ÔNG TRỊNH XUÂN TRƯỜNG, CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÀO CAI: Lào Cai phát triển kinh tế gắn với vai trò “phên dậu” quốc gia

Ông Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trao đổi về những định hướng và giải pháp để đưa tỉnh nhà trở thành một cực tăng trưởng của vùng và cả nước.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.

Thưa ông, Lào Cai cần phải làm gì, đặc biệt là áp dụng những quyết sách ra sao để phát huy tiềm năng và lợi thế, đưa tỉnh trở thành một cực tăng trưởng của vùng và cả nước?

Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để xây dựng tỉnh, trong đó xác định xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành Khu kinh tế qua biên giới - một trong những trung tâm logistics quan trọng của cả nước. Cụ thể, ưu tiên xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu có mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực; có năng lực tập trung, điều phối hàng hóa; cung cấp dịch vụ logistics chi phí thấp, trong đó “Cao tốc Hà Nội-Lào Cai là trục kết nối, Cảng hàng không Sa Pa là lực đẩy phát triển” để trở thành trung tâm giao thương của các nước ASEAN với thị trường Tây Nam-Trung Quốc.

Bên cạnh đó, xây dựng Lào Cai trở thành hạt nhân du lịch của vùng, là điểm đến tầm cỡ quốc tế với trụ cột là Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Cùng với khai thác hiệu quả Cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai trở thành cầu nối du lịch quan trọng; thực hiện liên kết, điều tiết khách quốc tế đến vùng và cả nước; bảo đảm đủ năng lực đón 15 triệu du khách vào năm 2030.

Tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng gia công, chế biến sâu; tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho chuỗi sản xuất công nghiệp của cả nước: điều chỉnh hợp lý chiến lược phát triển công nghiệp; gắn khai thác với chế biến sâu các loại khoáng sản; ưu tiên công nghiệp gia công chế tạo sản phẩm công nghệ, giá trị cao; nghiên cứu khai thác, chế biến đất hiếm cung cấp cho các ngành sản xuất công nghệ cao. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2030 vượt mức 100.000 tỷ đồng.

Lào Cai hướng tới thành trung tâm dịch vụ và tài chính của khu vực và quốc tế trong tương lai. Với định hướng xây dựng trung tâm logistics hiện đại, trở thành hạt nhân du lịch vùng và sự điều chỉnh chiến lược sản xuất công nghiệp, Lào Cai sẽ là điểm đến của các tổ chức tài chính trong nước, các quỹ đầu tư và các tập đoàn tài chính nước ngoài.

Chuyển hóa thách thức về quy mô dân số nhỏ thành nhiệm vụ xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm thu hút lao động của vùng là đòi hỏi đặt ra. Đến năm 2030, Lào Cai sẽ cần thêm khoảng 300.000-500.000 lao động cho nhu cầu phát triển công nghiệp, logistics và thương mại-du lịch.

Lào Cai tiếp tục củng cố hoạt động đối ngoại, góp phần phát triển kinh tế gắn với vai trò “phên dậu’’ quốc gia: củng cố, đẩy mạnh các hoạt động tổ chức kết nối-giao lưu-hợp tác một cách sáng tạo, linh hoạt giữa các địa phương trong vùng với vùng Tây Nam-Trung Quốc; đẩy mạnh giao thương kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc qua các cửa khẩu của Lào Cai; từng bước xây dựng Lào Cai thành đầu mối kết nối tin cậy của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Lào Cai đang hướng tới trở thành trung tâm logistics quan trọng của cả nước. Xin ông cho biết làm thế nào để đạt được mục tiêu này?

Để khai thác hiệu quả các giá trị về vị trí địa kinh tế-chính trị của tỉnh, hướng Lào Cai trở thành trung tâm dịch vụ logistics và vận tải của vùng trung du miền núi phía bắc và cả nước, trong giai đoạn tới, chúng tôi đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Làm tốt công tác quy hoạch: Căn cứ quy hoạch các trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Lào Cai đã chủ động điều chỉnh quy hoạch chung của tỉnh. Trong đó hạt nhân của quy hoạch trung tâm logistics là khu Kim Thành-Bản Vược diện tích hơn 1.100 ha, gắn liền với cửa khẩu quốc tế Lào Cai-Hà Khẩu. Cùng với đó là quy hoạch các trung tâm logistics tại các huyện, thị xã, thành phố nơi có điều kiện thuận lợi về giao thông từ đó lan tỏa đi các tỉnh khác của khu vực Trung du miền núi phía bắc.

