CON MẮT XANH CỦA NHÀ SƯU TẬP

“Thưởng lãm cái đẹp là một nhu cầu căn bản, như cơm ăn nước uống hằng ngày. Nó không phải câu chuyện mốt, mang tính trào lưu, xu hướng nhất thời kiểu lan đột biến”. Và “cái đẹp thì vẫn luôn ở đó, vẫn đợi chờ mắt xanh thực sự”. Hành trình kiếm tìm, học hỏi không ngừng để có được con “mắt xanh thực sự” ấy đã được Phạm Thị Ðiệp Giang chia sẻ, giản dị nhưng đặc biệt cuốn hút qua cuốn sách mới - Ghi chép của một nhà sưu tập.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà sưu tập Phạm Thị Điệp Giang bên tác phẩm của nghệ sĩ Yayoi Kusama tại Kyoto, Nhật Bản.
Nhà sưu tập Phạm Thị Điệp Giang bên tác phẩm của nghệ sĩ Yayoi Kusama tại Kyoto, Nhật Bản.

Những người đam mê cái đẹp và mơ ước đặt chân vào lãnh địa sưu tập nghệ thuật không chỉ muốn sở hữu mà còn muốn mua bán, trao đổi tác phẩm nghệ thuật như những tài sản giá trị, hứa hẹn nhiều khả năng sinh lời. Với những nhà sưu tập tương lai, tìm câu trả lời thấu đáo cho những thắc mắc buổi ban đầu, kiểu như “người Việt cần bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật”, “phải giàu mới có thể sưu tập” hay “học gì khi cần”, “làm thế nào để nhà sưu tập có được con mắt xanh”, “bức tranh này đáng giá bao nhiêu” không phải là việc dễ dàng!

Rất may, với hành trang hơn hai thập niên lăn lộn trong đa dạng môi trường học tập và làm việc (từ Hàn Quốc-Hà Lan tới Israel-Thụy Sĩ-Mỹ...), với danh sách hàng nghìn bảo tàng-triển lãm-bộ sưu tập thuộc gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ từng tham gia và thăm viếng, những “hạt vàng” mà Phạm Thị Điệp Giang nhẫn nại gom nhặt và chuyển tải trong Ghi chép của một nhà sưu tập đủ sức làm hài lòng bất kỳ ai - dù đang mơ ước đặt chân vào lãnh địa lạ lẫm này hay chỉ đơn giản muốn trang bị cho mình những kiến thức nhập môn mới mẻ.

Không lập ngôn “đao to, búa lớn”, cũng không trưng trổ kiến thức hàn lâm, kinh viện. Không tung hỏa mù, tạo cảm giác choáng ngợp bởi những khái niệm, từ ngữ chuyên ngành, học thuật và cũng không cố tình khiến độc giả bối rối, như thể phải bơi trong một đại dương kiến thức mênh mông không biết đâu là bờ. Qua từng trang sách, Giang tận tình diễn giải, chân thành sẻ chia từ những trải nghiệm thực tế, những “mồ hôi, nước mắt, máu và nhiều hơn thế phải bỏ ra” trên hành trình nhọc nhằn khởi phát từ một người sưu tập không chuyên vốn đam mê gốm, sứ, tranh, tượng... trở thành nhà sưu tập có thái độ nghiêm túc và nghiêm khắc - một Phạm Thị Điệp Giang của bây giờ

CON MẮT XANH CỦA NHÀ SƯU TẬP ảnh 1

“Ghi chép của một nhà sưu tập” - NXB Mỹ Thuật vừa ra mắt độc giả quý III năm 2023.

Ảnh trong bài | NVCC

Như cảm nhận được nhà phê bình/giám tuyển mỹ thuật Lý Đợi chia sẻ sau khi đọc tới trang cuối, những tính cách cần có của một nhà sưu tập được Giang định vị bởi hàng loạt cái gạch đầu dòng. “Bản thân thấy thích thì mới sưu tập và phải coi đó là nhu cầu tự thân, không nên chạy theo bất kỳ ai. Khi đã chọn con đường sưu tập thì phải sớm định vị gu thẩm mỹ và kiên trì đi theo, với định hướng luôn có sự thanh lọc, phản biện và tiến hóa. Phải xác định sưu tập là niềm vui sống chứ không chỉ là hoạt động đầu cơ thuần túy, nên cứ bình tĩnh cảm, thong thả hiểu rồi hãy quyết định đầu tư”. Xuyên suốt cuốn sách, Giang luôn đề cao và nhấn mạnh niềm vui nhận lại trong hành trình sưu tập, bởi “làm gì cũng cần vui, bộ sưu tập không có niềm vui của chủ nhân thì chắc như bữa ăn ngon bị bỏ nguội, nhai vào trệu trạo lắm”.

