Xu hướng

Dân số già hóa - biến thách thức thành lợi thế?

Các chuyên gia cho biết, sức khỏe, công nghệ và của cải đã tích lũy được có thể biến lực lượng lao động đang già đi từ thách thức trở thành lợi thế đối với nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Emiko Kumagai, 80 tuổi làm việc tại cửa hàng đồ điện tử Nojima Co tại Kawaguchi, tỉnh Saitana. Ảnh: KYODO
Bà Emiko Kumagai, 80 tuổi làm việc tại cửa hàng đồ điện tử Nojima Co tại Kawaguchi, tỉnh Saitana. Ảnh: KYODO

Nguy cơ hiển hiện

Khi Paul Adler, cựu giám đốc điều hành của IBM và sau này là nhân viên chính phủ bước sang tuổi 65, ông không nghỉ hưu mà tìm công việc làm giáo viên dạy thay bậc tiểu học ở gần nhà tại Bethesda, Maryland (Mỹ). Nhưng để làm được điều đó đòi hỏi sự kiên trì khi phải đối mặt với những định kiến và e ngại dành cho lao động cao tuổi. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát mới tại nơi làm việc của Viện Transamerica, hơn 3/5 nhà tuyển dụng cho biết họ đã dành “rất nhiều” mối quan tâm hoặc “cân nhắc khá nhiều” đối với những người xin việc từ 50 tuổi trở lên khi tuyển dụng vào năm 2022.

Dân số ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới từ Mỹ, châu Âu đến Nhật Bản và Trung Quốc đang già đi. Trong 30 năm tới, số người từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 761 triệu người vào năm 2021 và lên 1,6 tỷ người vào năm 2050 trên toàn cầu. Đến lúc đó, cứ bốn người thì có một người ở châu Âu và Bắc Mỹ sẽ ở độ tuổi từ 65 trở lên, theo dự báo dân số mới nhất của Liên hợp quốc. Ngay cả các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, châu Mỹ Latinh, Caribe và châu Phi cận Sahara, nơi có dân số trẻ nhất thế giới, sẽ chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ dân số trên 65 tuổi, từ 3% vào năm 2022 lên gần 5% vào năm 2050.

Tốc độ già hóa nhanh dẫn đến những lo ngại về tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tăng trưởng thu nhập của người dân sẽ chậm lại trong một xã hội già hóa. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nếu các nền kinh tế phát triển có thể tạo điều kiện để dân số cao tuổi của họ giữ được sức khỏe tốt, thì không chỉ giảm tác hại kinh tế mà còn có thể biến nó thành lợi thế. Các chuyên gia cho biết, công nghệ và mức tuổi thọ cao hơn có thể giúp những người trong độ tuổi lao động tăng năng suất, nhờ đó bù đắp tổn thất do lực lượng lao động bị thu hẹp.

Ông Ronald Lee, Giáo sư về nhân khẩu học và kinh tế tại Đại học California (UC), Berkeley, nói với hãng tin Al Jazeera: “Việc già hóa dân số gây áp lực lớn lên những người trong độ tuổi lao động vì những chi phí để hỗ trợ nhóm dân số phụ thuộc ngày càng tăng. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng dân số và lực lượng lao động chậm lại gần như chuyển thành sự suy giảm tương tự trong tăng trưởng GDP”.

Đối với những nước như Trung Quốc, viễn cảnh có thể tệ hơn. Tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động được dự đoán sẽ giảm 1% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2060, so với mức tăng 1,5% mỗi năm từ năm 1990 đến 2015. “Điều này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm 2,5%, ngay cả khi năng suất của nền kinh tế tăng với tốc độ hiện tại”, ông nói.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là mức thu nhập, được đo bằng GDP bình quân đầu người. Theo các nhà nghiên cứu Jonathan Cylus và Lynn Al Tayara, xem xét dữ liệu của 180 quốc gia từ năm 1990 đến năm 2017, thì tác động của dân số già hóa đối với mức thu nhập bình quân đầu người là không đáng kể. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tuổi tác không phải là vấn đề quá quan trọng, mà quan trọng hơn là năng lực làm việc của lực lượng lao động”, ông Cylus, người đứng đầu Trung tâm London của Tổ chức Quan sát chính sách và hệ thống y tế châu Âu, đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Kinh tế London cho biết.

Cô Gretchen Donehower, một nhà nhân khẩu học tại UC Berkeley, cho biết các quốc gia nên cân nhắc “ý tưởng về lợi tức nhân khẩu học thứ hai” đi kèm với dân số già. Cô cho rằng nhóm dân số già có cơ hội để tích lũy rất nhiều vốn đầu tư. “Vì vậy, ngay cả khi nhóm trong độ tuổi lao động nhỏ hơn, bạn vẫn có các loại vốn khác có thể sử dụng để đạt năng suất cao hơn đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ”.

Mặt khác, khi tập trung vào vấn đề già hóa, các quốc gia thường không tận dụng tốt nhóm dân trong độ tuổi lao động của mình. Ông Cylus nói: “Hiện tại, nhóm dân số cao tuổi của chúng ta đang tăng lên nhưng cũng có nhiều thanh niên thất nghiệp. Liên minh châu Âu có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp là 13% vào năm 2021. Vì vậy, tiềm năng của thị trường lao động có thể được mở ra bằng cách giải quyết những khoảng trống hiện có này”.

