KINH DOANH XĂNG DẦU PHẢI GẮN VỚI TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
Những tháng cuối năm 2022 tình trạng thiếu xăng và hàng loạt cây xăng đóng cửa tại nhiều tỉnh và thành phố trong Nam rồi lan ra các vùng ngoài Bắc gây nhiều hoang mang và khó khăn cho người tiêu dùng. Đúng thời điểm thị trường xăng dầu trong nước căng thẳng, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nơi cung ứng tới 35-40% sản lượng xăng dầu trong nước lại gặp trục trặc. Trong khi đó, cơ chế về phân phối xăng dầu trong nước còn bất cập. Tất cả những nguyên nhân ấy dẫn đến tình trạng thị trường xăng dầu ở một số địa phương thiếu hụt, gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Có những nơi, người dân, doanh nghiệp phải xếp hàng dài cả đêm chờ đổ xăng dầu.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng để bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định, tránh việc trồi sụt đứt gãy ngoài tầm kiểm soát, có hai vấn đề cần quan tâm.
Một là phải bảo đảm sự ổn định của hai nhà máy lọc dầu trong nước bao gồm nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Hai nhà máy lọc dầu này hoạt động ổn định bình thường sẽ tạo ra nguồn cung ổn định cho thị trường. Thị trường xăng dầu “kỵ” nhất sự bất ngờ, “phanh gấp” không nằm trong kế hoạch có thể dẫn đến đứt gãy nguồn cung.
Hai là, cần quan tâm đến năng lực tài chính của các thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Nhiều thương nhân đầu mối có nguồn lực tài chính kém, nhưng khi vay tiền ngân hàng lại sử dụng không đúng mực đích, dẫn đến không nhập khẩu xăng dầu. Qua kiểm tra có những thương nhân đầu mối 3 năm không nhập khẩu xăng dầu.
Theo ông Trần Ngọc Năm tình trạng này khiến Petrolimex “vạ lây” vì không biết thương nhân nào vào thị trường để chủ động lên kế hoạch nhập khẩu. Để trở thành thương nhân đầu mối xăng dầu cần đáp ứng những điều kiện theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng thực tế trong quá trình hoạt động, nhiều thương nhân đầu mối chưa thực hiện đủ các yêu cầu đó. Một số thương nhân đầu mối đã tạm ngừng hoạt động khi thị trường xăng dầu căng thẳng, điều đó chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa” khi cơn “khát” xăng dầu đang lên đến đỉnh điểm.
Ông Trần Ngọc Năm cho biết, Petrolimex đã góp phần lớn trong bảo đảm an ninh xăng dầu trong thời gian qua vì chiếm thị phần lớn và luôn kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội. Petrolimex luôn xác định bảo đảm nguồn cung ổn định trong mọi thời điểm chứ không phải lúc thị trường thuận lợi thì kinh doanh hăng hái, lúc khó khăn thì hoạt động cầm chừng.
Trong thời điểm nhiều cây xăng treo biển ngừng hoạt động, hệ thống các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên toàn quốc lại mở bán 24/24 giờ. Nhiều cán bộ công nhân viên của tập đoàn này phải tăng ca, căng sức để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của người dân và doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm sửa đổi nghị định 95/2021/NĐ-CP theo hướng phải quy định trách nhiệm và quyền lợi chặt chẽ hơn đối với các thương nhân đầu mối, bảo đảm bình đẳng giữa các thương nhân đầu mối, không để xảy ra tình trạng lúc thuận lợi thì tham gia thị trường lúc khó thì bỏ mặc, dẫn đến nguy cơ mất an ninh năng lượng.
Ngoài ra, phải công khai minh bạch, trong đó có vấn đề xuất hóa đơn điện tử khi bán xăng dầu. Ngày 19/12/2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành Công điện số 10/CĐ-TCT yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt, khẩn trương triển khai việc lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Điều này tránh việc kinh doanh xăng dầu tù mù, bán hàng không rõ nguồn gốc gây thất thu thuế và nhiều hệ lụy khác.
