Niềm tin kinh doanh đang chờ các hành động cụ thể

Nhanh chóng triển khai các cơ chế, chính sách mới sẽ tạo nền tảng cho bước phát triển đột phá của doanh nghiệp và nền kinh tế. Niềm tin kinh doanh đang chờ các hành động cụ thể.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty TNHH STRONICS Việt Nam, Khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang) lắp ráp thiết bị điện tử. Ảnh: KHÁNH AN
Công nhân Công ty TNHH STRONICS Việt Nam, Khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang) lắp ráp thiết bị điện tử. Ảnh: KHÁNH AN

Không gian đầu tư mở rộng

“Các nhà đầu tư cần dành nhiều thời gian để đánh giá tác động và tôi tin là sẽ có nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh mới và thuận lợi đang mở ra”, bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật Vilaf chia sẻ với các nhà đầu tư đang quan tâm tới môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam khi nhắc tới thủ tục đầu tư đặc biệt tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu vừa được kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV thông qua.

Được nhắc tới với thuật ngữ chuyên môn là “luồng xanh”, kể từ ngày 15/1/2025, các nhà đầu tư có thể lựa chọn đăng ký theo thủ tục đầu tư đặc biệt, với thời gian 15 ngày để có được giấy chứng nhận đầu tư. So với khoảng 260 ngày theo quy trình bình thường và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường, các nhà đầu tư có thể tính ngay được khoản tiết kiệm từ chi phí tuân thủ và chi phí cơ hội không hề nhỏ.

Đặc biệt, trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các dự án công nghệ cao đang hoạt động, nếu đáp ứng điều kiện cũng có thể lựa chọn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt để rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án.

“Đây là thời điểm thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các kế hoạch đầu tư lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn; đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển… trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế”, bà Duyên nhấn mạnh.

Rõ ràng, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam không dừng lại ở các bước cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí cho nhà đầu tư mà còn thông điệp từ các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào các ngành công nghệ mới, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo…

Điều này, bản thân các nhà đầu tư nước ngoài đang nhận diện rõ, thể hiện ngay trong số liệu cập nhật về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam trong 11 tháng qua. Chỉ trong tháng 11/2024, đã có gần 4,12 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Đây là con số khá lớn so với các tháng trong năm, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng (31,4 tỷ USD). Đặc biệt, số vốn đăng ký tăng thêm của các dự án hiện hữu khá lớn, tăng 40,7% so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức 9,93 tỷ USD của 1.350 dự án…

Đặc biệt, số vốn giải ngân trong 11 tháng cũng ghi nhận tích cực, với khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Những đòi hỏi thực tiễn

Tốc độ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn đang được coi là “át chủ bài” của Chính phủ trong quyết tâm thực hiện yêu cầu gỡ nút thắt thể chế, khơi thông các nguồn lực của nền kinh tế. Đây cũng là điều các doanh nghiệp trông đợi, song cũng đang là áp lực lớn mà các bộ, ngành đối mặt.

Bởi lâu nay, sự chậm trễ của các văn bản hướng dẫn luôn là “rào cản”, làm chậm hiệu lực và tinh thần của các cơ chế, chính sách mới được ban hành. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) buộc phải đề cập đến điều này khi nhìn lại quãng thời gian bốn tháng qua, tính từ thời điểm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực vào 1/8/2024, thay vì 1/1/2025 như kế hoạch ban đầu. “Việc Chính phủ quyết định và trình Quốc hội thông qua việc đẩy nhanh thời điểm có hiệu lực của các luật là tín hiệu tích cực, thể hiện quyết tâm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn của lĩnh vực đất đai và thị trường bất động sản, thúc đẩy sự phát triển. Tuy vậy, trong hơn 4 tháng qua, việc triển khai trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, rõ nhất là chưa có đầy đủ các văn bản hướng dẫn chi tiết, đặc biệt ở cấp địa phương”, ông Tuấn cho biết.

Thực tế, dù đã rất cố gắng, trong thời gian ngắn Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản hướng dẫn cấp nghị định, thông tư nhưng nhiều văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương chưa được ban hành. Khá nhiều địa phương còn lúng túng, chần chừ trong việc hướng dẫn và thực hiện các luật mới.

Nguyên nhân được xác định là do nhiều chế định mới, lớn, nhiều địa phương cần quy trình tham vấn, lấy ý kiến mất nhiều thời gian. Thêm nữa, theo như báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương còn gặp khó khăn về nhân lực, bộ máy, hoặc chưa hiểu rõ và tự tin áp dụng được các quy định mới.

Như vậy, với 18 văn bản luật vừa được ban hành, trong đó nhiều văn bản luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, số lượng văn bản hướng dẫn cần hoàn thiện không nhỏ. Đó là chưa kể đến Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất cũng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ thể chế, giải phóng nguồn lực đang ách tắc…

Ông Tuấn cho rằng, thời điểm này, rất cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực thi, thúc đẩy thực thi các luật mới ở cả Trung ương lẫn địa phương, bảo đảm việc triển khai luật một cách nhanh chóng và đồng bộ.

Tư duy khuyến khích, thay vì quản lý

Mặc dù tin rằng các nỗ lực hoàn thiện văn bản hướng dẫn của Chính phủ sẽ bảo đảm cả tiến độ và chất lượng, song ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn nhắc đến các mục tiêu của năm 2025 vừa được Quốc hội thông qua, nhất là phấn đấu đạt 7-7,5% tăng trưởng GDP.

Đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động khó lường, cùng với đó là những thay đổi lớn trong giai đoạn sắp xếp, tinh gọn bộ máy, công việc của năm tới sẽ vất vả hơn nhiều.

“Nhưng sẽ là một năm đáng ghi nhớ”, ông Hiếu nhấn mạnh tới yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật được ghi trong Nghị quyết 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Nguyên tắc sẽ là vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; các quy định của luật phải ổn định, phổ quát, lâu dài, chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc; chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, tạo khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn…

Đặc biệt, ông Hiếu nói, tư duy khuyến khích, thay vì quản lý, giám sát sẽ phải được hiện thực hóa trong các văn bản hướng dẫn.

Niềm tin của cộng đồng kinh doanh đang cần được các hành động cụ thể hậu thuẫn.

Một số Luật vừa được Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV thông qua: Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính…