Làng nói trạng Vĩnh Hoàng nổi tiếng không chỉ trong vùng Vĩnh Linh (Quảng Trị) mà đã lan rộng trong nam, ngoài bắc. Nay, Huỳnh Công Tây không chỉ nổi tiếng nói trạng mà còn nổi tiếng là "làng tử tế" - cái tên mới có sau khi Huỳnh Công Tây làm được cái việc khác người là xây cất được nghĩa trang cho những nấm mồ vô thừa nhận.
"Làng tử tế"
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghĩa địa âm hồn, một cụ già trong làng phân bua: "Tục xủi mả (tảo mộ) thì việc làng đã có lâu đời. Còn nghĩa địa âm hồn, vì bà con thấy thương cảm cho những mộ vô chủ, nằm đơn độc, không được thờ tự cho nên quy tập lại cho phải đạo đời, có chi mà lớn?". Ðể ra nghĩa địa âm hồn làng Huỳnh Công Tây, ông giáo về hưu Trần Duy Anh (72 tuổi) là Hội phó Hội Người cao tuổi làng, dẫn lối chúng tôi qua đoạn đường hơn hai cây số trải qua những bãi ngô, những ruộng lạc và mấy vườn cao-su xanh hút mắt. Thầy vừa đi, vừa giới thiệu về làng: "Người làng nói riêng và dân Vĩnh Tú là thế! Không ham hố những việc cao sang, những chốn đô hội. Bà con sống thuần nông, biết tận dụng chất thổ tốt mà tích cực chăm bẵm cây trồng là no đủ suốt mùa. Nét giải trí đặc sắc của người làng là sáng tác và kể chuyện trạng để xoa dịu bớt mệt nhọc sau ngày lao động vất vả".
Theo như lời thầy Anh, không phải đợi đến hôm nay, khi cuộc sống đã khá lên người làng mới "phú quý sinh lễ nghĩa". Mà theo lối ôn cố tri tân, đặc biệt là chuyện lễ nghĩa với người đã khuất nhưng không người thân thích hương khói đã thành một tập tục truyền đời lâu nay ở đất Huỳnh Công Tây. Tục xủi mả cho những ngôi mộ vô chủ đã có lâu đời và diễn ra vào mồng bốn Tết hằng năm. Nếu gia đình nào không tham gia, sẽ bị phạt. Tập tục này đã thành thứ hương lửa nồng cháy không bao giờ tắt trong lòng mỗi người dân nơi "đất trạng".
Cứ mồng bốn Tết hằng năm, dân làng tổ chức xủi mả và dâng âm hồn với lễ vật cúng gồm bánh kẹo, hoa quả, xôi nếp... được bà con chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Thời Pháp thuộc, làng vẫn tổ chức cúng tại vùng rú Cấm, cào đất lại, đắp thành nền để đặt lễ vật. Thời chống Mỹ, người ở "đất thép" Vĩnh Linh đều phải sơ tán hết cho nên dân làng không cúng tế hằng năm được. Hòa bình trở về, làng vẫn giữ tục xưa, tổ chức cúng âm hồn ở ngoài động ông Ðồn.
Rồi năm 1997, các bô lão Huỳnh Công Tây sau nhiều bận tính toán đã họp nhau lại và thống nhất: Mộ vô chủ phân tán rải rác cho nên khó quản lý, rất mất công cho việc cúng tế, hương khói, công tác sửa sang mồ mả hằng năm. Thêm nữa sẽ khó khăn cho chính quyền địa phương khi quy hoạch đất sản xuất, xây dựng nông thôn, làng xã mới. Làng nên tổ chức quy tập những ngôi mộ này về một khu vực. Dân gật đầu đồng ý ngay, "nhưng bà con còn nghèo, chưa thể tiến hành việc nghĩa ấy trong phút chốc được" - thầy Trần Duy Anh giãi bày.
Bởi chất mộc mạc, thuần khiết trong đời sống của người dân làng quê thì họ đối xử nồng hậu với nhau là lẽ đã đành. Nhưng ở Huỳnh Công Tây, đến cả những ngôi mộ vô chủ, những nắm xương tàn, những "cô hồn" không người thờ tự cũng được bà con "đối đãi" hết lòng... Xưng danh "Làng tử tế", hẳn không sai.