Kinh nghiệm từ châu Á

Nhật Bản, quốc gia có dân số già nhất thế giới, đang dẫn đầu trong việc phát triển các chính sách tập trung vào nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đồng thời làm cho thị trường lao động linh hoạt hơn bằng cách cho phép những người già khỏe mạnh làm việc. Nhật Bản có một hệ thống việc làm suốt đời, trong đó các công ty tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học và bảo đảm việc làm ổn định cho họ đến tuổi nghỉ hưu. Quốc gia này cũng đã tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 và năm 2021 thông qua luật yêu cầu người sử dụng lao động cố gắng duy trì công việc cho nhân viên của họ cho đến 70 tuổi. Tính đến năm 2022, cứ bốn người ở Nhật Bản thì có một người hơn 65 tuổi được tuyển dụng.

Tokyu Community Corp. là một công ty có trụ sở tại Tokyo chuyên bảo trì các khu chung cư và các tòa nhà, sử dụng những người lao động lớn tuổi làm nhân viên hợp đồng và bán thời gian cho đến khi họ 77 tuổi. Tính đến tháng 3/2021, gần một nửa trong số 11.322 nhân viên của họ 65 tuổi trở lên và 2.320 người từ 70 tuổi trở lên. Công ty còn cho phép những người làm việc trong thời gian ngắn và có thu nhập thấp có một công việc phụ, miễn là không làm cùng ngành.

Để tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho người già, Nhật Bản trợ cấp cho các công ty để cung cấp các phương tiện như tay vịn trên cầu thang và có khu vực nghỉ ngơi cho người lao động lớn tuổi. Năm 2000, Nhật Bản thành lập một hệ thống bảo hiểm toàn quốc, khiến cho việc chăm sóc dài hạn trở thành quyền của người cao tuổi bất kể thu nhập hay sự hỗ trợ của gia đình. Nghiên cứu cho thấy, nhờ đó các thành viên trẻ trong gia đình cảm thấy bớt áp lực hơn khi phải chăm sóc người lớn tuổi.

Trong khi đó, Singapore, một nước có nền kinh tế tiên tiến, đã buộc các công ty từ năm 2022 phải cung cấp việc làm lại cho người lao động khi họ đến tuổi nghỉ hưu 63, ít nhất là cho đến 68 tuổi. Quốc gia này cung cấp các khoản trợ cấp bù đắp tiền lương cho người sử dụng lao động tuyển dụng những người từ 65 tuổi trở lên và kiếm được tới 4.000 USD/ tháng, bên cạnh các lợi ích dành cho các công ty cung cấp lại việc làm bán thời gian và các sắp xếp công việc linh hoạt khác cho người lao động cao tuổi. Đến cuối thập niên này, Singapore có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu và tuổi đi làm lại lần lượt lên 65 và 70. Đến năm 2030, cứ bốn người Singapore thì có một người sẽ trên 65 tuổi. Singapore cũng đang đầu tư vào các khu chung cư tích hợp các tiện ích xã hội, y tế để cư dân cao tuổi có thể sử dụng mà không cần phải đi lại.

Bài toán đau đầu

Pháp gần đây đã thông qua luật tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi (trước đây gần một thập niên là tăng từ 60 lên 62 tuổi). Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng động thái này nhằm ngăn hệ thống lương hưu sụp đổ do gánh nặng tài chính ngày càng tăng của dân số già. Tuy nhiên, việc làm này đã vấp phải sự phản đối và các cuộc biểu tình rầm rộ bởi nó trì hoãn độ tuổi bắt đầu nhận lương hưu. Theo các chuyên gia, đề xuất của chính phủ và phản ứng dữ dội của dân chúng cho thấy sự phức tạp về chính trị và hoạch định chính sách mà các chính phủ sẽ cần phải thực hiện để giữ cho nền kinh tế phát triển.

Rõ ràng, nếu tuổi nghỉ hưu không tăng lên thì điều đó sẽ đặt gánh nặng của việc già hóa lên những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, các quốc gia cần thận trọng trong việc tăng tuổi nghỉ hưu cho tất cả các ngành nghề, đặc biệt khi không đồng thời đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe. Cô Donehower cho biết: “Có thể có những hậu quả về sức khỏe đối với việc tăng tuổi nghỉ hưu trên diện rộng. Một công nhân xây dựng có khi không thể tiếp tục làm việc ở tuổi 70 như một người làm công việc văn phòng”.

Thụy Điển là quốc gia có tỷ lệ người trên 75 tuổi vẫn đang làm việc cao nhất EU. Tuy vậy, đây cũng là hình mẫu về quốc gia đã cân bằng nhu cầu của nền kinh tế và người dân tốt hơn hầu hết các quốc gia khác. Đất nước Scandinavi này đã kết nối tuổi hưởng lương hưu tối thiểu với tuổi thọ trong tương lai để mọi người hiểu nó sẽ tăng lên một cách minh bạch. Mặc dù điều này nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng cho các quỹ công cộng, nhưng Thụy Điển cũng cho phép người lao động sử dụng một phần khoản đóng góp chung của họ cho quỹ hưu trí mà họ lựa chọn, giúp họ kiểm soát tốt hơn khoản tiết kiệm của mình so với trước đây.