Làng nghề “vượt bão” Covid-19

Hiện, các làng nghề truyền thống của TP Hà Nội gặp khó khăn do dịch Covid-19. Hàng hóa ứ đọng, nguồn thu giảm khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn.

Khu trưng bày sản phẩm của cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Tưởng Ngân, xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội).
Khu trưng bày sản phẩm của cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Tưởng Ngân, xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội).

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Điểm, huyện Thường Tín, chủ doanh nghiệp gỗ Tài Quỳnh, Hoàng Kỳ Tài cho biết, bàn ghế, sập gụ đã được hoàn thiện đến công đoạn cuối cùng chỉ còn chờ giao cho khách, nhưng phải đắp chiếu nhiều tháng nay do dịch Covid-19 bùng phát, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Khách đặt hàng không thể về lấy, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của ông và hàng trăm doanh nghiệp khác trong xã bị đọng vốn, không có tiền trả cho lao động.

Thời điểm chưa có dịch, làng nghề gỗ cao cấp Vạn Điểm hoạt động như một công xưởng lớn với lượng khách lên tới cả nghìn người (bao gồm 70% là các khách quen đến mua hàng bán tại các siêu thị đồ gỗ, công ty thiết kế nội thất; 30% còn lại là khách vãng lai mua về phục vụ cuộc sống). Nay số lượng giảm hẳn, hàng hóa “đóng băng” vì không có giao dịch. Để “vượt bão” Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động ngay cả với những người có tay nghề cao.

Cùng có lợi thế giao thương thuận lợi, làng nghề gốm sứ truyền thống Bát Tràng cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh, Trần Đức Tân chia sẻ, HTX bị sụt giảm khoảng 50% số đơn hàng. 50% còn lại gặp khó do khâu vận chuyển hàng gần như bị tê liệt, từ đó, doanh thu HTX giảm nghiêm trọng. Khi chưa có dịch, HTX có khoảng 25 đến 30 công nhân thường xuyên làm việc, doanh thu đạt từ năm đến sáu tỷ đồng/năm. Nhưng thời điểm hiện tại, thực hiện giãn cách xã hội, HTX phải cho toàn bộ công nhân nghỉ việc. 

Tuân thủ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hầu hết làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội phải cắt giảm nhân công, thu hẹp sản xuất về quy mô gia đình.

Theo Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Hà Nội, Nguyễn Văn Chí, để duy trì sản xuất, giúp các làng nghề vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ, thành phố cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề. Cụ thể, theo kế hoạch năm 2020, Hà Nội hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu (kinh phí 500 triệu đồng/làng) nhưng qua rà soát, ngành nông nghiệp đã đề nghị thành phố nâng số lượng cần hỗ trợ lên 20 làng.

Ngoài hỗ trợ kinh phí trực tiếp, thành phố cũng tạo điều kiện tốt nhất cho cơ sở sản xuất làng nghề tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; tiếp tục hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thông qua việc trang bị kỹ thuật, kiến thức bán hàng online trên các nền tảng trực tuyến.

Nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, TP Hà Nội, giao thương tại làng nghề gỗ Vạn Điểm và làng gốm Bát Tràng đã chuyển từ hình thức bán trực tiếp sang bán hàng trực tuyến thông qua các trang web kinh doanh. Anh Phùng Đăng Tường, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Tưởng Ngân (thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm, Thường Tín) cho biết, cơ sở sản xuất của anh đang xây dựng trang web kinh doanh online. Còn doanh nghiệp gỗ Tài Quỳnh cũng đã triển khai kênh bán hàng trực tuyến.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Hoàng Kỳ Tài, việc bán hàng trực tuyến thường không thu được tiền ngay do khách hàng chỉ đặt một phần giá trị sản phẩm, hoặc đặt lượng hàng rất nhỏ, khiến chi phí vận chuyển bị đội lên cao. Nhưng dù là vậy, kênh bán hàng online vẫn được các doanh nghiệp gỗ tại xã và Hiệp hội Nghề gỗ khuyến nghị nên thực hiện để duy trì sản xuất làng nghề.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp gỗ của Vạn Điểm đã xuất hiện trên gian hàng thương mại điện tử như Lazada, Sendo... và để giữ thợ lành nghề, không ít doanh nghiệp đã tổ chức lại sản xuất, thay vì tập trung một chỗ. Doanh nghiệp cho công nhân mang nguyên liệu về nhà làm nhằm giảm tiếp xúc, nguy cơ lây bệnh… giúp người lao động chủ động được thời gian, có thêm thu nhập.

Tại làng gốm Bát Tràng, tận dụng thời gian giãn cách, các nghệ nhân gốm sứ đã và đang tìm tòi, nghiên cứu ra những mẫu mã, sản phẩm chất lượng. Hiện, nhiều sản phẩm gốm, sứ Bát Tràng đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao và đang chờ chứng nhận cấp 5 sao quốc gia.