Phát triển hạ tầng giao thông vận tải cần phải đi trước một bước để phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể hoàn thiện đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đoạn từ tỉnh Yên Bái, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai-Côn Minh lên khổ lồng 1,435m, khởi công sân bay Sa Pa… để Lào Cai có đầy đủ 4 loại hình giao thông kết nối trực tiếp với thị trường trong nước và quốc tế.

Thực hiện quy hoạch kho bãi tại các cửa khẩu biên giới phục vụ dịch vụ logistics, trong đó đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tiềm lực có kinh nghiệm để phát triển các dịch vụ gia công chế biến, kho lạnh, kho mát, sơ chế, đóng gói, bảo quản hàng hóa.

Thu hút các doanh nghiệp logistics, vận tải lớn trong nước tham gia cung cấp dịch vụ logistics tại Lào Cai để phát triển các dịch vụ như: vận tải đa phương thức, vận tải đường sắt, chuyển phát, kiểm định, giám định, kiểm nghiệm, quá cảnh, thu gom tập hợp phân loại hàng hóa và giao hàng…

Đẩy mạnh triển khai dự án cảng cạn ICD giai đoạn 2, đầu tư kho bãi phương tiện xếp dỡ container và hàng hóa khác ga Phố Mới... để phát huy tốt lợi thế về vận tải đường sắt phục vụ xuất nhập khẩu.

ÔNG TRỊNH XUÂN TRƯỜNG, CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÀO CAI: Lào Cai phát triển kinh tế gắn với vai trò “phên dậu” quốc gia ảnh 1

Lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai và lãnh đạo Bộ Xây dựng khảo sát tại Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Ảnh | PV

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Lào Cai cần phát huy tối đa bản sắc, lấy sông Hồng làm trục dọc phát triển. Tỉnh đã và đang làm gì để thực hiện nội dung này?

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh đã lập và trình Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tỉnh cũng xác định không gian liên kết và định hướng cần ưu tiên phát triển, đó là: 1 trục động lực; 2 cực phát triển; 3 vùng kinh tế; 4 trụ cột tăng trưởng; 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Một trục động lực ở đây là phát triển dọc sông Hồng kết nối với 9 tỉnh, thành phố ở hạ lưu và trùng với hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Nội hàm là quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, chuỗi đô thị, các trung tâm sản xuất, dịch vụ có vai trò liên kết 3 vùng kinh tế của tỉnh, kết nối vùng, liên vùng.

2 cực phát triển gồm: cực phía bắc kết nối Việt Nam và ASEAN với Tây Nam-Trung Quốc; cực phía nam kết nối với các tỉnh trung du, miền núi phía bắc, đồng bằng Bắc Bộ và khu vực ASEAN.

Thông qua việc phát triển trục động lực sông Hồng và 2 cực phát triển, Lào Cai sẽ trở thành điểm hội tụ văn hóa, hội tụ doanh nghiệp, trung tâm kết nối khu vực và quốc tế; cụ thể là kết nối với thị trường Tây Nam-Trung Quốc. Đây là thị trường hơn 400 triệu dân, có nhu cầu lớn với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thế mạnh của Việt Nam; có nhu cầu thông qua hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quang Ninh để ra các cảng biển.

Chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, phù hợp xu thế chung của thời đại?

Lào Cai luôn coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong định hướng phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, tỉnh luôn xác định quan điểm phát triển bền vững, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo đó, khi triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, tỉnh đã lựa chọn phát triển kinh tế xanh theo hướng: phát triển các khu đô thị du lịch, đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn, khu kinh tế cửa khẩu thành động lực kinh tế của tỉnh, hoạt động thương mại biên giới thành hoạt động trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh-Hà Nội; chú trọng công tác bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Đối với ngành công nghiệp: chuyển đổi thu hút đầu tư từ “nâu” sang “xanh”, theo đó quy mô công suất các ngành này được duy trì như hiện tại và chuyển mạnh sang chế biến sâu khoáng sản, trong đó tập trung phát triển công nghiệp chế tạo hậu luyện kim. Với quan điểm như trên, giai đoạn tới, Lào Cai sẽ ưu tiên và khuyến khích các dự án giảm thải tại nguồn, thay đổi nguyên liệu phù hợp hơn, cải tiến thiết bị theo hướng nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng; hiện đại hóa công nghệ sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào thương mại, du lịch, dịch vụ, xử lý rác thải, chất thải tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; đồng thời khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường, trồng rừng, bảo vệ rừng và thu lợi từ rừng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!