Kiên định với những quan điểm đậm đặc dấu ấn cá nhân như “chỉ sưu tập tác phẩm của nghệ sĩ còn sống” hay “không dễ dãi - không mặc cả với nghệ sĩ”, lý giải của Giang rất đáng suy nghĩ, rằng “người chết chẳng cần tiền nữa, còn các nghệ sĩ đương đại cần tài chính để hỗ trợ những sáng tạo của bản thân được ra mắt công chúng”.

Sau những buổi trò chuyện với bạn bè về thú vui sưu tập, sau những lần xem triển lãm hay bảo tàng ở khắp nơi trên thế giới hay khi chiêm ngắm các tác phẩm nghệ thuật tại những xưởng sáng tác của nghệ sĩ, những dòng tâm sự gần với (hoặc chính là) một status trên trang facebook cá nhân của Giang với nickname Zenda Găm - nhà sưu tập đầy cá tính này khiến người đọc có thể tiếp cận những gì chị muốn chia sẻ một cách nhẹ nhõm, dễ dàng. Dưới góc nhìn của nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi, có được điều đó là bởi “bản thân Giang rất giỏi tiếng Việt, lại làm thơ, viết văn nên cấu tứ gọn và sắc. Giang cũng rất sành sỏi về truyền thông và giáo dục nên biết cách truyền đạt những vấn đề khô cứng một cách mềm mại, không giáo điều. Nhờ thế, độc giả có thể lật giở bất kỳ trang nào, nhẩn nha đọc, chậm rãi cảm nhận, thong thả suy tư và không nhất thiết phải tiếp nhận thông tin theo trình tự tuyến tính từ đầu tới cuối”.

CON MẮT XANH CỦA NHÀ SƯU TẬP ảnh 2
Nhà sưu tập Phạm Thị Điệp Giang ở Bảo tàng Gustave Moreau - Paris, Pháp.

Hơn 200 trang sách, gói gọn 91 đề mục được tác giả sắp xếp khá ngẫu hứng cả về chủ đề lẫn nội dung đề cập. Tất cả được chuyển tải qua một ấn phẩm đẹp tinh tế. Đẹp từ tổng thể đến từng chi tiết. Đẹp từ chất liệu giấy đến thiết kế trình bày, đẹp từ hình ảnh tới phông chữ. Đẹp đủ để trân trọng lưu giữ trong tủ sách gia đình, để thỉnh thoảng lật giở, nhâm nhi. Để chợt nhận ra, “thứ duy nhất có thể an ủi tâm hồn một con người, sau tất cả, có lẽ vẫn là cái Đẹp - của tự nhiên hay của nghệ thuật”.

Cuốn sách như một lời tâm tình thủ thỉ, của người đi trước dành cho kẻ bước sau, thông qua một tập hợp những ghi chú mang tính ngẫu hứng, ghi lại những nghĩ suy, trăn trở cùng những xúc cảm, chiêm nghiệm trên hành trình kiên nhẫn, đơn độc để trở thành một nhà sưu tập chuyên nghiệp. Cuốn sách cũng như một lời động viên, khuyến khích người trót yêu cái đẹp tự tin bước vào thú vui mới, “nhưng với một tâm thế được chuẩn bị tốt hơn, để tránh những va vấp không đáng có trên con đường thú vị, khó đoán định và đôi khi cũng có phần nghiệt ngã của người sưu tập”.

Bộ sưu tập mang tên Zanga Arts Space của Phạm Thị Ðiệp Giang bao gồm ba mảng chính: Gốm sứ giai đoạn Lý-Trần-Lê của Việt Nam và gốm sứ đương đại Việt Nam-Hàn Quốc-Nhật Bản; tranh và tác phẩm đương đại Việt Nam trải dài 6 thế hệ với chất liệu đa dạng của những nghệ sĩ tên tuổi có năm sinh nằm trong khoảng 1940 đến 2000; các tác phẩm thangka và tượng Phật trên nhiều chất liệu đến từ nhiều quốc gia Phật giáo. Một phần trong số đó hiện diện qua những hình ảnh minh họa trong cuốn ghi chép này, với cận cảnh những góc nhỏ tư gia được sắp đặt tinh tế, được gửi gắm trọn vẹn tình yêu, được chăm chút kỹ lưỡng bởi một nhà sưu tập rất yêu, rất hiểu và luôn tôn thờ cái đẹp.