Chinh phục thị trường phần mềm Mỹ nhờ những bài học từ Bác Hồ

Ông Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng Giám đốc FPT, kể: Vào một buổi sáng năm tôi 8 tuổi, bà ngoại gọi tôi thảng thốt: “Nam ơi, Bác Hồ mất rồi”. Chẳng biết gì nhưng thấy cả nhà khóc tôi cũng òa lên khóc. Lớn dần lên, thấy Bác giống như một vị thánh, thiêng liêng nhưng cao xa. Cho đến năm 1999, khi FPT quyết định xuất khẩu phần mềm...

Ông Nguyễn Thành Nam được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Thành Nam được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai năm dịch sách về Bác Hồ

Năm 1999 Công ty FPT còn non trẻ nhưng đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: xuất khẩu phần mềm sang Mỹ. Năm 2000, FPT chính thức tuyên bố thành lập công ty phần mềm tại Mỹ với kỳ vọng “Thắp sáng tên Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới” và một ngày nào đó Bill Gates sẽ họp cùng đội ngũ FPT về các vấn đề công nghệ toàn cầu.

Lúc đó, ông Trương Gia Bình, Tổng Giám đốc FPT và ông Nguyễn Thành Nam đang phụ trách FPT Software cùng tuyên bố sẽ trở thành “số một thế giới về phần mềm” và bắt đầu “cuộc trường chinh” đi lấy tiền Tây.

Nhưng rốt cuộc sau tuyên bố mạnh như “bom nguyên tử” ấy là một quả bom xịt: Công ty phần mềm của FPT tại Mỹ chẳng tìm được khách hàng nào, ốm dặt dẹo rồi... chết yểu. Thất bại đó gần như đương nhiên khi ông Nguyễn Thành Nam cùng đội ngũ của mình sang chinh phục thị trường khắc nghiệt nhất thế giới nhưng ngay cả tiếng Anh vẫn còn chưa thông thạo, trình độ công nghệ còn kém so với xứ người.

Cô đơn, chán nản và chắc sẽ bỏ cuộc nếu ông Nam không được “gặp” Bác Hồ. Đúng hơn, ông tình cờ đọc một cuốn sách viết về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách mang tên “Ho Chi Minh, a life” (Hồ Chí Minh, một cuộc đời) của nhà sử học Mỹ William Duiker. Ông đọc hết cuốn sách dày 600 trang ấy và khi gấp lại nước mắt tự nhiên trào ra. Ông ngộ ra nhiều điều, chợt thấy những tư tưởng của Bác sao mà gần gũi, thật phù hợp hoàn cảnh của FPT Software lúc đó khi khách hàng thưa thớt, anh em chán nản. Nhưng những khó khăn đó không là gì so với những khó khăn mà Bác Hồ từng đối mặt.

Cảm nhận sâu sắc giá trị từ những bài học cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong cuốn sách, ông Nguyễn Thành Nam quyết định dịch cuốn sách này sang tiếng Việt. Một công việc đầy khó khăn với một dịch giả không chuyên như ông, nhất là khi công việc ở FPT vốn hết sức bận rộn. Nhưng càng dịch, càng thấm nhuần những giá trị từ cuốn sách về cuộc đời Bác, càng say mê. Sau 2 năm miệt mài, ông Nam dịch xong cuốn sách đồng thời đúc kết lại 5 bài học lớn có thể áp dụng vào kinh doanh.

Chinh phục thị trường phần mềm Mỹ nhờ những bài học từ Bác Hồ -0
 Nhân viên FPT trao đổi nghiệp vụ.

“5 chiêu thức” chinh phục thị trường Mỹ

Ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ: “Tôi thường nói vui 5 bài học từ cuộc đời Hồ Chí Minh như 5 chiêu thức có thể luyện thành tuyệt chiêu, giúp các kỹ sư phần mềm Việt Nam chinh phục thị trường toàn cầu.

Bài học thứ nhất là xác định mục tiêu nhất quán. Trong tình huống bất ngờ, khó khăn đến đâu vẫn phải trả lời được câu hỏi: “Tại sao bạn phải làm việc này?” một cách dễ hiểu mà không tầm thường.

Khi trả lời một nhà báo nước ngoài năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chia sẻ mục tiêu của cuộc đời mình: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. (Hồ Chí Minh Toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T 4, Tr.187.) Trong suốt cuộc đời mình Bác luôn nhất quán với mục tiêu đó.

Khi xác định xuất khẩu phần mềm sang Mỹ, chúng tôi luôn kiên định mục tiêu: “Thắp sáng tên Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới”, cụ thể là ngồi họp bàn với Bill Gates. Cuối cùng, vào năm 2007 chúng tôi đã làm được.

Bài học thứ hai là kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp luận hiện đại của phương Tây với bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong hình ảnh một ông đồ làng giản dị, gần gũi nhưng Hồ Chí Minh đã lựa chọn chủ nghĩa Mác-Lênin cho con đường của mình. Theo bước chân Hồ Chí Minh, ở FPT Software, chúng tôi cũng đã tìm thấy một sự kết hợp tuyệt vời giữa tình làng nghĩa xóm của các làng nghề thủ công Việt Nam với phương pháp quản trị chặt chẽ theo tiêu chuẩn của Mỹ. Để ghi nhớ điều đó, khi xây dựng trụ sở của mình tại Hòa Lạc, chúng tôi đã đặt tên là “Làng nghề phần mềm FPT”.

Đi dép cao-su và mặc chiếc áo phông in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nam trông giản dị, tự nhiên khi nói với tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Càng nói ông càng say mê:

“Bài học thứ ba là tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân. Ngày 20/6/1940, khi nghe tin Paris bị quân Đức chiếm, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập cuộc họp ở Côn Minh và phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ”.

Khi đồng chí băn khoăn không có vũ khí để cướp chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ: “Khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là một trong những vấn đề rất quan trọng của cách mạng. Nhưng nếu bây giờ có vũ khí thì lấy ai mà vác vũ khí? Cho nên cứ tìm cách về nước đã, sau đó chúng ta sẽ vận động quần chúng. Khi quần chúng đã giác ngộ cao thì ta sẽ có vũ khí”.

Thấm nhuần bài học ấy, ở FPT Software, mỗi khi gặp việc khó mà trước đây chưa hề có kinh nghiệm, thí dụ như một công nghệ mới, một dự án lớn, hoặc mở một chi nhánh mới tại nước ngoài, chúng tôi đều kiên trì động viên ủng hộ các bạn trẻ. Có những bạn mới ra trường, nhưng được thách thức và tin tưởng, chưa bao giờ các bạn ấy làm chúng tôi thất vọng.

Bài học thứ tư là lấy thế thắng lực. Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc được Việt Nam là một nước yếu. Muốn “sánh vai các cường quốc năm châu” phải triệt để lợi dụng THẾ trong sự vận động không ngừng của thế giới. Nhờ lấy thế thắng lực mà tàn cuộc Thế chiến thứ Hai, Hồ Chí Minh với lực lượng chưa đến 5.000 đảng viên, thông qua Việt Minh, đã tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, giành lại chính quyền trong vòng 2 tuần.

Ở FPT Software, mỗi khi phải đối mặt với các đối thủ mạnh hơn mình nhiều lần, chúng tôi đều kiên trì lợi dụng từng ưu thế nhỏ, đặc biệt là ưu thế của Việt Nam, một đất nước kiên cường nhưng thanh bình. Thông qua những người bạn bản xứ có cảm tình với Việt Nam (mà chúng tôi hãy gọi đùa là ông bác ở trên tỉnh), từng bước thay đổi vị thế. Bằng cách đó chúng tôi đã thuyết phục được các đại gia như Motorola, Sony, GE, Airbus trở thành khách hàng của mình.

Và cuối cùng thứ năm: Học và hành. Học và hành có một mối quan hệ hữu cơ khó tách rời, được Hồ Chí Minh tổng kết như sau:

“Thực hành sinh ra hiểu biết

Hiểu biết tiến lên lý luận

Lý luận lãnh đạo thực hành”.

(Báo Nhân Dân, số 17, ngày 19/7/1951).

Trong ngành công nghệ thay đổi liên tục. Muốn tận dụng lợi thế của người đi sau, bạn phải hành động thật nhanh. Khi gặp các công nghệ mới, dù chưa học bạn cũng nhận ngay làm, “đánh” lấy kinh nghiệm, rồi đúc kết, tổ chức, hệ thống lại, để tiến tới các dự án to lớn hơn”.

Sau khi đã thấm nhuần 5 “chiêu thức” ấy, từ chỗ chán nản, thất bại, ông Nguyễn Thành Nam và các cộng sự của mình đã nhận ra những sai lầm chí mạng và vạch ra con đường mới, “lật ngược thế cờ”, cuối cùng đưa FPT Software chinh phục thị trường phần mềm Mỹ.

Kể từ cái thuở ban đầu “mang chuông đi đánh xứ người” ấy, đến nay FPT Software đã trở thành công ty xuất khẩu phần mềm lớn với lợi nhuận năm 2021 đạt 2.483 tỷ đồng, chiếm hơn 40% cơ cấu lợi nhuận của Tập đoàn FPT. Hiếm có công ty nào có lợi nhuận lớn như vậy từ xuất khẩu phần mềm tới các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ. Ít ai biết, thành công ấy bắt nguồn từ những triết lý kinh doanh được ứng dụng 5 bài học lớn mà “người mở đường” Nguyễn Thành Nam đã ngộ ra từ cuộc đời Hồ Chí Minh.

Ngoài cuốn sách “Hồ Chí Minh, một cuộc đời”, ông Nam còn đọc và nghiên cứu thêm nhiều cuốn sách khác viết về Bác Hồ để tìm ra hướng đi mới cho công việc. Ông thường chia sẻ về những bài học từ cuộc đời Bác với bạn bè, đồng nghiệp và một cách tự nhiên nhiều người coi ông như “chuyên gia” về Bác. Ông đã được Thủ tướng tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2019.

Cách đây hơn 10 năm, có một người Mỹ, chủ một quỹ đầu tư ở Việt Nam, xin gặp ông Nguyễn Thành Nam và đề nghị ông nói chuyện về đề tài này với các chủ doanh nghiệp mà quỹ đã đầu tư. Ông Nguyễn Thành Nam nhận lời. Cuộc nói chuyện có khoảng 40 người, trong đó có nhiều bạn trẻ. Họ rất phấn khích. Còn ông Nam vui vì đưa được phương pháp Hồ Chí Minh đến với những bạn trẻ. Nhiều người trong số họ giờ đã là những doanh nhân thành đạt. Với ông nhiều khi bí quyết mở con đường mới, con đường dẫn đến tương lai, đã nằm sẵn trong quá khứ. Chỉ cần chúng ta biết trân trọng và tiếp cận nó một cách khoa học.

Và ông luôn nhớ lời Bác: “Phải học tập, học tập trong việc làm hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp”.