Trên thế giới có đến 4 mô hình quản lý giáo viên.
Thứ nhất là mô hình quản lý tập trung (như ở Pháp và Nhật Bản), việc quản lý giáo viên được thực hiện chủ yếu bởi chính quyền trung ương (Bộ Giáo dục). Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo và đánh giá giáo viên. Các tiêu chuẩn và chính sách giáo dục được thống nhất, áp dụng đồng nhất trên toàn quốc. Mô hình này có ưu điểm là bảo đảm tính nhất quán trong chất lượng giáo dục; dễ dàng kiểm soát và thực hiện các cải cách giáo dục ở cấp quốc gia, nhược điểm là thiếu tính linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu và điều kiện cụ thể của địa phương và có thể dẫn đến quá tải cho các cơ quan trung ương.
Thứ hai là mô hình quản lý phân cấp (như ở Canada và Mỹ), việc quản lý giáo viên được phân cấp cho các cấp địa phương như tiểu bang hoặc tỉnh. Các cơ quan giáo dục địa phương có quyền tự chủ tuyển dụng, bổ nhiệm và quản lý giáo viên, chính quyền trung ương chỉ đưa ra các hướng dẫn và tiêu chuẩn chung. Mô hình này có ưu điểm là linh hoạt và phù hợp hơn với đặc thù của từng địa phương; khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong quản lý giáo dục nhưng có nhược điểm là có thể dẫn đến sự không đồng nhất về chất lượng giáo dục giữa các khu vực và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý để bảo đảm hiệu quả.
Thứ ba là mô hình kết hợp (như ở Đức và Australia), có sự kết hợp giữa quản lý tập trung và phân cấp. Chính quyền trung ương thiết lập các tiêu chuẩn và chính sách khung, các cơ quan địa phương chịu trách nhiệm triển khai và quản lý cụ thể. Tuy ưu điểm là bảo đảm tính thống nhất về tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, duy trì sự linh hoạt và phù hợp với địa phương, tạo điều kiện cho sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp quản lý nhưng nó cũng có nhược điểm là cần sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các cơ quan trung ương và địa phương, và có thể phức tạp trong việc triển khai, giám sát.
Thứ tư là mô hình tự quản (như New Zealand và một số bang của Mỹ), các trường học có quyền tự chủ cao trong quản lý giáo viên và các hoạt động giáo dục. Hội đồng nhà trường, bao gồm đại diện từ phụ huynh, giáo viên và cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định. Mô hình này có ưu điểm là tạo điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng, tăng tính tự chủ cho các trường học và thúc đẩy sự sáng tạo, cải tiến trong quản lý giáo dục, nhưng nhược điểm là có thể dẫn đến sự không đồng nhất về chất lượng giáo dục nếu thiếu sự giám sát chặt chẽ. Nó cũng đòi hỏi năng lực quản lý cao từ phía các trường học và hội đồng nhà trường.
Mỗi mô hình quản lý giáo viên đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Việc lựa chọn mô hình phù hợp phụ thuộc vào các yếu tố như văn hóa, chính trị, kinh tế và mục tiêu giáo dục của từng quốc gia.
Đối với Việt Nam, mô hình quản lý phân cấp, phân quyền (gần với mô hình thứ hai) có lẽ là phù hợp hơn cả. Theo mô hình này, tham gia quản lý giáo viên sẽ gồm Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Nội vụ và các cấp quản lý địa phương.
Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm ban hành chính sách, tiêu chuẩn chất lượng, khung chương trình; tổ chức các chương trình bồi dưỡng; kiểm tra việc thực hiện chính sách giáo dục. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm ban hành quy định về tuyển dụng, lương bổng, phụ cấp; quyết định phân bổ biên chế giáo viên. Các cấp quản lý địa phương (Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, trường học) chịu trách nhiệm tuyển dụng, đánh giá, khen thưởng giáo viên; triển khai kế hoạch giảng dạy; quản lý ngân sách và cơ sở vật chất; đào tạo và phát triển giáo viên tại địa phương; giám sát hoạt động giáo dục và báo cáo cho Bộ GD&ĐT.
Do có nhiều chủ thể tham gia quy trình quản lý giáo viên nên rất cần một cơ chế phối hợp, bao gồm hệ thống thông tin liên lạc và báo cáo trực tuyến, cùng các nhóm công tác liên ngành và hội nghị định kỳ để giải quyết các vấn đề.
Sự phù hợp của mô hình này còn bởi tăng cường tính tự chủ, giúp các địa phương điều chỉnh chính sách giáo dục phù hợp đặc thù riêng. Nó cũng giúp nâng cao chất lượng giáo dục qua đào tạo chuyên môn liên tục và giảm tải công việc cho cấp trung ương, cho phép cấp trung ương tập trung vào chính sách và giám sát.