chi tiết nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong những câu chuyện về người lính với cực tây này. Trong một lần trở lại A Pa Chải, vài anh em chúng tôi lên lại mốc số 0. Người chiến sĩ biên phòng dẫn đường là Giàng A Kháy, một chàng trai H’Mông đang thực hiện nghĩa vụ ở đồn. Khi lên đến cột mốc, chính Kháy đã nhắc anh em chỉnh đốn trang phục rồi trang nghiêm chào Quốc huy. Sau khi ăn trưa, anh em đang nghỉ ngơi lấy sức để leo xuống thì mình Kháy lặng lẽ thu dọn những gì còn vương vãi quanh mốc, trong hành động của Kháy, ánh lên một tình yêu thiêng liêng với cột mốc chủ quyền, với biên giới quê hương. Nhưng lòng cảm phục với Kháy, người chiến sĩ dân tộc H’Mông chưa dừng lại ở đó. Trên đường từ mốc số 0 đi xuống, trên một thân cây cổ thụ sát bên đường, một nhành phong lan bị ai đó vội vã va quệt vào khiến cả khóm phong lan bị bong ra treo lơ lửng bên thân cây. Kháy bảo mọi người cứ thong thả xuống trước, còn Kháy đi kiếm một sợi dây rừng, cẩn thận và khéo léo buộc nhành phong lan gắn chặt lại vào thân cây. Chỉ riêng hành động ấy thôi của người lính trẻ quê ở Điện Biên này đã nói với chúng tôi rất nhiều điều lớn lao.

Nghĩ về đường đến tương lai của mảnh đất cực tây, không thể không nghĩ về những người lính quân hàm xanh đã đến đây từ năm 1958, khi lập đồn trấn ải đầu tiên. Trên dặm dài biên giới của Điện Biên và cả vùng Tây Bắc bao nhiêu năm đi đi về về, cứ mỗi lần trở lại chúng tôi lại thấy có thêm những ngôi trường dân tộc nội trú, những trụ sở ủy ban xã, những nhà văn hóa được xây dựng khang trang, tường vôi ngói mới…, nhưng cái Đồn Biên phòng Leng Su Sìn đầu tiên được lập ra từ năm 1958 ấy mãi mãi là những căn nhà gỗ. Và rồi đó là cái đồn được xây dựng sau cùng, sau hơn nửa thế kỷ đứng chân nơi đây. Đó cũng là một sự hy sinh thầm lặng khác. Giờ thì Đồn Leng Su Sìn đã được xây dựng đúng nghĩa với một đồn biên lịch sử, trước đồn có một cụm tượng đài, nhà bia, hoa cỏ… như một công viên văn hóa cho cả khu vực.

Cũng như thế, hơn 15 năm trước, để chinh phục mốc số 0 ở A Pa Chải chúng tôi phải dậy từ 4 giờ sáng và quần quật đến quá trưa mới lên được cột mốc, rồi về lại đồn lúc 19 giờ. Đấy là chưa kể nhiều đội leo bị lạc đường phải ở lại giữa rừng. Còn bây giờ, để chinh phục cột mốc số 0 này chỉ mất chưa tới một giờ đồng hồ, xe máy sẽ đưa khách lên đến chân mốc, chỉ phải leo thêm mấy trăm bậc đá là chạm vào nơi linh thiêng của bản đồ Việt Nam: cực tây Tổ quốc. Đó cũng là một ngụ ngôn về hành trình của quân dân nơi miền biên viễn này: Chặng đường dù khó khăn đang dần được rút ngắn. Và người rút ngắn những khó khăn ấy chính là những người lính biên phòng, là tâm huyết của những chỉ huy như Đại tá Nguyễn Đức Thắng, như Trung tá Đặng Tuấn và rất nhiều người lính đã đến và đã đi, nhưng để lại cho cực tây những yêu thương và đổi mới!