Hiện nay Petrolimex đang đi tiên phong trong thực hiện hóa đơn điện tử khi bán xăng dầu, ngoài ra thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số để công khai minh bạch thông suốt trong quản lý, ngồi một nơi có thể biết được số lượng đầu ra đầu vào của từng đại lý xăng dầu… Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác đang chậm trễ trong việc thực hiện xuất hóa đơn điện tử và vẫn giữ thói quen “tù mù” trong kinh doanh xăng dầu. Một thị trường xăng dầu thiếu công khai, minh bạch cũng dễ dẫn đến nguy cơ mất ổn định.
NHÀ NƯỚC PHẢI LÀ CHỦ THỂ NẮM LƯỢNG DỰ TRỮ XĂNG DẦU
Để bảo đảm an ninh năng lượng Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định lúc nào các đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng phải có lượng dự trữ lưu thông ít nhất là 20 ngày.
Vấn đề đặt ra là khi Bộ Công thương đi kiểm tra thì các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có dự trữ lưu thông đúng quy định không? Các đầu mối này vừa làm dự trữ lưu thông, vừa làm dự trữ quốc gia, mà dự trữ quốc gia thì được hưởng ngân sách nhà nước cho công tác bảo quản. Vậy có sự lẫn lộn giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của doanh nghiệp không?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Việc các doanh nghiệp đầu mối có thực hiên dự trữ bắt buộc của mình hay không, vẫn là “ẩn số”. Do nước ta chưa có hệ thống kho riêng để dự trữ mặt hàng xăng dầu nên cơ chế hiện nay là xăng dầu dự trữ quốc gia được giao cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu mối.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận đây là điều chưa hợp lý. Nếu có cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia với dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối thì việc kiểm tra, kiểm soát và vận hành mới tốt.
Có lẽ, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự trữ xăng dầu của Việt Nam rất ít, chỉ đáp ứng được nhu cầu khoảng 5-7 ngày. Và theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, quỹ này chỉ được sử dụng trong những tình huống đặc biệt.
Ngoài ra, còn nhiều khó khăn trong bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia, đó là chưa được bảo quản riêng; các quy định về thẩm quyền, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế-kỹ thuật mặt hàng xăng dầu, dự trữ nhà nước còn hạn chế, việc áp dụng các quy định pháp luật về nhập, xuất, luân chuyển hàng dự trữ quốc gia đã phát sinh vướng mắc, bất cập.
Nhằm bảo đảm cho an ninh xăng dầu quốc gia trong mọi tình huống, ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của quy hoạch đặt ra là phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt để cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó, dự trữ dầu thô và sản phẩm chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20-25 ngày nhập ròng phục vụ sản xuất; dự trữ thương mại đáp ứng 30-35 ngày nhập ròng; dự trữ quốc gia đáp ứng 15-30 ngày nhập ròng; bảo đảm hạ tầng dự trữ với LPG sức chứa 800.000-900.000 tấn…
Để thực hiện mục tiêu trên, quy hoạch đặt ra việc phát triển hạ tầng dự trữ, kho cung ứng xăng dầu tại các nhà máy sản xuất, chế biến, giai đoạn 2021-2030 sẽ xây mới 500.000m3 kho chứa xăng dầu phục vụ dự trữ quốc gia; xây mới 1-2 kho dự trữ dầu thô tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn) với tổng công suất 1-2 triệu tấn dầu thô.
Với hạ tầng dự trữ thương mại, sẽ tiếp tục khai thác 89 kho hiện có. Mở rộng 43 kho với tổng công suất tăng thêm khoảng 1,4 triệu m3. Xây mới 59 kho xăng dầu đã được quy hoạch tại các vị trí thuận lợi, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của các địa phương với tổng công suất khoảng 5,1 triệu m3.
Định hướng phát triển hệ thống kho xăng dầu theo vùng cung ứng, đáp ứng yêu cầu dự trữ quốc gia, dự trữ thương mại theo nhu cầu thị trường, bảo đảm an ninh năng lượng, ưu tiên tại các khu vực đã được quy hoạch cảng biển quy mô lớn, những khu vực thuận lợi về giao thông.
Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia cần có nguồn lực tài chính rất lớn, Nhà nước phải là chủ thể nắm lượng dự trữ xăng dầu để có thể can thiệp vào thị trường, thay đổi giá cả, đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dân sinh.