Mùi vị ký ức

Chuông ngân ngày tháng cũ

Tôi đến Dane, thị trấn nhỏ xinh đẹp cách thủ đô Ljubljana của Slovenia chừng hơn một giờ lái xe đúng đêm trước sinh nhật, lòng dạ ngổn ngang, vừa háo hức khám phá một miền đất lạ, vừa thảng thốt chia tay hôm qua, thắc thỏm chờ đợi ngày mai. Khách sạn Grahor, ngôi biệt thự hai tầng nằm lưng đồi, sảnh vào có lò sưởi đốt củi kiểu cổ, lửa reo tí tách, ấm sực.
0:00 / 0:00
0:00
Chuông ngân ngày tháng cũ

Phòng tôi trên tầng hai, cửa sổ nhìn ra khu vườn chớm đông nhiều cây vắng lá. Yên tĩnh đến nỗi tôi nghe thấy cả nhịp tim mình rung những tiếng chuông. Tiếng chuông đồng hồ cuộc đời. Thời gian trò chuyện với tôi. Tôi trò chuyện với chính mình. Đêm rời đi lúc nào chẳng rõ. Nắng mai rón rén xuyên qua ô kính, in dấu chân pha lê lấp lánh khắp căn phòng nhỏ. Tôi mặc áo ấm, mở hé cánh cửa, không khí luồn vào, buôn buốt, mà dễ chịu. Đỉnh núi xa xa đã phủ trắng tuyết, nhưng trong vườn, những vầng lá đỏ cuối cùng vẫn rực lên như lửa. Có tiếng gõ cửa. “Tinh mơ, ai gọi thế nhỉ?” - tôi nghĩ bụng.

Cửa mở, ánh mắt tôi chạm mầu đỏ thắm của những đóa hoa hồng. “Xin chào buổi sáng! Chị có điện hoa đây!” - cậu lễ tân tươi cười nói. Vô cùng ngạc nhiên, tôi cảm ơn cậu, đón lấy bó hoa còn đẫm sương. Đọc dòng chữ in trên tấm thiệp, tôi mới biết, hoa được đặt mua qua mạng internet, từ bên kia đại dương. Một tiệm hoa ở Dane nhận đơn hàng, chuyển đến đúng sinh nhật tôi.

Tình cờ, Arvis Viguls, người Latvia, một trong sáu nhà thơ tới Dane tham dự Workshop Dịch thơ của chúng tôi, cũng sinh nhật hôm ấy. Bữa tối đầu tiên trở thành bữa tiệc sinh nhật chung, ấm cúng, với những món đặc trưng ẩm thực Slovenia. Khai vị là Štruklji - bánh cuộn pho-mai tách kem trộn lá tarragon, rồi Močnik - cháo sữa yến mạch ngô và xúc xích Kranjska Klobasa nổi tiếng.

Kranjska có nguồn gốc thuộc vùng núi Gorenjska, từ năm 1896, qua mấy thể kỷ đã trở thành món ăn quan trọng trong các bữa tiệc ở Slovenia. Kranjska truyền thống được chế biến từ thịt lợn tươi, thịt lợn xông khói, trộn một lượng nhỏ thịt bò cùng nhiều tỏi và tiêu đen, nướng lò than, bày trên khay gỗ, chấm mù-tạc vàng, ăn với bánh mì vỏ giòn.

Tôi làm một lát Kranjska đậm đà, nhấp ngụm vang Movia dòng Cabernet Sauvignon ủ tận mấy mùa nho trước, lâng lâng mùi khói mỏng, mùi rừng, mùi đất ẩm, mùi những cánh hồng đẫm sương, mùi chocolate đắng... Arvis và tôi được nhà hàng tặng mỗi người một chiếc bánh Premurska Gibanica có nhiều lớp nhân, gồm táo, hạt dẻ, pho-mai, trên phủ kem chua thơm dịu. Chúng tôi lần lượt thổi nến.

Tôi thầm ước một điều vô cùng giản dị: tin nhắn chúc mừng sinh nhật của một người. Từ sáng, tôi đã nhận rất nhiều lời chúc, nhưng không có lời nào từ anh. Anh từng thừa nhận, như cách chống chế vụng về, mỗi lần anh quên một điều lẽ ra nên nhớ: “Em thấy đấy, trí nhớ của anh rất tệ. Đến sinh nhật anh, đôi khi anh cũng lãng mất”... Tiếng hát trong, cao vút của Francesca, cô bạn người Ý hòa cùng giọng Arvis dầy, ấm, kéo tôi về bữa tiệc.

Họ hát phiên bản tiếng Anh bài Con Te Partirò, một bản tình ca Ý nổi tiếng được ca sĩ người Ý Andrea Bocelli hát lần đầu năm 1995. Cũng chính Andrea Bocelli và nữ danh ca người Anh Sarah Brightman từng song ca phiên bản tiếng Anh này. Tiệc vui, mà lời bài hát nao lòng: Khi có mình em, em mơ một chân trời. Và mọi lời đều bất lực. Phải rồi, em biết, không có ánh sáng nào trong căn phòng, khi mặt trời khuất vắng. Nếu không có anh ở đó, cùng em...

Đã khuya, tôi trở về phòng. Không gian ướp hoa hồng. Mùi hương an ủi. Món quà bất ngờ của người bạn cũ làm tôi vui và cảm động bao nhiêu thì lời chúc tôi mong chờ cả ngày hôm ấy mà chẳng thấy đâu khiến tôi buồn bấy nhiêu. “Hôm nay sinh nhật em. Anh ở đâu thế?” - tôi soạn tin, do dự giây lát mới nhấn gửi.

Chuông ngân ngày tháng cũ ảnh 1

Một lúc sau, anh trả lời: “Anh chuẩn bị quà rồi. Anh nghĩ để khi gặp nhau, ngồi với nhau thì ý nghĩa hơn. Bên ấy em có làm gì vui không? Nhớ em rất nhiều!”. Đọc những dòng hỏi han muộn màng, đặc biệt câu cuối, bào chữa cho sự đãng trí vô tình, tôi sực tỉnh, bật cười tự giễu mình. Chỉ tại tôi mơ mộng, tỉ mẩn nặn một hình mẫu rồi đặt anh vào đó. Hình mẫu đó không vừa với anh.

Sau năm ngày bận rộn ở Dane, chúng tôi quay lại Ljubljana dự hội chợ sách và hội thảo. Bữa tiệc kết thúc workshop kéo dài đến đêm. Theo lời mời của một người trong nhóm, chúng tôi tiếp tục ra quán bar LGBT, uống và nghe nhạc jazz. Quá nửa đêm, tôi bắt đầu thấm mệt, muốn quay về khách sạn. “Cậu ra cổng, rẽ phải, đi qua hai ngã tư, lại rẽ phải tiếp là về đến khách sạn nhé, khoảng mười lăm phút cuốc bộ thôi!” - Một “thổ công” dặn. Đường vắng ngắt. Thời tiết lạnh chừng 0 độ, chưa có tuyết nhưng buốt cóng.

Tôi rảo bước, đi mãi, qua một ngã tư, hai ngã tư, rẽ phải đúng như chỉ dẫn, rồi lại đi tiếp nữa, chừng hai mươi phút, vẫn chưa thấy khách sạn đâu cả. Thảng hoặc có vài người đi ngược phía tôi, rồi họ xa dần, chỉ còn tiếng bước chân tôi gõ vào đêm vắng. Tôi đã qua đủ mấy ngã tư từ khi rẽ phải, càng đi càng thấy lạ. “Thôi chết, không lẽ mình lạc đường?!”, tôi hoảng hốt nghĩ.

Điện thoại của tôi lúc ấy không có 3G. Google Map bất động. Thật đoảng, tôi chẳng lưu số điện thoại nào của những người bạn ở quán bar, cũng sơ ý không cầm theo địa chỉ và số điện thoại khách sạn. Gay go rồi! Tôi quyết định dừng lại quan sát, thấy mình đang đứng trước cổng một nghĩa trang. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, tôi co rúm người lại, vùi mặt vào cổ áo lông vũ. Nghĩa trang châu Âu thường giống những công viên bình yên với cây xanh, hoa lá, và những bức tượng đá tinh xảo; có cả những ghế băng và bãi cỏ rộng để mùa hè mọi người vào thư giãn.

Trẻ em nô đùa bên hoa. Người già đi dạo qua những con đường rải sỏi; Sinh viên nằm dài trên ghế đọc sách; Các cặp đôi tình tự dưới tán cây... Nhưng bây giờ mùa đông, quá nửa đêm, bóng thập giá trên những ngôi mộ thấp thoáng ẩn hiện. Tôi hoang mang, cô đơn và sợ. Đầu óc liêng biêng. Một cơn choáng khiến tôi chao đảo khụy xuống. Tôi cố trấn tĩnh, hít thở thật sâu vài phút, gượng đứng dậy và chạy! Tôi lao vun vút, toàn thân tê cóng. Có tiếng lộp cộp đuổi theo. Tôi cố tăng tốc. Âm thanh ấy cũng tăng tốc. Tiếng chuông trong ngực tôi gióng lên hối hả. Tiếng thở gấp, rồi tiếng gọi lào thào theo gió thoảng. Tôi không dám ngoái đầu lại, cứ thế loạng choạng chạy, chạy kiệt sức, lịm đi...

Khi mở mắt, tôi lờ mờ nhận ra mình nằm trên sofa, trong một căn phòng ấm áp, rèm cửa mầu nâu nhạt. Rồi tôi nhìn thấy đôi nam nữ còn trẻ đang ngồi bên ghế đối diện, nhìn tôi lo lắng. Cô gái mảnh khảnh, đeo khuyên mũi, tóc nhuộm xanh biếc, chàng trai cao lớn, đầu húi cua, cánh tay xăm trổ. Tôi giật mình, thảng thốt: “Tôi đang ở đâu? Các bạn là ai?”. Cả hai vui mừng reo bằng tiếng Slovenia.

Rồi chàng trai nói tiếng Anh: “Bọn em đi bar về, thấy chị ngã trước cổng nghĩa trang, sau lại liêu xiêu chạy. Em đoán có thể chị gặp chuyện gì đó, nên đuổi theo. Chị bị nhiễm lạnh, ngất đi bên đường”.

Cô gái bảo: “Đây là nhà bọn em. Em là Kaja, còn Andrej là bạn trai của em. Chị trở về an toàn rồi”. Tôi hoàn hồn, hiểu ra tình cảnh của mình, luống cuống cảm ơn, định ngồi dậy. Nhưng Kaja nói: “Chị nằm nghỉ thêm chút nữa. Em nấu cho chị bát súp, chị sẽ tỉnh người ngay”. Cô xăng xái vào bếp. Tôi nhìn đồng hồ, 2 giờ 5 phút sáng.

Một lúc sau, mùi súp đã thơm. Món súp của Kaja gọi là Prežganka, hương vị mộc mạc, dễ ăn, được nấu từ bột mì rang hòa nước và gia vị, khi bột quánh, sôi lục bục thì đập trứng gà, quấy đều là xong. Prežganka xuất xứ từ vùng nông thôn Trieste bên Ý, khi sang đến Slovenia, trở nên phổ biến. Chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn nhỏ. Đôi trẻ nhâm nhi trà thảo mộc.

Tôi vừa chậm rãi húp từng thìa súp nóng vừa kể qua về workshop và chuyện lạc đường. Andrej mỉm cười: “Bạn chị có lẽ hơi say nên chỉ ngược hướng. Thật ra, khách sạn rất gần”. Kaja đặt tay lên vai tôi, ân cần: “Andrej sẽ đưa chị về”. Tôi không biết nói gì hơn để cảm ơn lòng tốt của hai bạn trẻ. Quả là có lúc mọi cố gắng của ngôn từ đều trở nên bất lực trước ân tình.

Tôi về khách sạn lúc gần sáng, sau đêm dài lạnh lẽo lạc giữa thành phố lạ. Bước vào phòng, việc đầu tiên, tôi gọi Viber cho anh. Anh không nghe máy, chỉ gửi vài chữ, từ một múi giờ khác: “Anh đang họp, có gì em nhắn tin nhé” - “Em bị lạc ngoài phố đêm qua, mấy tiếng đồng hồ. Lạnh kinh khủng. Sợ hãi. Một trải nghiệm không thể quên được!”.

Tin nhắn của tôi rơi vào thinh lặng. Tôi chẳng ngạc nhiên. Tôi tắt điện thoại, mệt mỏi gieo mình xuống nệm. Chập chờn cơn mê nặng trĩu. Tôi mắc kẹt giữa đầm lầy âm u, bùn đất rong rêu vây bủa. Mưa sầm sập sắp nhấn chìm tôi. Tôi vẫy vùng, gắng thoát, nhưng không thể nhấc chân lên, càng vật lộn, càng lún sâu. Phía xa, trên bờ, thoáng một bóng quen. Tôi muốn gọi, nhưng cổ họng tắc nghẹn, không thể cất tiếng... Tôi nhận ra, nhiều điều còn đáng sợ hơn cái chết.

Tôi luôn tự hỏi, sau cái chết liệu có cõi nào khác, hay chỉ hư vô? Nếu đêm ấy Kaja và Andrej không xuất hiện như những thiên thần hộ mệnh, nếu tiếng chuông trong ngực tôi tắt lịm, thì bây giờ tôi đang ở đâu? Đến chặng này, với tôi, mọi thứ dần trở nên nhẹ bẫng. Tháng Mười Một tới, lên giây cót chiếc đồng hồ đời tôi thêm một lần nữa. Chuông ngân vào ngày tháng cũ, đánh thức nỗi xưa, ngỡ đã ngủ yên rồi.