Nhân tố tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân. Bên cạnh đó, phát triển tổ chức đảng ở cơ sở cũng là một trong những giải pháp “căn cơ” góp phần ổn định chính trị và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là những khu vực thuộc diện 30a ở miền tây Nghệ An.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí THÁI THANH QUÝ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về chủ đề này.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý (thứ ba, bên trái) thăm Hợp tác xã nuôi ong mật Tây Hiếu, Thái Hòa. Ảnh: THÀNH DUY
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý (thứ ba, bên trái) thăm Hợp tác xã nuôi ong mật Tây Hiếu, Thái Hòa. Ảnh: THÀNH DUY

Phóng viên: Thưa đồng chí, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn với cải cách hành chính là một trong những mục tiêu nổi bật được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025. Xin đồng chí cho biết tỉnh đã có những chỉ đạo gì để đạt những mục tiêu nêu trên. Và giải pháp nào giúp cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt đủ khả năng làm việc trong điều kiện hoàn cảnh mới, thưa đồng chí?

Đồng chí Thái Thanh Quý: Để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn nhiệm kỳ mới 2020-2025, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực và đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% số khối, xóm, bản có tổ chức đảng; 99% số khối, xóm, bản có đảng viên tại chỗ; 90% số khối, xóm, bản trở lên có xóm trưởng là đảng viên...

Ngay sau Đại hội, Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đã ban hành chương trình hành động, phân công, phân nhiệm cụ thể để thực hiện các mục tiêu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn với cải cách hành chính. Trong đó, quan trọng là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, trọng tâm là xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ; chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức đảng ở vùng đặc thù, nhất là vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số và phát triển đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy bảo đảm sâu sát, khoa học, cụ thể, tránh hình thức, đề cao tính hiệu quả. Chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp quản lý giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa nền hành chính. Hoàn thiện hệ thống giao ban trực tuyến kết nối thông suốt từ Trung ương, tỉnh đến 21 huyện và 460 xã, thị trấn bảo đảm nhanh, gọn, chính xác, tiết kiệm chi phí, thời gian, đi lại, nhất là đối với các huyện miền núi. Tỉnh xác định bốn trọng tâm cải cách hành chính gồm: cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất tốt; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Trên tinh thần đó, tỉnh đã đưa ra những giải pháp giúp cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt đủ khả năng làm việc trong điều kiện hoàn cảnh mới. Thứ nhất, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Khơi dậy niềm tự hào của con người xứ Nghệ giàu tư duy đổi mới, khát vọng phát triển, dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu với khó khăn, thách thức. Thứ hai, hoàn thiện các quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác cán bộ, sát với tình hình thực tiễn, gắn thẩm quyền trách nhiệm cho từng tổ chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Thứ ba, thực hiện có hiệu quả các khâu về công tác cán bộ. Đó là, đánh giá đúng cán bộ, gắn với tiêu chí cụ thể, đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý gắn với đơn vị phụ trách. Đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, trên cơ sở đạt chuẩn chức danh theo quy định, bảo đảm cơ cấu hợp lý. Thực hiện tốt các quy định về luân chuyển cán bộ. Thứ tư, chú trọng công tác dự báo và chủ động đề ra kế hoạch, biện pháp kiểm tra, giám sát phòng ngừa, ngăn chặn các khuyết điểm, vi phạm trong công tác cán bộ.

Phóng viên: Miền tây Nghệ An là một trong các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đang có những khó khăn, hạn chế, nhất là công tác phát triển đảng viên. Để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở khu vực này, tỉnh đang triển khai những nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Thái Thanh Quý: Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương cùng với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vùng miền tây Nghệ An đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013-2020 đạt 6,56%. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chăm lo, củng cố. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vùng miền tây vẫn chưa bền vững, quy mô kinh tế nhỏ, tính liên kết thấp, hiệu quả chưa cao. Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là giao thông, điện còn nhiều bất cập. Mức sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có mặt còn hạn chế; đội ngũ cán bộ chưa mạnh; việc phát hiện để giới thiệu nguồn đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số, công tác phát triển đảng viên tại các xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên gặp nhiều khó khăn, một số chi bộ có nguy cơ “tái trắng”, một số chi bộ đảng chưa phát huy vai trò hạt nhân chính trị, nội dung, phương thức hoạt động còn lúng túng.

Tỉnh Nghệ An xác định nhiệm vụ ưu tiên của miền tây là ổn định chính trị, yên địa bàn, yên dân, yên biên giới. Do vậy, việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh để đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, đảm đương nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng, giúp đỡ nhân dân của vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo đó, tỉnh đã và đang tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đó là: Thứ nhất, tiếp tục tập trung xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức cơ sở đảng, nhất là xóa những xóm, bản chưa có chi bộ và đảng viên theo Đề án số 01-ĐA/TU ngày 10/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; tiếp tục tăng cường sĩ quan biên phòng về làm phó bí thư đảng ủy ở các xã biên giới. Thứ hai, chú trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, nhất là vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, làm hạt nhân nòng cốt, hạt nhân quy tụ đoàn kết bản làng, đoàn kết các dân tộc, xây dựng “biên giới lòng dân” vững chắc. Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại trực tiếp với nhân dân, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở, không để hình thành điểm nóng và lý do để các thế lực thù địch lợi dụng. Thứ ba, chú trọng phát hiện nguồn, quy hoạch và đào tạo bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ cơ sở tại chỗ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý về công tác tại các huyện miền tây, cán bộ của tỉnh luân chuyển đến tăng cường cho cấp huyện. Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội; tích cực động viên hội viên đoàn kết và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thứ năm, tập trung phát triển kinh tế-xã hội dựa trên thế mạnh của vùng như lâm nghiệp, nông nghiệp, du lịch sinh thái... Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng nhất là giao thông, điện, nước sạch phục vụ tốt hơn đời sống của nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ về giáo dục và đào tạo; ưu tiên các nguồn lực xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ tốt việc dạy và học. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, xóa bỏ các hủ tục, đẩy lùi các tệ nạn xã hội .