Hiệu quả từ mô hình cánh đồng mẫu lớn

Năm 2020, xã Phước Chính được huyện Bác Ái (Ninh Thuận) chọn làm thí điểm mô hình dồn điền, đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa. Sau gần hai năm triển khai, mô hình đã giúp đồng bào Raglai từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cho thu nhập cao, từng bước ổn định cuộc sống.

Ðồng bào dân tộc Raglai (xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) thu hoạch lúa bằng máy.
Ðồng bào dân tộc Raglai (xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) thu hoạch lúa bằng máy.

Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi cùng lãnh đạo xã Phước Chính chạy xe máy qua các tuyến đường nông thôn nội đồng, kênh mương được bê-tông hóa khang trang, sạch đẹp để thăm cánh đồng mẫu lớn tại hai thôn Suối Rớ và Suối Khô.

Chủ tịch UBND xã Phước Chính, Quảng Minh Huấn cho biết, năm 2020, huyện Bác Ái hỗ trợ xã xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 23ha, với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng, đồng thời hỗ trợ các hộ dân tham gia san ủi đồng ruộng với kinh phí gần 777 triệu đồng. Trong vụ đầu tiên, huyện Bác Ái còn hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho các hộ dân tham gia cánh đồng lớn với số tiền hơn 182 triệu đồng. Các cán bộ, kỹ sư nông nghiệp của huyện đến tận cơ sở thực hiện phương châm "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để hướng dẫn đồng bào Raglai các quy trình kỹ thuật chăm sóc cây lúa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất ngay từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Lực lượng vũ trang cử cán bộ, chiến sĩ giúp dân đắp lại bờ, chỉnh trang đồng ruộng. UBND xã thành lập sáu tổ công tác đến tận nhà dân, động viên chia sẻ khó khăn để người dân an tâm sản xuất.

Từ khi thực hiện cánh đồng mẫu lớn, việc sản xuất của nông dân từ khâu làm đất, đánh luống, gieo sạ... đều có máy móc hỗ trợ. Ðồng bào đã biết việc gieo đồng loạt một loại giống và cùng thời gian sẽ ít tốn công chăm sóc, nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, cây lúa cho năng suất cao. Ai ai cũng phấn khởi mỗi khi bước vào vụ mới. Ðến mùa thu hoạch, dưới đồng lúa, các máy cày gặt đập liên hợp giúp thu hoạch không bỏ sót cây lúa chín nào và được bao tiêu sản phẩm ngay tại chân ruộng, nhờ đó năng suất liên tục tăng.

Anh Cadá Liên, ở thôn Suối Rớ là một trong các hộ đầu tiên ở xã Phước Chính tham gia sản xuất lúa theo cánh đồng lớn cho biết: "Từ khi sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, năng suất các vụ liên tục tăng. Từ 2 tạ/sào/vụ đầu tiên, đến nay, tăng lên 3,5 tạ/sào/vụ. Gia đình tôi đã có của ăn, của để, có điều kiện lo cho con cái học hành". Trong 58 hộ tham gia đề án ban đầu, có tám hộ nghèo, đến nay có ba hộ thoát nghèo. Quan trọng hơn, thành công của mô hình cánh đồng lớn còn giúp đồng bào Raglai thay đổi hoàn toàn tập quán sản xuất cũ góp phần cho địa phương nâng cao tiêu chí thu nhập trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ðề án xây dựng Cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa tại xã Phước Chính thực hiện trong ba năm (2020-2022) với diện tích 102,5 ha và chia thành ba giai đoạn. Với mục tiêu chung là xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm đạt kết quả cao trong chiến lược chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch đồng bộ, hợp lý hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, liên kết sản xuất, thành lập tổ hợp tác sản xuất và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, làm giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao, giúp tăng thu nhập, giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện Bác Ái.

Bí thư Huyện ủy Bác Ái Mẫu Thái Phương cho biết: "Mô hình cánh đồng mẫu lớn đang hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hiện đại, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Sau khi thí điểm thành công mô hình tại xã Phước Chính, huyện đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục nhân rộng ở các xã Phước Tiến, Phước Thắng và Phước Tân, chủ yếu là sản xuất lúa và đậu xanh. Huyện xác định, sản xuất cánh đồng mẫu lớn sẽ là cơ hội để các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số Raglai thoát nghèo bền vững, từng bước ổn định cuộc sống".