Chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) cả nước kiên quyết xử lý vi phạm về nồng độ cồn “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” có tác dụng răn đe, ngăn ngừa hiệu quả, tạo chuyển biến của người tham gia giao thông “đã uống rượu bia thì không lái xe”, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
CSGT thành phố Hải Phòng kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe ô-tô.
CSGT thành phố Hải Phòng kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe ô-tô.

Lái xe sau khi uống rượu bia không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà cả những người tham gia giao thông, gây nhiều hệ lụy. Nhiều tai nạn giao thông thảm khốc đã xảy ra bởi khi có rượu bia kích thích, các “đệ tử Lưu Linh” giảm khả năng tự chủ tay lái, phản xạ, dễ buồn ngủ, thậm chí còn lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu.

Theo Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), từ ngày 30/8 đến 5/10, tại 45 tỉnh, thành phố, 6 tổ công tác của Cục phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, cùng Công an các đơn vị địa phương kiểm soát hơn 150.000 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho Công an địa phương xử lý hơn 5.200 trường hợp vi phạm, trong đó xác định có 5.053 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn (có 192 cán bộ, công chức, viên chức), 44 trường hợp không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn. Ngoài xử phạt hành chính, lực lượng CSGT còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cán bộ công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan. Việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn tập trung ở nhiều tuyến đường trọng điểm, nhất là khu vực có nhiều quán bar, nhà hàng, quán nhậu.

Không ít người vi phạm bất hợp tác, thậm chí chống đối lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ như quay đầu xe bỏ chạy, đổi tài xế, tăng tốc vượt qua chốt, “cù nhầy” đòi kiểm tra tính xác thực của máy đo nồng độ cồn, cố thủ trong xe, lao xe vào tổ công tác... hoặc gọi điện trì hoãn, nhờ can thiệp, trình bày đang chở người nhà đi cấp cứu mong được “thông cảm”, bỏ qua lỗi. Tối 7/9, trên đường Lê Hồng Phong (Ngô Quyền, Hải Phòng), Phạm Trung Dũng điều khiển xe ô-tô BKS 30A- 872.09 không chấp hành thổi nồng độ cồn; có thái độ, lời nói phản cảm, xúc phạm, bôi nhọ làm mất uy tín, đưa ra nhiều yêu cầu trái các quy định, cản trở lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ, đã bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ. Nhiều đối tượng đăng thông tin báo chốt kiểm tra nồng độ cồn lên mạng xã hội để người điều khiển phương tiện né chốt, tránh sự kiểm soát, xử lý của lực lượng chức năng cũng bị xử lý nghiêm.

Trong chín tháng đầu năm, lực lượng CSGT cả nước phát hiện, xử lý hơn 547.000 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Kiểm tra gắt gao, xử lý nghiêm giúp phát hiện, ngăn chặn lái xe uống rượu bia từ sớm, từ xa, người tham gia giao thông yên tâm hơn khi di chuyển trên đường. So với trước đây, tình trạng vi phạm nồng độ cồn đã giảm nhiều, tuy nhiên vẫn còn một số người “ham vui”, cố tình lái xe sau khi đã sử dụng bia rượu; vi phạm gia tăng vào dịp lễ, Tết. Một số “dân nhậu” cho biết CSGT xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, mức phạt rất cao, không thể xin xỏ nên hôm nào “trót vui” thì đi xe ôm, taxi về nhà.

Để duy trì hiệu quả lâu dài cần bền bỉ trong tuyên truyền và xử phạt. Làm sao để tạo thành thói quen, trở thành ý thức thường nhật của người tham gia giao thông “đã uống rượu bia không lái xe”, không chỉ chấp hành khi thấy lực lượng chức năng ra quân. Đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ... với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả; tổ chức ký cam kết để nâng cao nhận thức và làm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông; chủ nhà hàng, quán nhậu, karaoke thực hiện nghiêm việc nhắc khách không lái xe sau khi uống rượu bia, có biện pháp đưa khách đã uống rượu bia về tận nhà an toàn. Các doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe nêu cao ý thức tự giác, chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông... Ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu để tăng nặng chế tài xử phạt, có hình phạt bổ sung đối với trường hợp vi phạm nồng độ cồn như áp dụng phạt lũy tiến, buộc thi lại giấy phép lái xe, lao động công ích...