Lần đầu tiên doanh nghiệp nhận nhiệm vụ tăng trưởng
Hòa Phát cam kết sẽ đạt mức tăng trưởng hằng năm không thấp hơn 15% trong giai đoạn 5 năm tới. Tập đoàn BRG cũng đưa con số là 8,8%/năm.
Lãnh đạo các doanh nghiệp đều xác định, họ sẽ không đứng ngoài kế hoạch của Chính phủ trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng ít nhất là 8% trong năm 2025 và cao hơn, tới 2 con số trong các năm tiếp theo. “Các doanh nghiệp đều sẽ đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới vào trung tuần tháng 2/2025.
Nhưng không dừng lại ở các con số cam kết, hàng loạt dự án dự kiến sẽ tạo nên các mục tiêu trên cũng đã được doanh nghiệp nêu lên.
Với Hòa Phát, cơ hội dài hơi nằm ở các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và cả dự án đường sắt cao tốc. Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết sẽ đầu tư nhà máy sản xuất đường ray, với tổng vốn đầu tư có thể lên tới 10 nghìn tỷ đồng; cam kết cung cấp đủ thép, dự kiến khoảng 10 triệu tấn, bảo đảm chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu cho các dự án đường sắt...Với BRG, đó là kế hoạch thực hiện siêu dự án xây dựng thành phố thông minh Bắc Hà Nội với quy mô 4,2 tỷ USD.
Với Tập đoàn THACO, Chủ tịch Tập đoàn Trần Bá Dương thông tin sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép bên các ngành, lĩnh vực truyền thống. “Chúng tôi sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành. Chúng tôi cũng hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm”, ông Dương cam kết.
Cũng phải nhắc lại, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ít nhất là 8% đã được Chính phủ trình Quốc hội XV tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 2/2025. Trong Tờ trình, Chính phủ nêu rõ mục tiêu tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số từ năm 2026, năm 2025 cần phải đạt được mức tăng trưởng 8%. Kịch bản được đưa ra là các khu vực kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024, trong đó công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Như vậy, các kế hoạch đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm nay sẽ ngay lập tức đóng góp vào tăng trưởng GDP nếu tốc độ giải ngân vốn đầu tư thuận lợi và số lượng vốn đầu tư tăng trở lại. Năm 2024, tốc độ tăng vốn đầu tư của khu vực tư nhân đã hồi phục đáng kể, với tỷ lệ khoảng 7%, so với mức tăng 2,7% của năm 2023. Nhưng so với tốc độ tăng bình quân của nhiều năm trước đó, khoảng 15-17%/năm, dư địa đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, cụ thể là của các doanh nghiệp tư nhân còn rất lớn.
Tâm tư gửi Chính phủ
Các tiết lộ về kế hoạch, dự án kinh doanh trong vài năm tới của nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn không phải ngẫu nhiên. Có không ít dự án của doanh nghiệp đang vướng, không thể triển khai trong nhiều năm. Lý do được nhắc đến khá đa dạng, từ thủ tục phức tạp, quy định chưa rõ ràng. Thậm chí, bà Mai Thanh, Chủ tịch REE chia sẻ dự án xử lý rác ở địa bàn Trà Vinh và TP Hồ Chí Minh đã 3 năm vẫn chưa thông qua được...
Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở những tồn tại hiện hữu. Phát biểu với Thủ tướng, ông Trần Đình Long khá tâm tư trước các cơ hội lớn. “Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, nhưng đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai”, ông Long thẳng thắn. Tương tự, với các doanh nghiệp thi công đường sắt cao tốc, sẽ cần nhập nhiều thiết bị máy móc đặc chủng, đầu tư lớn nhưng không thể sử dụng nhiều.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào sự thuận lợi trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện. Ông Đặng Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho rằng, trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi phương tiện gây ô nhiễm, phát triển công nghệ số đòi hỏi phải phát triển năng lượng. “Cần có cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia kinh doanh điện, góp phần bảo đảm đủ sản lượng, giảm giá thành điện”, ông Quang bày tỏ.
Các doanh nghiệp cũng đã tính, cứ 1% GDP tăng trưởng thì chúng ta cần có 1,2-1,5% tăng trưởng về công suất điện. Trong khi đó, các dự án trong nhiều lĩnh vực mới như Data Center, xe điện, tàu điện đều cần rất nhiều điện..., chính sách giá điện đang rất khó cho doanh nghiệp đầu tư do khó có được sự đồng thuận trong đàm phán giá...
“Chúng tôi đề nghị ban hành giá điện cho từng loại hình năng lượng và không cần đàm phán mất nhiều thời gian mà chưa chắc đưa ra được quyết định về giá. Bởi trên một địa bàn mỗi doanh nghiệp đầu tư có cách và công nghệ khác nhau và suất đầu tư khác nhau. Chúng tôi mong muốn cần ban hành giá điện cho từng loại hình doanh nghiệp, giá điện đó phải thu hút nhà đầu tư và phù hợp với nền kinh tế”, bà Mai Thanh kiến nghị.
![]() |
Sản xuất và lắp ráp ô tô tại Tập đoàn THACO. Ảnh | TRẦN TUẤN |
Lời cam kết của Thủ tướng
Ngay sau các đề xuất của doanh nghiệp, Thủ tướng đã đề nghị các bộ, ngành liên quan trao đổi, bàn bạc với các doanh nghiệp, hai bên có cam kết để triển khai công việc cụ thể, tham gia thực hiện những nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước.
Thí dụ trong xây dựng đường sắt tốc độ cao, Bộ Giao thông vận tải có cam kết với Hòa Phát về đường ray, với THACO về toa tàu, với Đèo Cả, Xuân Trường về đào hầm, làm đường… “Các cam kết này phải trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, người dân, không có tiêu cực, tham nhũng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước khi các doanh nghiệp có ý kiến, Thủ tướng đã đề nghị cụ thể rằng, trong các việc lớn của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế, chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Các việc lớn mà Thủ tướng nhắc đến gồm dự án đường sắt tốc độ cao bắc nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân... Cùng với đó là các kế hoạch phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ...
Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết rà soát lại các quy định, xây dựng thể chế thông thoáng, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xóa bỏ cơ chế xin-cho, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Thông điệp: Chính phủ, bộ ngành, địa phương “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” một lần nữa được nhấn mạnh.
Có thể thấy, môi trường kinh doanh - đầu tư năm nay sẽ có những thay đổi rất tích cực, từ cam kết của Thủ tướng và sự tin tưởng của cộng đồng kinh doanh.