Công trình xanh (CTX) được hiểu trước hết là công trình tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, giảm thải ra môi trường, đặc biệt đề cao chất lượng sống cho người sử dụng, được coi là xu hướng phổ biến trong tương lai. Theo số liệu đưa ra tại Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2020 vừa kết thúc ngày 11-12, thực tế sau hơn 10 năm triển khai, cả nước có chưa đến 150 công trình (tính cả gần 1/3 trong số đó đang chờ xét duyệt) đạt tiêu chuẩn CTX. PGS, TS, KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng, 150 CTX trong 10 năm là một tốc độ rất vừa phải nhưng cho thấy, CTX đã dần trở thành xu hướng phát triển rất đáng khích lệ: luôn đề cao tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Trường liên cấp Genesis (Tây Hồ, Hà Nội) hay đón các đoàn khách đến tham quan học hỏi, bởi đây là ngôi trường đầu tiên ở Việt Nam nhận chứng chỉ LOTUS Vàng (tiêu chuẩn CTX). Với những vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, thiết kế ưu tiên nhiều mảng xanh và khí trời tự nhiên, nhờ đó, trường tiết kiệm được gần 70% năng lượng, lượng nước sử dụng giảm nhiều.
Người dân ở các đô thị lớn những năm gần đây phải đối mặt với bụi mịn, ô nhiễm không khí ở mức đáng báo động. TS, KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng) cho biết: Một CTX đem lại nhiều lợi ích bền vững như giảm khoảng 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng và khoảng 30% chi phí bảo dưỡng công trình. CTX đáp ứng chất lượng sống ngày một cao hơn của con người, mặc cho chi phí xây dựng các CTX so với công trình thông thường tại Việt Nam ước tính bị đội lên 10 đến 15%. Nhiều người mua căn hộ chỉ tìm vị trí đẹp, giao thông thuận tiện mà hoàn toàn không quan tâm đến yếu tố xanh như chủ đầu tư dùng đèn gì, tiết kiệm nước ra sao... trong khi đó chính là giải pháp căn cơ nhất cho lời giải bài toán ô nhiễm môi trường sống hiện nay.
Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã từng thể hiện cam kết mạnh mẽ với quốc tế khi tham gia vào Nghị định thư Kyoto hay gần đây là Thỏa thuận Paris (COP21). Các cam kết này đã được hiện thực hóa trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, các doanh nghiệp phát triển dự án ít nhiều có sự chuyển đổi trong tầm nhìn và định hướng phát triển, hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và tiết kiệm năng lượng. Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (bằng tự lực) và 27% (nếu có sự hỗ trợ của quốc tế). Việc đề ra bộ quy chuẩn về sử dụng năng lượng, vật liệu xây dựng để làm cơ sở cho các nhà quản lý, đầu tư tham khảo khi quyết định xây dựng các công trình nhà ở vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện.
Việt Nam đang có bốn hệ thống tiêu chí đánh giá CTX, đều được công nhận bởi Hội đồng CTX thế giới với năm tiêu chí cơ bản là vật liệu, địa điểm, nội thất, sử dụng nước và năng lượng. Để thúc đẩy phát triển các CTX, bà Phạm Thúy Loan cho rằng, cần lựa chọn bộ chứng chỉ đánh giá, công nhận CTX chính thức để làm cơ sở cho các chính sách cụ thể khác. Đồng thời, Nhà nước cần tiên phong thực hiện CTX cho các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo quy mô lớn công trình sử dụng vốn công; xây dựng khung hướng dẫn ưu đãi thực hiện CTX thuộc khu vực đầu tư vốn tư nhân; xây dựng bằng các cơ chế ưu tiên, ưu đãi liên quan đến tài chính, phi tài chính; chú trọng việc đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng CTX. "Nhà nước cũng cần có các chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính, mật độ xây dựng, diện tích sàn xây dựng... dành cho các thành phần tham gia xây dựng CTX", ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Đất Việt (Vilandco) kiến nghị. KTS Nguyễn Thúy Loan cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm ở tất cả các nhóm chính sách so với nhiều nước trên thế giới, trong đó hai chính sách đòn bẩy cần được đặc biệt chú trọng là lựa chọn bộ chứng chỉ CTX chính thức và đề xuất lộ trình áp dụng cho các công trình vốn ngân sách...