Những mộ phần không cô đơn
Ðến năm 2002, làng huy động mỗi hộ đóng góp mười nghìn đồng và kêu gọi nhiều nguồn hỗ trợ khác. Nhiều của ít thành một của nhiều, một số tiền tạm đủ cũng đã có. Ngày tổ chức quy tập, ai cũng nhiệt tình xắn tay áo, cật lực cất bốc. Các cụ già đi trước đánh dấu các mộ phần, trai trẻ thanh niên hì hục cuốc, xẻng. Trẻ con làng tung tăng đứa xách bình dâng nước, mời thuốc. Các cụ già móm mém răng đen têm trầu mời khách... Huỳnh Công Tây hôm ấy vui như hội.
Theo các lão làng cho biết, những "âm hồn" cô đơn ấy là các mộ người mất đã lâu. Trong đó, có hài cốt của những người tha phương cầu thực. Có những hài cốt là tổ tiên của con cháu đã đi làm ăn xa, sau trở về lại làng thì thất lạc tìm không ra. Có những mộ phần đã bị tuyệt tự, không người hương khói. Theo nhiều người làng, có những hài cốt khi quy tập còn thấy ở địa điểm là chiến trận ác liệt thời chống Mỹ. Và người làng nghi có thể là hài cốt liệt sĩ. Nhưng vẫn chưa thể chứng minh được... "Số mộ quy tập được trong đợt ấy là 396 ngôi. Theo tính toán của các cụ lão trong làng sau khi khảo sát, thì còn khoảng hai trăm ngôi nữa chưa được quy tập. Chúng tôi dự định sẽ quy tập hết vào cuối năm nay. Muốn cho bà con làng đỡ chật vật nên chúng tôi phải làm từng bước" - cụ Trần Hữu Chư, Hội trưởng Hội người cao tuổi làng bộc bạch.
Một người con của Huỳnh Công Tây là anh Trần Hữu Chút, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh lúc ấy, đã bỏ tiền túi ủng hộ 300 nghìn đồng để phúng điếu cho các hương hồn không may, đón "nhà mới". Làng đã dùng số tiền này để dựng một bia chung cho những phần mộ âm hồn. 396 phần mộ vẫn chỉ mới được đắp tạm đất vì chưa đủ điều kiện để xây. Những người tâm đắc và hết lòng với việc nghĩa ấy như ông Chư, thầy Anh lại tiếp tục kêu gọi vận động quyên góp.
Năm 2008, khi đã có trong tay thêm bốn chục triệu đồng, các bô lão làng lại thêm lần nữa tổ chức chỉnh trang lại khu nghĩa địa. Ðể có được nghĩa địa âm hồn có cổng vào, khắc chữ, bia miếu, các mộ phần được xây kiên cố như hiện nay. Phải được đổi bằng những tấm lòng nỗ lực, tận nghĩa đối với những âm hồn. Riêng 270 cụ trong Hội Người cao tuổi làng phải chắt chiu, đóng góp cả mấy năm mới được mười triệu đồng và vận động con cháu làng từ khắp trong nam, ngoài bắc đóng góp thêm.
Thầy Anh dự tính: "Ðể giữ lâu dài, chúng tôi sẽ xây tường rào bảo vệ khu nghĩa địa âm hồn vào cuối năm. Cùng lúc đó, sẽ tiến hành quy tập hết hai trăm mộ phần vẫn còn đang đơn độc ngoài kia. Hiện Hội Người cao tuổi đang có hai ha rừng tràm sắp cho khai thác. Tiền khai thác tràm sẽ được dành toàn bộ cho việc quy tập, chỉnh trang cũng như duy trì các hoạt động cho nghĩa địa hằng năm".
Ðến nghĩa địa âm hồn làng Huỳnh Công Tây buổi cuối chiều. Gần bốn trăm nấm mộ thẳng tắp, nghi ngút khói hương. Nhưng, chốn cát bụi tha ma chẳng gây cho chúng tôi một cảm giác lạnh ngợp mà càng thấy lòng thêm ấm đến lạ kỳ. Bởi tình người, hiếu đạo đầy chất nhân văn.